Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

Tăng cường mối quan hệ giữa nghệ thuật với sự nghiệp đổi mới đất nước.

Vấn đề định hướng phát triển văn hóa – văn nghệ đã được Đảng ta quan tâm từ lâu. Từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, qua mỗi kỳ đại hội của Đảng và những bức thư gởi cho các văn nghệ sỹ, Đảng ta đã nêu ra những phương châm lớn định hướng cho sự phát triển văn hóa - nghệ thuật, nhằm giải quyết những yêu cầu và nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của mỗi giai đoạn, thời kỳ khác nhau của cách mạng Việt Nam.

Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới việc vạch ra và xây dựng cơ sở lý luận, ý nghĩa khoa học của những phương châm lớn, định hướng cho sự phát triển văn hóa - nghệ thuật nhằm mang lại những thành qủa to lớn cho hoạt động nghệ thuật. Việc định hướng phát triển nghệ thuật, một mặt xuất phát từ những định hướng phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; mặt khác xuất phát từ những yêu cầu về mặt chất lượng của các sáng tác nghệ thuật sao cho phù hợp với nội dung của thời kỳ chuyển tiếp của những giá trị tinh thần, thẩm mỹ truyền thống, bảo tồn và phát phát triển những giá trị truyền thống với qúa trình xây dựng nền nghệ thuật mới tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc làm lành mạnh làm phong phú đời sống tinh thần con người Việt Nam.

Một trong những vấn đề có tính định hướng chung nhất khi nghiên cứu vai trò của nghệ thuật trong đời sống tinh thần là phải gắn liền với qúa trình xây dựng và định hướng các giá trị tinh thần mới, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện hại hóa đất nước. Từ những định hướng chung cơ bản đó, phải thể hiện ra những giải pháp lớn vừa có ý nghĩa cấp thiết trước mắt và vừa có ý nghĩa lâu dài của phát triển nghệ thuật nhằm nâng cao và làm phong phú đời sống tinh thần con người Việt Nam. Định hướng cơ bản có tính nguyên tắc đầu tiên là tăng cường mối quan hệ giữa nghệ thuật với sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tăng cường mối quan hệ giữa nghệ thuật với sự nghiệp đổi mới đất nước.

Sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một giá trị, mà mục tiêu vươn tới giá trị đó là : dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn mính. Bởi vì nó không chỉ là sự phản ánh xu hướng phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay mà còn là một khát vọng ngàn đời của dân tộc, của nhân dân, của Bác Hồ kính yêu và của Đảng ta. Cho nên, nói đến sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là nói đến một tập hợp những giá trị tổng quát có quan hệ chặt chẽ và ràng buộc với nhau, bản thân nó luôn bao hàm sự thống nhất giữa tính khách quan của sự phát triển kinh tế – xã hội và nguyện vọng chủ quan của nhân dân ta; giữa điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay và xu hướng phát triển tất yếu của thời đại.

Trong đời sống kinh tế - xã hội nói chung và ở mỗi lĩnh vực của hoạt động tinh thần xã hội nói riêng, các chủ thể xã hội khác nhau đều có thể góp phần khẳng định, bảo vệ và xây dựng cũng như đẩy mạnh qúa trình hiện thực hóa những mục tiêu của sự nghiệp đổi mới đất theo tinh thần nghị quyết của Đại hội lần thứ VIII của Đảng ta; xây dựng hệ giá trị cao đẹp nhất trong mọi giá trị của cách mạng Việt Nam hiện nay.

Nghệ thuật là một bộ phận khăng khít của sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo. Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa – văn nghệ là một mặt trận”, “Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”, cho nên cần phải nâng cao tính chiến đấu trong sáng tác, lý luận phê bình để phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghệ thuật đã tham gia tích cực vào sự nghiệp đổi mới bằng việc phản ánh sôi động tính hiện thực của đất nước, xây dựng hình tượng sinh động con người Việt Nam trong đổi mới, nhằm khẳng định mạnh mẽ những nhân tố mới, những xu hướng tích cực trong cuộc sống, những giá trị cao đẹp của xã hội và kiên quyết phê phán những trở lực phát triển của đất nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trên thực tế, trong sự nghiệp đổi mới đất nước đã có rất nhiều nguyên nhân khách quan tác động tiêu cực đến hoạt động nghệ thuật. Bên cạnh những tác động to lớn của kinh tế thị trường, mặt trái của nó cũng gây nên biến động lớn về tư tưởng, tình cảm của tầng lớp văn nghệ sỹ, làm xuất hiện những nhận thức lệch lạc về sự nghiệp cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, trong một thời gian dài về mặt chủ quan, chúng ta nhìn nhận cũng có những phiến diện nhất định về mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật với hiện thực cuộc sống. Chủ nghĩa nhận thức luận thẩm mỹ có khuynh hướng đề cao những mặt hạn chế của truyền thống. Về “công tác nghiên cứu lý luận chưa được làm rõ nhiều vấn đề có liên quan đến văn hóa trong qúa trình đổi mới; trong việc xác định những giá trị truyền thống cũng như hệ thống giá trị mới cần xây dựng, trong việc xử lý mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, văn hóa và chính trị, văn hóa và và kinh tế…”[1]. Điều này dẫn đến tình trạng một vài tác phẩm văn học nghệ thuật đã “phủ nhận thành tựu cách mạng và văn hóa văn nghệ cách mạng, tách văn nghệ khỏi sự lãnh đạo của Đảng, xúc phạm anh hùng, vĩ nhân của dân tộc; khuynh hướng thương mại hóa, truyền bá lối sống thực dụng, sa đọa, bạo lực phát triển…”. Tính chất chung của các tác phẩm này ít nhiều đều trực tiếp hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy mỹ, tái du nhập chủ nghĩa duy mỹ.

Sự mỹ hóa phản giá trị của những tác phẩm có khuynh hướng tái hiện chủ nghĩa duy mỹ hiện nay dẫn đến sự nghi ngờ về sự nghiệp đối mới do Đảng ta lãnh đạo, ít ra là trong một bộ phận nhân dân. Nghệ thuật không né tránh việc phản ánh mặt trái của xã hội, nhưng để so sánh, để khẳng định những xu hướng tích cực, giá trị tốt đẹp của xã hội, nó cần phải lên án cái sai, cái ác, cái xấu, hướng con người tới cái đúng, cái thiện và cái đẹp. Bởi vậy, tăng cường mối quan hệ của nghệ thuật với sự nghiệp đổi mới trước hết phải xác định định hướng và mục tiêu của nghệ thuật trong điều kiện kinh tế thị trường. Một bên là định hướng xã hội chủ nghĩa, mục tiêu vì con người, còn bên kia là những mặt tích cực và tiêu cực còn hết sức bề bộn mới được hình thành, chưa phát triển đầy đủ ở nước ta. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, những bước đi ban đầu vào kinh tế thị trường ở nước ta đã tác động phức tạp đến đời sống tinh thần nói chung, văn hóa, văn nghệ nói riêng; làm xáo trộn không ít tới suy nghĩ của nghệ sỹ, cả sự phản ánh nội dung cuộc sống trong tác phẩm nghệ thuật.

Tác động của nghệ thuật với sự nghiệp đổi mới trước hết thể hiện ở thái độ ủng hộ của người nghệ sỹ đối với sự phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, là sự ủng hộ quan hệ thị trường trong văn hóa, ủng hộ sự giải phóng văn hóa thoát khỏi những giới hạn khuôn mẫu có tính bền vững của truyền thống, đẳng cấp, mở rộng phạm vi giao lưu, phổ biến văn hóa trong mọi giai tầng của công chúng, tức là thực hiện từng bước dân chủ hóa trong văn hóa, tạo ra khả năng tự điều chỉnh của văn hóa, kể cả hoạt động nghệ thuật.

Sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa hướng đến những giá trị đích thực mang tính thời đại, là giá trị về sự giàu có, ấm no, hạnh phúc của mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội; về sự công bằng và văn minh của xã hội. Nhưng điều quan trọng hơn đối với nhiệm vụ trung tâm của nghệ thuật nước ta hiện nay là bồi dưỡng con người Việt Nam về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, tạo cho mỗi người một nhân cách vững vàng, có bản lĩnh ngang tầm sự nghiệp đổi mới của đất nước, mau chóng bắt gặp xu thế phát triển tất yếu của thời đại.

Xây dựng và phát triển nền nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết trung ương V (khóa VIII), về việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phục vụ công cuộc đổi mới là: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học – nghệ thuật có gía trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người” có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước ta thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Xây dựng con người Việt Nam “có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung, có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước”[2]. Có thể nói, cơ chế kinh tế thị trường là một thể chế kinh tế không loại bỏ khả năng tạo ra cho chúng ta một một lối sống xã hội “mọi người vì mình và mình vì mọi người”. Bởi vậy, cần hướng văn học nghệ thuật vào việc phản ánh kịp thời cái hiện thực sinh động, chân thật và sâu sắc sự nghiệp của nhân ta trong cách mạng và kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cần kế thừa và phát triển những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của lịch sử kiên cường bất khuất của dân tộc. Sự nghiệp đổi mới đòi hỏi nghệ thuật phải thể hiện nổi bật những nhân tố mới tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời đại. Cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong mối quan hệ giữa con người với nhau và quan hệ giữa con người với tự nhiên; kiên quyết phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn.

Nhấn mạnh mối liên hệ giữa nghệ thuật với sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ đòi hỏi hoạt động nghệ thuật phải phục vụ mục tiêu chính trị – xã hội, mà còn có ý nghĩa định hướng cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật để nâng cao và phát triển đời sống tinh thần con người Việt Nam hiện nay.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 10

[2] Sách đã dẫn, tr. 16.

0 nhận xét :