Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

Bản chất của cái bi

Cái bi là một hiện tượng thẩm mỹ đặc biệt chỉ tồn tại trong xã hội, - đó là trong xã hội và trong nghệ thuật, còn bản thân tự nhiên không có cái bi, kể cả trong thế giới động vật mặc dầu nó có quá trình đấu tranh sinh tồn.
Trong thời kỳ cổ đại những quan niệm về định mệnh, số mệnh đã hàm chứa hầu hết lý luận và thực tiễn sáng tạo về phạm trù cái bi. Chính quan niệm về định mệnh và số mệnh trong cái bi, đã khẳng định cái bi chỉ xuất hiện bởi tính xung đột không thể tránh khỏi. Nhưng sự xung đột này lại là sự xung đột giữa con người với định mệnh, số mệnh hay với những lực lượng thần bí siêu nhiên. Trong thần thoại Hy lạp nỗi đau khổ của Prômêtê muốn lấy lửa của Thần Dớt cho loài người và bị xiềng xích, hoặc nàng Io có sắc đẹp mê hồn làm cho Thần Dớt mê mẩn (biến thành con bò cái để thoả mãn tình yêu và nhục dục của mình) làm cho vợ Thần Dớt ghen tuông và hành hạ Io. Ở Việt Nam, nếu nói đến tư tưởng về định mệnh, số mệnh của cái bi cũng được thể hiện trong Kim vân Kiều của Nguyễn Du, mà người ta thường phê phán đó là những mặt hạn chế của ông.
Mở đầu truyện Kiều, ông viết:
Trăm năm trăm cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Và khi kết thúc truyện kiều ông lại viết:
Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Có tài mà cậy chi tài?
Chữ tài đi với chữ tai một phần.
Khác với quan niệm định mệnh, số mệnh, Arixtốt coi bản chất của cái bi không những bắt chước hành động hoàn chỉnh mà còn bắt chước cải cái khủng khiếp và cái xót thương. Cái bi được đề cập một cách sâu sắc trong quan niệm của Arixtốt, nhất là quan niệm của ông về bi kịch:
- Bi kịch là một hiện tượng quan trọng trong xã hội, nhưng nó phải thông qua cá nhân, thông qua những con người cụ thể.
- Bi kịch chính thống là bi kịch của người có hành động nghiêm túc và cao thượng. Nhân vật bi kịch là nhân vật tốt nhất so với những người trong thực tế.
- Trong xung đột với cái xấu, những người tốt đó lại gặp những điều bất hạnh hoặc bị giết hại thảm khốc.
- Nhưng cái chết của họ không uổng phí. Họ được nguời đời ca ngợi.
- Cái chết của họ là là một tấm gương tiêu biểu giúp cho con người tránh điều ác, làm điều thiện.
Như vậy, theo Arixtốt, bi kịch không chỉ phương tiện thanh lọc cảm xúc, khêu gợi sư xót thương và khủng khiếp, mà còn khích lệ con người đấu tranh cho lý tưởng sống, thậm chí còn còn dám hy sinh cho lý tưởng ấy, đánh giá lý tưởng cao hơn cả sự sống của bản thân. Có thể gọi bi kịch chính thống là thể loại “anh hùng ca đẫm lệ”. Trong bi kịch có sự đồng cảm giữa người xem và nhân vật.
Tsecnưsépxki cho rằng bi kịch là sự buồn thương do chết chóc của con người mang lại. Ở Hêghen thi bi kịch là phản ánh mâu thuẫn giữa chân lý đạo đức vĩnh cửu và sự phiến diện, sự sai lầm của cá nhân thực hiện chân lý ấy. Quan niệm của Hêghen thì nguồn gốc của bi kịch không phải là xung đột giữa thiện và ác mà là giữa chân lý và phiến diện (sự ngu dốt).
Tuy có quan điểm cụ thể khác nhau, nhưng về cơ bản thì tất cả những quan điểm trên đều thừa nhận nguồn gốc và bản chất của cái bi là sự xung đột. Nội dung cụ thể của sự xung đột này thay đổi qua các thời kỳ lịch sử và có biểu hiện độc đáo trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội con người. Chẳng hạn trong nghệ thuật cổ đại Hy Lạp nó thường thể hiện ra như mâu thuẫn giữa con người với định mệnh; trong chủ nghĩa cổ điển là giữa dục vọng và nghĩa vụ; trong nghệ thuật phương Tây hiện đại thì đó là xung đột giữa cá nhân – xã hội, con người – hoàn cảnh theo xu hướng tôn thờ chủ nghĩa cá nhân.
Mỹ học hiện đại, tiêu biểu là quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen. C.Mác và Ph.Ăngghen cũng xuất từ xung đột để giải thích nguồn gốc bản chất của cái bi, Ăngghen có luận điểm nổi tiếng về bi kịch: “Sự xung đột có tính chất bi kịch giữa cái định lý tất yếu về phương diện lịch sử và việc không thể thực hiện được định lý đo về phương diện thực tiễn”[1].
Quan điểm mâu thuẫn, sự xung đột gay gắt nhưng chưa thể giải quyết về măt thực tiễn xã hội như Ph.Ăngghen đã khẳng định chính là cơ sở lý luận khoa học để giải thích về nguồn gốc và bản chất của cái bi. Do chỗ cái bi là sự xung đột giữa tự do và tất yếu, nên nó không hạn chế trong phạm vi cá nhân (trong tình yêu và gia đình) và có cả những cái bi kịch của lịch sử (như thất bại của phong trào yêu nước hoặc sự khủng hoảng và sụp đổ của hệ thống xã hội ở Liênxô và đông Âu những thập niên 90 của thế kỷ XX).
Trong lịch sử nghệ thuật thế giới, có những tác phẩm mô tả số phận bi kịch của cá nhân, có những tác phẩm khác dành cho xã hội – lịch sử. Nhưng có những tác phẩm mà trong đó đằng sau số phận của các cá nhân lại hiện ra cả những sự xung đột xã hội to lớn, mang tính tầm vóc lịch sử. Chẳng hạn, nhân vật Hămlét – nàng Étmôna xinh đẹp của Sếchpia, hoặc như Rômêô và Giuyliét.
Cái bi dùng để xác định bản chất của cuộc đấu tranh giữa cái đẹp, cái cao cả, cái mới với cái xấu, cái cũ; trong đó cái đẹp, cái cao cả, cái mới bị thất bại tạm thời, song tạo nên sự đồng cảm thẩm mỹ sâu rộng, có ý nghĩa bất tử của những tư tưởng tiên tiến.
Cái bi thường gắn với sự thương xót, sự ảm đạm, sự thống khổ, sự bất hạnh, các hình thức éo le trong cuộc sống. Vì thế nhiều người đồng nhất cái bi với sự bi quan. Thực ra sự bi quan là một tình cảm chán nản, tuyệt vọng, thiếu niềm tin về một cái gì đó trong cuộc sống. Chủ nghĩa bi quan hoài nghi những giá trị chân chính của cuộc sống, nhưng cái bi lại phản ánh sự ẩn dấu trong cái bản chất nỗi buồn thương, mất mát và bất hạnh với một tinh thần khoa học và nhân văn.
Cái bi gắn với sự xung đột, cái khủng khiếp, sự thống khổ. Người ta thương cảm với số phận bi đát, căm giận nguyên nhân tạo ra cái bi kịch và tự ý thức, trách nhiệm trước những nỗi thống khổ đó. Nhưng không phải nỗi thống khổ nào đều có ý nghĩa của cái bi. Sự đau đớn, sự thống khổ của một tên đại bịp, của những kẻ tàn bạo trong lịch sử, hoặc sự mất trộm của một tên địa chủ bóc lột cũng không hề mang ý nghĩa thẩm mỹ của cái bi.
Cái bi thường gắn liền với sự bất hạnh chết chóc, nhưng không phải bất kỳ một cái bất hạnh và chết chóc nào cũng có ý nghĩa của cái bi. Chỉ có những cái chết được hiểu như sự mất mát, tiêu vong, hy sinh có tính chất tạm thời, nhưng được xã hội tôn vinh, ca ngợi, noi gương vì lý tưởng cao đẹp là cái tất yếu trở thành hiện thực thông qua đấu tranh xã hội của con người mới là cái bi. Người ta cho rằng thơ ca chỉ có thể lên tiếng về nỗi buồn của cô gái khóc thương vì tình yêu trong sáng tan vỡ, chứ không thể viết về giọt nước mắt của kẻ hà tiện đánh mất tiền.


[1] C.Mác & Ph. Ăngghen: “Về văn học và nghệ thuật”, Nxb Sự Thật, Hà Nội 1958, tr. 233.

0 nhận xét :