Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

Nghệ sỹ và tài năng

Trong nghệ thuật, nhân tố “tự nhiên” ở người nghệ sỹ và thái độ riêng tư của họ đối với thế giới không chỉ thể hiện phong cách diễn đạt độc đáo mang tính cá nhân mà còn là yếu tố đặc thù của hoạt động sáng tạo nghệ thuật, nghệ thuật không thể tồn tại nếu thiếu những yếu tố đó. Nếu như trong khoa học, chủ thể sáng tạo không bộ lộ rõ trong kết quả nghiên cứu khoa học như vậy, thì trong nghệ thuật, trong hình tượng nghệ thuật thể hiện rõ thực tại, cũng như nhân cách độc đáo, đặc sắc có một không hai của người nghệ sỹ.
Trong sáng tạo nghệ thuật, những phẩm chất di truyền bẩm sinh có ý nghĩa quan trọng tồn tại dưới dạng mần mống. Đó là những tiền đề tâm, sinh lý và thuộc bình diện phát sinh loài (phylogénétíque) của tài năng.
Quá khứ và hiện tại của văn hoá nhân loại được hiện thực hoá, xã hội hoá trong tài năng thông qua sự phát sinh cá thể (ontogenès). Bởi vậy, tài năng chính là sự thống nhất độc đáo, không lặp lại giữa nhưng cơ cấu cảm xúc và cơ cấu lý tính của chủ thể sáng tạo nghệ thuật hay nói môt cách khác nó là mối quan hệ biện chứng giữa cấu trúc tâm - sinh lý – lý trí – tình cảm, cá nhân – xã hội của chủ thể sáng tạo nghệ thuật ở tính đơn nhất của người nghệ sỹ. Quan hệ này được thể hiện ở tác phẩm nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật là kết quả của một loại lao động đặc biệt của người nghệ sỹ.
Là hệ thống tổ chức phức tạp của nhân cách nghệ sỹ mang tính độc đáo có một không hai, tài năng qui định phương hướng và khả năng sáng tạo; qui định các loại hình nghệ thuật mà nhà nghệ sỹ lựa chọn; phạm vi các hứng thú và các khía cạnh quan hệ của người nghệ sỹ với thực tại.
Không thể hình dung tài năng của nghệ sỹ nếu thiếu phương pháp cá nhân và phong cách với tính cách là những nguyên tắc ổn định để thể hiện quan niệm và ý đồ bằng nghệ thuật. Tính độc đáo của tài năng nghệ sỹ không chỉ được thực hiện trong tác phẩm nghệ thuật, mà còn như sự độc đáo của hoạt động nghệ thuật, như quá trình sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật của họ. Những nghệ sỹ chân chính độc đáo không chỉ ở kết quả sáng tạo của mình – trong những tác phẩm nghệ thuật đã hoàn thành, mà ở trong phương pháp thể hiện chúng ở phong cách sáng tác chúng – nhưng yếu tố qui định cá tính có một không hai của bất kỳ hình tượng nghệ thuật nào do họ tạo ra.
Tất cả những vấn đề nêu ở trên là điều kiện cần nhưng chưa đủ để hiện thực hoá mang tính riêng biệt của người nghệ sỹ; chính vì vậy qúa trình sáng tạo của người nghệ sỹ đều chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp bởi những điều kiện kinh tế – xã hội nhất định.
Tài năng của người nghệ sỹ chỉ có thể hiện thực hoá trong những điều kiện kinh tế – xã hội nhất định. Có những thời đại nhất định trong lịch sử xã hội loài người đã tạo những điều kiện thuận lợi để phát huy và hiện thực hoá tài năng nghệ thuật của người nghệ sỹ. Chẳng hạn, một thời đại lớn đòi hỏi những người khổng lồ về tư tưởng và tầm vóc và nó đã sinh ra những người như vậy như: Lêonađờvanhxi, Mikenlănggiơ, Raphaen của thời kỳ phục hưng.
Công nhận ý nghĩa quyết định của các điều kiện kinh tế – xã hội và chính trị, cũng như không khí tinh thần trong việc hiện thực hoá tài năng tuyệt nhiên không phải là tuyệt đối hoá chúng. Người nghệ sỹ không chỉ là sản phẩm của thời đại, mà còn là người sáng tạo ra thời đại.
Để đào tạo nghệ sỹ có tài năng, phục vụ cho lý tưởng xã hội, nhất là lý tưởng chính trị thì yêu cầu trước hết là phải có sự nâng niu, qúi trọng tài năng, dồn tâm sức vun đắp tài năng; chống khuynh hướng chèn ép tài năng, làm cho tài năng bị thui chột, chỉ vì thói hư danh, đố kỵ, ích kỷ và vụ lợi. Mặt khác, việc đào tạo nghệ sỹ không thể chỉ ở việc trang bị tư duy luân lý, mà phải đi sâu phát triển khả năng cảm thụ đối với tư duy hình tượng, làm như vậy để tránh biến những người có năng khiếu và tài năng nghệ thuật trở thành những cán bộ lý luận hoặc những nhà quản lý văn hóa đơn thuần.
Một vấn đề cũng rất quan trọng là việc sử dụng tài năng. Trong mọi trường hợp giáo dục và đào tạo mới chỉ là một khâu, một mắt xích trong toàn bộ sự chuẩn bị cho hoạt động và phát triển của các tài năng. Vì vậy, việc tạo nguồn nhân lực cho tài năng cần có sự kết hợp và sự thống nhất giữa gia đình, nhà trường và xã hội, giữa việc đào tạo và việc sử dụng tài năng. Nhà trường có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tài năng, nhưng xã hội không dùng đến và dùng không đúng hoặc chưa phát huy hết khả năng vốn có của nhân tài cũng dẫn đến sự mai một các tài năng. Bởi vậy, việc phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng tài năng là một hệ thống nhất quán, cần phải có chính sách đúng đắn và có kế hoạch quản lý cụ thể của nhà nước.

0 nhận xét :