Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

Đặc trưng của một số loại hình nghệ thuật cơ bản

1. Kiến trúc và trang trí
Kiến trúc và trang trí là các loại hình nghệ thuật xuất hiện rất sớm trong lịch sử xã hội loài người luôn có mối quan hệ gắn bó với nhau bởi tính đặc thù của nó. Kiến trúc và trang trí đều có ý nghĩa thực dụng rất rõ nét; một mặt nó là lĩnh vực tinh thần – sáng tạo nghệ thuật và lĩnh vực vật chất – sáng tạo trong sản xuất vật chất. Thật khó có thề hình dung một công trình kiến trúc từ nhà ở, đến thánh đường của các nhà thờ Thiên chúa giáo, Hồi giáo, đình chùa Phật giáo lại thiếu sự luân chuyển nhịp nhàng, uyển chuyển và sự kết hợp các đường nét hình học cách điệu và các yếu tố tạo hình hợp thành hoa văn – họa tiết. Cũng chính vì vậy, trang trí như một bộ phận hợp thành toàn bộ công trình kiến trúc, song mặt khắc bản thân nó cũng có thể được coi là một tác phẩm nghệ thuật hội họa riêng biệt, độc đáo.
- Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật mà cho đến ngày nay trong nghệ thuật vẫn còn diễn ra những cuộc tranh cãi rằng, nó có thuộc nghệ thuật hay không[1]? Xét về chức năng của nó, thì kiến trúc là thực dụng[2], nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất của xã hội, và trước hết là nhu cầu về nhà ở, công trình để lao động, nghỉ ngơi và điều hành các chức năng xã hội. Nhưng đồng thời kiến trúc là một nghệ thuật riêng biệt, trong đó cũng như nghệ thuật ứng dụng, điều có ý nghĩa quan trọng không chỉ là chức năng thực dụng, công dụng thực tế của các công trình, mà còn là bản chất thẩm mỹ của chúng, sự tác động giữa tư tưởng – tình cảm, sự thỏa mãn nhu cầu cái đẹp của con người.
Đặc trưng của ngôn ngữ của nghệ thuật kiến trúc là ở chỗ, trong hai tính năng phục vụ lợi ích và thẩm mỹ, thì tính năng phục vụ lợi ích có ý nghĩa nội dung, mang tích mục đích, tính năng thẩm mỹ mang ý nghĩ hình thức. Cho nên, các hình tượng của nó trước hết, mang tính chất ích dụng; mặt khác cái đẹp về hình thức kết hợp cái ích dụng vật chất – tinh thần lại phản ánh những tư tưởng chung, về sự khẳng định cuộc sống, về tầm vĩ đại, về sự hùng mạnh của những tư tưởng thẩm mỹ về cái đẹp.
Là nghệ thuật chiếm lĩnh không gian, bằng phương pháp tạo hình, nên cái đẹp trong kiến trúc được tạo dựng thông qua hình khối, đường nét, các tỷ lệ, nhịp điệu và kiểu dáng cao – thấp, rộng – hẹp, cong – thẳng, mau – thưa. Nhưng do những điều kiện lịch sử, tôn giáo khác nhau mà các phong cách kiến trúc cũng khác nhau. Do đó, kiến trúc châu Âu khác với kiến trúc châu Á, kiến trúc Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Phật giáo cũng khác nhau. Chẳng hạn như kiến trúc Bigiăngtanh, Rômăng, Gôtích trong thời kỳ Trung cổ[3].
Trong đặc trưng ngôn ngữ của nghệ thuật kiến trúc tác động, gợi ý nghĩa bằng đặc tính chất liệu của nó từ đất, đá, gỗ, mây, tre, nứa, lá, kim loại. Kiến trúc bao gồm nhiều thể loại được phân theo chức năng của công trình như kiến trúc dân dụng, kiến trúc công cộng, kiến trúc tôn giáo, công viên.
- Trang trí cũng là loại hình có từ lâu đời gắn bó mật thiết với nghệ thuật kiến trúc, mà đặc điểm nổi bật của nó cũng bao hàm tính năng phục vụ lợi ích và thẩm mỹ. Đặc trưng của nghệ thuật trang trí là hình trang trí hoặc hoa văn. Các yếu tố hợp thành hoa văn là họa tiết và nhịp điệu. Trong đó các họa tiết kết hợp các đường nét hình học theo một kiểu nào đó thì nhịp điệu lại nối các họa tiết với nhau thành một khối thống nhất, lặp đi, lặp lại nhiều lần tạo sự hài hòa, nhịp nhàng và thống nhất giữa các yếu tố trong một tác phẩm trang trí.
Nghệ thuật trang trí bao gồm nhiều thể loại, từ sự trang điểm cho con người, đến trang trí nội thất và tạo dáng, tạo mẫu mã hàng hoá nói chung, thuộc về mỹ thuật công nghiệp, có tên gọi là Design. Trong xã hội hiện đại ngày nay, Design càng có vai trò hết sức quan trọng góp phần làm đẹp thế giới các đồ vật từ những vật dụng sinh hoạt thường ngày đến hàng hoá, đến môi trường sống, làm việc và hoạt động nói chung của con người
2. Điêu khắc
Điêu khắc là loại hình nghệ thuật không gian, nó phản ánh hiện thực bằng hình khối không gian ba chiều có thể tích. Đối tượng căn bản gần như độc nhất của điêu khắc là con người. Do chỗ điêu khắc hầu như không thể hiện bối cảnh, hoàn cảnh hoạt động của nhân vật, việc thể hiên hình tượng hầu như hoàn toàn dựa vào cách thể hiên diện mạo bên ngoài của con người; nhưng nó còn phát hiện bản chất bên trong của đối tượng, thể hiện những phẩm chất tiêu biểu của đối tượng.
Tượng là không gian hình khối, được chia thành hai loại như tượng tròn, tượng nửa khối gắn nổi trên mặt phẳng gọi là tượng đắp nổi. Trong tượng tròn có nhiều nhân vật (đối tượng) là cách gọi theo chức năng và qui mô của nó như tượng đài, tượng trang trí (do đặt nơi công cộng ngoài trời hay trong nội thất). Chính vì vậy, sản phẩm của điêu khắc có nhiêu loại như tượng tròn, chạm nổi, khắc chìm với những kích cỡ to, nhỏ khác nhau, tượng trang trí, chân dung.
Chất liệu có ý nghĩa rất quan trọng với ngôn ngữ điêu khắc và nó luôn thề hiện ở chất liệu gỗ, đá, thạch cao, kim loại… Câu “Tượng đồng bia đá” nói lên tính chất vững bền của các chất liệu được dùng trong điêu khắc. Tính độc đáo của hình tượng của điêu khắc mà đối tượng là con người thường thể hiện ở việc xây dựng tư thế, động tác điển hình có tính khái quát cao liên quan tới tính cách đặc trưng của nhân vật. Chẳng hạn, tượng “Đavít” của Mikenlănggiơ[4], tượng Phù Đổng Thiên Vương, hoặc tượng Trần Hưng Đạo ở thành phố Hồ Chí Minh, tượng đài chiến sỹ Điện Biên…
Các chủ đề của điêu khắc của chúng ta hiện nay, rất phong phú, đa dạng, đòi hỏi phải có nhiều tác phẩm điêu khắc nhiều hơn nữa để phản ánh lịch sử hào hùng của dân tộc cũng như với hai cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc và sự nghiệp đổi mới đất nước. Nhưng thật đáng tiếc chúng ta còn quá ít các tượng đài, chứ chưa nó đến nhóm quần thể tượng đài hoành tráng có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử, để giáo dục truyền thống.
3. Hội họa
Hội họa là nghệ thuật không gian mặt phẳng – tìm không gian ba chiều trên mặt phẳng. Tuy chỉ ghi được một khoảnh của hành động, song nó vẫn có khả năng thể hiện được ý nghĩa của cử chỉ, động tác của đối tượng và nó cũng thể hiện được hình khối của đối tượng dưới những hình thức cụ thể khác nhau. Khi cảm thụ tác phẩm hội họa chúng ta vẫn có cảm giác được chiều sâu, độ gần xa về khoảng cách của bố cục theo tiêu điểm, diện về mặt đường nét, mầu sắc của đối tượng phản ánh, thậm chí cả cảm giác được cái sinh động, sống động như thật của đối tượng.
Trong hội họa đường nét, màu sắc là ngôn ngữ đặc trưng của hội họa. Hội họa có ưu thế đặc biệt trong việc phản ánh thế giới với mọi màu sắc phong phú, tinh tế của nó và hòa sắc của tác phẩm làm cho nó có sức biểu hiện sâu sắc, tế nhị về tình cảm. Ánh sáng, bóng tối và sự kết hợp uyển chuyển giữa các đường nét, màu sắc với các thủ pháp xa – gần (khoảng cách phù hợp) của hội họa tạo ra cảm giác không gian ba chiều[5]. Khả năng tạo hình của hội có ý nghĩa rất lớn, nó nói lên được tư tưởng và tình cảm con người trên mọi cung bậc và sắc thái khác nhau. Song hội họa chỉ có thể gợi lên quá trình phát triển của các biến cố trong phạm vi những khoảnh khắc mà nó thể hiện chứ không miêu tả được đầy đủ quá trình phát triển sinh động của hiện thực như văn chương, điện ảnh, hoặc sân khấu.
Về thể loại hội họa có tranh trên giá, tranh hoành tráng, tranh chân dung, tranh phong cảnh, tranh “bố cục”, tranh tĩnh vật…
4. Âm nhạc
Âm nhạc là loại hình nghệ thuật thời gian, chiếm lĩnh nhịp điệu, tiết tấu, âm vực; nghĩa là nó sử dụng âm thanh để thể hiện tâm tư, tình cảm, tư tưởng và những mong muốn của con người. Hình tượng của nghệ thuật âm nhạc được xây dựng trên nền tảng của bảy nốt nhạc với các thăng trầm của nó biến hoá vô tận như là các chữ cái của ngôn ngữ.
Các âm vực trầm bổng với sắc thái cao độ – trường độ (trầm, bổng – nhanh, chậm) là hai thuộc tính cơ bản của ngôn nhữ âm nhạc tạo nên giai điệu – sắc thái ngôn ngữ của âm nhạc. Người nghệ sỹ xây dựng nên những hình tượng âm nhạc: giai điệu, nhịp điệu, hoà âm, điệu thức, âm sắc. Trong đó giai điệu có tính quyết định trong một tác phẩm âm nhạc. Bằng sự vận dụng các yếu tố và thuộc tính trên, thế giới âm thanh vật lý được “nhân tính hoá” trở thành những hình tượng mang ý nghĩa thẩm mỹ, diễn tả sâu sắc thế giới tâm hồn con người.
Điều đáng chú ý là âm nhạc phát hiện các trạng thái nội tại mà không cần phải miêu tả các hình thái bên ngoài của chúng như các loại hình nghệ thuật khác, nó chỉ tập trung biểu hiện cảm xúc và rung động trong quá trình phát triển liên tục và năng động của nó với tất cả cá sắc thái và sự chuyển hoá phong phú. Chính vì vậy người ta coi âm nhạc nói với con người bằng “ngôn ngữ trực tiếp của tâm hồn”, vì rằng cơ sở nội dung trong hình tượng âm nhạc trước hết là những cảm xúc, những tình cảm của con người.
Đối với âm nhạc, tình cảm không chỉ là đối tượng phản ánh gần gũi, sinh động, tinh tế nhất mà còn là phương tiện để trình bày một chân dung cuộc sống rộng lớn, đa dạng và phong phú hơn nhiều. Âm nhạc là một phương tiện mạnh mẽ, tinh tế, năng động để giáo dục thẩm mỹ, tình cảm cho con người.
Về thể loại, âm nhạc có: thanh nhạc (ca khúc, tổ khúc, opéra); khí nhạc (étude, sonata, conserto, symphonie).
5. Văn chương
Văn chương giữ một vị trí quan trọng đặc biệt trong hệ thống các loại hình nghệ thuật. Bởi ngôn ngữ của văn chương làm cơ sở biểu hiện cho nhiều loại hình nghệ thuật (làm kịch bản cho sân khấu, điện ảnh, phần lời cho âm nhạc, vũ điệu, lời bình cho cho việc đánh giá các tác phẩm nghệ thuật khác). không phải ngẫu nhiên mà người ta thuờng chia đôi văn chương và nghệ thuật.
Ngôn ngữ văn chương là ngôn từ, hay nói chính xác là ngôn ngữ của con người làm phương tiện xây dựng hình tượng để phản ánh cuộc sống. Với lợi thế của ngôn từ, văn chương có thể đề cập tới mọi phương diện của đời sống hiện thực; có khả năng phản ánh linh hoạt, nhanh nhạy và đầy đủ, chính xác đến mọi góc cạnh tính cách của nhân vật hoặc của cuộc sống xã hội. Là loại hình nghệ thuật có khả năng tạo hình và có khả năng biểu hiện đa dạng, nó không những có thể mô tả con người với những hành động cụ thể trong khoảnh khắc và cả quá trình, mà còn có thể nói rõ và đầy đủ những tư tưởng, tình cảm của con người một cách tinh vi và sâu sắc.
Đối với loại hình nghệ thuật khác thì hình tượng nghệ thuật tồn tại ngay trong bản thân tác phẩm, ở ngoài chủ thể cảm thụ, nhưng đối với văn chương thì hình tượng chỉ hiện lên trong trí tưởng tượng của người đọc, ở chủ thể cảm thụ. Đặc điểm này làm cho văn chương sống trong tư tưởng, trong sự tích cực chủ động tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo của người thưởng thức. Vì ngôn ngữ văn chương là tiếng nói, thể hiện trực tiếp tư duy con người – công cụ, phương tiện vật chất hoá tư duy và công cụ, phương tiện thông tin phổ biến nhất của con người.
Văn chương có khả năng phản ánh cả hiện thực thế giới bên ngoài và nội tâm bên trong con người một cách đầy đủ và chính xác. Do đó, nghệ thuật văn chương thường kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác để có thể tăng thêm sức mạnh tiềm ẩn của nó, sự tác động của nó. Ví như thơ được đọc, ngâm trên nền nhạc đệm, tiểu thuyết có tranh minh họa.
Về thể loại, văn chương có: tự sự (truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết); trữ tình (thơ trữ tình, tùy bút)…
6. Sân khấu[6]
Sân khấu là loại hình nghệ thuật tổng hợp có lịch sử lâu đời. Bằng sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác như văn chương, hội họa, kiến trúc, âm nhạc, múa và hiện nay còn bao gồm cả điện ảnh. Sân khấu tạo nên các hình tượng nghê thuật sống động đối với công chúng nghệ thuật. Ngôn ngữ đặc trưng là hành động (hành động hình thể, hành động tâm lý, hành động ngôn ngữ), thông qua diễn xuất của diễn viên. Hành động sân khấu là hành động kịch, hành động mang tính xung đột, nhằm biểu hiện tư tưởng của kịch mang tính nhất quán chứ không phải bất kỳ hành động có tính chất ngẫu nhiên nào.
Kịch bản văn chương là cơ sở của chủ đề tư tưởng, là cái cốt của tác phẩm sân khấu. Diễn viên là người biểu hiện ý đồ của vở diễn, nhưng họ có vai trò đặc biệt quan trọng đến sự thành công hoặc thất bại của vở diễn. Ngoài nhân tố cơ bản là hành động kịch, nghệ thuật sân khấu còn có những phương tiện như âm nhạc, múa, trang trí, đạo cụ hỗ trợ cho diễn xuất. Ở đây, vai trò của diễn viên là vô cùng quan trọng.
Về thể loại, sân khấu có: kịch nói, kịch hát, kịch rối, kịch truyền hình, truyền thanh, kịch câm…
7. Điện ảnh
Điện ảnh là loại hình nghệ thuật trẻ, nó xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX. Tuy nhiên, sau khi ra đời nó đã trở thành loại hình quan trọng bậc nhất xét về tính quần chúng rộng lớn của nó, đáp ứng cao nhu cầu thẩm mỹ của thời đại.
Sự ra đời của điện ảnh gắn liền với tiến bộ của khoa học – kỹ thuật và công nghệ; nó kết hợp các thành tựu của khoa học và công nghệ với các phuơng tiện của nhiều loại hình nghệ thuật khác tạo cho điện ảnh có tính tổng hợp cao nhất.
Phương tiện ngôn ngữ của điện ảnh cũng là hành động nhưng nó khác với sân khấu. Ở đây hành động nhân vật vẫn là yếu tố hạt nhân, nhưng đồng thời nghệ thuật quay phim, dựng phim, cũng có một ý nghĩa quyết định. Bởi hình ảnh phim là hình ảnh không gian đa chiều hết sức đa dạng và phong phú được đạo diễn và nghệ sỹ quay phim biến đổi liên tục theo những góc độ, tầm cỡ, cự ly khác nhau để biểu đạt tư tưởng, tính cách, nhân vật.
Cấu trúc của tác phẩm nghệ thuật điện ảnh lệ thuộc vào nghệ thuật dựng phim khi xét nó từ quá trình kịch bản văn học sang kịch bản phim, kịch bản phân cảnh đến dựng phim đó là cả một quá trình sáng tạo thể hiện ý đồ của đạo diễn trong việc tạo ra tác phẩm điện ảnh. Ngoài ra còn có vô số các yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật khác có vai trò hỗ trợ quan trọng dưới nhiều hình thức khác nhau: âm nhạc và âm thanh nói chung (tiếng động), ánh sáng, hội họa, trang trí - thiết kế nhân vật và bối cảnh. Với kỹ thuật điện toán (kỹ thuật số), ngày nay điện ảnh đã tiến những bước dài về kỹ thuật (kỹ xảo) về kỹ thuật hỗ trợ cho điện ảnh.
Về thể loại, điện ảnh có: phim nghệ thuật trong điện ảnh và phim truyền hình, phim họa hình, phim tài liệu, phim thời sự.


[1] Theo quan điểm của IU.A.Lukin và V.C.Xagherơsíccốp – các nhà mỹ học Liênxô .
[2] Appliqué – tiếng Pháp: thực hành – ứng dụng, có nghĩa là đưa những phương thức và phương tiện thẩm mỹ vào thực tế cuộc sống, trong đó tính lợi ích như một yếu tố thẩm mỹ khách quan.
[3] Các kiểu kiến trúc nhà thờ Thiên Chúa giáo thời trung cổ.
[4] Tượng cao hơn 5,5 mét, là hình tượng người lực sỹ khoả thân khổng lồ, đầy sức mạnh với vẻ hùng dũng, oai phong. Hiện nay, tác phẩm này vẫn còn ở quang trường Phơlôrăngxơ (Italya).
[5] Phải nói đến những kiệt tác: “Mona Lisa hoặc La Joconde”, hoặc bức tranh “Bữa tiệc cuối cùng” của Lêônađờvanhxi.
[6] Nhóm nghệ thuật tổng hợp (sân khấu, điện ảnh). Nghệ thuật tổng hợp vận dụng tất cả các phương thức và phương tiện thể hiện của nghệ thuật độc lập: Văn học, âm nhạc, múa, hội họa, trang trí, kiến trúc… Trong điện ảnh có quay phim, dựng phim, nhiếp ảnh…

2 nhận xét :

Unknown nói...

dạ cho em hỏi?
em học phân môn mỹ thuật đại cương. có câu hỏi ôn thi đọc không hiểu, có thể giúp em không. em cần gấp lam.
Anh, chị hãy trình bày sự phân loại nghệ thuật điêu khắc và ý nghĩa của các thể loại?
giúp em với nhé
thank

Nặc danh nói...

Bạn có thể tham khảo thêm tại https://tampacific.com/phan-biet-hai-khai-niem-cai-dep-va-nghe-thuat-la-gi.html