"Một biểu tượng của hòa hợp dân tộc"
Ông Nguyễn Hữu Có từng là chỉ huy quân sự danh tiếng. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên được thiết lập, ông là một trong 10 sĩ quan (trong đó có Nguyễn Văn Thiệu) được lựa chọn qua Mỹ đào tạo sĩ quan chỉ huy và tham mưu.
Dưới thời chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, ông đảm nhận các chức vụ Tổng Trưởng Quốc phòng kiêm Phó Thủ tướng. Đời binh nghiệp và chính trị của ông Có lên đến tột đỉnh từ giữa năm 1965 đến đầu năm 1967.
Với địa vị đứng hàng thứ ba sau hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, thanh thế tướng Có còn lừng lẫy cả ở nước ngoài.
Ông cũng là một trong số những người vào thời khắc lịch sử của mùa xuân 1975 đã có mặt ở Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, chứng kiến những giây phút cuối cùng của Quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Sau mười hai năm đi học tập cải tạo, trở về Sài Gòn, ông Có chỉ "loanh quanh trong nhà trồng rau, nuôi gà".
Cho đến năm 1994, Mặt trận Tổ quốc Thành phố HCM vời ông tham gia như một "nhân sĩ tự do". Rồi sau đó, tên ông xuất hiện trong danh sách thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Kể từ đây, ông Có bắt đầu được mời đến dự các cuộc gặp với lãnh đạo thành phố, lãnh đạo nhà nước và xuất hiện trong các cuộc họp báo quốc tế mỗi dịp 30/4. Chuyện về ông được báo chí quốc tế nhắc đến như "một biểu tượng của hòa hợp dân tộc".
"Chúng tôi có tới 12 người con, bốn con đang ở Mỹ, một ở Pháp. Các con tôi tuy làm những công việc khác nhau nhưng đủ sống. Tôi đã cùng vợ qua bên Mỹ chơi thăm bạn bè, không hề bị ai cấm đoán hay ngăn cản", ông Có từ tốn nói.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Tín cho hay, thời gian chồng đi cải tạo cũng là lúc bà phải chật vật (như mọi người dân Sài Gòn khi đó) kiếm sống. Bà luôn có mặt bên chồng trong mỗi cuộc gặp với các lãnh đạo nhà nước như ông Phạm Thế Duyệt, Võ Nguyên Giáp...
Bà vẫn kể đi kể lại câu chuyện cách đây vài năm khi ông bà ra Hà Nội đã được đích thân Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Phạm Thế Duyệt đón tiếp, đưa đi Hạ Long chơi.
"Hãy chìa tay trước"
Ở tuổi 90, vị cựu Phó Thủ tướng của chính quyền cũ mỗi ngày lại dành một tiếng đồng hồ nằm giường tập trị liệu. Căn bếp nhà ông Có mỗi tuần một lần vẫn là nơi tổ chức nấu cháo từ thiện tiếp tế miễn phí cho thân nhân những người nghèo ở Bệnh viện Nhi đồng Một.
Bà Tín, vợ ông nhắc đi nhắc lại, ông Có tuy đã từng là một Tổng trưởng Quốc phòng chế độ cũ nhưng sau thời gian cải tạo đã luôn chủ động hòa nhập với cuộc sống mới. Và ông cũng không gặp phải trở ngại gì trên con đường hòa nhập đó.
Chỉ còn một điều vẫn khiến hai vợ chồng vị tướng già trăn trở là dường như sau ba mươi lăm năm mà với nhiều người như vẫn đang còn vướng víu những định kiến cũ, khiến công cuộc hòa hợp, hòa giải dân tộc, thống nhất lòng nưgời trong ngoài như một vẫn chưa đi được tới đích.
Bạn bè ông Có, vẫn không ít người luôn mang mặc cảm "người phía bên kia", từng ra đi trước biến cố 1975 và nay phần đa đều có ý nguyện muốn được trở về với quê hương, đất nước. Họ mong đợi lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ động chìa tay ra trước.
Không phủ nhận ngoài phần đông những người có thiện ý muốn xây dựng đất nước, vẫn còn lại một nhóm người cực đoan, quá khích.
"Với những người đó, nên chi lãnh đạo nhà nước hãy chủ động chìa tay ra trước. Hãy khuyến khích, chủ động mời những người đang còn định kiến quay về nước để họ chứng kiến tình hình mới rồi từ đó thay đổi cái nhìn với đất nước... ", bà Nguyễn Thị Tín nói.
"Hoà giải chỉ có bằng hành động"
Cựu đại sứ Việt Nam tại Pháp Võ Văn Sung từng viết trong một tập sách kỷ niệm ngày thống nhất đất nước: "Đạo lý dân tộc ta là bàn tay có ngón ngắn ngón dài nhưng đều quy lại thành một bàn tay".
Theo ông Sung, người Việt khi có ngoại xâm thì đứng lên chống giặc cứu nước, nhưng khi kẻ xâm lược bị đánh đuổi thì với những người Việt do hoàn cảnh không đứng vào hàng ngũ kháng chiến hoặc thậm chí chống lại kháng chiến cũng nên độ lượng bỏ qua để cùng hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng xây dựng lại đất nước thân yêu.
Việt kiều trong mít tinh 1-5-1975 mừng Việt Nam thống nhất. Bên phải: cụ Trần Văn Mạc - Chủ tịch Hội Phụ lão Việt Nam. (Ảnh tư liệu trong cuốn "Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris") |
Ông Nguyễn Khánh trước đó vẫn lui tới ĐSQ Việt Nam và ủng hộ cho con đường hòa hợp dân tộc, thực hiện đường lối của Hiệp định Paris. Chính vì thế, câu trả lời của vị đại sứ Việt Nam là: "Sao anh lại nói là "các anh". Đây là thắng lợi của toàn dân tộc. Chúng ta đã thắng. Nếu cần nói tên một người Việt Nam thất bại thì đó là Nguyễn Văn Thiệu. Rồi đây việc hàn gắn vết thương chiến tranh, việc xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, còn bao nhiêu việc cần sự đóng góp của mỗi người con dân Việt".
Tư tưởng ấy ta đã thực hiện suốt ba mươi lăm năm qua. Bởi, riêng ở miền Nam Việt Nam chiến tranh liên miên, hầu như gia đình nào cũng có người của hai bên và đều chịu mất mát đau thương. Không gì khác là phải tha thứ để cùng xây dựng lại.
Nhưng nếu đây đó còn có những ngại ngần, còn có những vết thương chưa liền, còn có những phân ly và cách trở thì chính những người đứng đầu Đảng, Nhà nước phải tiếp tục làm nhiều việc hơn nữa để xóa đi những khoảng cách, tập hợp sức mạnh dân tộc, ông Võ Văn Sung đúc kết.
Ông Hồ Ngọc Nhuận, cựu dân biểu đối lập của chính quyền Sài Gòn, người tự xem là "cả đời tôi đấu tranh cho chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc", cũng khẳng định "An vị lâu dài chỉ có thể có với lòng dân và trong lòng dân, bằng con đường hòa giải thật sự trong hành động chứ không bằng lời nói. Và chỉ có thể hòa giải khi trả lại sự công bằng cho mọi người, mọi thành phần dân tộc".
Như thông điệp mà Nguyên Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói trong trên tuần báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) vào dịp kỷ niệm ba mươi năm thống nhất đất nước: "Hòa hiếu", "khoan dung" là những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Người Việt thường chỉ kháng chiến khi có kẻ thù từ bên ngoài. Sau 30 năm qua, tôi nghĩ mọi người Việt Nam chúng ta, cả đôi bên đều nhận thấy khi không còn sự can thiệp từ bên ngoài nữa, chúng ta có thể trở về bên nhau, cùng nhau xây dựng. Và Việt Nam sẽ thêm phát triển khi mọi người Việt dù ở đâu cũng đều ở trong một cộng đồng hòa hợp".
Lê Nhung - Thu Hà
0 nhận xét :
Đăng nhận xét