Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2010

Cái hài

1. Bản chất của cái hài
Các nhà mỹ học Hy lạp cổ đại như Platông, Arixtốt đã xem xét và nêu lên những tư tưởng sâu sắc về cái hài. Quan niệm của Cantơ, Hêghen, Điđrô, Sinle, Tsecnưsépxki về cái hài tuy ở mức độ khác nhau nhưng đều chứa đựng những kiến giải độc đáo về bản chất của cái hài.
Platông thừa nhận cái hài nhưng đồng thời cũng phản đối cái hài trong nhà nước lý tưởng của ông. Ông sợ cái hài làm cho công dân trong nhà nước lý tưởng của ông thiếu nghiêm túc, hay chọc ghẹo bề trên (Thần linh). Nhưng ông lại khẳng định thiếu hài hước không nhận thức được cái nghiêm túc… cái đối lập được nhận thức nhờ cái đối lập.
Arixtốt cho rằng, cái hài là tương phản của đẹp và xấu. Hài kịch nhằm miêu tả những người xấu nhất. Tuy nhiên, không có nghĩa là hoàn toàn độc ác, xấu xa mà chỉ có nghĩa là đáng cười – đó là một sự sai lầm, và cái xấu nào đó không gây nên nỗi thống khổ và nguy hại cho ai cả.
Cantơ lại cho rằng hài là sự mâu thuẫn giữa cái thấp hèn và cái cao cả. Tình huống hài là sự chờ đợi căng thẳng về cái gì đó mà hiệu quả không có gì cả – mà chỉ có tiếng cười, mặc dầu nó có tính phê phán. Còn Hêghen lại cho rằng hài là mâu thuẫn giữa cái giả dối, cái cơ sở hư ảo – cái có ý nghĩa, cái bền vững – cái chân lý.
Tsécnưsepxki thì cho rằng ấn tượng mà cái hài tạo ra trong con người là hỗn hợp giữa cảm giác dễ chịu và khó chịu, song ở đó, sức nặng nghiêng về phía cảm giác dễ chịu. Đôi khi nghiêng hẳn đến mức cảm giác khó chịu như không còn nữa. Cảm giác này biểu hiện thành tiếng cười.
Người ta thường nhầm lẫn giữa cái hài với tiếng cười mặc dầu cái hài gắn liền với tiếng cười song không phải cái cười nào cũng là cái hài. Như vậy, tiếng cười trước hết là một hiện tượng sinh lý (do thọc lét gây ra), thậm chí ở châu Phi có bệnh dịch cười (bệnh cười – cười mãi không ngớt). Có tiếng cười như của trẻ thơ vui đùa với cha mẹ, hoặc những cái gây cười bởi khuyết tật của bản năng cũng không phải là cái cười của cái hài. Cái cười của trẻ thơ thể hiện sự ngây thơ, trong trắng khi mới chập chững bước vào đời chưa có ý nghĩa xã hội sâu sắc, còn cái cười bởi sự khuyết tật của bản năng thường trở thành tiếng cười rẻ rúng.
Cái hài gắn liền với tiếng cười với tính cách là một phạm trù mỹ học thể hiện nội dung và ý nghĩa xã hội của nó. Chẳng hạn như Ghécxen đã cho rằng cái cười có ý nghĩa thẩm mỹ là một công cụ. Ông viết: “Tiếng cười là một công cụ phá hoại hùng mạnh nhất. Nó đánh và thiêu cháy như sét. Do tiếng cười mà những thần tượng bị sụp đổ”.
Cái cười mang tính hài đòi hỏi, trước hết, phải có một đối tượng cười, tức là cái có thể gây cười và bị cười. Trong cuộc sống có rất nhiều hiện tượng có thể gây cười, mỗi thứ một vẻ hết sức đa dạng. Song nói chung những cái cười, xét về bản chất là có mâu thuẫn hiểu như sự đối lập, không cân xứng không hài hoà.
Có cái có thể gây cười (đối tượng) lại còn có chủ thể cuời. Đây là mặt thứ hai mặt chủ quan của cái hài, không có nó không có cái hài. Bản thân đối tượng cười không thể gây cười nếu chủ thể không thể nhận thức được những mâu thuẫn chứa đựng trong nó. Điều này giải thích tại sao có nhiều người xem tranh biếm họa, tranh vui, đọc chuyện cười mà vẫn không cười, đến lúc hiểu ra thì mới bật cười. Cái hài do vậy là một kiểu nhận thức gắn với tiếng cười khi phát hiện ra những mâu thuẫn nào đó của sự vật hiện tượng ở góc độ thẩm mỹ.
Cái hài là những cái xấu không đành phận xấu, là những cái xấu đội lốt cái đẹp, bị phát hiện bất ngờ và gây ra tiếng cười tích cực mang ý nghĩa xã hội sâu sắc để phê phán cái xấu dưới ánh sáng của một lý tưởng thẩm mỹ nhất định.
2. Đặc điểm của cái hài
Nói như C. Mác con người có nhiều hình thức kế thừa và phủ định bản thân mình. Chính tiếng cười, sự hài hước, châm biếm, đả kích là một trong những phương tiện tự phát triển của con người dùng để từ giã quá khứ một cách vui vẻ.
Cái hài có những đặc điểm sau đây:
- Cái hài trước hết phải là cái xấu của con người hoặc con người có điểm xấu. Nói đến cái hài trước hết phải là cái xấu, không có nghĩa mọi cái xấu đều là yếu tố của cái hài. Cái xấu chỉ trở thành yếu tố của cái hài khi nó có ý nghĩa xã hội về mặt thẩm mỹ. Ví dụ cái xấu của trong bước đi lạch bạch của con vịt, nhẩy chồm chồm của con cóc, nếu không liên quan gì đến tính cách của con người thì nó không phải là yếu tố của cái hài.
Cái hài là cái xấu thuộc về đạo đức, về đời sống, về lý tưởng xã hội thể hiện ở quan hệ thẩm mỹ. Thí dụ như tính hay xu nịnh, tính gia trưởng, trưởng giả, đua đòi, bon chen, tham ăn, tục uống, dối trá, lươn lẹo, tồn tại trong từng con người và cả trong các quan hệ xã hội, những tổ chức xã hội như sự dốt nát, thiếu dân chủ, thái độ quan liêu, hống hách, cửa quyền đều là những yếu tố góp phần tạo nên tổng thể của cái hài.
Cái xấu, cái đáng cười là chưa đến nỗi xấu quá, chưa đến kinh tởm cũng là đối tượng của cái hài. Cho nên, Arixtốt cho rằng cái xấu đã đến mức đê tiện mà ai cũng biết, không giấu nổi thì nó không còn của tiếng cười hài hước, mà cái với tính cách là đối tượng của cái hài, tiếng cười thẩm mỹ của cái hài, thực ra chỉ là một bộ phận của cái xấu, lại không đành phận xấu, mặt khác nó cố tình che đậy bản chất bản chất xấu xa của nó.
- Cái hài là cái xấu đột lốt cái đẹp. Cũng như trên chúng ta đã phân tích không phải cái xấu nào cũng là yếu tố của cái hài. Sự tàn bạo, đê tiện và ghê tởm lại thuộc về các phạm trù chính trị, đạo đức. Cái xấu là yếu tố của cái hài là là cái xấu giả dạng cái đẹp, đột lốt cái đẹp, cái xấu chưa biết mình là xấu, đó mới là cái hài với tư cách là một phạm trù mỹ học.
Cái xấu được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ một tên quan huyện ăn đút lót vẫn tưởng mình là thanh liêm và những kẻ xu nịnh cũng cho mình là thanh liêm. Một người tham quyền lực nhưng lại phê phán người khác hám danh. Một xã hội mất tự do nhưng luôn tô điểm những hình thức bên ngoài của biểu tượng tự do. Vì vậy, nhân tố mâu thuẫn là nhân tố cơ bản của cái hài và mâu thuẫn đó thể hiên như lời nói – việc làm, nội dung – hình thức phải có yếu tố che đậy, giấu diếm, ngộ nhận.
Cái xấu giả danh cái đẹp dù có ý thức hay vô ý thức đều đặt trên các vấn đề xã hội, ý nghĩa xã hội sâu rộng của nó. Chẳng hạn, nhân vật Đôngkisốt lại đưa một người nông dân Xangxô lên làm đảo trưởng khi mà xã hội đã có chủ nghĩa tư bản, có thị trưởng các thành phố, các đảo. Sự vô ý thức đầy lòng tốt của đôngkisốt lại phản ánh sự ngu dốt lịch sử đến cực độ của giai cấp nông dân tư hữu muốn làm cuộc cách mạng tư sản, đại diện cho một phương thức sản xuất tiên tiến.
Thật mỉa mai trong cuộc sống thường nhật có những ngưới đàn bà bề ngoài tỏ ra mình cũng chính chuyên như ai, nhưng bên trong lại là kẻ ngoại tình phản bội chồng như cơm bữa và không quên một kẻ điếm đàng. Hơn nữa, sự điếm đàng được nhân danh bởi đức hạnh. Thậm chí, bởi cái hình hài tri thức có vẻ kiều diễm, cao sang. Chỉ biết rằng, họ không ngượng mồm khi khoe mẽ cái chính chuyên mà mình vốn không có để bẫy tình, bẫy người, bẫy cái sự đời ngang trái éo le.
Đời lẳng lơ có thiếu phụ chê chồng,
Đã mấy lần mê ái tình vụng trộm.
Mặc dư luận trêu ngươi cùng nhật nguyệt,
Cứ tồng ngồng rao bán cái chính chuyên.
Đời chính chuyên đi tìm cái chính chuyên,
Méo hay tròn nông sâu hay vô tận?
Chuyện tình riêng sao lòng ai uất hận,
Chuyện tình người sao nặng nỗi đa đoan?
(Đào Duy Thanh)
- Cái hài có yếu tố bất ngờ. Mâu thuẫn và sự xung đột trong cái xấu phát triển đến đỉnh cao rồi đột ngột bất ngờ bị phát hiện, bị bộc lộ, bị phơi bày bản chất của nó. Hay nói lại một cách khác một tình huống của cuộc sống của nghệ thuật điễn ra một cách căng thẳng giữa cái đẹp và cái xấu (trong bản thân cái xấu – cái xấu giả danh cái đẹp), cái xấu tưởng đã chiến thắng, bất ngờ bị vạch trần, bị đánh bại đúng lúc đó nó tạo nên yếu tố của cái hài. Có một truyện kể về Niutơn, vì quá bận trong công việc nên đôi khi ông cũng không để ý nhiều đến trang phục. Có lần do sơ xuất ông để chiếc khăn mùi xoa lòi ra khỏi túi quần ở chỗ đông người. Một kẻ ghen ghét, hám danh đã nhân sự việc này liền nói to: Xin mời mọi người hãy xem cái đuôi thông minh của nhà bác học đã lòi ra. Niutơn hóm hỉnh trả lời: Xin lỗi mọi người không phải như vậy, mà chính đó là cái nhìn của sự dốt nát.
Tính bất ngờ của cái hài đều gắn với tiếng cười đều xoáy vào những điểm yếu của con người và con người có điểm yếu. Ở đây cái hài sẽ có ý nghĩ thẩm mỹ xã hội sâu rộng nếu nó có tính giá trị nhân loại và văn hoá.
- Cái hài gắn với tiếng cười – tiếng cười tích cực. Cái hài có chủ thể là tiếng cười và tiếng cười là bộ phận tạo thành tính toàn vẹn của các yếu tố hài. Trong đó yếu tố bất ngờ và từ sự bất ngờ này đến sự bất ngờ khác đều hướng tới mục đích khêu gợi tiếng cười. Tiếng cười thẩm mỹ của cái hài là tiếng cười tích cực chống lại và phê phán cái xấu, cái thấp hèn ủng hộ cái đẹp, đón đỡ cái đẹp, xây dựng cái đẹp và khẳng định tính tất thắng của cái đẹp.
Tiếng cười thẩm mỹ của cái hài là cái cười của sự hài hước, dí dỏm, châm biếng, mỉa mai, đả kích, một cách nhẹ nhàng, thanh cao nhưng lại có một mạnh to lớn chống lại như thói hư tật xấu nói chung của con người.
Trong lịch sử mỹ học và nhất là mỹ học hiện đại, liên quan đến yếu tố cười của cái hài, ít nhiều, trực tiếp và gián tiếp đều gắn với yếu tố tục, - cái tục. Trong rất nhiều dạng của cái hài đều có sự đan xen một cách tinh tế tính bất ngờ pha trộn yếu tố dung tục. Người ta thường gắn cái hài với cái bộ phận sinh dục của con người để tìm ra tiếng cười. Trong đó có yếu tố thanh – tục – thanh. Chẳng hạn:
Trời cho cái mẽ bên ngoài
Để che đậy cái sơ sài bên trong!
(Tú Mỡ)
Như vậy, yếu tố tục có tham gia vào tiếng cười của cái hài, nó cũng có ý nghĩa tích cực nhất định, song nó không phải là yếu tố cơ bản, Nhiều sự tồn tại của cái hài không có yếu tố tục vào yếu tố bất ngờ, nhưng cái hài không thể không có yếu tố bất ngờ.
3. Cái hài trong cuộc sống và trong nghệ thuật
Xã hội loài người không chỉ là vương quốc của cái đẹp, cái bi còn là vương quốc của cái hài. Bởi vì, cái hài nảy sinh bởi những mâu thuẫn xã hội, và quá trình giải quyết những mâu thuẫn đó. Khái quát lại đó có thể là mâu thuẫn giữa hình thức và nội dung, giữa bộ phận với toàn thể, giữa ý nghĩa và phương tiện, giữa ước muốn và khả năng, giữa cái được phép và không được phép, quen và không quen, bình thường và không bình thường, v.v… Sở dĩ mỹ học chú ý đến cái hài, vì trong cuộc sống thiếu gì hiện tượng trống rỗng, vô nghĩa ở bên trong lại được che đậy một vẻ huênh hoang bên ngoài và luôn tự cho rằng nó còn có một nội dung, một ý nghĩa thật sự và quyền được tồn tại bất chấp qui luật.
Trong cuộc sống cái hài có nhiều loại và sự đa dạng của nó phụ thuộc vào tính chât nhiều mầu vẻ của đối tượng có thể gây cười lẫn chủ thể cười. Nhìn chung có mấy loại sau đây:
- Hài hước – bông đùa, bông lơn. Ở đây cái cười xuất phát từ mâu thuẫn bề ngoài và mang tính chất nhẹ nhàng, thoả mái, nhằm xây dựng cho đối tượng, loại bỏ những yếu điểm để đối tượng ngày một hoàn thiện hơn. Nói theo quan điểm của C. Mác thì nhân loại có thể rời bỏ quá khứ một cách vui vẻ và cái vui vẻ ấy là sự hiện diện của cái hài và ý nghĩa xã hội của nó. Hài hước thích hợp với nội bộ quần chúng nhân dân chứ không mang tính đối kháng. Ví dụ sự phê phán những anh chàng sợ vợ trong truyện cười Việt Nam, hoặc bức tranh dân gian “Hứng dừa”, phê phán nhẹ nhàng hóm hỉnh, sự hớ hênh, vô ý của người con gái giơ váy hứng dừa.
- Dí dỏm – chỉ bảo, gợi mở. Cái cười ở đây có tính chất trí tuệ hơn, những sự đối lập gây cười nằm sâu bên trong bản chất sự vật, hiện tượng hơn. Tiếng cười trong trường hợp này thường có ý nghĩa nhận thức.
- Châm biếm, mỉa mai. Tiếng cười ở đây bắt đầu mang mầu sắc phê phán có tính phủ định đối tượng nhưng mức độ còn nhẹ nhàng chưa hẳn nhất thiết phải mang tính thù địch, nó dành cho những hiện tượng buồn cười, thậm chí mù quáng nhưng có thể sửa chữa được.
- Đả kích. Loại cười này thể hiện khuynh hướng xã hội mạnh mẽ nhất. Sự phê phán ở đây hoàn toàn mang tính chất phủ định. Trong trường hợp này có thể không có tiếng cười(biểu hiện ra bên ngoài), hoặc chỉ cười một cách nghiêm chỉnh.
Các loại hình cái hài trên đây đều có ý nghĩa xã hội riêng, không nên tuyệt đối hóa hoặc xem nhẹ loại hình nào của cái cười. Không nên xem cái cười hài hước vui tươi, nhẹ nhàng là vô bổ. Mặt khác cũng phải chú ý sao cho cái cười không chỉ mang tính đa dạng phong phú mà còn ý nghĩa nghệ thuật, cảm thụ nghệ thuật đem lại khoái cảm thẩm mỹ của cái cười.
Vai trò của cái cười trong nghệ thuật đối với sự phát triển của tiến bộ xã hội, đối với đời sống con người là không thể thiếu. Cười là một hình thứ phê phán cái xấu, xoá bỏ cái xấu, chế ngự cái xấu, là sự tự tin, tự sự khẳng định cái tốt, cái đẹp.
Cái hài được phản ánh trong nhiều loại hình của nghệ thuật (trừ kiến trúc), ví như truyện tiếu lâm, thơ trào phúng, đả kích trong văn học, hội họa, hài kịch trong sân khấu, phim hài trong điện ảnh. Các thủ pháp của cái hài cũng khác nhau trong loại hình nghệ thuật. Ví dụ như trong văn học chơi chữ, ẩn dụ, phúng dụ, trong sân khấu ngoài ngôn ngữ còn có sử dụng động tác, điệu bộ, nét mặt.
Cái hài được phản ánh trong nghệ thuật chính là sự phản ánh cái hài dưới các hình thức khác nhau của cuộc sống một cách sáng tạo. Nghệ thuật hài xứng đáng giữ vai trò là vũ khí trong đấu tranh xã hội, giải quyết những xung đột, những mâu thuẫn luôn hướng con người đến với cái tốt, cái đẹp với niềm tin và khát vọng sống một cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn.

0 nhận xét :