Để xây dựng một nền nghệ thuật mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta luôn chủ trương coi nghệ sỹ là chiến sỹ trên mặt trận văn nghệ phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đất nước. Nhưng để cho nghệ thuật đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng hiện nay và để cho nghệ sỹ – chiến sỹ thực hiện được hoài bão của mình thì phải phát huy mọi nguồn lực và mọi khả năng sáng tạo của hoạt động nghệ thuật.
Sáng tạo nghệ thuật luôn gắn liền với tự do sáng tác. Tự do sáng tác, trước hết là tự do sáng tạo của người nghệ sỹ, của nhà phê bình lý luận và cả của công chúng trong thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Đó là cảm hứng của sự tìm tòi, khám phá cái mới của nhà nghệ sỹ; là sự cảm nhận những cảm xúc thẩm mỹ chân thực khi nhận định, đánh giá nghệ thuật của nhà lý luận phê bình; là sự lựa chọn tiếp nhận thưởng thức của công chúng đối với tác phẩm nghệ thuật. Cho nên, giải phóng và phát huy mọi khả năng sáng tạo, thực chất là vấn đề tự do thực sự cho nghệ thuật, xét cả phương diện bên trong và bên ngoài nghệ thuật.
Tự do vốn là điều kiện khởi điểm của sáng tạo. Hẳn không phải ngẫu nhiên trong những năm đầu của sự nghiệp đổi mới, hai chữ “cởi trói đã được nêu lên như một nhu cầu hàng đầu đối với sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật truyền thống từng bị ràng buộc bởi hệ thống các qui phạm xã hội, những khuôn mẫu kinh nghiệm và nhưng chuẩn mực bất biến về giá trị. Nghệ thuật cách mạng trước thời kỳ đổi mới và hiện nay ở một mức độ nhất định vẫn bị hạn chế bởi truyền thống, bởi những định hướng chính trị – xã hội – đạo đức nghiêm ngặt và giáo điều đang cản trở qúa trình xây dựng một nền nghệ thuật tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mà thực chất là một nền nghệ thuật cách mạng phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân ta. Do những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhất là trong thời kỳ chiến tranh, với những yêu cầu chính trị – xã hội nhất định mà nghệ thuật phải tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn bức xúc. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, ở một mức độ nhất định trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật một thời gian dài ngoài sức nạng của truyền thống cũng có những “vùng cấm”, làm cho các nghệ sỹ có phần e ngại và kiêng kỵ, không được thật sự bộc bạch tâm tư, nguyện vọng của mình vào tác phẩm.
Khi yêu cầu về tự do sáng tạo và “cởi trói” được đặt ra thì sự đa dạng trong suy nghĩ và sự tìm kiếm về tư tưởng trong nghệ thuật như một nhu cầu khách quan của sự phát triển nghệ thuật. Nhưng hiện nay yêu cầu về tự do sáng tạo gắn liền với việc khẳng định vai trò cá nhân, - tức là cá nhân được giải phóng, nhưng sự giải phóng này đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao của nhà nghệ sỹ, đồng thời sự trưởng thành của công chúng khiến cho việc cảm thụ, đánh giá những tác phẩm nghệ thuật hiện nay và soi xét lại qúa khứ không thể theo quan niệm và phương pháp cũ. Cố nhiên, cũng không thể ngây thơ đòi hỏi hoặc mặc nhiên khẳng định có một thứ tự do tuyệt đối như một ảo tưởng của một số người theo cách hiểu của chủ nghĩa duy mỹ trong nghệ thuật. Bởi vì, chẳng có nghệ thuật nào không phục vụ cho một mục tiêu chính trị – xã hội nhất định. Nhưng cũng phải thấy rằng so với thời kỳ trước đổi mới, nghệ thuật Việt Nam hôm nay đã có những bước tiến vững vàng và được thể hiện được không khí tự do sáng tạo; người nghệ sỹ được giải phóng mình, tự do tìm tòi sáng tạo cả trong chủ đề lẫn trong phương pháp sáng tác. Tuy nhiên, kết qủa sáng tạo không chỉ phụ thuộc vào cơ chế dân chủ và tự do sáng tạo, mà phần đặc biệt quan trọng, quyết định chất lượng tác phẩm là năng lực sáng tạo của nghệ sỹ. Cho nên vấn đề đáp ứng yêu cầu dân chủ hóa xã hội, tăng cường nguồn lực, phương tiện cho sáng tạo, phải gắn liền với vấn đề phát hiện năng khiếu, đào tạo bồi dưỡng nhân tài.
Sáng tạo nghệ thuật với tư cách là một phương thức diễn đạt cá nhân không chỉ là tính đặc thù của sáng tạo nghệ thuật, mà còn là tính đặc thù của phong cách sáng tạo của cá nhân người nghệ sỹ. Bởi vậy, đào tạo bồi dưỡng nhân tài trước hết phải phát hiện năng khiếu cá nhân và năng khiếu đó phải được chăm sóc và đào tạo. Có thể nói, trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đã có nhiều trường (có các trường năng khiếu) âm nhạc, mỹ thuật, trại viết, sân khấu, điện ảnh, v.v. cũng nhằm đào tạo bồi dưỡng nhân tài. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để có một chính sách đãi ngộ thích ứng với việc đào tạo, nhằm khuyến khích tinh thần trách nhiệm của người học và người dạy.
Có một thực tế là, không ít tác phẩm nghệ thuật mặc dầu có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước nhưng không đứng vững lâu dài với thời gian,. Bởi những hoàn cảnh lịch sử, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, chúng ta vừa phải động viên sức người, sức của cho chiến trường; lại vừa chưa có kinh nghiệm trong việc nhận chân giá trị của tác phẩm, cũng như bị “trói buộc” bởi những “khuôn mẫu” của những kinh nghiệm trực tiếp. Đã đến lúc phải đề cao cá tính và thiên hướng trong sáng tạo nghệ thuật của mỗi cá nhân người nghệ sỹ, gắn họ với qúa trình xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vì một tinh thần nhân văn cao cả trong một thời đại mà khoa học – công nghệ đã bước vào một kỷ nguyên mới, - kỷ nguyên trí tuệ. Điều đó không dẫn đến việc khước từ mọi thành qủa của nghệ thuật trước đây, mà cái chính là nghệ thuật hiện đại Việt Nam ngày nay đang giao lưu mạnh mẽ với thế giới bên ngoài, buộc bản thân người nghệ sỹ phải tự đào tạo nâng cao tài năng của mình để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp đổi mới đất nước.
Trong đời sống nghệ thuật trước đây và cả hiện nay vẫn tồn tại khuynh hướng minh họa và truyền đạt một cách sơ lược cái hình thức bên ngoài của cuộc sống hiện thực, dường như có sự thiếu hụt những cảm xúc chân thành và thiên hướng dấu ấn cá tính trong sáng tạo của người nghệ sỹ.
Xây dựng một nền nghệ thuật tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc không chỉ chú ý đến việc coi trọng năng khiếu và tài năng của người nghệ sỹ. Điều quan trọng hơn là có năng khiếu mà không được đào tạo, thì nghệ thuật chỉ đẻ ra những nghệ nhân, những người thợ hành nghề theo chủ nghĩa kinh nghiệm, chỉ có thể đáp ứng được phong trào văn nghệ quần chúng. Với nền nghệ thuật bác học, nghệ sỹ nhất thiết phải được đào tạo và việc tôn trọng cá tính, tạo điều kiện cho thiên hướng nghệ thuật phát triển lành mạnh là một yêu cầu phải được đầu tư thích hợp.
Đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, ngoài những kiến thức cần thiết còn phải đặc biệt quan tâm, trân trọng năng lực tìm tòi, khám phá của người nghệ sỹ thông qua cá tính và thiên hướng nghệ thuật của họ. Các dấu ấn cá nhân người nghệ sỹ, các tên tuổi được dân tộc và nhân loại đề cao xưa nay, bao giờ cũng cũng xất phát là cá tính sáng tạo, gắn bó với thời đại mình. Phải chăng khả năng tìm tòi, khám phá hiện thực của người nghệ sỹ thể hiện trong tác phẩm càng có ý nghĩa thì bút pháp cá nhân càng thể hiện rõ. Về nét độc đáo này chúng ta dễ nhận thấy ở nhiều hiện tượng tài năng trong các dòng văn học dân tộc Việt Nam mọi thời đại như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Tuân, Nam Cao và Hồ Chí Minh, v.v…
Cá tính sáng tạo gắn liền với thiên hướng nghệ thuật. Cái lắng đọng nơi tâm hồn mỗi nghệ sỹ là cả một sở trường, một sự tâm đắc, một nỗi đam mê về một mảng hiện thực để họ sống với cái tự do sáng tạo của mình tạo thành thiên hướng. Căn cứ vào thiên hướng nghệ thuật gắn liền với cá tính của người nghệ sỹ, ta có thể gọi Xuân Diệu là nhà thơ tình yêu, Chế Lan Viên là nhà thơ trí tuệ, sự mổ xẻ mặt trái của xã hội trong lĩnh vực kịch là sở trường của Lưu Quang Vũ, khả năng chiếm lĩnh cái trong trẻo, muợt mà và chất đôn hậu trong hội họa là thuộc về Nguyễn Phan Chánh, v.v…
Người nghệ sỹ chân chính của bất cứ thời đại nào trong lịch sử phát triển của nghệ thuật các dân tộc cũng là những con người góp phần mang lại những giá trị của nền văn hóa của các dân tộc. Theo nghĩa chung nhất, để có thể hướng con người đến những giá trị chân – thiện – mỹ, thì cá tính và thiên hướng trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ cũng nằm trong dòng chảy của định hướng văn hóa dân tộc và của thời đại.
Để đào tạo nghệ sỹ có tài năng, yêu cầu trước hết là phải có sự nâng niu, qúi trọng tài năng, dồn tâm sức vun đắp tài năng; chống khuynh hướng chèn ép tài năng, làm cho tài năng bị thui chột, chỉ vì thói hư danh, đố kỵ, ích kỷ và vụ lợi. Mặt khác, việc đào tạo nghệ sỹ không thể chỉ ở việc trang bị tư duy luân lý, mà phải đi sâu phát triển khả năng cảm thụ đối với tư duy hình tượng, làm như vậy để tránh biến những người có năng khiếu và tài năng nghệ thuật trở thành những cán bộ lý luận hoặc những nhà quản lý văn hóa đơn thuần.
Một vấn đề cũng rất quan trọng là việc sử dụng tài năng nhân tài. Trong mọi trường hợp giáo dục và đào tạo mới chỉ là một khâu, một mắt xích trong toàn bộ sự chuẩn bị cho hoạt động và phát triển của các tài năng. Vì vậy, việc tạo nguồn nhân lực cho tài năng cần có sự kết hợp và sự thống nhất giữa gia đình, nhà trường và xã hội, giữa việc đào tạo và việc sử dụng tài năng. Nhà trường có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tài năng, nhưng xã hội không dùng đến và dùng không đúng hoặc chưa phát huy hết khả năng vốn có của nhân tài cũng dẫn đến sự mai một các tài năng. Bởi vậy, việc phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng tài năng là một hệ thống nhất quán, cần phải có chính sách đúng đắn và có kế hoạch quản lý cụ thể của nhà nước.
Dưới góc độ xã hội hóa văn hóa trong hoạt động nghệ thuật, phải thiết lập một hệ thống pháp luật đủ để quản lý và bảo đảm cho nghệ thuật phát triển đa dạng, phong phú mà không gây nên sự hỗn loạn như trong một số ngành nghệ thuật như hiện nay. Quan trọng hơn là phải có luật hành nghề cho người sáng tác, nghiên cứu, phê bình, biểu diễn và kể cả cho người làm kinh tế xung quanh các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Pháp luật phải bảo vệ quyền lợi chân chính của người sáng tác chuyên nghiệp, của các nhà nghiên cứu để họ có thể sống được và sống tốt hơn với sản phẩm sáng tạo của chính mình. Pháp luật cũng phải bảo vệ tự do cho người sáng tạo trong việc tìm tòi, phát kiến cái mới, dù cái mới đó có thể chưa thật hoàn thiện, nhưng lại có ý nghĩa bước đột phá mang tính chất mở đường, định hướng và dự báo của sự phát triển nghệ thuật. Đồng thời, phải có cơ chế chống lại những hành động xấu một cách cố tình và ngăn chặn sự vu cáo không lành mạnh đã từng xẩy ra trong hoạt động nghệ thuật. Nhà nước cũng phải qui định rõ trách nhiệm của người quản lý trong việc sử lý sai dẫn đến thui chột các tài năng. Cố nhiên, trong việc đòi hỏi trách nhiệm của bản thân người nghệ sỹ và người có trách nhiệm quản lý, cũng cần chú ý làm sao cho các qui định của pháp luật không tự hạn chế tự do sáng tạo chân chính của người nghệ sỹ.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét