Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

1. Khái luận chung về dân chủ

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về phạm trù “Dân chủ” xét theo đối tượng, phương pháp và mục đích khác nhau của nhiều bộ môn khoa học. Căn cứ vào những quan điểm truyền thống về dân chủ trong lịch sử tư tưởng, nhất là quan điểm triết học pháp quyền, theo chúng tôi có hai cách tiếp cận:

Thứ nhất: Dân chủ là một hiện tượng lịch sử – xã hội, xuất hiện và phát triển với tư cách là sản phẩm trực tiếp của đời sống chính trị, của sự vận động chính trị trong cuộc đấu tranh giai cấp nhằm giải quyết vấn đề quyền lực chính trị thuộc về giai cấp nào trong xã hội. Theo ý nghĩa này, thì phải xác định nguyên nhân sâu xa của dân chủ và quyền dân chủ chính trị trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong sự chi phối và quyết định từ lợi ích và địa vị kinh tế của các hình thức chủ thể khác nhau con người. Cũng trên cơ sở đó, có thể khẳng định dân chủ gắn liền một cách phổ biến, trực tiếp với quyền lực nhà nước trong quản lý xã hội.

Xuất phát từ sự phân tích ở trên, có thể coi lịch sử hình thành dân chủ như một đặc trưng của quan hệ quyền lực nhà nước. Và hơn thế nữa, nó còn được coi là hình thức chính trị của sự biểu đạt một kiểu quan hệ xã hội thường gắn với lịch sử xuất hiện các giai cấp. Nhà nước như là một thiết chế chính trị để thực hiện dân chủ. Tuy nhiên, không phải bất cứ chế độ nhà nước nào trong lịch sử xã hội cũng là chế độ dân chủ.

Xét trên bình diện quản lý xã hội, nội dung căn bản giải quyết vấn đề dân chủ là giải quyết vấn đề nhà nước. Đó là lĩnh vực các quan hệ tổ chức, cơ cấu và trật tự pháp lý của quyền lực dân chủ trong hoạt động của nhà nước. Còn xét từ góc độ lợi ích trong xã hội hình thành nhà nước thì không thể có dân chủ thuần tuý, dân chủ tuyệt đối và dân chủ chung cho tất cả mọi người không phân biệt giai cấp. Tính chất giai cấp của dân chủ đã và sẽ còn tồn tại chừng nào xã hội còn tồn tại giai cấp và nhà nước. Điều này chứng tỏ rằng, mọi nghiên cứu về dân chủ, nếu không căn cứ trên cơ sở kinh tế – xã hội và việc giải quyết giữa lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị của một giai cấp nhất định thì không thể chỉ ra bản chất của dân chủ.

Thứ hai: Dân chủ là một hiện tượng lịch sử xã hội, một sản phẩm của sự vận động chính trị bị chế ước bởi trình độ và trạng thái hiện thực của kinh tế- xã hội; mà dân chủ còn là thành tựu của sự phát triển văn hoá nhân loại, với tính cách là thước đo về trình độ giải phóng con người, xã hội mà loài người đã đạt được trong mỗi thời đại lịch sử. Trong mối quan hệ này dân chủ là một động lực, một tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội.

Nói một cách tổng quát, dân chủ là yếu tố hợp thành nội dung của tiến bộ xã hội. Quan niệm về tiến bộ xã hội sẽ trở nên hạn hẹp nếu xác định những kết quả chung mà tiến bộ xã hội đạt được tách rời khỏi mối liên hệ với dân chủ trong những điều kiện lịch sử nhất định của qúa trình phát triển xã hội.

Dân chủ trở thành thước đo của tiến bộ xã hội. Lôgic khách quan của sự vận động lịch sử dẫn tới sự trùng hợp, sự phù hợp ngày càng cao hơn, đầy đủ hơn giữa dân chủ với tiến bộ xã hội bởi mục tiêu giải phóng con người và xã hội của nền dân chủ XHCN và tiến bộ xã hội trong CNXH hướng tới con người, xem “con người là thước đo của tất cả”. Tuy nhiên, không phải bất cứ chế độ nhà nước nào cũng đồng thời là một chế độ dân chủ, nhưng bất cứ một chế độ dân chủ nào cũng phải được biểu hiện ra bởi hình thức nhà nước tương ứng, phù hợp với nó. Ở đây có hai điều cần phải nhấn mạnh, khi nghiên cứu chế độ nhà nước là một chế độ dân chủ

Thứ nhất: Nhà nước, một sản phẩm tất yếu của xã hội phân chia thành giai cấp và có đối kháng giai cấp bao giờ cũng mang bản chất giai cấp và cũng là công cụ quyền lực để duy trì bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Điều đó, cũng sẽ đúng ngay cả trong điều kiện giai cấp công nhân, nhờ thắng lợi chính trị trong cuộc đấu tranh giai cấp sử dụng chính quyền của mình để xây dựng xã hội mới theo các mục tiêu của CNXH thì nhà nước xã hội chủ nghĩa vẫn là nhà nước mang tính chất giai cấp.

Thứ hai: Xét về lô gích, chủ nghĩa xã hội và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là sự thay thế hợp quy luật đối với nền dân chủ tư sản. Do đó, ở trên một trình độ cao hơn so với chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ tư sản cũng là một tất yếu của lịch sử. Điều đó cũng sẽ đúng, khi xét về mặt thực tiễn lịch sử trong thời gian qua và hiện nay, thì chủ nghĩa xã hội và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa lại chưa ở trình độ cao, chưa trở thành một hiện thực phổ biến trực tiếp, nó còn đang trong quá trình hình thành, phát triển.

2. Dân chủ xã hội chủ nghĩa

Chính quyền nhà nước kiểu mới – chính quyền của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, việc Đảng Cộng sản khẳng định vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của mình, việc xã hội bước vào thời kỳ quá độ lịch sử – xây dựng xã hội mới theo các định hướng và mục tiêu XHCN đã được xác định là những nội dung, nguyên tắc chính trị căn bản nhất để hình thành chủ nghĩa xã hội.

Những tiền đề và nguyên tắc dẫn tới sự hình thành nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, chỉ xuất hiện trong thắng lợi của cách mạng chính trị giành chính quyền của giai cấp công nhân gắn liền với sự ra đời của nhà nước kiểu mới – nhà nước xã hội chủ nghĩa. Vấn đề bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa không dừng lại ở bản chất giai cấp công nhân với lợi ích của đông đảo những người lao động ở quyền tham gia quản lý xã hội và nhà nước của công dân. Mặc dù, đây là những khía cạnh quan trọng về lý luận và là những yếu tố hợp thành nội dung thực tiễn của dân chủ xã hội chủ nghĩa; mà phải xem xét một cách toàn diện về bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, cũng cần phải xem xét vai trò và ý nghĩa của dân chủ trong các lĩnh vực tổ chức các hoạt động của đời sống, tác động và ảnh hưởng của nó đối với các mối quan hệ và liên hệ xã hội của con người trong chủ nghĩa xã hội.

Trong cách hiểu về dân chủ cần khắc phục tính chất phiến diện trước dây thường dẫn tới đồng nhất đơn giản giữa dân chủ với nhà nước[1], với chế độ nhà nước và từ đó quan niệm rằng sự tiêu vong của nhà nước cũng đồng thời là sự tiêu vong của dân chủ. Điều đó thường dẫn đến quan điểm cho rằng, dường như dân chủ chỉ là một vấn đề tạm thời, vấn đề quyền lực của giai cấp thống trị gắn liền với nhà nước. Và do đó, trong quan niệm truyền thống về dân chủ chỉ được xem như một phạm trù lịch sử. Lập luận này không sai, nhưng không đầy đủ và chính xác. Vì, nó không diễn tả hết nội dung khoa học và ý nghĩa xã hội của dân chủ đối với sự phát triển của lịch sử .

Phương pháp tiếp cận hệ thống cho phép khắc phục hạn chế nêu trên đây bằng cách xác định một tập hợp các yếu tố cấu thành nội dung về thể hiện bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đó là:

- Dân chủ được xét với tư cách là một hình thức tổ chức nhà nước, thông qua tổ chức và quản lý để thực hiện quyền lực đối với xã hội[2]. Chỉ với ý nghĩa này và trong mối quan hệ này giữa chế độ dân chủ với chế độ nhà nước thì dân chủ mới là một phạm trù lịch sử. Nói một cách chặt chẽ hơn, dân chủ chỉ là một phạm trù lịch sử và chỉ tiêu vong với chủ nghĩa dân chủ được xây dựng thành chế độ quyền lực và được tổ chức thành chế độ nhà nước. Sự tiêu vong của nhà nước chỉ làm mất đi các hình thái biểu hiện quyền lực bằng nhà nước của dân chủ. Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, chỉ đến khi chủ nghĩa Cộng sản thắng lợi hoàn toàn, khi ấy nhà nước trở nên thừa, nó sẽ tự tiêu vong, lúc ấy mới có thể đi tới sự tiêu vong của chế độ dân chủ. Cho nên, khi nhà nước tiêu vong không làm mất đi nhu cầu xã hội của dân chủ mà thực chất của nhu cầu này là nhân dân trở thành người chủ xã hội, toàn bộ quyền lực xã hội thuộc về nhân dân, do nhân dân tự quản lý, tự quyết định mọi vấn đề của chính bản thân họ. Vì vậy, sự tiêu vong của nhà nước, nó cũng không làm mất đi cái giá trị của dân chủ mà nội dung cơ bản của các giá trị này là tự do, là thành quả đấu tranh xã hội để giành lấy tự do cho con người, con người trở thành tự do, làm chủ và sáng tạo.

- Dân chủ còn được hiểu là một giá trị xã hội. Bởi vì, các cuộc đấu tranh xã hội để giành lấy dân chủ từ trước đến nay, đều dẫn đến những khả năng giải phóng con người, nâng cao vị trí của con người trong lịch sử, hình thành và phát triển ở con người ý thức và năng lực dân chủ, làm chủ xã hội.

Giải phóng nhân dân, giải phóng xã hội dựa trên một đòi hỏi có tính nguyên tắc là phải xoá bỏ tình trạng bóc lột và áp bức về kinh tế và tư tuởng tức là phải khắc phục triệt để tình trạng đối kháng giai cấp trong xã hội. Đây là con đường dẫn tới sự phát triển thực chất và đầy đủ của dân chủ chủ xã hội chủ nghĩa, các giá trị nhân đạo và pháp lý của nó. Cho nên, giá trị xã hội của dân chủ xã hội chủ nghĩa cho thấy mối liên hệ hữu cơ giữa dân chủ với công bằng và bình đẳng xã hội, giữa dân chủ với tự do, dân chủ với pháp luật và văn hoá, v.v…

- Ngoài những phương diện trên của bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, thì dân chủ xã hội chủ nghĩa còn là cơ sở và nguyên tắc của lãnh đạo và quản lý xã hội theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Chế độ tập trung dân chủ là cần thiết khách quan để tổ chức xã hội phù hợp với văn hoá dân chủ và nền văn minh chính trị xã hội chủ nghĩa khác với chế độ dân chủ đã tồn tại trong lịch sử, nhất là dân chủ tư sản.

Tóm lại, dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ của nhân dân lao động, vì nhân dân lao động, nó phát triển thuận chiều với tiến bộ, nhân đạo, tự do, văn minh và văn hoá vì sự hoàn thiện của con người. Với bản chất ấy, dân chủ xã hội chủ nghĩa tiềm tàng sức mạnh của sự sáng tạo và phát triển, triển vọng của chủ nghĩa xã hội của lịch sử, trong đó nhân dân lao động là đối tượng mà nó phục vụ.

3. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong các tác phẩm của Người thường là những tư tưởng khi Người bàn về vấn đề nhà nước và nhất là nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là những vấn đề được Hồ Chí Minh đặt ra v trả lời một cách ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu nhất quan điểm của Người khái niệm dân chủ và vấn đề dân chủ. Đó là những vấn đề, thường được Người nêu ra những câu hỏi và cũng tự mình trả lời dưới các hình thức khác nhau trong quan hệ với vấn đề nhà nước. Ví dụ như: “Dân chủ là như thế nào?” và Người lại tự trả lời: “Là dân làm chủ”[3]. Do đó, Hồ Chí Minh thường nói: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do dân làm chủ”, chế độ ta là chế độ dn chủ. Theo nghĩa chung nhất, tức là nhân dân làm chủ[4]. Người còn nói: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân làm chủ”.

Quan niệm dân chủ của Hồ Chí Minh đã phản ánh nội dung căn bản nhất về khái niệm dân chủ - Demoskratos - quyền lực thuộc về nhn dn và cụ thể hơn là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Theo đó, trong khi niệm dân chủ, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vấn đề nhà nước, để khẳng định nội dung chính trị của dân chủ. Về vấn đề này, C.Mác cũng đã nói: “Trong chế độ dân chủ thì bản thân chế độ nhà nước hiện ra là một trong những quy định, cụ thể là sự tự quy định của nhân dân”[5] và nó “ngày càng hướng tới cơ sở hiện thực của nó, tới con người hiện thực, tới nhân dân hiện thực và được xác định là sự nghiệp của bản thân nhân dân”[6]. Xét theo phương diện chính trị, thì Lênin cũng cho rằng nội dung của khi niệm dân chủ: “dân chủ là một phạm trù thuộc lĩnh vực chính trị”[7]. Tuy nhiên, Lênin cũng giải thích thêm: “Nhưng mặt khác, chế độ dân chủ có nghĩa là chính thức thừa nhận cho mọi người được thừa nhận quyền bình đẳng giữa những người công dân, thừa nhận cho mọi người được quyền ngang nhau trong việc xác định cơ cấu nhà nước và quản lý nhà nước”[8].

Như vậy, Hồ Chí Minh cho thấy rằng sự thể hiện rất cụ thể nội dung chính trị khi xem dân chủ là một hình thức nhà nước, một thiết chế xã hội và quyền lực thuộc về nhân dân. Trong đó, bản chất của chế độ dân chủ XHCN là phục vụ con người phục vụ xã hội trên tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin. Vì, theo Mác và Angghen thì: “Chế độ dân chủ xuất phát từ con người và biến nhà nước thành con người được khách thể hóa… không phải nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước”[9], phù hợp với ý chí, hành động và lợi ích của quần chúng nhân, của nhân dân. Đó không có gì khác là nhà nước là nước do dân và vì dân.

Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh không chỉ giới hạn về vấn đề nhà nước, mặc dù thông qua nhà nước đã chỉ rõ quyền làm chủ của nhân dân về việc thiết lập hệ thống chính chính trị để “bầu ra đại biểu thay mặt cho mình thi hành chính quyền”, “cử ra” chính quyền các cấp và “tạo ra” các đoàn thể, v,v…mà còn cho chúng ta thấy vấn đề nhà nước mà là cả hệ thống chính trị, nhà nước chỉ là một bộ phận của dân chủ. Bởi, Hồ Chí Minh xem chế độ nhà nước kể cả nhà nước kiểu mới (Nhà nước vô sản), cũng chỉ là một yếu tố tồn tại của xã hội, hoặc là một hình thức tồn tại đặc biệt của nhân dân[10], nhưng không bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Theo ý nghĩa trên đây về vấn đề dân chủ, Hồ Chí Minh cho rằng quyền lực của nhân dân trong việc “bầu ra”, “cử ra”, “tạo ra”, những hình thức tồn tại của nhân dân về nhà nước – thiết chế xã hội là một nhu cầu tất yếu. Nhưng vấn đề quan trọng hơn, quyền tự quản của nhân dân trong việc hoàn thiện nhà nước, thì đồng thời phải dẫn đến sự hoàn thiện dân chủ trong mọi quan hệ xã hội, mặc dù nó là một bộ phận của đời sống xã hội.

Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh, một vấn đề mang tính độc đáo, riêng biệt nếu có thể nói như vậy là vấn đề đạo lý làm người, khi Người cho rằng dân chủ là giá trị của nhân loại khi, là sản phẩm của nền văn minh, là kết quả tất yếu của quá trình đầu tranh tự giải phóng con người và giải phóng xã hội. Và hơn nữa, sự hình thành và phát triển dân chủ là một quá trình tự thân, từ thấp đến cao trong lịch sử xã hội. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã từng nêu lên một khi niệm là lý tưởng dân chủ[11] như là tiêu chí của sự phát triển xã hội. Trong đó, một nguyên tắc, một công thức, một chìa khoá đảm bảo cho nhân loại thiết lập một nền hòa bình thế giới dựa trên nền tảng dân chủ và bình đẳng giữa các dân tộc. Đó là: “Hòa bình - một nền hòa bình chân chính xây dựng trên công bằng và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc, màu da”[12]. Trên cơ sở đó, Người thường xem xét sự phát triển dân chủ đặt trong quan hệ so sánh giữa chế độ về dân chủ cũ[13] [Khi niệm Dân chủ cũ lần đầu tiên xuất hiện trong sách Thường thức chính trị của Hồ Chí Minh viết năm 1953 và xuất bản năm 1954. Người viết: “Thời đại mới khiến cách mạng Việt Nam phải là cách mạng dân chủ mới (tức cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân hiện nay)… cách mạng Việt Nam phải là cách mạng dân chủ mới chứ không phải là dân chủ cũ”]. và dân chủ mới[14][ Khi niệm Dân chủ mới xuất hiện 74 lần trong bộ Hồ Chí Minh Toàn tập (xuất bản lần thứ hai). Lần đầu tiên cụm từ dân chủ mới xuất hiện trong bài Cách tổ chức các ủy ban nhân dân (11-9-1945). Trong sách Thường thức chính trị, Hồ Chí minh đã đăng trong mục 48 nói về Dân chủ mới. Người đã nêu lên 5 đặc điểm về chính trị, kinh tế, tư tưởng, sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của nhân dân với nền dân chủ mới]. Người cho rằng, bước chuyển từ dân chủ cũ sang dân chủ mới là kết quả của cuộc đấu tranh liên tục của nhân dân toàn thế giới cho lý tưởng dân chủ, cho sự tự do, bình đẳng giữa các dân tộc và giữa con người với con người.

Như trên đã phân tích, tư tưởng cơ bản về dân chủ của Hồ Chí Minh là đề cập đến vấn đề nhà nước - thiết chế chính trị, như là phương thức tồn tại của nhân dân và là sản phẩm của tiến bộ xã hội và dân chủ vừa là mục đích, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Song, một vấn đề hết sức quan trọng là sự tiếp cận vấn đề dân chủ của Hồ Chí Minh về phương diện lịch sử không chỉ làm rõ quá trình hình thành, phát triển tư tưởng dân chủ trong lịch sử xã hội, mà quan trọng hơn là xác định nấc thang giá trị về dân chủ và đặc biệt là vấn đề dân chủ mới.

Nghiên cứu tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh và nhất là vấn đề dân chủ mới của Người trên cơ sở xem xét bản chất của dân chủ phải coi dân chủ là một phạm trù chính trị theo ba nguyên tắc phương pháp luận mà Lênin đã chỉ ra trong việc giải quyết mối quan hệ giữa chính trị – kinh tế, với quan hệ giai cấp và sự tham gia của nhân dân vào sự hoạt động của nhà nước. Trong đó, mối quan hệ với kinh tế thì chính trị là sự biểu hiện tập trung nhất của kinh tế. Điều này, không chỉ phản ánh vai trò của cơ sở kinh tế với nhà nước là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, mà còn nói lên tính chất, trình độ về sự hoàn thiện của nhà nước với tính cách là nền dân chủ sẽ tương ứng với tính chất và trình độ của một nền kinh tế xã hội nhất định. Theo nghĩa đó, trong xã hội có giai cấp, thì khái niệm chính trị phản ánh về quyền lực nhà nước giữa các giai cấp khác nhau, chứ không đồng nhất với quyền lực xã hội. Mặc dầu, tính chất và trình độ dân chủ được đặt ra trong quan hệ trực tiếp với chính trị, phản ánh mối quan hệ giữa quan hệ sản xuất thống trị với tư tưởng xã hội, thiết chế xã hội tương ứng. Nhưng vấn đề cốt lõi, khi xem xét thước đo trình độ dân chủ của một chế độ xã hội, nhất là xã hội hiện đại là sự tham gia của nhân dân vào công việc của nhà nước và xã hội. Đặc biệt, trong nền dân chủ mới – dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Hồ Chí Minh, coi bản chất của nền dân chủ mới phải thể hiện được tính nhân dân của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thông qua phương thức tổ chức hệ thống chính trị - đó là xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Trong đó, nhân dân với vai trị là người chủ, người làm chủ. Theo nghĩa đó, một vấn đề lý luận và thực tiễn cần phải làm rõ về các khái niệm: Nhân dân là ai? Họ là những bộ phận của xã hội và thực chất vai trò của họ trong xã hội được thể hiện trong xã hội như thế nào?

Xuất phát từ những quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử về đặc trưng của nhà nước, nhất là đặc trưng về việc thiết lập quyền lực công cộng đối với xã hội và đặc trưng về nhà nước quản lý dân cư trên một vùng lãnh thổ nhất định. Trong đó, dấu hiệu về mặt lãnh thổ còn được thể hiện chủ quyền quốc gia về tính hợp pháp của nó trong quan hệ quốc của các nhà nước hiện đại.

Khái niệm nhân dân theo nghĩa rộng bao gồm nhiều lực lượng xã hội khác nhau. Trước hết, nhân dân là lực lượng lao động xã hội trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Mặt khác, họ còn là những bộ phận dân cư có khuynh hướng luôn chống lại những giai cấp thống trị áp bức bóc lột mà lợi ích căn bản của những giai cấp ấy đối kháng với lợi ích đông đảo nhân dân lao động. Đồng thời, họ còn bao gồm các giai cấp và các tầng lớp xã hội có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nhưng theo nghĩa hẹp, thì nhân dân các tầng lớp, các giai cấp trong quan hệ với quyền lực nhà nước.

Vì vậy, Hồ Chí Minh giải thích: “Nhân dân là: bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng, các giai cấp ấy đoàn kết lại, bầu ra chính phủ của mình. Đối với nội bộ nhân dân thì thực hành dân chủ. Đối với đế quốc, phong kiến và lũ phản động, thì thực hành chuyên chính, chống lại chúng, đàn áp chúng”[15]. Theo nghĩa đó, Hồ Chí Minh quan niệm bản chất dân chủ mới của nhà nước xã hội chủ nghĩa có cơ sở giai cấp là: “Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân, tức là của các giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Bốn giai cấp ấy do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy công nông liên minh làm nền tảng, đoàn kết các giai cấp dân chủ và các dân tộc trong nước để thực hành dân chủ chuyên chính”[16].

Thật vậy, khi bàn đến nội dung chính trị, bản chất chính trị trong khi niệm dn chủ mới lã một hình thi nhà nước, Hồ Chí Minh đã khái quát thành những đặc điểm cơ bản của nền dân chủ mới là: “Đảng lãnh đạo,… công nông liên minh, nhân dân lao động làm chủ nước nhà, xây dựng nhân dân dân chủ chuyên chính, nghĩa là dân chủ với nhân dân, chuyên chính (trừng tri) bọn phản động”.

Với tư tưởng nhất quán trên, Hồ Chí Minh đã chỉ ra cơ chế thể hiện bản chất của nền dân chủ mới là: Đảng lãnh đạo - Nhân dân lao động làm chủ - Nhà nước dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù. Về vấn đề chuyên chính vô sản, mặc dù theo Hồ Chí Minh đây không phải là nhiệm vụ cơ bản nhất của nền dân chủ mới, nhưng chỉ có thể xây dựng, phát triển và giữ gìn được nền dân chủ mới thì phải trấn áp sự phản kháng của kẻ thù, kẻ thù của nhân dân. Vì vậy, “Dân chủ cũng cần phải cùng chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ”[17] . Người còn giải thích một cách rõ ràng: “Chế độ ta là chế độ dân chủ nhân dân; chúng ta cần mở rộng dân chủ với nhân dân, đồng thời cần phải tăng cường chuyên chính với kẻ địch của nhân dân. Có tăng cường chuyên chính với kẻ địch thì mới bảo vệ được tự do và dân chủ của nhân dân ta”[18]. Theo nghĩa đó, dân chủ đi liền với kỷ cương và tuân thủ luật pháp.

Tóm lại, tư tưởng về nền dân chủ mới của Hồ Chí Minh là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, do nhân dân làm chủ thông qua hệ thống chính trị với các tổ chức xã hội rộng rãi của nhân dân. Và đã thực sự cũng là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhưng, một vấn đề quan trọng là tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh về nhà nước xã hội chủ nghĩa và ý nghĩa của vấn đề này trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay ở nước ta?



[1] Khi xây dựng thành công chủ nghĩa Cộng sản trên phạm vi toàn thế giới.

[2] Hình thức tổ chức xã hội, là phương thức quản lý và điều hành xã hội được xây dựng thành các thiết chế, quy chế, chế độ được bảo đảm về mặt pháp lý và được biểu hiện thành trật tự của tổ chức, bộ máy nhà nước.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, t.8, tr.375.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.10, tr.251.

[5] C. Mác: Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hêghen, Nxb. Sự thật, H, 1997, tr.106.

[6] Sđd, tr.107.

[7] V. I. Lnin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1979, t.42, tr.258.

[8] V. I. Lnin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1976, t.33, tr.123.

[9] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Sự thật, H.1978, t.1, tr.333.

[10] Sđd, tr.332.

[11] Trong các bài nói và viết của mình, Hồ Chí Minh dùng cụm từ lý tưởng dân chủ và dùng lần đầu tiên trong Thư gửi những người Pháp ở Đông Dương (10-1945).

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.4, tr.66-67.

[13] Sđd, tr.210.

[14] Sđd, tr.15.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.217.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.7, tr.217.

[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, t.8, tr.280.

[18] Sđd, tr.313-314.