Cuộc
sống của con người là một quá trình chinh phục tự nhiên cải tạo xã hội
và khẳng định con người là chủ thể của sự phát triển lịch sử đã thể hiện
khát vọng vươn lên của con người, sức mạnh bản chất của con người.
Trong lao động, chiến đấu, con người luôn được thử sức với những yêu cầu
và nhiệm vụ của chính bản thân cuộc sống để có thể đồng hoá, có thể
biến đổi thế giới hiện thực đáp ứng và thoả mãn những nhu cầu thẩm mỹ
nói chung của con người.
Yếu tố thẩm mỹ của cái cao cả trong cuộc sống được thể hiện ở mối quan hệ với cái đẹp, cái bi hùng và cái hài dưới nhiều phương diện khác nhau:
- Cái cao cả trong mối quan hệ với cái đẹp.
Đó là cái đẹp trong lao động, trong chiến đấu, trong hành vi đạo đức và
sự ứng xử trong quan hệ xã hội nói chung của con người. Cái đẹp đó được
mở rộng ra, phát triển cao hơn trong những hoàn cảnh khó khăn của cuộc
sống; nó từ cái đẹp bình thường đã trở thành cái đẹp cao cả. Cái cao cả
trong cuộc sống thể hiện sự cố gắng không ngừng vuơn lên thực hiện những
nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội rộng lớn, được nhiều người khâm phục, tôn
vinh.
Chủ
nghĩa anh hùng là một hiện tượng thẩm mỹ nổi bật của cái cao cả trong
cuộc sống. Tính chất cao cả trong cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống
quân Minh xâm lược đã thể hiện lời văn hào hùng, mạnh mẽ, bất khuất của
Bình Ngô đại cáo:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo
Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay
Đánh một trận sạch không kinh ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông…
Trong
cuộc sống chiến đấu lao động của nhân dân ta có rất nhiều con người
bình thường trở thành những anh hùng lao động, lực lượng vũ trang với
những phẩm chất thẩm mỹ cao cả. Chẳng hạn, như Tố Hữu đã ca ngợi anh
hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi:
Có cái chết hoá thanh bất tử,
Có những lời hơn mọi bài ca,
Có con người như chân lý sinh ra.
Hoặc Tố Hữu đã ca ngợi phẩm chất cái đẹp giản dị, nhưng thanh cao vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh:
Bác để tình thương cho chúng con,
Một đời thanh bạch chẳng vàng son.
Mong manh áo vải hồn muôn trượng,
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
- Cái cao cả với cái bi.
Trong cuộc sống cái cao cả không chỉ có quan hệ với cái đẹp, mà nó có
cả quan hệ với cái bi một cách sâu sắc. Cái đẹp và cái cao cả không phải
lúc nào cũng chiến thắng cái xấu, những lực lượng thù địch. Biết bao
nhiêu người anh hùng trong lịch sử của nhân loại, của các dân tộc đã ngã
xuống và đã giành thắng lợi. Bởi vậy, cái cao cả của người anh hùng xen
lẫn với cái bi tráng. Theo đó, cái bi đã tôn vinh cái cao cả, tạo cho
cái cao cả trở thành bất tử trong lòng nhân dân.
- Cái cao cả với cái hài.
Cái cao cả cũng quan hệ mật thiết với cái hài ở trong cuộc sống. Không
phải mọi vĩ nhân, anh hùng đều là người hoàn thiện để trở thành cái cao
cả (cái thuần nhất). Có nơi, có lúc cái cao cả thường bộc lộ những yếu
tố của cái hài (cái có chút yếu đuối mà ta quen thuộc), nhất là trong
lĩnh vực tình yêu (không biết yêu) hoặc trong công việc đời thường, nhỏ
nhặt. Ví dụ, sư trưởng Trapaép (anh hùng Liên xô – trong chiến tranh vệ
quốc), là một người không thiếu nhiệt tình cách mạng, nhưng vốn lý luận
thì lại không nhiều.
Một lần có người hỏi Trapaép:
- Đồng chí ủng hộ Bônsơvích hay Đảng Cộng sản?
Trapaép trả lời:
- Tôi ủng hộ quốc tế!
- Quốc tế nào?
- Thế Lênin ở quốc tế nào?
- Quốc tế ba.
- Tôi ủng hộ quốc tế ba!
Cái anh hùng, cái cao cả
trong cuộc sống là cơ sở của các hình tượng anh hùng trong nghệ thuật.
Trước hết, chúng ta cần chú ý đến đến vị trí của cái cao cả trong các
loại hình, loại thể của nghệ thuật.
Về
thể loại nghệ thuật có: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn
chương, sân khấu và điện ảnh. Trong đó, nghệ thuật văn chương có: Sử thi
(thể tự sự), thơ trữ tình; kịch thì có bi kịch – hài kịch – chính kịch.
Trong đó sử thi anh hùng thông qua thần thoại là thể loại chủ yếu vận
dụng cái cao cả trong nghệ thuật.
Vai
trò của các anh hùng ở các thời đại khác nhau, nhưng mỗi thời đại đều
có những con người vĩ đại của nó, trong đó nghệ thuật không thể bó hẹp
những lời tụng ca và những anh hùng đã có, mà còn có nhiệm vụ trọng đại
là góp phần tích cực sáng tạo ra những anh hùng cho lịch sử. Cảm
hứng anh hùng ca của dân tộc ta đã được đưa vào biết bao nhiêu truyện
thần thoại, thi ca như truyện Thạch Sanh, Thánh Gióng, Trường ca Đam
Sam.
Nghệ
thuật phản ánh cái cao cả bằng hình tượng, đó là những hình tượng anh
hùng trong cuộc sống chiến thắng mọi cái xấu; nhưng cũng có hình tượng
không vượt qua được cái xấu như: Hămlét, Ôttenlô của Sêchxpia trở thành
hình tượng bi kịch. Dù là hình tượng anh hùng ca hay bi kịch thì cái cao
cả trong nghệ thuật cũng là những hình tượng hoành tráng như kim tự
tháp, hình tượng Thần Dớt của Phêdiát, hình tượng Prômêtê bị xiềng trên
đỉnh Olympia, âm hưởng cồng chiêng Tây nguyên.
1 nhận xét :
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết này
https://tampacific.com/my-hoc-dai-cuong
Đăng nhận xét