Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2010

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc của nhà nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa dân tộc và giai cấp, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một quan điểm thống nhất được thể hiện trong tư tưởng của Người về bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước Việt Nam kiểu mới. Tư tưởng đó của Người biểu hiện trong những nội dung chủ yếu sau:

- Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo Nhà nước. Từ khi Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam ra đời, Đảng luôn giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước trong mọi thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Sự lãnh đạo đó thực hiện theo phương thức: lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối lớn, thông qua tổ chức của mình trong Quốc hội, Chính phủ và các ngành, các cấp của Nhà nước; để thể chế hoá quan điểm, đường lối, nghị quyết của mình, biến nó thành pháp luật, chính sách của Nhà nước.

- Nguyên tắc tổ chức căn bản của Nhà nước là nguyên tắc tập trung dân chủ. Mọi tổ chức và các cơ quan của Nhà nước đều phải hoạt động theo nguyên tắc này, vì: bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, thì dân chủ xã hội chủ nghĩa là cơ sở và nguyên tắc của lãnh đạo và quản lý xã hội.

Nguyên tắc tập trung dân chủ với tinh thần này đã trở thành một nguyên tắc Hiến định về tổ chức, xây dựng bộ máy quản lý nhà nước, được quán triệt trong Hiến pháp 1946 và ghi rõ tại điều 4 Hiến pháp 1959: “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan nhà nước đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ”[1].

- Bản chất giai cấp công nhân thống nhất với tính nhân dân và tính dân tộc trong Nhà nước kiểu mới. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước mới - mang bản chất giai cấp công nhân - đồng nghĩa với Nhà nước của dân tộc Việt Nam. Ý tưởng về một Nhà nước của toàn thể dân tộc là một ý tưởng sâu sắc và nhất quán của Người. Tại Đại hội II của Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó là Đảng của dân tộc Việt Nam[2]. Năm 1961 Bác còn nhắc lại: “Đảng ta là Đảng của giai cấp (công nhân), đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”[3].

Nhà nước kiểu mới lấy lợi ích của nhân dân, dân tộc dựa trên nền tảng đại đoàn kết dân tộc, cốt lõi là liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do giai cấp công nhân lãnh đạo. Trong qúa trình đấu tranh cách mạng thiết lập Nhà nước, tại Đại hội quốc dân (16, 17-8-1945 tại Tân Trào) bầu ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam bao gồm nhiều đại biểu của các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ không thuộc đảng phái nào. Cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mở rộng thành phần Chính phủ lâm thời thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời[4]. Trong Quốc hội có 70 ghế cho người của Việt Nam cách mệnh đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng; dung nạp nhiều nhân sĩ trí thức, quan lại cao cấp của chế độ cũ tham gia Chính phu[5].

Sau cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, trong phiên họp đầu tiên ngày 2-3-1946, Hồ Chí Minh đã thỉnh cầu Quốc hội mở rộng thêm ghế cho Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội (20 ghế) và Việt Nam Quốc dân Đảng (20 ghế) … biểu hiện rõ rệt tinh thần đại đoàn kết dân tộc, phù hợp truyền thống dân tộc, tâm lý và dân trí, hoàn cảnh kinh tế và xã hội lúc đó. Trong diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoa I nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (2-3-1946). Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trong cuộc Toàn quốc đại biểi đại hội này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không phải đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu của toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối”[6].


[1] Hồ Chí Minh, Toàan tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.7, tr. 218-219.

[2] Hồ Chí Minh, Toàan tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr. 175.

[3] Sđd, t.10, tr. 467.

[4] Xem: Trả lời phỏng vấn... (26-12-1945). Hồ Chí Minh, Toàan tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 124-125.

[5] Sđd,t.10, tr. 124-125.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 189-190.

0 nhận xét :