Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 9 tháng 3, 2010

Nguồn gốc của nghệ thuật

1. Nghệ thuật là một hình thái của ý thức xã hội
Bản thân khái niệm nghệ thuật thông qua những ngôn ngữ hiện đại, có rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Đ.N.Usacốp (nhà ngôn ngữ học), chủ biên cuốn “Từ điển tường giải về tiếng nga”, đã giải thích các nghĩa của chữ nghệ thuật với bốn ý nghĩa như:
(1)… “Hoạt động sáng tạo nghệ thuật”, theo nghĩa chung nhất, - nghệ thuật được xem như là sáng tạo theo các qui luật của cái đẹp, nhưng nó còn có nghĩa rộng hơn, là bao gồm cả sự sáng tạo của người thợ làm vườn, làm đồ trang sức, may quần áo và kể cả người nghệ sỹ – thiết kế. Như vậy, “Hoạt động sáng tạo nghệ thuật” chưa nói lên được mối quan hệ giữa tài năng và sáng tạo theo qui luật của cái đẹp, là thuộc về văn hóa tinh thần, là một hình thái của ý thức xã hội. Tuy rằng, nghệ thuật là một trong những hình thức hoạt động sáng tạo của con người.
(2)… “Một ngành sáng tạo nghệ thuật”, - với ý nghĩa này, khái niệm nghệ thuật được thể hiện đúng bản chất của nó. Bởi vì, ở đây nghệ thuật được xem như sự sáng tạo nghệ thuật, bao gồm cả tài nghệ lẫn sáng tạo theo qui luật của cái đẹp trong một chất liệu nhất định của một loại hình nghệ thuật cụ thể (văn học, âm nhạc, hội họa…). Đặc điểm tiêu biểu ở đây là nó thuộc về văn hóa tinh thần của xã hội và là một hình thái của ý thức xã hội.
(3)… “Hệ thống các biện pháp và phương pháp thuộc một ngành hoạt động thực tiễn nào đó; nghề nghiệp”, - ý nghĩa này không nói lên nghệ thuật là gì, vì nó thuộc về một ngành hoạt động thực tiễn xã hội. Mặc dù, nghệ thuật là một hình thức của hoạt động tinh thần – thực tiễn.
(4)… “Tài cán, sự thành thạo”, - nghệ thuật ở đây không chỉ được hiểu chỉ là tài năng, mà còn như bất cứ một thứ tài nghệ nào. Chẳng hạn, tài nghệ của một nhà phẫu thuật, người lái ôtô, người chơi cờ…
Trong quan niệm của Usacốp khi chúng tôi cho rằng bốn ý nghĩa … là sự giải thích về nghĩa của danh từ nghệ thuật chứ không phải là nội dung định nghĩa về nghệ thuật. Và cũng trên thực tế trong lịch sử mỹ học cũng chưa có một định nghĩa nào về nghệ thuật có nội dung đầy đủ của một khái niệm khoa học. Bởi vì, xét trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, nghệ thuật đều bao hàm hai ý nghĩa: “nghệ thuật” và “tài năng”, như một mối liên hệ hữu cơ gắn bó nghệ thuật với phạm vi rộng lớn các tài năng, sự khéo léo, và kinh nghiệm thực tiễn của con người
Ngay ở những giai đoạn sơ kỳ của sự phát triển của xã hội, mối liên hệ này thường cũng được biểu hiện rõ trong tư tưởng của các nhà mỹ học cổ đại. Platông cho rằng, nghệ thuật bao gồm cả kỹ năng làm nhà, kinh nghiệm đi tầu thuyền, nghề chữa bệnh, việc quản lý nhà nuớc, cả thi ca và triết học. Nhưng là người luôn giải thích theo lối tư biện, xuất phát từ thuyết “ý niệm”, nên Platông đã coi sáng tạo nghệ thuật như là sự sáng tạo thuần túy của “thế giới ý niệm”, còn tài năng nghệ thuật là một món quà ban phát của thần linh cho một số người.
Sở dĩ có cách hiểu khái niệm nghệ thuật với nội dung rộng lớn như vậy, theo chúng tôi, là vì một mặt nghệ thuật đã từng chung đúc các lĩnh vực rộng lớn của sản xuất vật chất, gắn bó mật thiết với khoa học, với triết học và các lĩnh vực khác của đời sống tinh thần con người. Điều này chúng ta thấy rõ, nếu như lấy những bài thơ trong bản trường ca “Iliát” và “Ôđítxê” của Hômerơ để so sánh. Ở thời đại chúng ta, các bài thơ đó chỉ là một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng đối với thời cổ đại, nội dung của chúng uyên bác tới mức được đánh giá vừa là sự khái quát triết học, vừa là mẫu mực cho đạo đức, vừa là trình bày một tín ngưỡng tôn giáo, vừa là một sáng tác nghệ thuật. Cái mà ngày nay chúng ta gọi là “nghệ thuật” sở dĩ không biểu lộ ra một cách rõ rệt trong nền văn hóa cổ đại, còn là vì thể loại văn học khá phổ biến trong thời cận đại như tiểu thuyết còn chưa phát triển. Văn học với tư cách là nghệ thuật thực sự phần lớn là những tác phẩm thi ca, còn các hình thức mới như văn xuôi, với tất cả các hình thức thẩm mỹ của nó thì thường coi là triết học hay lịch sử, tùy theo tính mục đích của nó.
Đối lập với quan điểm của Platông, trong cách diễn đạt về thuyết “bắt chước” của mình, Arixtốt trên lập trường của chủ nghĩa duy vật, đã coi nghệ thuật là một trong những hình thái hoạt động nhận thức của con người, là phương tiện thanh lọc cảm xúc. Về mặt này, có thể nói Arixtốt trong một chừng mực nhất định, ông đã tiếp cận những phương diện biện chứng của quan hệ thẩm mỹ đối với đời sống hiện thực.
Trong các thời đại về sau, quan niệm về nghệ thuật đã có sự biến đổi rất nhiều, sự biến đổi này có khuynh hướng lý giải bản chất của nghệ thuật hơn là bản thân khái niệm nghệ thuật. Về điều này chúng ta lấy định nghĩa nghệ thuật của Hêghen là một thí dụ, khi ông coi nghệ thuật là “tư duy trong các hình tượng”, hoặc “hình tượng “dưới con mắt chúng ta không phải là bản chất trừu tượng, mà là hiện thực cụ thể của bản chất. Nhưng thực chất bản chất của nghệ thuật theo quan điểm của Hêghen, cũng chỉ là một giai đoạn trong qúa trình phát triển của “tinh thần tuyệt đối”, là sự “hồi tưởng” hoặc đào sâu tất cả qúa trình mà nó đã kinh qua.
Tsecnưsépxki đã đạt đến đỉnh cao của những quan niệm duy vật trước đó về nghệ thuật. Tecnưsépxki coi nghệ thuật là phương tiện để nhận thức hiện thực. Tuy nhiên, do xuất phát từ những quan niệm coi cái đẹp là cái phản ánh “cuộc sống đúng như nó phải có”, hoặc coi “cái đẹp chính là cuộc sống” nên ông đã thô thiển hóa cái đẹp và thô thiển hóa nghệ thuật.
Nhìn chung, trong mỹ học trước thế kỷ XIX, đã có nhiều nhận định có giá trị trong việc giải thích vấn đề nghệ thuật và bản chất của nghệ thuật, nhưng vấn đề cơ bản và cốt lõi nhất về bản chất của nghệ thuật cũng chưa được lý giải một cách chính xác và đầy đủ.
Mỹ học hiện đại đã nhìn nhận nghệ thuật là một hiện tượng có tính lịch sử gắn liền với sự phát triển xã hội, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội đặc thù. Đối tượng của nghệ thuật vừa là quan hệ của con người với thế giới, vừa là chính bản thân con người với tất cả các mặt của nó như tâm lý, tình cảm, đạo đức, tư tưởng xã hội. Chúng ta không quên rằng, các khoa học nhân văn cũng lấy con người làm đối tượng, như tâm lý học, xã hội học, đạo đức học… nhưng tất cả các khoa học này đều xem xét con người từ một góc độ nhất định nào đó. Ngược lại, nghệ thuật không những xem xét con người trong tính chỉnh thể của nó, mà còn đi sâu vào những điều kỳ diệu, những điều bí ẩn nhất của tự nhiên, của xã hội; tất cả những gì còn nằm ở những tầng sâu mà ý thức của con người, mà các khoa học cụ thể không thể phát hiện hoặc thể hiện được.
C.Mác đã xem xét và lý giải nguồn gốc và bản chất của nghệ thuật một cách khoa học khi gắn nó với sự phát triển của lịch sử xã hội, trong đó, nghệ thuật được qui định trước hết bởi sự phát triển của phương thức sản xuất. Khi phân tích và chỉ ra qúa trình hình thành các quan hệ thẩm mỹ từ các quan hệ thực dụng gắn liền với qúa trình lao động và việc tạo ra của cải vật chất, đồng thời tạo ra sản phẩm tinh thần.
Thật vậy, lúc đầu nghệ thuật gắn bó trực tiếp hơn với qúa trình lao động, với các nhu cầu vật chất và các mục đích thực dụng, cho nên những khái niệm “nghệ thuật”, “nghệ sỹ” theo nghĩa hiện nay chỉ là “ước lệ”. Trải qua nhiều thiên niên kỷ qúa trình phát triển của xã hội đã tách nghệ thuật thành một lĩnh vực riêng biệt của thực tiễn xã hội, - đó là nghệ thuật chuyên nghiệp. Cho đến ngày nay, với sự chuyên môn hóa cao với các hình thức phát triển của mình, nghệ thuật luôn gắn liền với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, thì tuyệt nhiên nghệ thuật cũng không mất đi sự gắn bó của mình với các điều kiện vật chất, với hạ tầng kinh tế và với các hình thái ý thức xã hội khác, thậm chí ngày càng tăng. Chỉ có điều, mối liên hệ này trở nên gián tiếp hơn, phức tạp, sinh động và tinh tế hơn.
Cách mạng khoa học – công nghệ trong những thập niên cuối của thế kỷ XX và ngày nay ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi bình diện của cuộc sống xã hội, trong đó có cả nghệ thuật. Vấn đề tác động của khoa học – công nghệ vào nghệ thuật là sự xâm nhập yếu tố kỹ thuật vào tính chất và những hình thức hoạt động của nghệ thuật, điều này là đúng đối với tất cả mọi loại hình, loại thể nghệ thuật. Đặc biệt, đối với các loại hình nghệ thuật được hoạt động trên cơ sở sử dụng kỹ thuật, thành qủa của khoa học - công nghệ thông qua các phương tiện giao tiếp hàng ngày như: báo chí, rađiô, truyền hình, và mạng internet đã vượt ra khỏi không gian, thời gian có tính chất cộng đồng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia mà mang tính toàn nhân loại. Nghệ thuật cũng không chỉ còn mang ý nghĩa thông tin, mà nó có khả năng tạo ra những điều kiện tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất trong hoạt động, quan hệ trao đổi, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.
Khi phân tích sự xuất hiện thị trường thế giới và sự tác động của nó trên nền tảng kỹ thuật, C.Mác đã dự báo về sự phát triển của nghệ thuật như sau: “Hiện nay những mối quan hệ toàn diện, sự phụ thuộc toàn diện đối với nhau giữa các dân tộc phát triển, thay thế cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và các dân tộc vẫn tự cung cấp. Và sự sản xuất vật chất đã như thế thì sự sản xuất tinh thần cũng không kém phần như thế. Những thành qủa về tinh thần của một dân tộc trở thành sở hữu chung của tất cả các dân tộc. Tình trạng hẹp hòi và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương muôn hình vạn trạng, đang nảy nở một nền văn học chung của toàn thế giới”[1].
Một trong những đặc điểm của sự phát triển của nghệ thuật hiện nay là, các tác phẩm nghệ thuật ít nhiều đều liên quan tới thuộc tính hàng hóa, trong một hệ thống sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Bởi vì, khuynh hướng đi vào sản xuất tác phẩm nghệ thuật hàng loạt – đó là một đặc điểm chủ yếu của sự phát triển nghệ thuật ngày nay, nhất là ở các nước phương Tây. Khi phê phán chủ nghĩa tư bản biến các tác phẩm nghệ thuật trở thành hàng hóa, C.Mác viết: “Sự lưu thông trở thành một cái cornue lớn của xã hội*, trong đó tất cả mọi vật đều được phân hóa, để khi trở ra, đều biến thành tiền tệ. Không có cái gì thoát khỏi cái lò luyện đan đó cả, ngay cả đến xương thánh cũng thế, chứ đừng nói đến vật tối thiêng”[2].
Do qúa đề cao vai trò của kỹ thuật trong sự phát triển nghệ thuật, - một khuynh hướng khá phổ biến của xã hội phương Tây hiện đại càng bộc lộ rõ tính mâu thuẫn giữa yêu cầu phải hoàn thiện tư tưởng – thẩm mỹ của các tác phẩm nghệ thuật với tính tất yếu phải sản xuất tác phẩm nghệ thuật ra hàng loạt trong những điều kiện mở rộng sản xuất và tiêu thụ nghệ thuật. Tuy nhiên, nghệ thuật vẫn là nghệ thuật; sự phát triển của nghệ thuật ngày nay vẫn thể hiện những thuộc tính giá trị dù các tác phẩm của nó mang trong mình khuynh hướng “duy mỹ” hay “kỹ thuật”hóa. Những giá trị nghệ thuật này không tách khỏi cuộc đấu tranh tư tưởng của các dân tộc, các giai cấp và chế độ chính trị – xã hội nhất định. “Nghệ thuật thuần túy”, “nghệ thuật phi giai cấp”cố tình phủ nhận sự gắn bó của nghệ thuật với chính trị, song trên thực tế nó bao giờ cũng phục vụ cho một chế độ chính trị – xã hội nhất định.
2. Tính đặc thù của nghệ thuật
Với tính cách là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, nghệ thuật cùng với hệ tư tưởng chính trị, pháp quyền, đạo đức, triết học… đều là sự phản ánh tồn tại xã hội qua những giai đoạn lịch sử xã hội cụ thể nhất định. Giữa nghệ thuật và các hình thái của hệ tư tưởng đều có sự tác động qua lại lẫn nhau, giữa chúng lại có những đặc điểm chung giống nhau, đồng thời mỗi một hình thái ý thức xã hội lại có tính đặc thù riêng biệt.
Đặc điểm chung (giống nhau) giữa các hình thái ý thức xã hội với tính cách là những bộ phận khác nhau của đời sống tinh thần được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau đây:
Trước hết, các hình thái ý thức xã hội và kể cả nghệ thuật, chúng đều là sự phản ánh đời sống vật chất của xã hội.
Thứ hai, tiêu biểu cho mọi hình thái ý thức xã hội là tính độc lập tương đối của nó. Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội như một đặc trưng cơ bản của cái tinh thần xã hội được thể hiện trong tất cả các hình thái ý thức xã hội như ý thức chính trị, pháp quyền, đạo đức, triết học, khoa học, tôn giáo và nghệ thuật.
Thứ ba, đối với tất cả các hình thái ý thức xã hội, kiến trúc thượng tầng tư tưởng không chỉ là sự phản ánh đối với tồn tại xã hội, đối với cơ sở kinh tế, mà còn có ý nghĩa góp phần tích cực cải tạo tồn tại xã hội.
Tính đặc thù của nghệ thuật so với tất cả các hình thái của ý thức xã hội khác là ở sự phản ánh thế giới bằng hình tượng. Để nhận thức đầy đủ và sâu sắc thế giới khách quan, loài người đã dùng nhiều hình thức khác nhau để phản ánh. Khoa học đi sâu khám phá thế giới bằng hệ thống các khái niệm, phạm trù qui luật. Đạo đức học phản ánh thế giới bằng bằng hệ thống chuẩn mực đạo đức, các qui phạm, các tiêu chí xã hội. Nhưng các hình thức phản ánh đó không thể nào thể hiện được một cách sâu sắc các cung bậc tinh tế của thế giới tinh thần con người như trong nghệ thuật.
Hình tượng nghệ thuật là một dạng thức phản ánh khác về chất với các thức phản ánh khác của hoạt động nhận thức, - đó là sự phản ánh tình cảm – lý trí với cách thể hiện vừa cảm tính lại vừa cụ thể, vừa nói được nội dung tư tưởng xã hội mà nó phản ánh.
Mỗi hình thái ý thức xã hội đều có một đối tượng phản ánh nhất định. Chẳng hạn, ở triết học, đó là mối quan hệ giữa tồn tại và ý thức; ở đạo đức, là mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Còn ở nghệ thuật, đối tượng đó vừa là quan hệ của con người với hiện thực, vừa là chính bản thân con người và xã hội. Chính các đặc trưng này đã làm cho nghệ thuật có khả năng đặc biệt trong việc thể hiện đời sống tinh thần của con người, các khả năng mà không một loại hình phản ánh nào khác có thể đảm đương được.
Tính hình tượng nói chung cái mà người ta thường gọi là hình tượng ngoài nghệ thuật, thường được giải thích gần đúng và đồng nghĩa với nhận thức cảm tính, mà đặc tính chung của nó là sự phản ánh trực tiếp, cụ thể về các mặt nào đó của hiện thực bởi các giác quan của con người.
Như vậy, cần phải xác định mối tương quan giữa hình tượng nghệ thuật không chỉ với tính cách hình tượng cảm tính cụ thể, mà còn hàm chứa chiều sâu và sự độc đáo nội dung tư tưởng của tác phẩm nghệ thuật. Đó là loại tư duy hình tượng đáp ứng những tiêu chuẩn thẩm mỹ và thực tiễn nghệ thuật được tạo ra trong lịch sử như trình độ khái quát cao, sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, giữa cảm tính và lý tính.


[1] C.Mác & Ph.Angghen: Về văn học nghệ thuật, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1958, tr. 164.
* (grand cornue social, cornue là một cái bình cổ cong có mỏ dài dùng trong các phòng thí nghiệm khoa học để nấu các chất hóa học – ND).
[2] Sách đã dẫn, tr. 64.

0 nhận xét :