1. Dân là chủ và dân làm chủ (vận dụng tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh trong việc trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay ở Việt Nam)
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “nước ta là nước dân chủ”, “dân làm chủ và dân là chủ”. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là thắng lợi của khát vọng dân chủ. Thật vậy, từ các tác phẩm và đặc biệt là hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể khẳng định toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, kiên định của Người là cả một quá trình đấu tranh nhất quán, quên mình, có tính dấn thân để khẳng định trong đời sống xã hội mang tính nguyên lý mà Người sớm nhận ra bản chất của nhà nước: nhân dân là người chủ xã hội. Dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân là bản chất và cũng là qui luật hình thành, phát triển và tự hoàn thiện của nhà nước ta.
Bằng trí tuệ thiên tài, nghị lực phi thường và tình yêu nước, thương dân, Hồ Chí Minh luôn đặt mình ở vị trí của các chiến sĩ tiên phong đấu tranh cho các lý tưởng chân chính cao đẹp của thời đại mới: thời đại của các dân tộc bị áp bức, nô dịch, các giai cấp cần lao bị bóc lột và chủ nghĩa xã hội bước lên vũ đài chính trị đấu tranh vì giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, vì độc lập, tự do, giành quyền làm chủ vận mệnh của mình, khẳng định vị trí chủ nhân trong đời sống xã hội chỉ có nhân dân là chủ.
Về vấn đề “Dân là chủ”, có nghĩa là để khẳng định vị thế, tư cách xã hội của một chủ thể xã hội rộng lớn là nhân dân và đồng thời cũng để nói lên quyền của chủ thể đó đối với một khách thể, đối tượng, ở đây là xã hội, “nước ta”, “nước nhà”. Tuy nhiên, cần có sự phân biệt, nhận ra khoảng cách giữa tư cách, địa vị “chủ nhân” của dân với trạng thái “dân làm chủ” trên thực tế của đời sống xã hội.
Thật vậy, trong tư duy và trong hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến sự khác biệt, đến khoảng cách nhiều khi rất lớn này giữa tư cách “dân là chủ” với trạng thái “dân làm chủ” xét về hình thức và bản chất của nền dân chủ. Bởi vì, thực tế lịch sử phát triển của nhân loại đã cho thấy sự khác biệt về chất này. Đó là chủ thực sự hay giả dối và làm chủ trên thực tế và chủ trên danh nghĩa.
Trong suốt cuộc đời đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân, là kết quả của một cuộc khảo nghiệm sàng lọc lịch sử có tính chất vừa là sự kế thừa mang tính chất phê phán những thành tựu của trí tuệ và văn minh nhân loại. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh vừa là sự từ bỏ, khắc phục, vượt lên trên những hạn chế của chính những giá trị về dân chủ trong lịch sử, nâng chúng lên bằng sự bổ sung, làm sâu sắc thêm để vươn tới nội dung đích thực, giá trị chân chính của dân chủ. Đó không có gì khác, là sự khẳng định trên thực tế quyền của dân là chủ và quyền làm chủ của nhân dân.
Nếu dân chủ là giá trị cao nhất của nhân dân, thì nhân dân là qúy báu nhất của của đất nước, của “nước nhà” – “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Với ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh đều xem xét và giải quyết một cách khoa học từ bản chất của nhà nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, có thể thấy Người đặt lên hàng đầu yêu cầu “làm cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ” và cũng rất đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng cách nói “hưởng” để chỉ một nội dung rất cơ bản của quyền dân chủ, thể hiện địa vị “là chủ” và “quyền làm chủ” của nhân dân.
Ngay từ năm 1945, Người đã đề cập đến vấn đề này như là một vấn đề nguyên tắc thuộc bản chất của chế độ ta: “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[1]. Cũng chính vì vậy, vào những năm cuối đời, Người đã nói đến một thực tế như là một trăn trở khôn nguôi: Làm sao cho dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm.
Từ những trăn trở trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể hiểu vì sao trong ngôn từ của Người “tự do, hạnh phúc”không vang lên một cách chung chung, trừu tượng mà gắn liền với ngôn ngữ thật bình dị, đời thường, nhưng rất cụ thể là khát vọng là ham muốn và đây là ham muốn tột bậc của Người: “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, hoặc khái niệm “chủ nghĩa xã hội” của Người cũng bao hàm tấm lòng thiết tha đó: “Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do”[2]. Hơn nữa, theo Người là chìa khoá vạn năng để giải quyết các nhiệm vụ của xã hội. Người viết: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa”[3]. Đồng thời, Người chỉ ra ý nghĩa, tác dụng “chìa khoá vạn năng” của thực hành dân chủ.
Xét một khía cạnh khác, trong quan niệm của Hồ Chí Minh, nói đến nhân dân, dân tộc trước hết phải là tầng lớp nhân dân lao động, các giai cấp cần lao. Chính vì vậy, sự khao khát giải phóng đồng bào, nhân dân bị nô lệ vốn luôn luôn chi phối sự quan tâm, suy nghĩ của Người trước hết vẫn nhằm, vẫn hướng tới là các tầng lớp nhân dân này dưới nhhiều hình thức khác nhau. Cố nhiên, sự giải phóng và nền độc lập không tự nhiên đưa lại hạnh phúc cho mọi người, nhất là trong điều kiện trình độ kinh tế – xã hội còn quá thấp, sự nghèo còn tồn tại như một thực tế không thể phủ nhận.
Trên tinh thần đó, Người nhắn gửi các nhân viên, cơ quan chính quyền các cấp phải làm tốt hơn nữa những gì có thể làm được để nhân dân dược hưởng hạnh phúc, mặc dù nước nhà còn nhiều khó khăn. Người viết: “Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà là được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm đó”[4].
Khi Hồ Chí Minh nói đến việc “nhân dân hưởng hạnh phúc, tự do, ăn no, mặc ấm…” thì “hưởng” ở đây hoàn toàn không bao hàm nghĩa như là một thứ ân huệ do được ban tặng của nhà nước, của chính phủ, của những người có quyền có chức mà đó còn là quá trình tự xây dựng, đóng góp của chính nhân dân để khẳng định cái quyền được hưởng đó. Trong suốt cuộc đời đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân, Người còn không ngừng giác ngộ, làm cho mọi người nhận thức như mình về tư tưởng “tự lực cánh sinh”, “việc ta phải cố gắng lo…”, “công nông mình cứu lấy mình”, “đem sức ta mà giải phóng cho ta…”. Đây chính là điểm mấu chốt để phân biệt “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Song một vấn vấn đề có tính nguyên tắc để “dân làm chủ”, phải có những điều kiện, mà điều kiện tiên quyết có tính tiền đề là cuộc đấu tranh kiên dũng của nhân dân vì độc lập, tự do phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – Người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Để thực hiện quyền làm chủ, nhân dân không những phải có quyền mà điều cũng rất quan trọng là nhân dân phải có khả năng, năng lực làm chủ. Và đây cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: “Muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ”[5], và “Làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”[6]
Có thể nói, ngay từ đầu cách mạng thành công và trong suốt thời gian về sau Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấy được tầm quan trọng về sự cần thiết bồi dưỡng sức dân thực hiện quyền làm chủ bằng cả một quốc sách được triển khai trên quy mô rộng trong phạm vi cả nước – công cuộc nâng cao dân trí, bồi dưỡng dân khí – những nhân tố hàng đầu hình thành “năng lực làm chủ” của nhân dân, dân chủ thật sự. Người thấy được ý nghĩa sâu xa căn bản của các cải cách xã hội đến việc bồi dưỡng sức dân, xây dựng nền dân chủ. Người nói: “Chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự”[7]. Đồng thời, Người không thoả mãn với các cải cách xã hội, xem đó như những biện pháp duy nhất bồi dưỡng sức dân, bồi dưỡng năng lực làm chủ, mà Người đòi hỏi phải bao quát, toàn diện và phải rất cụ thể; nhưng nó lại có khả năng vận dụng thành công trong thực tiễn xã hội.
Đối với tất cả các vấn đề, dù thuộc về đường lối, chủ trương hay chính sách, sách lược hay chiến lược tùy theo những điều kiện lịch sử của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đều quan tâm đến lợi ích của nhân dân để noí đến quyền làm chủ của nhân dân. Thật vậy, quyền dân là chủ, dân làm chủ, dù đó là vấn đề độc lập, tự do của Tổ quốc hay vấn đề xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, vấn đề an ninh – quốc phòng hoặc ngoại giao và dù trong từng sự kiện, hiện tượng có tính riêng biệt, cụ thể, Người cũng đều nhìn nhận, xem xét từ phạm trù dân chủ, lợi ích của nhân dân, dân là chủ và dân làm chủ.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, vấn đề quyền làm chủ của nhân dân phải được thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng trước hết và quan trọng nhất là làm chủ về kinh tế. Không làm chủ về kinh tế, thì theo lẽ tự nhiên nhân dân không thể làm chủ các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Nhưng làm thế nào để nâng cao quyền làm chủ của nhân dân và nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa? Theo chúng tôi, phát triển kinh tế – xã hội là cơ sở để nâng cao quyền làm chủ của nhân dân, tức là phải coi vấn đề lợi ích, bảo đảm lợi ích thiết thực của nhân dân là mục đích, động lực của sự phát triển xã hội.
Như trên đã nói, dân chủ hóa ở nước ta có nội dung toàn diện, trong đó dân chủ hóa đời sống kinh tế là quan trọng và quyết định nhất. Chỉ với dân chủ hóa đời sống kinh tế được thực hiện và đem lại lợi ích cho người lao động, đảm bảo sự thống nhất lợi ích xã hội với lợi ích cá nhân, thừa nhận và tôn trọng lợi ích cá nhân, coi đó là động lực trực tiếp của sự phát triển xã hội thì dân chủ hóa trong các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa mới thực sự có ý nghĩa và phát huy được tác dụng tích cực đối với công cuộc đổi mới. Đồng thời quyền làm chủ của nhân dân phải được thể chế hoá bằng pháp luật, thực thi bằng pháp luật. Tuy nhiên, năng lực làm chủ của nhân dân chỉ được nâng cao bằng nhiều biện pháp đồng bộ dưới nhiều hình thức khác nhau và cuối cùng phải được thể hiện trên thực tế, là dân chủ thật sự theo đúng tư tưởng về dân chủ của Hồ Chí Minh. Đây mới là bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và đồng thời nó thể hiện bản chất của nhà nước pháp quyền Việt Nam mà chúng ta đang xây dựng, là nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Nhưng dân chủ thật sự là gì? Và làm thế nào để đi đến dân chủ thật sự theo quan điểm của Hồ Chí Minh và kế thừa phát huy tư tưởng dân chủ của Người trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay?
[1] Hồ Chí Minh, Sđd, t.4, tr.56.
[2] Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.396.
[3] Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.25.
[4] Hồ Chí Minh, Sđd, t.4, tr.56.
[5] Hồ Chí Minh, Về xay dựng con người mới, Nxb Chính trị quốc gia, H. Nội, 1995, tr.172.
[6] Xem Hồ Chí Minh, Những sự kiện, Nxb Thông tin lý luận, H. Nội 1987, tr. 380.
[7] Hồ Chí Minh, Sđd, t.7, tr.323.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét