Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và nhà nước kiểu mới là một hệ thống những quan điểm lý luận về bản chất, chức năng, cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, v.v… Trong đó, quan niệm của Người về một nhà nước pháp quyền mạnh mẽ đó là việc xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh. Vấn đề xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu quả là mối quan tâm thường xuyên của Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu mới có chính quyền cũng như trong quá trình xây dựng nhà nước dân chủ kiểu mới Việt Nam. Đây là một cuộc đấu tranh đầy khó khăn, gian khổ, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc 1954. Người hiểu rằng, chỉ có thể giành thắng lợi thì phải huy động sức mạnh của nhân dân và của cả hệ thống chính trị, sử dụng kết hợp các biện pháp tư tưởng và tổ chức, giáo dục và hành chính, kinh tế và pháp luật. Trong đó, Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh hai nội dung cơ bản.

Đó là, tăng cường pháp luật với việc giáo dục đạo đức và chống tham ô, lãng phí, quan liêu

Thứ nhất, tăng cường pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức.

Trong tư tưởng về dân chủ và nhà nước kiểu mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một vấn đề cần phải làm rõ: Đó là “phép trị nước” của Người, về hai phương diện đạo đức và pháp luật, xét ở góc độ: “đức trị” hay “pháp trị” là vấn đề mà trong tư tưởng chính trị phương Đông luôn được đặt ra và giải quyết dưới nhiều hình thức khác nhau. Ở một số nhà tư tưởng vấn đề đặt ra thường quyết liệt theo hai khuynh hướng có tính chất đối lập nhau: “hoặc đức trị hoặc pháp trị”. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không đối lập pháp trị với đạo đức. Người lưu ý: “Luật pháp dựa vào đạo đức, mặt khác luật pháp bảo vệ đạo đức”[1] và Người đặc biệt lưu ý vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên đối với nhân dân. Nuyên nội hàm các thuật ngũ: “Nhà nước pháp quyền”, “chế độ pháp trị” đã được Hồ Chí Minh thường sử dụng và có những kiến giải hết sức độc đáo và đặc sắc. Người nói đến pháp trị: “Tư pháp cần góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta”[2].

Hồ Chí Minh ý thức rất rõ việc phải quản lý xã hội bằng pháp luật, đề cao pháp luật - hiện thân của chế độ dân chủ, hiện thân của chủ quyền nhân dân và Người chỉ đạo sát sao việc xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam. Bởi vì, pháp luật là cơ sở thực hiện các quyền tự do dân chủ, quyền làm chủ nhà nước của nhân dân, v.v

Theo Hồ Chí Minh nền chính trị mới là một nền chính trị đạo đức (không phải nền chính trị thuần tuý, mà những quyết định chính trị hàm chứa lượng đạo đức cao trong đó) nếu chính trị mới bao hàm trong nó những nguyên tắc đạo đức. Ví dụ: trong Quốc lệnh do Người ban hành ngày 26-1-1946, đã đưa ra 10 điều khen thưởng (thể hiện cho đức trị) và 10 điều hình phạt (thể hiện cho pháp trị). Mười điều khen thưởng và 10 điều hình phạt trong Quốc lệnh là tư tưởng sáng ngời, công minh chính đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực tế lịch sử đã cho thấy rằng, Hồ Chí Minh là một nhà lập pháp sắc sảo, đồng thời là một nhà hành pháp nghiêm minh. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về sự kết hợp biện chứng giữa giáo dục đạo đức và tăng cường pháp luật cần được kế thừa và phát huy trên con đường xây dựng một Nhà nước pháp quyền mạnh mẽ, trong sạch, vững mạnh, có hiệu quả.

Thứ hai, kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Nhà nước có mạnh, có hiệu lực cao hay không một mặt phụ thuộc vào tính nghiêm minh của việc thi hành pháp luật, mặt khác, dựa vào sự gương mẫu, sự trong sạch về đạo đức của đội ngũ cán bộ các cấp. Hồ Chí Minh coi: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng… Tham ô, lãng phí, quan liêu là xấu xa củ xã hội cũ… Chúng ta muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do, bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính – cho nên chúng ta phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ”[3].

Hồ Chí Minh phê phán bệnh quan liêu: “không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn …, thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững … Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”[4], “ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí”.

Hồ Chí Minh nêu rõ các biện pháp chống bệnh quan liêu, lãng phí, tham nhũng: Thực hành dân chủ, tôn trọng và bảo đảm quyền làm chủ thực sự của nhân dân; tăng cường kiểm tra; phát triển kinh tế, cải tiến quản lý kinh tế và thực hiện công bằng xã hội; nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân.



[1] Hội luật gia Việt Nam, Hồ Chủ tịch với pháp chế, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1985, tr.93, 89, 86, 111, 121.

[2] Sdđd.

[3] Sđdd, t.6, tr. 493 -494,

[4] Hồ Chí Minh: Tòanà tập, Sđd, t.6,tr.489-490.

0 nhận xét :