1. Cái bi trong xã hội
Trước hết, cái bi trong xã hội phản ánh những mâu thuẫn, sự xung đột tạm thời nhưng chưa giải quyết được và cũng là những tình huống của cái đẹp, cái anh hùng, cái cao thượng bị tiêu vong, còn gọi là bi kịch của cuộc sống. Chẳng hạn, cái chết của Nguyễn Trãi hay còn gọi là “Vụ án vườn Lệ chi”
đã tạo nên sự đồng cảm, đồng khổ sâu sắc và to lớn của dân tộc Việt
Nam. Đây là một bi kịch của lịch sử làm nhức nhối tâm can của hàng triệu
triệu con người Việt Nam. Vua Lê Thái Tôn sau khi duyệt binh ở Chí Linh
(Hải Dương), ghé thăm Nguyễn Trãi đang trí sỹ ở Côn Sơn – thấy người tỳ
thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ xinh đẹp có tài, bèn phong cho
chức Lễ nghi học sỹ và bắt theo hầu. Nhưng khi đến vườn Lệ Chi thuộc
huyện Gia Bình thì vua đột ngột mất. Đó vào tháng 7 năm nhân tuất 1442.
Triều đình nhà Lê đã qui tội giết vua cho Nguyễn Thị Lộ, vợ của Nguyễn
Trãi, và tru di ba họ của Nguyễn Trãi. Trước thảm kịch to lớn đó của
lịch sử Việt Nam và chính ngay cả triều đình phong kiến nhà Lê cũng
không phải hoàn toàn bất công. Chỉ 22 năm sau vua Lê Thánh Tông đã giải
tỏa vụ bi kịch khốc liệt đó.
Do
những điều kiện lịch sử nhất định nào đó, mà cái hoàn toàn mới bị thất
bại, do chưa gặp được những điều kiện lịch sử thật chín muồi để chiến
thắng, Chẳng hạn như Công xã Pari, của Nam kỳ khởi nghĩa.
Thứ hai, cái bi kịch của chính cái cũ chưa hết vai trò lịch sử.
Nhân vật Đôngkisốt có phần bi có phần hài. Lòng tốt của tầng lớp hiệp
sỹ đã hết vai trò lịch sử mà họ chưa chịu chấm dứt, đã nhận được sự đồng
cảm, đồng khổ của lịch sử và cũng nhận cả được tiếng cười phê phán. Bi
kịch này là bi kịch của cái cũ nhưng không hoàn toàn cũ, chưa tiếp cận
được cái mới, nên không đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ của lịch sử.
C.Mác đã đã nói về sự tiêu vong của tính bi kịch trong chế độ phong kiến
ở Anh và Pháp bởi vì nó tiêu vong khi vẫn đang còn sinh lực. C.Mác
viết: “Lịch sử của chế độ cũ là bi kịch, chứng nào nó còn là cái quyền
lực của thế giới tồn tại bao nhiêu đời nay, còn trái lại tự do là cái tư
tưởng ám ảnh một số người cá biệt, nói khác đi chừng nào chính bản thân
chế độ cũ tin và cần phải tin vào tính chất hợp lý của nó”[1].
Thứ ba, bi kịch của sự lầm lẫn
thường được nêu ra như những bài học xương máu của đường đời, nó nhắc
nhở con người một bài học cảnh giác. Chẳng hạn như An Dương Vương mất
loa thành phải giết con gái và tự tử vì mất cảnh giác. Ôtenlô từ một nô
lệ da đen, bằng cả cuộc đời dũng cảm và thông minh của mình, trờ thành
võ tướng và lay động được tình yêu của một thiếu nữ da trắng, nhưng rồi
đã giết người yêu của mình không phải vì quá ghen mà vì quá tin, thành
ra bị kẻ địch lừa dối. Dạng thức này chúng ta cũng thấy ở Việt Nam trong
truyền thuyết về Mỵ Châu, Trọng Thủy:
Tôi kể ngày xưa truyện Mỵ Châu
Trái tim lầm tưởng để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu
(Tố Hữu)
2. Cái bi trong nghệ thuật
Cái bi trong nghệ thuật
thể hiện ở nghệ thuật bi kịch trong lịch sử phát triển của mỹ học, của
nghệ thuật, nhưng xét cho cùng nó cũng phản ánh cái bi kịch của cuộc
sống, nhưng tùy theo những điều kiện lịch sử nhất định mà có những nội
dung và hình tượng thẩm mỹ về bi kịch cũng khác nhau.
Các nhà nghệ thuật cổ đại như Hômerơ với thiên anh hùng ca Iliát và Ôđixê hoặc Êsilơ với Prômêtê bị xiềng
đều có khát vọng là con người muốn nhận thức, muốn lý giải nhưng xung
đột gay gắt của cuộc sống bằng thẩm mỹ. Các anh hùng của nghệ thuật bi
kịch thời kỳ này đều mang đậm tính bi – hùng kịch thường bị thất bại
thảm thương, bị đọa đầy đau khổ, nhưng nó thể hiện tính bất tử của con
người chân chính biết hy sinh vị lợi ích của nhân dân. Chính vì vậy mà nghệ thuật bi kịch cổ đại đã biết buộc cái chết, hy sinh để phục vụ cuộc sống.
Bi kịch thời kỳ trung cổ
mang mầu sắc tôn giáo, phục vụ cho hệ thống giáo lý nhà thời công giáo
gắn với truyền thuyết phạm tội của Ông bà Ađam và Êva. Cho nên, bi kịch
phương Tây thời trung cổ không mỹ hoá vẻ đẹp con người, mà chỉ mỹ hoá
thảm cảnh của con người, nó ca ngợi sự đau thương của con người bằng
triết lý mỹ học giả dối, ích kỷ phục vụ tôn giáo.
Bi kịch thời kỳ phục hưng
là một bước tiến quan trọng, vì nó đặt ra một vấn đề nhân sinh một cách
trực tiếp. Mâu thuẫn bi kịch thời kỳ này phản ánh mâu thuẫn của bước
quá độ từ xã hội phong kiến sang chủ nghĩa tư bản. Nó xây dựng được
những mâu thuẫn điển hình giữa một bên với tính cách là những người
khổng lồ muốn xoá bỏ cái cũ, muốn giải phóng con người nhất là cá nhân
con người ra khỏi xiềng xích của thần quyền tôn giáo với một bên muốn
giữa lại những gì của cái cũ. Bi kịch thời kỳ này gắn liền tên tuổi của
Sếchpia với các tác phẩm nổi tiếng: Hămlét, Ôtenlô, Rômêô và Giuyliét, Ma bét và Vua Lia.
Bi
kịch thời kỳ này còn phản ánh những mâu thuẫn sâu sắc giữ lý tưởng nhân
văn, hướng về tự do muốn giải phóng con người với thực tại là con người
đang rơi vào sự trói buộc không chỉ của xiềng xích cũ, mà còn xiềng
xích mới đang hình thành với những khát vọng, ham muốn tình dục tiền bạc
của chủ nghĩa cá nhân mang tính phổ biến.
Bi kịch của thời kỳ khai sáng
đã hướng vào những vấn đề cơ bản của cuộc sống nhằm giải quyết những
mâu thuẫn, xung đột của xã hội. Điểm nổi bật nhất của tính cách các nhân
vật trong bi kịch thời kỳ này, là sự nồng nhiệt của những khát vọng, sự
đam mê, căm giận, kiêu hãnh, đau đớn, hy vọng, tuyệt vọng của tình yêu
của tuổi trẻ. Chẳng hạn như trong vở bi kịch: “Âm mưu và tình yêu” của
Sinle là một ví dụ.
Bi kịch của phương Tây hiện đại
dựa trên triết lý bi đát (chủ yếu là triết học – mỹ học hiện sinh), để
hình thành quan niệm về sự thỏa hiệp đau thương không tránh khỏi của con
người với thực tại nghiệt ngã và bạo tàn. Chính vì thế nghệ thuật
phương Tây hiện đại dựng lên những con người bị tha hoá như: con người
vỡ mộng, con người nhỏ bé. Chẳng hạn như tác phẩm “Buồn nôn” của J. Pônsắc trong mỹ học hiện sinh.
Bi kịch hiện thực xã hội chủ nghĩa
lại chú trọng mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh và tính trong đại
bên trong của nhân vật bi kịch. Ý thức đón nhận sự hy sinh và tính lạc
quan tin vào chiến thắng vì tư tưởng giải phóng con người và giải phóng
xã hội để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn.
1 nhận xét :
doi voi toi baqi nay cung kha la day du,nhung nhung vi du dua ra thi can phai phan tich ro rang hon
Đăng nhận xét