Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2010

Ông nhạc sĩ khổ vì...đãng trí




Nhạc sĩ Thái Cơ sinh năm 1934 tại xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải, Thái Bình và mất vào ngày "Cá tháng tư" (1/4) tại quê hương cách đây vừa đúng 6 năm. Ông là tác giả của những ca khúc nổi tiếng như "Rặng trâm bầu", "Qua bến Đò Quan", "Khi thành phố lên đèn" từng được phát với tần suất lớn trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhạc sĩ Thái Cơ từng có thời kỳ giữ cương vị Phó chủ tịch Hội Văn nghệ kiêm Chủ tịch Hội Âm nhạc của TP Hà Nội, nơi tôi công tác trước đây nên hàng tuần, hai "chú cháu" ít nhất cũng một lần gặp nhau. Ấn tượng mà tôi nhớ nhất ở nhạc sĩ Thái Cơ chính là sự lơ đãng của ông trước những diễn biến mạnh mẽ, sôi động của cuộc sống. Dường như, lối sống, lối tư duy của ông chỉ thích hợp với những miền quê êm đềm bình lặng; nơi có những vạt ruộng thẳng cánh cò bay và bến sông xao xác tiếng gọi đò. Ông ngồi đó, chuyện trò đó mà như chìm ẩn trong một thế giới mông lung nào...

Lần ấy, Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức cuộc thi Giọng hát trẻ Hà Nội. Với cương vị Chủ tịch Hội, nhạc sĩ Thái Cơ phải đến 61 Lê Thái Tổ để theo dõi xem quá trình các thí sinh tập dượt ra sao...

Vừa hết giờ, nhạc sĩ ra cổng lấy xe. Chiếc Dream II ông mới mua chưa đầy năm sao hôm nay khóa cổ có vẻ khó mở tợn. Nhạc sĩ xoay xoay mấy cái, đĩnh đạc ngồi lên yên, xong đâu đấy mới bình thản nổ máy cho xe lao vút đi...

Về tới cổng nhà, nhạc sĩ loay hoay định dắt xe vào, nhưng nghĩ thế nào ông lại cho xe trở lui, tìm một hiệu gần đấy để rửa xe.

Quái lạ, chiếc xe thường ngày vẫn mới, sạch là vậy, mà hôm nay, mới chỉ đi chốc lát độ mươi cây số, mà lại cũ, lại bẩn quá thể. Ông nhạc sĩ chăm chú ngồi nhìn người ta rửa xe, vừa vẩn vơ suy nghĩ. Mà thôi chết, chiếc xe của mình chỉ có một gương, chiếc xe này mọc đâu ra những... hai gương thế kia. Một ý nghĩ thoáng nhanh trong đầu người nhạc sĩ. Ông cuống cuồng móc túi trả tiền rồi phóng vụt xe đi.

Trong khi ấy, trước cửa ngôi nhà 61 Lê Thái Tổ, một tốp người túm tụm bên một cô gái chừng 15, 16 tuổi đang tái mét mặt. Cô không ngờ chiếc xe của cô có khóa cổ đàng hoàng mà lại "bay" nhanh đến thế. Cuối cùng thì công an cũng được gọi đến để giải quyết. Lại có cả xe xích lô được huy động để chở chiếc Dream II mới của ai đó gọi mãi mà vẫn không thấy ra nhận, đứng một mình trơ trọi cùng cô gái mất của kia.

Vừa hay, lúc đó nhạc sĩ Thái Cơ kịp tới nơi.

Chỉ trong tích tắc, ông nhận ra ngay chiếc xe đang được khuân lên xích lô kia mới thực của mình. Vốn bản tính hồn nhiên, ông cười hà hà cầm giấy tờ ra gặp các đồng chí công an phường Hàng Trống đang đứng chỉ đạo ở đó. Rồi, cầm chiếc khóa xe ra mở chiếc xe của mình trong sự chứng kiến của mọi người.

Cô gái nhận lại chiếc xe sau một phen "hú hồn".

Người nhạc sĩ ký vào tờ tường trình rồi nhận lại chiếc xe.

Mọi sự đến thế là êm xuôi. Chiếc chìa khóa xe này mở được khóa cổ xe kia - sự trùng hợp kì lạ muôn một mới xảy ra.

Sau khi nhạc sĩ và cô gái nọ (chính là thí sinh đăng ký dự thi giọng hát trẻ Hà Nội) đi rồi, thiên hạ mới xoay ra bàn luận với nhau. Một người nói:

- May mà ông ấy là nhạc sĩ nên công an mới giải quyết nhanh thế, chứ không thì chờ đấy. Nhầm gì thì cũng... ngồi chờ!

Người khác thì lại cho hay:

- May mà ông ấy là nhạc sĩ, chứ phải kẻ gian, nếu có nhầm chìa như vậy, thấy mở được, phi thẳng về nhà, rồi quay lại lấy xe của mình, ai hay?

Chung quy lại, cả hai ý kiến đều là "may mà ông ấy là nhạc sĩ". Cả hai xem chừng đều có lý.

Như trên đã nói, nhạc sĩ Thái Cơ có tật là rất đãng trí. Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, hiện là Tổng biên tập Báo Người Hà Nội, một trong 5 thành viên cùng nhạc sĩ Thái Cơ tham gia chuyến tham quan Trung Quốc vào dịp cuối năm 1995, đầu năm 1996 từng kể lại rằng, có lần, Thái Cơ bị lạc ngay tại khách sạn. Ông cứ loanh quanh tầng nọ tầng kia mà không tài nào tìm ra được phòng nghỉ của mình. Ông lại không biết tiếng Trung, thành thử không biết hỏi ai. Cứ như vậy tới mấy tiếng đồng hồ, cho tới khi anh chị em trong đoàn đi chợ về, may mắn phát hiện ra sự cố nói trên... Cũng theo nhà thơ Bùi Việt Mỹ, trong đợt tham quan Trung Quốc lần ấy, chỉ vì luống cuống trong sử dụng băng chuyền của cầu thang máy tại một khu chợ nổi tiếng ở trung tâm thành phố Quảng Châu (một chân ông bước lên, một chân vẫn đặt nguyên tại chỗ), nhạc sĩ Thái Cơ đã bị lực cuốn của thang máy giật ngã bổ ngửa, đập gáy xuống băng chuyền, để rồi về nước, chính di chứng từ vụ tai nạn này đã khiến ông chìm sâu trong bệnh tật rồi mất.

Nói là đãng trí như vậy, song nhạc sĩ Thái Cơ chỉ "đãng trí" với những gì mà ông không quan tâm, để ý, còn trong sáng tác, ông đặc biệt lưu nhớ những gì làm trái tim ông rung động sâu xa. Ví như khi trả lời phỏng vấn báo chí về xuất xứ bài hát "Nón trắng trên đồng", ông còn nhắc tới một đoạn văn trong cuốn "Những năm tháng không thể nào quên" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông xem như là sự khơi gợi, kích thích ông sáng tác nên bài hát nói trên. Và khi nhắc tới việc ra đời của ca khúc trứ danh "Rặng trầm bầu", ông không quên nhắc tới câu chuyện Bác Hồ từng xúc động khi nghe các chiến sĩ miền Nam kể lại những tháng ngày chịu đựng gian khổ cùng đồng đội sống trong những căn hầm sâu kín, dưới bóng những cây trâm bầu để chờ lệnh giết giặc, trả thù cho đồng bào, đồng chí đã hy sinh.

Ông bảo, đó chính là nguồn cảm xúc mạnh mẽ thôi thúc ông sáng tác nên bài hát nói trên. Như vậy, ta có thể thấy, trong sáng tạo, Thái Cơ không hề đãng trí


(CAND)Tuấn Đạ

0 nhận xét :