Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước pháp quyền có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ

Hồ Chí Minh cho rằng, một nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ, trước hết là một nhà nước hợp hiến. Người viết: “Tính chất Nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Đó là vấn đề nội dung giai cấp của chính quyền. Chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai? Điều đó quyết định toàn bộ nội dung của Hiến pháp”[1].

Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945) tuyên bố với quốc dân đồng bào và với thế giới về sự khai sinh của Nhà nước Việt Nam mới. Và trên cơ sở đó, Chính phủ lâm thời do cuộc cách mạng của nhân dân lập nên có được địa vị hợp pháp, không chỉ về đối nội mà cả về đối ngoại của Nhà nước Việt nam mới. Cũng trong ngày 2-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh xác định sáu nhiệm vu(vấn đề) cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó nhiệm vụ(vấn đề) thứ ba: “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống,v.v..”[2]để sớm có một Nhà nước hợp hiến do nhân dân bầu ra. Ngày 17-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử; ngày 20-9-1945 ký Sắc lệnh số 34 thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp (Hồ Chí Minh làm trưởng ban); ngày 6-1-1946, Tổng tuyển cử.

Chính sách bầu cử, ứng cử là vấn đề cốt yếu đảm bảo tính hợp hiến của bộ máy nhà nước kiểu mới. Về vấn đề này, Hồ Chí Minh nói: “Non hai tháng trước đây, trước cuộc khởi nghĩa 19-8-1945, nói tới hai chữ Chính phủ người ta nghĩ ngay tới một bọn đầu đảng cướp nguy hiểm, xảo quyệt. Trái lại, ai ai đối với Chính phủ nhân dân hiện nay cũng đều có một cảm tình thân mật với một tôn kính sâu xa: Chính phủ đối với ta như người “anh cả” trong gia đình, v.v…”[3].

Trước Tổng tuyển cử, khi nói đến ý nghĩa của Tổng tuyển cử (31 – 12 – 1945), Hồ Chí Minh đã viết: “Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà.

Trong cuộc Tổng tuyển cứ, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.

Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết.

Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”[4].

Với một đất nước còn ngổn ngang những khó khăn và rối ren, Hồ Chí Minh chủ động tiến hành một giải pháp pháp lý tưởng rằng chỉ có trong hoà bình mới có thể thực hiện được và đã thành công. Hồ Chí Minh cho rằng chỉ có Tổng tuyển cử thì kháng chiến mới thành công, nước nhà mới độc lập, mọi người góp sức xây dựng nước nhà và Người phát động toàn dân hăng hái tham gia bầu cử. Người viết:

“Vậy nên khẩu hiệu cuộc Tổng tuyển cử thứ nhất của nước Việt Nam ta phải là:

Kháng chiến đến cùng để hoàn toàn độc lập!

Ra sức phấn đấu để xây dựng nước nhà.

Tôi mong rằng toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử này” [5].

Đây là một cuộc phổ thông đầu phiếu được tổ chức nhanh nhất, diễn ra sớm nhất, một kỷ lục chưa có quốc gia nào đạt được kể từ sau khi lật đổ ách thống trị thực dân, đưa lực lượng chính trị của nhân dân lên cầm quyền. Với một Quốc hội được thành lập qua tổng tuyển cử, một Nhà nước hợp hiến ra đời – một Nhà nước dân chủ kiểu mới, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hơn nữa, đây cũng là Chính phủ hợp hiến đầu tiên do đại biểu của nhân bầu ra, có đầy đủ tư cách và hiệu lực trong việc giải quyết mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam mới để thực hiện những nhiệm vụ của nhà nước. Vì vậy, quân đội Tưởng và đại diện Đồng minh khi vào Việt Nam đã phải làm việc với Chính phủ Hồ Chí Minh.

Từ góc độ của đối tượng nghiên cứu về dân chủ - Nhà nước và pháp luật, chúng ta tìm thấy trong tư tưởng cứu nước của Người là tìm kiếm những phương pháp lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến và thành lập một chính quyền của dân, do dân, vì dân. Đó còn là chính quyền thân dân, gần dân. Đây chính là tính ưu việt của một Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh là nhà nước quản lý đất nước bằng pháp luật và phải làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Nhà nước mới quản lý xã hội bằng pháp luật, phải xây dựng hệ thống pháp luật.

Khi chế độ thực dân đang còn cai trị trên đất nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên nêu vấn đề nhân quyền như một yêu sách của cả một dân tộc đang vươn tới khát vọng dân chủ và tự do. Ngày nay, chính quyền đã về tay nhân dân thì các quyền con người đã được nâng lên thành một nguyên tắc hiến định. Cho nên, trong một nhà nước dân chủ, mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hoá bằng hiến pháp và pháp luật. Trong lời phát biểu tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà(9-1-1946), Ngưới nói: “ Sau khi nước nhà mới được tự do 14 tháng, đã làm thành được bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa… Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do”[6].

Vì vậy, xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa đảm bảo được việc thực hiện quyền lực của nhân dân là mối quan tâm suốt đời của Hồ Chí Minh. Ơ cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã hai lần đứng đầu Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp, đã ký công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác[7]. Người không chi luôn chăm lo hoàn thiện Hiến pháp và hệ thống pháp luật; mà còn quan tâm làm thế nào để đưa pháp luật vào đời sống, tạo ra cơ chế bảo đảm cho pháp luật được thi hành, cơ chế kiểm tra, giám sát việc thi hành đó trong các cơ quan nhà nước và trong nhân dân.

Hồ Chí Minh rất chú trọng về việc làm cho mọi người dân hiểu luật pháp và chấp hành pháp luật một cách tự giác. Chính vì vậy, Người luôn quan tâm đến công tác giáo dục pháp luật cho nhân dân, mặc dầu đây là vấn đề hết sức khó khăn khi đại đa số trình độ học vấn của người dân còn thấp. Hơn nữa, quá trình xây dựng nhà nước kiểu mới là quá trình xây dựng pháp luật và pháp luật phải được thực thi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mới là cốt yếu. Cho nên, Người luôn đòi hỏi cán bộ nhà nước phải là người tuân thủ pháp luật trước hết (trong đó, trước hết là các cán bộ ngành hành pháp và tư pháp). Người không ngừng nhắc nhở cán bộ phải gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương về việc tuân thủ pháp luật.

Do điều kiện lịch sử xã hội Việt Nam những năm 1945-1954, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Nhà nước ta lúc bấy giờ phải sử dụng chế độ sắc lệnh để điều hành công việc đất nước. Hàng trăm sắc lệnh do chính Hồ Chí Minh ký ban hành vào thời kỳ đó đã trực tiếp điều hành công việc của đất nước trong một thời kỳ hết sức đặc biệt của Nhà nước kháng chiến. Tuy nhiên, với tính cách vừa là Chủ tịch Đảng, vừa là Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của Đảng, Nhà nước bằng cách khi quyết định việc quan trọng Người đều xin ý kiến của Bộ chính trị, của Ban Thường vụ Quốc hội.

Chúng ta biết rằng, pháp luật được định ra để điều tiết những quan hệ xã hội của xã hội có giai cấp; nhưng nhiều khi nếu không áp dụng triệt để, thì vẫn có tầng lớp, có người đứng trên pháp luật. Chính vì vậy, trong thi hành pháp luật, cái khó nhất và cũng là cái bảo đảm cho pháp luật có được thực thi hay không là phải bảo đảm được tính khách quan, bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Vì vậy, Hồ Chí Minh đòi hỏi pháp luật của ta phải xét xử theo đúng pháp luật, và “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”[8]. Chẳng hạn, vụ án Trần Dụ Châu, mặc dù rất đau lòng, nhưng Hồ Chí Minh đã bác đơn chống án tử hình của Trần Dụ Châu, vốn cũng là một người cán bộ cách mạng, nhưng lại phạm tội nghiêm trọng khi có chức có quyền. Với Hồ Chí Minh, pháp luật bất vị thân, công tội phân minh, “không vì công mà quên lỗi, vì lỗi mà quên công”[9].

Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức làm chủ, phát triển văn hoá chính trị và tính tích cực công dân, khuyến khích nhân dân tham gia vào các công việc của nhà nước, khắc phục mọi thứ dân chủ hình thức. Người viết: “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”. Theo ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng chỉ khi nào dân biết và dám phê bình người lãnh đạo, lúc đó dân đã biết nắm quyền của mình, tức là đã biết thực hành dân chủ và tự giác chấp hành pháp luật.



[1] Hồ Chí Minh: Tuàn tập, Sđd, t.9, 586.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn ập, Sđd, t.4,tr.8.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4,tr.22-23.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn ập, Sđd, t.4,tr.113.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn ập, Sđd, t.4,tr.113.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd t.4, tr. 430.

[7] Theo tài liệu của Viện Nggiên cứu khoa học pháp lý , Bộ Tư pháp xuất bản tháng 3-1993.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5,tr.641.

[9] Xem Quốc lệnh(26-1-1946). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4,tr.163-164.

1 nhận xét :

Nặc danh nói...

Do you mind if I quote a couple of youг pοsts as long aѕ I provіde
credit and sоurces back to your weblog? My website is in the exact
same nіche as yours and mу users would truly benefit from a lot of
the information you provide here. Pleаse let me know іf this οk ωіth you.
Thаnks a lot!

Alѕo visit my weblog - Boston Airport Shuttle