Trong khi tác động lên mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, cơ chế thị trường và qúa trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn đòi hỏi phải có những con người có đầy đủ các năng lực hoạt động sáng tạo tương ứng và đáp ứng được các yêu cầu của cơ chế và qúa trình đó. Tuy nhiên, yêu cầu về việc nâng cao năng lực sáng tạo cho con người không chỉ bị qui định bởi khía cạnh con người là chủ thể, động lực của sự nghiệp đổi mới, mà sự nghiệp đổi mới phải tạo ra những con người phát triển toàn diện bởi khía cạnh mục đích chứ không phải ở khía cạnh phương tiện.
Việc nâng cao năng lực sáng tạo cho con người Việt Nam trong điều kiện hiện nay đòi hỏi tiến hành một hệ giải pháp kinh tế – văn hóa – xã hội đồng bộ. Trong đó, nghệ thuật vừa là một yếu tố cấu thành của hệ thống lại vừa thẩm thấu và thăng hoa trên toàn bộ hệ thống đó. Bởi vì, sáng tạo nghệ thuật có khả năng đáp ứng những nhu cầu, năng lực của hoạt động sáng tạo nói chung của con người. Do có ý nghĩa đặc thù, không thể thay thế được như vậy mà nền nghệ thuật của chúng ta hiện nay đã có những mặt tích cực trong việc nâng cao năng lực sáng tạo của con người Việt Nam.
Thực tiễn sáng tạo nghệ thuật trong những năm qua cho thấy nó đã có những bước tiến đáng kể. Những bước tiến này gắn liền với qúa trình đẩy mạnh, mở rộng cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn liền với qúa trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa và dân chủ hóa.
Cùng với sự phong phú, đa dạng của tư tưởng – tình cảm qua nội dung các tác phẩm nghệ thuật là sự mở rộng đa dạng về đề tài, phong cách, thể loại, bút pháp, ngôn ngữ thể hiện. Đã có một thời, những đêm kịch với vở diễn “ Tôi và chúng ta”, v.v. (kịch bản của Lưu Quang Vũ do đoàn kịch nói Hà Nội biểu diễn khắp các miền đất nước) đã gây bùng nổ cả dư luận báo chí, thông tin lẫn dư luận người xem về những vấn đề xã hội, những vấn đề nhân sinh do vở diễn đặt ra, bởi đó là những vấn đề bức xúc của cuộc sống, những trăn trở băn khoăn gắn liền với nhiều số phận, chúng trở thành tiếng nói đồng điệu và cùng nhịp sống của công chúng và của toàn xã hội. Thể loại phim truyền hình là loại hình nghệ thuật mới mẻ ở nước ta, nó có tính năng động hơn, đời thường hơn và có tính nhân bản hơn. Bởi vì, nó không chỉ phản ánh tính chân thật, tính đa dạng phong phú và sinh động của cuộc sống mà nó còn có khả năng đặt ra cho công chúng nghệ thuật cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội một cách trực tiếp. Một vài năm gần đây có nhiều bộ phim truyền hình nhiều tập có chất lượng tốt được dư luận quan tâm và trên một ý nghĩa nào đó, nó đặt nền tảng cho sự phát triển cao hơn nữa của loại hình nghệ thuật mới mẻ này. Đó là những bộ phim : Đất phương Nam của đạo diiễn Vĩnh Sơn; Gĩa từ dĩ vãng của đạo diễn Đức Liêm; Người thổi tù và hàng tổng của đạo diễn Phi Tiến Sơn; Truyện Nhà Mộc của Trần Lực; v.v…
Khắc phục tình trạng đơn điệu hóa nghệ thuật và thị hiếu công chúng, làm cho nghệ thuật phát huy được vai trò của mình đối với sự phát triển các năng lực sáng tạo của con người, nghệ thuật đang hướng tới việc cổ vũ cho việc phát triển những năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân. Và qua đó mỗi cá nhân có khả năng hơn trong việc tự giải quyết những trăn trở, suy tư, những lo toan, hy vọng, những nỗ lực tự khẳng định mình trong cơ chế thị trường nhằm xóa đói, giảm nghèo, tiến lên làm giàu cho bản thân và cho xã hội làm tiền đề cho một đời sống tinh thần phong phú.
Từ góc độ chủ thể sáng tạo, nền nghệ thuật Việt Nam hiện nay có một đội ngũ viết khá đông đảo và đầy tài năng. Số đông văn nghệ sỹ đã được rèn luyện và được thử thách trong thực tiễn cách mạng, có vốn sống, giàu lòng yêu nước; trước những biến động của thời cuộc và những khó khăn của đời sống vẫn giữ vững được phẩm chất cách mạng, kiên định quan điểm sáng tác phục vụ nhân dân, làm tròn sứ mệnh người nghệ sỹ – chiến sỹ.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng, giao lưu văn hóa - nghệ thuật với nước ngoài ngày càng góp phần cho sáng tạo của người nghệ sỹ để họ có khả năng lựa chọn, khai thác một cách cập nhật những nguồn thông tin bổ ích và có điều kiện tốt nhất để thể hiện tác phẩm, phục vụ ngày càng có hiệu qủa hơn nhu cầu nghệ thuật của công chúng.
Là động lực của sự nghiệp đổi mới, con người Việt Nam ngày nay phải có năng lực phẩm chất tương xứng giữ vai trò chủ thể quyết định mọi sự biến đổi và phát triển xã hội. Đó là những con người có cá tính, trách nhiệm, năng động và sáng tạo với những khát vọng về hạnh phúc cá nhân, nhu cầu được tự khẳng định và phát triển thông qua những con người cụ thể. Cơ chế kinh tế thị trường với mặt tích cực không chỉ khơi dậy mọi tiềm năng của từng cá nhân, tính năng động sáng tạo và tinh thần kinh doanh của cá nhân, mà còn từng bước xóa bỏ tâm lý thụ động, ỷ lại do cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp để lại, đồng thời nó qui định rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi cá nhân đối với cộng đồng và xã hội; thì đương nhiên nghệ thuật không thể đứng ngoài qúa trình biến đổi đó.
Ngược lại, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật còn có nhiều khuynh hướng lệch lạc. Điều đó ít nhiều đã được phân tích ở các phần trên, khi đề cập đến đời sống tinh thần của công chúng nghệ thuật và công tác đánh giá, phê bình văn nghệ. Đó là các khuynh hướng như :
+ Khuynh hướng phủ nhận qúa khứ hào hùng của dân tộc.
+ Khuynh hướng xuyên tạc sự thật và khai thác triệt để những hiện tượng tiêu cực, hạn chế trong mặt trái của xã hội, đề cao chủ nghĩa tự nhiên trong lối sống.
+ Khuynh hướng đối lập chính trị với nghệ thuật, đề cao chủ nghĩa duy mỹ.
+ Khuynh hướng thương mại hóa nghệ thuật, -tất cả vì đồng tiền.
Một trong những thí dụ để minh chứng sự ảnh hưởng tiêu cực của các khuynh hướng trên đối với đời sống tinh thần của nhân dân ta hiện nay như ở khuynh hướng thương mại hóa nghệ thuật. Thật vậy, ở khuynh hướng này làm cho nhân cách và phẩm chất của người nghệ sỹ bị đánh tráo, khi họ chiều theo những thị hiếu thấp kém của số ít những bộ phận công chúng nghệ thuật. Thậm chí, họ biện hộ cho quan điểm sáng tác để sống, để tồn tại, để làm giàu trước những biến động của thời cuộc và những khó khăn của đời sống xã hội, mà không quan tâm đến quan điểm sáng tác phục vụ phục vụ nhân dân, làm tròn sứ mệnh người nghệ sỹ – chiến sỹ. Về vấn đề này, C. Mác đã từng có cái nhìn hết sức tinh tế :“ Dĩ nhiên nhà văn phải kiếm tiền để sống và viết, nhưng dù sao, nhà văn cũng không nên sống và viết để kiếm tiền”. Và C. Mác đã đặt ra nhiệm vụ cao đẹp của người nghệ sỹ: “ Nhà văn quyết không bao giờ coi tác phẩm của mình là một phương tiện. Những tác phẩm ấy là những mục đích tự thân, những tác phẩm ấy căn bản là một phương tiện đối với chính nhà văn và đối với những người khác, cho nên nhà văn hy sinh cuộc đời mình cho sự sống còn của tác phẩm …”[1].
0 nhận xét :
Đăng nhận xét