Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Nhà thơ lớn và một công văn độc đáo



Nhà thơ Chế Lan Viên

Tôi quen biết nhà báo Trần Thanh Phương, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết từ hàng chục năm nay; biết ông và vợ ông, cô giáo Phan Thị Thu Hương, dạy văn cấp 3 từ những năm 60 của thế kỷ trước, đã bỏ biết bao công sức để sưu tập cả một kho tư liệu báo chí quý giá, trong đó có những tư liệu có một không hai về các nhà văn, nhà báo nổi tiếng ở nước ta.

Trong một bài viết đăng trên báo An ninh Thế giới cuối tháng cách đây vài năm, tôi gọi việc sưu tầm tư liệu báo chí đó của ông bà Trần Thanh Phương là một việc làm "lặng lẽ dành cho mọi người". Bởi vì lúc nào vợ chồng ông cũng sẵn sàng mở rộng cửa để đón những ai có nhu cầu tìm kiếm, tra cứu tư liệu báo chí tìm đến. Mới đây, ông đã cho xuất bản tập I cuốn sách tư liệu quý, mang tên "Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam" do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, bao gồm chân dung và bút tích của 250 nhà văn, nhà thơ Việt Nam nổi tiếng, trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ đã mất, mà vợ chồng ông đã sưu tầm được. Ông bà cũng sắp hoàn thành bản thảo tập 2 của cuốn sách nói trên, gồm chân dung và bút tích của 250 nhà văn tiếp theo mà mấy chục năm qua ông bà đã dày công sưu tầm tư liệu để xuất bản vào dịp đầu năm tới.

Trong một lần đến thăm ông bà cách đây ít lâu, tôi không những được ông bà tặng sách mà còn được cho xem một tư liệu rất độc đáo mà ông bà có được. Đó là một công văn của Hội Nhà văn Việt Nam gửi ông Bộ trưởng Bộ Tài chính từ cách đây 22 năm, đề nghị trợ cấp tiền bù lỗ mua lương thực cho nhà thơ Chế Lan Viên khi vợ chồng nhà thơ chuyển công tác từ Hà Nội vào TP HCM.

Nội dung của công văn mang số 48/HNV của Hội Nhà văn, đề ngày 17/6/1987 đó như sau:

"Kính gửi: Đồng chí Hoàng Quy, Bộ trưởng Bộ Tài chính

Đồng kính gửi:- Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương

- Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung ương.

Tiếp theo Công văn số 363/HNV đã gửi Bộ, chúng tôi kính trình tiếp với đồng chí Bộ trưởng một việc như sau:

Nhà thơ Chế Lan Viên, chuyên viên 8, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, đại biểu Quốc hội Khóa 7. Theo yêu cầu của Hội, nhà thơ Chế LanViên và vợ là nhà văn Vũ Thị Thường biệt phái công tác lâu dài tại tp HCM từ năm 1982 đến nay.

Từ tháng 2/1985 gia đình nhà thơ Chế Lan Viên phải mua gạo giá cao, không được hưởng tiền bù lỗ như các cán bộ tại chỗ. Trong Công văn số 363 chúng tôi đã gửi kèm theo đơn nêu trợ cấp bù lỗ tiền mua lương thực của nhà thơ Chế Lan Viên.

Hiện nay sinh hoạt ở thành phố HCM rất đắt đỏ, gia đình nhà thơ Chế Lan Viên sống bằng đồng lương rất chật vật, nên chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính giải quyết việc bù lỗ lương thực để bớt phần khó khăn cho nhà thơ Chế Lan Viên, tạo điều kiện cho nhà thơ sáng tác tốt.

TM Ban Thư ký

Phó Tổng Thư ký

Chính Hữu"

Sở dĩ ông Trần Thanh Phương có được cái công văn độc đáo đó là do chính nhà thơ Chế Lan Viên tặng ông. Trên công văn đó còn lưu lại bút tích của hai nhà thơ Huy Cận và Chế Lan Viên.

Nhà thơ Huy Cận đã chuyển công văn này cho Chế Lan Viên với dòng chữ:

"Hoan,

Cận đã đưa bản công văn này cho đồng chí Hoàng Quy với những lời can thiệp rất cụ thể (như đã kể trong thư).Đây là bản gửi cho Ủy ban Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung ương, gửi kèm theo đây cho Hoan xem".

(Phan Ngọc Hoan là tên thật của nhà thơ Chế Lan Viên).

Còn đây là thư nhà thơ Chế Lan Viên viết cho nhà báo Trần Thanh Phương:

"Anh Trần Thanh Phương thân mến,

Biếu anh bút tích anh Huy Cận lo giải quyết cho tôi lương (tôi và nhà tôi lúc giải phóng mỗi tháng lĩnh 2080 đồng). Sau đó anh Hoàng Quy, Bộ trưởng Tài chính cũng lo cho. Tôi đã cảm ơn anh Hoàng Quy và anh Huy Cận. 6/2/88".

Đọc công văn nói trên và những dòng chữ còn lưu lại trên công văn của nhà thơ Huy Cận và nhà thơ Chế Lan Viên, tôi không khỏi suy nghĩ và thật sự cảm động, biết được tình cảm quý trọng và thân thiết của các nhà thơ, nhà văn, nhà báo đối với nhau trong một giai đoạn mà đời sống của mỗi người đều còn rất khó khăn.

Những năm 1987, 1988, "cả nước thiếu ăn" ấy, tất cả cán bộ công chức nhà nước đều sống nhờ vào đồng lương ít ỏi, bữa ăn hàng ngày đều phụ thuộc vào số lương thực được mua theo tiêu chuẩn cung cấp cho từng người hàng tháng, căn cứ vào sổ nhân khẩu đăng ký trong Sổ hộ khẩu của mỗi gia đình. Nếu ai không có hộ khẩu thường trú thì sẽ không được mua gạo theo giá cung cấp do ngành Tài chính bù lỗ.

Không ngờ vợ chồng nhà thơ Chế Lan Viên nổi tiếng như thế, nhà thơ lại là đại biểu Quốc hội, mà khi chuyển vào TP HCM cũng lâm vào cảnh không có hộ khẩu thường trú để được mua gạo theo giá cung cấp,"méo mặt như người mất sổ gạo" mà nhiều người lúc đó thường nói vui!

Và cảm động thay sự đồng cảm, chia sẻ, góp sức của các nhà thơ, nhà văn trong Hội Nhà văn Việt Nam và cả của cá nhân ông Bộ trưởng Tài chính Hoàng Quy trong việc giúp nhà thơ Chế Lan Viên giải quyết khó khăn của việc "mất sổ gạo" này. Và qua những dòng ghi vắn tắt của nhà thơ Chế Lan Viên gửi nhà báo Trần Thanh Phương, nhất là việc nhà thơ "biếu" nhà báo cái công văn độc đáo này, càng thấy sự trân trọng của một nhà thơ nổi tiếng đối với công việc sưu tầm tư liệu báo chí, văn thơ của một nhà báo khiêm nhường, luôn coi công việc của mình là "lặng lẽ dành cho mọi người".

Quý thay, một cái công văn biết được bao tình người!


Dương Đức Quảng

0 nhận xét :