Trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh không chỉ một lần đề cập đến dân chủ với bổ sung tính từ “thực sự”, “thật sự”, “đầy đủ”… Chẳng hạn, tại Hội nghị nông vận và dân vận (năm 1953), trong lời phát biểu với Hội nghị, Người khẳng định: “Nước ta phải đi đến dân chủ thật sự”[1]. Người sử dụng cụm từ này trong nhiều trường hợp, khi đề cập đến dân chủ trong những hoàn cảnh khác nhau. Điều đó, cũng thể hiện một quan niệm nhận thức nhất quán về tính chất, bản chất của dân chủ và đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Người về thực trạng của nền dân chủ mà chúng ta theo đuổi và xây dựng.
Trở lại lịch sử, với điều kiện cụ thể của năm 1953, trong khuôn khổ của một giai đoạn cách mạng Việt Nam – giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, Người nói đến “dân chủ thực sự” với nội dung thực hiện cách mạng ruộng đất, giải phóng nông dân khỏi ách áp bức, bóc lột của phong kiến địa chủ, tức là đề cập đến phạm trù “dân chủ thực sự”. Tuy nhiên, ý nghĩa nhận thức luận của khái niệm này lại có tính phổ biến rộng rãi và sâu sắc hơn. Bởi vì, một mặt Người bổ sung tính từ “thực sự” bên cạnh khái niệm “dân chủ” khi đề cập đến trạng thái dân chủ trong xã hội Việt Nam ở những năm đầu của thập niên năm mươi; mà ở đây, Người nói đến “dân chủ thực sự” là Người gián tiếp đối lập nó với một thứ dân chủ chung chung, chưa thực sự hoặc không thực sự như là dân chủ hình thức trong chủ nghĩa tư bản. Khi đề cập đến chế độ kinh tế – xã hội, Hồ Chí Minh nói: “Chế độ kinh tế - xã hội của chúng ta nhằm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, trên cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày cũng phát triển, cách bóc lột của chủ nghĩa tư bản được xóa bỏ dần, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được cải thiện. Do đó, nhân dân ta có đủ điều kiện thật sự tham gia quản lý Nhà nước”[2]. Người lại nói: “Chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự”[3].
Luận điểm trên cho thấy, chỉ có thể thực hiện dân chủ thực sự khi đời sống nhân dân được đảm bảo và không thể nói tới dân chủ và thực hành dân chủ khi nhân dân chưa được đảm bảo về cơm ăn, áo mặc và học hành.
Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế - xã hội là một điều kiện hàng đầu để thực hành và phát triển dân chủ trên thực tế, dân chủ thật sự. Điều đó lý giải tại sao trong mọi điều kiện, Hồ Chí Minh luôn luôn kêu gọi nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và chỉ ra rằng, “tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm là hai việc cần thiết nhất phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội”[4]. Người thường dùng câu châm ngôn “Có thực mới vực được đạo” để giải thích mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với việc thực hành và phát triển chế độ dân chủ ở nước ta.
Những luận điểm trên đây của Hồ Chí Minh có ý nghĩa phương pháp luận sâu sắc. Nó chỉ ra đời sống của nhân dân là thước đo của dân chủ và phát triển kinh tế - x hội; nâng cao đời sống nhân dân là xây dựng môi trường cho thực hành và phát triển dân chủ một cách thật sự và thật đầy đủ. Tuy nhin, cần phải thấy rằng, sự tồn tại của các thành phần kinh tế không tránh khỏi những mâu thuẫn trong quá trình phát triển. Do vậy, việc đặc biệt chú trọng phát triển thành phần kinh tế nhà nước, làm cho thành phần kinh tế này nắm vai trò lãnh đạo nền kinh tế đất nước, như chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, là sự định hướng xã hội chủ nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, đồng thời cũng là sự định hướng cho xây dựng môi trường thực hành và phát triển dân chủ ở nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “thực sự”, “thật sự” phải là một thuộc tính, một dấu hiệu không thể thiếu của nền dân chủ của xã hội ta và khi đề cập đến pháp luật và vai trò của pháp luật, Người xem pháp luật của nhà nước ta là pháp luật thực sự dân chủ, “vì nó bảo vệ quyền tự do dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động”[5]. Nhưng dân chủ thật sự, đó không phải là một thứ có sẵn của bất kỳ nền dân chủ nào trong lịch sử mà là hệ quả của đấu tranh xã hội, của những cải cách xã hội sâu sắc.
Vấn đề đặt ra, dân chủ thực sự ở nước ta, trước hết là thuộc về bộ phận dân cư đông đảo nhất là nhân dân lao động ở nông thôn. Người viết: “Bao giờ ở nông thôn nông dân thực sự nắm chính quyền, nông dân được giải phóng thì mới là dân chủ thực sự”[6]. Và “thật sự dân chủ” trở thành yêu cầu, một định hướng phải đạt tới của các hình thức sinh hoạt của xã hội: Hiến pháp “…phải thực sự đảm bảo nam nữ bình quyền và dân tộc bình đẳng, v.v”[7]. Trong tác phẩm Xây dựng con người của xã hội chủ nghĩa, Người viết: “Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, “ra lệnh, ra oai”[8].
Ngày nay, khi Đảng ta chủ trương thay đổi cơ cấu kinh tế nhằm phát huy mọi tiềm năng của lực lượng sản xuất ở mọi ngành, mọi vùng, tạo ra sự tăng trưởng bền vững kết hợp với thực hiện công bằng xã hội là tạo môi trường kinh tế - xã hội cho thực hành dân chủ. Thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội, làm giảm sự phân cực giàu nghèo, xây dựng xã hội ổn định, công bằng, văn minh sẽ là môi trường tốt để hình thành và phát huy ý thức làm chủ của mỗi công dân, động viên sức mạnh toàn dân, xây dựng đất nước, nhằm thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thật vậy, trong xã hội ta, “thật sự dân chủ” trở thành một điều kiện, một thứ thước đo thực chất của chính quyền. Người viết: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa”[9]. Hơn nữa, Người cũng chỉ ra ý nghĩa, tác dụng “chìa khoá vạn năng” của thực hành dân chủ. Người kết luận: “thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết được mọi khó khăn”, qua đó, Người nói rõ tầm quan trọng tầm quan trọng của phát huy dân chủ: “Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ đó là do tính chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”. Người còn viết: “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”[10] và “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau”[11].
Vấn đề là ở chỗ, trong điều kiện xã hội cần bước phát triển mới, cần phải vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát động các phong trào dân chủ trong cả nước, ở các lĩnh vực, nhằm luôn tạo ra một trạng thái tinh thần mới của dân tộc để thúc đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh. Phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa bằng chính các phong trào dân chủ thông qua hoạt động của nhân dân là quá trình hiện thực hành dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Mở rộng dân chủ là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết để khai thác sức mạnh vô tận của nhân dân, trong sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập với thế giới. Cải tạo xã hội, đưa xã hội tiến lên phải bằng chính sức mạnh của mình, sẽ chẳng có phép màu nào làm được điều đó, trừ nhân dân dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Thực tế hơn gần 20 năm đổi mới đã chứng minh điều đó. “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”[12]. Vì vậy, Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu: phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; dân chủ thực sự. Nó là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết được mọi khó khăn. Đây phải là một thuộc tính cơ bản của nền dân chủ của chế độ ta, nó xa lạ với thứ dân chủ trừu tượng, dân chủ hình thức.
Để thực hiện được dân chủ, một điều kiện cơ bản mà Hồ Chí Minh thực hành triệt để là: mọi chủ trương, đường lối thuộc tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội … phải được xem xét và giải quyết từ địa vị người làm chủ và quyền làm chủ của người dân; đồng thời phải không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của người dân; tạo điều kiện vật chất và văn hoá để người dân nâng cao năng lực làm chủ: nâng cao văn hoá, văn hoá chính trị, tính tích cực công dân, mở mang kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, khuyến khích nhân dân tham gia giám sát công việc của các cơ quan nhà nước, từ cơ sở đến trung ương.
Để phát huy dân chủ phải kết hợp chặt chẽ với tăng cường pháp chế, thực hiện quản lý xã hội chủ nghĩa bằng pháp luật, theo pháp luật. Nhà nước ta phải tiếp tục thể chế hoá bằng pháp luật các quyền dân chủ của người dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong hoạt động kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, bảo đảm mỗi công dân đều bình đẳng trước pháp luật để đem lại niềm tin cho nhân dân vào tính nghiêm minh pháp luật.
[1] Hồ Chí Minh,Sđd, t.7, tr.25.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.9, tr.592.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd t.7, tr.323.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1996, t.8, tr.349.
[5] Hồ Chí Minh, Nhà nước và pháp luật, Nxb Pháp lý, Hà nội, 1985, tr.187.
[6] Hồ Chí Minh, Sđd, t.7, tr.25.
[7] Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.322.
[8] Hồ Chí Minh, Sđd, t.10, tr.311.
[9] Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.25.
[10] Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.244.
[11] Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.244.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.5, tr.224.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét