Hoạt động đánh giá và đánh giá bằng nghệ thuật đối với đời sống tinh thần con người Việt
Mỗi dân tộc, mỗi nhóm xã hội và mỗi cá nhân trong tính cộng đồng của các quan hệ xã hội ở một thời đại hay một giai đoạn lịch sử nhất định, đều sống với những giá trị tinh thần nhất định, mà giá trị đó không phải là cái gì khác ngoài những giá trị cơ bản: chân – thiện – mỹ. Tổng hợp những giá trị đó tạo thành một hệ giá trị của xã hội, dĩ nhiên hệ giá trị đó cũng thay đổi cho phù hợp với những thời đại và các giai đoạn lịch sử nhất định. Trong hệ giá trị đó, thì nghệ thuật bằng nhiều hình thức phong phú khác nhau đã tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng, sự cần thiết cấp bách của sự nghiệp xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nó tham gia vào việc xác định mục tiêu chính trị, lý tưởng xã hội, xem đó như một giá trị nền tảng của tư tưởng, đạo đức và lối sống, - những lĩnh vực then chốt của đời sống tinh thần xã hội.
Truyền thống, bản thân nó có vai trò khác nhau đối với từng giai đoạn của sự phát triển lịch sử. Về vấn đề này không phải bao giờ cũng có cách đánh giá và nhìn nhận đúng đắn. Tuy nhiên, nói đến truyền thống là nói đến cái tất yếu có tính phổ biến, liên tục và thường xuyên tạo thành cái bản sắc của một dân tộc. Cố nhiên, truyền thống, tự bản thân nó luôn mang tính hai mặt: mặt giá trị như là chuẩn mực chung của xã hội và vai trò định hướng, đồng thời còn có mặt phản giá trị, hoặc những giá trị không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Cần có quan điểm đúng đắn trong việc kế thừa và phát huy những giá trị tinh thần của dân tộc, cũng như việc tiếp thu những tinh hoa của nền văn hóa nhân loại. Đồng thời tránh hai khuynh hướng : qúa coi trọng dẫn đến tuyệt đối hóa giá trị tinh thần dân tộc, hạ thấp tinh hoa văn hóa bên ngoài hoặc và ngược lại. Nhưng với ý nghĩa chung nhất, thì truyền thống có chức năng xã hội, mà chức năng cơ bản của nó là vai trò điều tiết, kiểm soát, định hướng đối với sự hoạt động và tiến trình phát triển chung của xã hội.
Việt
Kinh tế thị trường, cố nhiên, cũng đòi hỏi một hệ giá trị và những chuẩn mực mới thích ứng với nó. Bởi vậy, nghệ thuật tham gia việc mở rộng hệ giá trị tinh thần của dân tộc bao gồm cả sự du nhập những tinh hoa của nhân loại, những giá trị phổ biến của thời đại là tất yếu. Nhưng cũng cần phải thấy rằng sự tiếp thu những giá trị tinh thần qua kết qủa của giao lưu văn hóa, nghệ thuật với nước ngoài, thực sự có ý nghĩa trong chừng mực chúng hòa nhập vào bảng giá trị tinh thần dân tộc như những thành tố hữu cơ. Nói cách khác, chỉ có thể tiếp nhận những giá trị, những chuẩn mực giá trị bên ngoài nào mà sự hiện diện của chúng không phá vỡ sự ổn định và tính hiện đại của những giá trị truyền thống. Đồng thời, cần phát huy và nâng cao, đổi mới những giá trị truyền thống, khắc phục những cái đã lỗi thời, những phản giá trị ngoại nhập. Nhưng trong hoạt động thẩm mỹ, giá trị truyền thống thẩm mỹ của dân tộc ta không chỉ là sự kết hợp giữc cái thực dụng (cái có ích) với cái thẩm mỹ, mà ở trong quan hệ xã hội, cái thẩm mỹ còn gắn liền với cái đạo đức và được thể hiện ở cái đạo đức. Những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, không chỉ là một hệ thống những qui phạm về mặt đạo đức, mà còn là những nhân tố điều tiết các quan hệ giữa con người với con người về mặt pháp luật, về quan niệm sống, lối sống, chúng cũng là những chuấn mực của việc đánh giá thẩm mỹ và đánh giá nghệ thuật.
Phát huy những giá trị thẩm mỹ truyền thống, một mặt phải xét đến thành qủa được kết tinh trong truyền thống dựng nước và giữ nước cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Nhân dân ta luôn đưa cả trí tuệ, tài năng và tâm hồn vào qúa trình lao động và sáng tạo để tạo ra những sản phẩm vật chất mỗi ngày một tốt hơn, tiện lợi hơn và đẹp hơn. Qúa trình đó luôn in đậm dấu ấn của đức tính cần cù, thông minh, khéo léo với óc thẩm mỹ tinh tế rất đặc thù của con người Việt
Hoạt động nghiên cứu lý luận phê bình cũng có nhiều chuyển biến tích cực, khắc phục tình trạng chậm trễ, trầm mặc trước đây. Quan niệm về phương pháp nghiên cứu và phê bình có tính đa dạng và phong phú hơn, mở đường cho sự tồn tại các tác phẩm nghệ thuật trong và ngoài nước, kể cả những tác phẩm do những mục đích nào đó đã bị xuyên tạc bởi sự chống phá ta trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình”. Chẳng hạn, mục “Diễn đàn văn hóa – nghệ thuật” của báo “Công an thành phố Hồ Chí Minh”, là chuyên mục mang tính dân chủ hóa để rộng đường dư luận trong việc thảo luận, tranh luận công khai về những vấn đề văn hóa – nghệ thuật có tính thời sự nhất, không chỉ đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cho các nhà nghiên cứu, phê bình mà nó còn được đông đảo quần chúng quan tâm. Qua chuyên mục này, chúng ta đã từng đấu tranh với những khuynh hướng lệch lạc trong nghệ thuật khi một số tác phẩm văn học gây nên sự hoang mang và kích thích tâm lý bi quan, ai oán, hoài nghi “viết về kháng chiến đã không phân biệt chiến tranh chính nghĩa với chiến tranh phi nghĩa”. Chẳng hạn, có những tác phẩm phủ định thành tựu cách mạng của quá khứ, thể hiện những kiểu ám chỉ, biểu tượng những ẩn ý cay độc. “Biểu hiện tập trung tệ hại nhất của khuynh hướng này là truyện ngắn “Linh nghiệm” của Trần Huy Quang. Tác giả không chỉ phủ nhận con đường cách mạng nhân dân ta đã lựa chọn mà còn miệt thị quần chúng nhân dân, xúc phạm đến những tình cảm sâu xa nhất của dân tộc. Truyện ngắn này đã tạo nên sự bất bình và phẫn nộ trong đông đảo bạn đọc” [Thông báo của Hội nhà văn Việt Nam ngày 10-09-1992, tuần báo Văn nghệ số 39 ngày 29-09-1992]. Thậm chí, có những tác phẩm cố ý xuyên tạc sự thật lịch sử. Với giọng văn lạnh lùng, nhẫn tâm, “Man Nương” là một thí dụ, vì “Man Nương” đã nhạo báng, bỡn cợt tất cả không chừa một ai kể cả Mẹ Âu Cơ, các vua Hùng và đức Thánh Trần. Tuy nhiên, cũng có nhiều tác phẩm nghệ thuật, tác giả có thiện tâm, thiện chí xây dựng, nhưng do thiếu thông tin, thiếu sự cảnh giác, có phần qúa nóng vội, bực bội với những cái xấu mà chú tâm chọn lựa nó để phân tích, mổ xẻ, phản ánh cũng dẫn đến sự đánh giá thiếu đúng đắn. Nhưng ở không ít những tác phẩm, người đọc dường như thấy rõ ý định truyền bá có ý thức về nhận thức sai trái, dẫn đến lây lan cái tâm lý bất bình, phản kháng không có ý nghĩa chính đáng đối với những vấn đề chính trị – xã hội đã qua và đang tồn tại của tác giả.
Cũng phải nói thêm rằng, trong hoạt động đánh giá, phê bình nghệ thuật vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Vấn đề dân chủ hóa được mở rộng trên “diễn đàn văn hóa – nghệ thuật”, cũng làm xuất hiện không ít những bài viết đã phê phán một cách tùy tiện đối với tác giả, tác phẩm, lẫn công chúng nghệ thuật; sự xuất hiện những bài viết này làm cho chúng ta cảm thấy lo ngại cho sự tìm tòi và sáng tạo của nghệ sỹ đối với “cái mới”, “cái gai góc” của cuộc sống. Mặt khác, đa số các bài phê bình lại né tránh hiện thực, không dám giải quyết những vấn đề gai góc đang diễn ra trong đời sống nghệ thuật. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đánh giá đúng sai, thật giả đối với tác phẩm nghệ thuật; hơn thế nữa, công tác lý luận, sự phê bình theo tinh thần đó không có khả năng định hướng thị hiếu, giá trị nghệ thuật lành mạnh cho công chúng. Cho nên, công tác lý luận, phê bình phải phát huy tốt hơn nữa vai trò thẩm định tác phẩm nghệ thuật, hướng dẫn dư luận xã hội phê bình văn học nghệ thuật, không ngừng nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và trình độ thưởng thức nghệ thuật cho công chúng, đặc biệt là đối với tầng lớp thanh, thiếu niên, nhi đồng.
Trong thời đại của những cách tân thời thượng của hàng ngàn tuyên ngôn, tuyên cáo, của những thị hiếu xô bồ đến hỗn loại đang diễn ra ở trên thế giới, đặc biệt là tất cả sự hỗn loạn đó, kẻ địch đã và đang tìm đường du nhập vào nước ta nhằm thực hiện cuộc “xâm lăng không khói súng”, thì sự nghiệp lý luận phê bình văn nghệ đòi hỏi cần có những hình thức mới để tập hợp đội ngũ những người làm lý luận, phê bình, nghiên cứu có quan điểm đúng đắn, có năng lực và kinh nghiệm, có những phương thức tiếp cận mới trên cơ sở các nguyên lý mỹ học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối văn nghệ của Đảng ta.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét