Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010

Chức năng của nghệ thuật

1. Chức năng của nghệ thuật[1]
Nghệ thuật có nhiều chức năng, nhưng chủ yếu là chức năng nhận thức, đánh giá, sáng tạo và chức năng giáo dục. Ngoài ra còn có chức năng giao tiếp, chức năng giải trí…
a. Chức năng nhận thức
Nghệ thuật thể hiện vai trò của mình trong hoạt động nhận thức, với tính cách là sự tái hiện một cách đặc thù thế giới hiện thực. Sự tái hiện đặc thù của nghệ thuật không chỉ khẳng định nhận thức nghệ thuật là một hình thái của sự nhận thức thế giới, mà quan trọng hơn là ở chỗ, nó có khả năng tổng hợp và phát triển mọi hình thức phản ánh của hoạt động nhận thức của con người.
Qui luật chung của hoạt động nhận thức là biện chứng giữa nhận thức cảm tính và lý tính. Nhận thức cảm tính là giai đoạn đầu tiên của qúa trình nhận thức. Đó là sự phản ánh trực tiếp hiện thực bằng các hình thức phản ánh như cảm giác, tri giác, biểu tượng. Thông qua nhận thức cảm tính, con người liên hệ một cách trực tiếp thế giới những hiện tượng riêng biệt, là sự phản ánh những mối liên hệ đơn giản, bên ngoài giữa các hiện tượng đó, hình thành kinh nghiệm sống và tri thức kinh nghiệm. Tư duy trừu tượng giai đoạn tiếp theo của qúa trình nhận thức, - đó là sự phản ánh gián tiếp bằng các hình thức như khái niệm, phán đoán, suy luận. Sự phản ánh này, loại bỏ tính chất không cơ bản, thứ yếu của sự vật, hiện tượng và khái quát những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ mang tính chất chung, tính bản chất và tính qui luật của sự vật.
Với tính cách là sự tái hiện đặc thù về thế giới, chúng ta có thể thấy rất rõ là, khác với tri giác, biểu tượng, khái niệm… bản chất nhận thức của nghệ thuật làm cho nó khác với các hình thức khác của hoạt động nhận thức. Bởi vì, nhận thức bằng nghệ thuật không thể được qui vào một hình thức phản ánh, một giai đoạn nào của qúa trình nhận thức, mà nó nổi lên như sự thống nhất giữa các yếu tố lý trí và tình cảm. Mặt khác, nhận thức bằng nghệ thuật có khả năng khái quát hóa, trừu tượng hóa thế giới hiện thực; nhưng biểu hiện của tư tưởng khái quát hóa, trừu tượng hóa đó không đồng nhất với những “tính hình tượng” vốn là lĩnh vực hết sức trừu tượng ví như trong triết học và khoa học.
Khi tiếp nhận, cảm thụ tác phẩm nghệ thuật với sức truyền cảm và năng lực phổ quát của nó, nghệ thuật có khả năng tổng hợp, bổ sung, mở rộng và khởi nguồn cho các hình thái nhận thức khác trong đời sống tinh thần con người. Chẳng hạn, nghệ thuật không chỉ gắn bó với hệ tư tưởng chính trị ở khả năng tác động tư tưởng thẩm mỹ vào ý thức con người, do đó, để thực hiện các chức năng xã hội nhất định của mình, các giai cấp đã sử dụng nghệ thuật nó để tuyên truyền cho những tư tưởng chính trị của họ.
Trong mối quan hệ với luân lý và đạo đức, nghệ thuật có mối quan hệ không kém chặt chẽ so với chính trị. Bản chất nhận thức của nghệ thuật và ý nghĩa thẩm mỹ của nó có lẽ bộc lộ rõ nét nhất trong mối quan hệ với nhận thức khoa học. Bởi vì, nghệ thuật có khả năng gợi mở to lớn trong việc nhận thức chân lý khoa học, nhất là khả năng tiên đoán và tính vượt trước của nghệ thuật so với thế giới hiện thực.
b. Chức năng đánh giá
Hoạt động đánh giá là một trong những vấn đề chủ yếu và quan trọng nhất của hoạt động tinh thần của con người. Bởi vì, mục đích của nhận thức không phải chỉ vì bản thân nhận thức; mà nhận thức còn phải đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ của hoạt động thực tiễn xã hội. Cho nên, hoạt động đánh giá không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận, mà còn về mặt thực tiễn như một yếu tố cải tạo thế giới. Bởi vậy, vai trò của nghệ thuật trong hoạt động đánh giá dựa trên hệ tiêu chí cơ bản là: Chân - Thiện - Mỹ. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, trong hoạt động đánh giá đạo đức và đánh giá thẩm mỹ của nghệ thuật còn được xác định bởi tính lịch sử, tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc.
Trước hết, chức năng đánh giá của nghệ thuật được thể hiện trong hoạt động đánh giá khoa học. Nếu trong khoa học, việc nhìn nhận các hiện tượng đươc đề ra là một hệ thống tri thức của con người về thế giới hiện thực, là sự diễn đạt những kết qủa nghiên cứu được trên con đường đi tới chân lý dưới dạng những khái niệm, phạm trù, hệ thống lý thuyết thì điều quan trọng nhất của đánh giá khoa học là kết quả ứng dụng tri thức khoa học trong hoạt động thực tiễn xã hội.
Việc khẳng định cái gì đó là đẹp điều đó không hẳn dựa trên tiêu chuẩn thuần túy là một giá trị “truyền thống” của nghệ thuật, nhưng thông qua nghệ thuật cũng là một tiêu chuẩn của đánh giá chân lý khoa học.
Trong đánh giá nghệ thuật ẩn chứa ở bản thân nó cái thuyết phục mạnh mẽ của tri giác cảm quan trực tiếp, chứ không cần chứng minh bằng thực nghiệm, không khái quát thành một thẩm định thực nghiệm khoa học. Sự liên hệ và khả năng thẩm định của nghệ thuật ở trong hai trường hợp – tri giác nghệ thuật và suy lý chân lý khoa học, đều là sự phát hiện, đều là sự thẩm định chân lý một cách tổng hợp trực tiếp.
Thứ hai, chức năng đánh giá của nghệ thuật trong hoạt động đánh giá đạo đức thể hiện ở năng lực đánh giá thẩm mỹ của nghệ thuật – tìm hướng đi - đánh giá đạo đức và nhân cách của con người.
Tác phẩm nghệ thuật giáo dục và nâng cao đạo đức của con người không chỉ ở chỗ, nó truyền cho người cảm thụ khoái cảm thẩm mỹ mà còn gợi nhắc những chuẩn mực của đạo đức lành mạnh, lòng yêu lao động, nâng cao tính nhân đạo và giáo dục tính cách đạo đức cá nhân. Bởi vậy, nghệ thuật chân chính, khi tác động đến thế giới tinh thần con người, nó không chỉ phát triển thị hiếu thẩm mỹ, mà nó còn đánh giá cái đẹp thông qua cái thiện – cái mang ý nghĩa nhân văn của xã hội. Nói cách khác, chức năng đánh giá đạo đức của những tác phẩm nghệ thuật đối với chủ thể đánh giá – tiếp nhận thể hiện đầy đủ nhất ở chức năng tổ chức xã hội của nghệ thuật, ở tính chất xã hội hóa con người dưới góc độ khác nhau với các chuẩn mực hành vi đạo đức không chỉ mang ý thức hệ, mà còn có ý nghĩa toàn nhân loại.
Thứ ba, chức năng đánh giá của nghệ thuật thế hiện trong hoạt động đánh giá thẩm mỹ. Một trong những hình thức tập trung nhất của hoạt động đáng giá thẩm mỹ là hoạt động đánh giá nghệ thuật. Đánh giá nghệ thuật không chỉ thể hiện năng lực chiếm hữu và sáng tạo thẩm mỹ, mà còn hướng toàn bộ năng lực thẩm mỹ của con người vào việc đánh giá đối tượng hiện thực do chính con người sáng tạo theo qui luật của cái đẹp.
Xét về hình thức, chủ thể đánh giá nghệ thuật có nhiều hình thức khác nhau; nhưng sự sống còn của các tác phẩm nghệ thuật trước hết là thuộc về chủ thể đánh giá cảm thụ là công chúng của nghệ thuật. Đây là loại chủ thể rộng lớn, mang tính phổ biến, đa dạng và phức tạp nhất. Về thực chất, loại chủ thể đánh giá này nhằm mục đích thỏa mãn thẩm mỹ về hưởng thụ, tiêu dùng và thưởng thức nghệ thuật. Nhưng họ là loại chủ thể có tính quyết định nhất về giá trị thẩm mỹ và vấn đề sống còn của nghệ thuật, trong đó trước hết là số phận của tác phẩm nghệ thuật.
Hiển nhiên, điều phức tạp trong mối liên hệ: hiện thực - nghệ sỹ - tác phẩm - công chúng là tác phẩm nghệ thuật chỉ được thể hiện ý nghĩa của nó trong qúa trình cảm thụ và đánh giá thẩm mỹ của công chúng. Đánh giá nghệ thuật là hệ chuẩn phổ biến của đánh giá thẩm mỹ. Bởi vì, nghệ thuật là hình thái cao nhất của quan hệ thẩm mỹ.
c. Chức năng sáng tạo của nghệ thuật
Hoạt động sáng tạo là một thuộc tính chung của hoạt động con người, chứ không phải chỉ là hoạt động khoa học và càng không qui giản về hoạt động nghệ thuật. Lẽ tất nhiên, hoạt động sáng tạo khoa học và nghệ thuật là những hình thức cao nhất của hoạt động con người trong đó, sáng tạo nghệ thuật là hình thức hoạt động đặc thù.
Trước hết, khi cảm thụ nghệ thuật, nghệ thuật có khả năng tạo nguồn cảm hứng sáng tạo. Cảm hứng mà nghệ thuật đem lại cho con người không chỉ là sự kích thích nguồn cảm hứng sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học mà còn trong hoạt động sáng tạo nói chung của con người.
Cảm thụ nghệ thuật như là những rung động cảm xúc đặc biệt về những nhu cầu khách quan cần phải thỏa mãn, mà trước hết là nhu cầu thẩm mỹ và đồng thời với nó là các nhu cầu khác của con người. Trong đó nó có khả năng thỏa mãn nhu cầu sáng tạo, tạo lên niềm hứng thú, sự đam mê cho con người để có thể theo đuổi những mục đích nhất định. Nghệ thuật với tính cách là một môi trường rộng lớn của tình cảm – lý trí, nơi tạo ra nguồn cảm hứng, sự say mê, hứng thú có tính chất bền vững và trực tiếp đối với mọi hoạt động sáng tạo của con người.
Thứ hai, nghệ thuật có khả năng phát triển trí tưởng tượng sáng tạo. Trong bất kỳ hoạt động nào của con người, từ việc học tập, lao động cho đến sáng tạo, trò chơi chỉ có thể mang lại kết qủa theo ý muốn thì đều có sự tham gia của trí tưởng tượng. Tưởng tượng không chỉ là một trong những năng lực của hoạt động nhận thức và đó cũng là năng lực đặc trưng của họat động sáng tạo.
Vai trò của tưởng tượng được thể hiện trong tất cả các cấp độ, các hình thức của họat động sáng tạo, nhưng đối với nghệ thuật thì đặc điểm của trí tưởng tượng đã xuất hiện trong qúa trình sáng tạo của nghệ sỹ và được thể hiện ở tác phẩm nghệ thuật. Đến lượt nó, công chúng nghệ thuật khi cảm thụ tác phẩm nghệ thuật lại phát triển năng lực sáng tạo cho trí tưởng tượng, trở thành cội nguồn mạnh mẽ của qúa trình tích lũy nhưng năng lựợng xã hội trong hoạt động sáng tạo của con người.
d. Chức năng giáo dục
Chức năng giáo dục của nghệ thuật trước hết là giáo dục thẩm mỹ. Đó là quá trình nâng cao năng lực thẩm mỹ của mỗi con người trong đó có việc bồi dưỡng các cảm xúc thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ. Xây dựng những tình cảm lành mạnh, trong sáng, mạnh mẽ để con người có thể phân biệt rạch ròi giữa cái cũ – cái mới, giữa cái xấu – cái đẹp là công việc trọng tâm của giáo dục thẩm mỹ. Vì vậy, chức năng giáo dục của nghệ thuật chủ yếu thể hiện ở những nội dung sau đây:
- Giáo dục các quan điểm thẩm mỹ đúng đắn, khoa học và tiến bộ.
- Giáo dục khả năng cảm thụ, đánh giá và sáng tạo nghệ thuật.
- Giáo dục các xúc cảm thẩm mỹ trong sáng và tốt đẹp dựa trên hệ tiêu chí cơ bản: chân thiện mỹ.
- Giáo dục các thị hiếu lành mạnh trong việc giải quyết mối quan hệ giữa thị hiếu cá nhân – xã hội.
- Giáo dục lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp và lý tưởng xã hội chân chính.
- Giáo dục hoàn thiện các quan hệ xã hội thông qua giáo dục chính trị – tư tưởng, đạo đức trong tình yêu, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình đồng chí, quan hệ cá nhân – tập thể – dân tộc – tổ quốc.

e. Chức năng giải trí của nhệ thuật. 
Chức năng này được thể hiện trong trong tất cả các loại hình, loại thể của nghệ thuật, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần, nhu cầu thẩm mỹ của con người về các phương điện khác nhau của đời sống văn hóa. Đặc biệt, trong các loại hình nghệ thuật có tính chất giải trí, như hài, thể thao, lễ hội văn hóa…
Chủ thể tiếp nhận những giá trị nghệ thuật, ngoài tính tư tưởng, tính nghệ thuật phần còn lại đáp ứng nhu cầu giải trí. Nhu cầu đó thực chất là nhu cầu văn hóa ở tính đa dạng, phong phú mà nghệ thuật có thể bù đắp những khoảng trống về mặt tâm hồn, áp lực của cuộc sống để nâng đỡ, định hướng những giá trị xã hội của nghệ thuật trong đời sống văn hóa của con người. Đó là những giá trị chân thiện mỹ…
Chức năng giải trí của nghệ thuật, không đơn thuần chỉ là giải trí thuần túy, mà thông qua chức năng này con người có khả năng nhận thức, đánh giá, sáng tạo... khi cảm thụ các giá trị của nghệ thuật...


[1] Có một số giáo trình mỹ học hiện nay khi phân tích các chức năng của nghệ thuật chủ yếu được phân tích ở các chức năng thẩm mỹ của nghệ thuật. Nhưng thực ra chức năng của nghệ thuật phải được nghiên cứu rộng rãi hơn nhiều trong toàn bộ đời sống tinh thần của con người kể cả chức năng cải tạo hiện thực của nó.

3 nhận xét :

Unknown nói...

Cảm ơn thay,người da cung cap cho cho em nhieu kien thuc,cang doc nhieu bai cua thay,em thay kien thuc that han hep,mot lan nua em cam on thay

Unknown nói...

cảm ơn vì những bài viết của thầy. thầy ơi thầy có thể giúp em hiểu được " Bản chất xã hội của nghệ thuận được thể hiện như thế nào? " không ạ

Unknown nói...

cảm ơn vì những bài viết của thầy. thầy ơi thầy có thể giúp em hiểu được " Bản chất xã hội của nghệ thuận được thể hiện như thế nào? " không ạ