Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Bản chất xã hội của nghệ thuật

1. Tính giai cấp của nghệ thuật
Trong xã hội có giai cấp, tư tưởng thống trị là tư tưởng của giai cấp đại diện cho quan hệ sản xuất thống trị, và đồng thời với nó là sự tồn tại của nghệ thuật thống trị. Bên cạnh nền nghệ thuật thống trị, những giai cấp bị trị cũng xây dựng nền nghệ thuật của mình, phản ánh những điều kiện sống, những quyền lợi, nguyện vọng và lý tưởng của giai cấp mình.
Mối quan hệ giữa các khuynh hướng nghệ thuật bao giờ cũng thông qua quá trình đấu tranh tư tưởng giữa các giai cấp, nhưng chủ yếu là cuộc đấu tranh giữa giai cấp thống trị với các giai cấp bị trị. Trong quá trình đấu tranh đó, hệ tư tưởng của giai cấp thống trị luôn giữ vai trò thống trị về mặt tinh thần của xã hội. Về vấn đề này, C. Mác đã chỉ rõ: “giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần thống trị trong xã hội”[1]. Vì vậy, mà chúng ta có thể hiểu là tại sao nghệ thuật lại sử dụng các khả năng tác động tư tưởng giáo dục con nguời theo tinh thần thế giới quan và nhân sinh quan của giai cấp này hay giai cấp khác.
Mỹ học mácxít đấu tranh chống lại học thuyết duy tâm chủ nghĩa về “nghệ thuật thuần túy”, thứ lý thuyết mà thực chất là che giấu sự phụ thuộc của nghệ thuật đối với các giai cấp thống trị. Bởi vì, “nghệ thuật thuần túy” đã trung lập hóa nghệ thuật với hệ tư tưởng, với các niềm tin chính trị – xã hội. Hiển nhiên, là những quan điểm này không phù hợp với thực tiễn của nghệ thuật và đời sống thẩm mỹ của con người, nhất là con người ngay trong thời đại thời đại phát triển khoa học – công nghệ.
Tư tưởng có tính cực đoan của mỹ học tư sản hiện đại đưa đến hệ qủa tất nhiên là nghệ sỹ phải nâng cao cái đẹp “thuần túy”, cái đẹp của sự “thăng hoa” để tách khỏi qúa trình đấu tranh xã hội. Các nhà phê bình mácxít đánh giá các quan niệm nghệ thuật trên chỉ là hiện thân của cuộc khủng hoảng tư tưởng trong lĩnh vực mỹ học, gắn liền với cuộc khủng hoảng chính trị – xã hội của chủ nghĩa tư bản cận – hiện đại.
2. Tính nhân dân và tính dân tộc và tính nhân loại của nghệ thuật
Nguyên tắc tính nhân dân trong nghệ thuật là quan niệm của mỹ học hiện đại do Lênin nêu lên, khi ông đặc biệt quan tâm đến tính tư tưởng của văn nghệ, vai trò chiến đấu của nghệ sỹ. Về vấn đề này, Lênin viết: “Điều quan trọng không phải là ý kiến của chúng ta về nghệ thuật. Điều quan trọng cũng không phải là những cái mà nghệ thuật mang lại cho vài trăm người, ngay cả cho vài nghìn người, cho một dân số như một dân số của chúng tôi, đừng kể đến hàng triệu và hàng triệu người. Nghệ thuật là của nhân dân”[2]. Như vậy, theo quan điểm của Lênin, nhân dân không chỉ là đối tượng phục vụ của nghệ thuật, mà hoạt động của nhân dân còn là cái “trường” hoạt động của nghệ thuật. Ngoài nguyên tác tính Đảng, tính nhân dân, tính dân tộc, nghệ thuật còn có tính toàn nhân loại. Bởi vì, nghệ thuật với chiều sâu tư tưởng và tình cảm là hơi thở của các thời đại, nó là một bộ phận đặc thù hợp thành tổng thể những giá trị văn hóa mang tính nhân loại.
Như vậy, quan niệm mácxít có cái nhìn biện chứng, toàn diện và khoa học về bản chất nghệ thuật, khi lấy hoạt động của con người làm nền tảng cho sự nảy sinh, tồn tại và phát triển nghệ thuật. Theo quan điểm đó, lao động là cội nguồn của mọi sự sáng tạo, là nguồn gốc, động lực chân chính cùa sự phát triển nghệ thuật. Ra đời và tồn tại vĩnh viễn cùng loài người, tuy có những bước thăng trầm, nhưng nghệ thuật luôn là phương diện độc đáo của văn hóa hóa, nhân đạo hóa, thẩm mỹ hóa bản thân con người vì cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Thật vậy, bất kỳ tác phẩm nghệ thuật chân chính nào, nhất là những tác phẩm lớn, đều có thể xem là sự nhân danh trí tuệ và tình cảm của các dân tộc, các thời đại và của sự tiến bộ xã hội mang tính toàn nhân loại


[1] C.Mác & Ph. Angghen: Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, Hà Nội, tr. 66.
[2] V.I. Lênin: Bàn về văn học nghệ thuật, Nxb Sự Thật, Hà nội, 1958, tr. 78.

0 nhận xét :