Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

Dân chủ là nhân dân nắm chính quyền – quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân (Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền)

Nói đến dân chủ, dù thuộc bản chất giai cấp nào đều phải nói đến Nhà nước và quyền lực của nhà nước. Bởi vì, không có một nền dân chủ nào trong lịch sử, dù tồn tại dưới các hình thức khác nhau, kể cả nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không tồn tại bên ngoài Nhà nước. Theo nghĩa đó, dù có cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu về dân chủ có thể khác nhau, nhưng xét về bản chất chính trị của một nền dân chủ, thực hành dân chủ thì nội dung quan trọng và được ưu tiên vẫn là vấn đề Nhà nước.

Vì vậy, nói đến dân chủ và việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, trước hết là nói đến nhân dân nắm chính quyền – quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thái độ với chính quyền, mức độ quan tâm, chăm lo xây dựng, kiện toàn, củng cố chính quyền là biểu hiện trực tiếp của sự giác ngộ về dân chủ – dân là chủ và dân làm chủ.

Có thể nói, ngay từ đầu một trong những nguyên nhân thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước là không chấp nhận nhà nước thực dân – phong kiến đang kìm hãm, áp bức, bóc lột quần chúng nhân dân, triệt tiêu mọi quyền tự do dân chủ của người dân. Đó là thái độ của Người phủ định chính quyền thực dân tàn bạo và mang đậm tính chất chính trị. Đó là “Bản yêu sách” của nhân dân An Nam gởi tới Hội nghị Véc-xây năm 1919. Một phần trong những suy nghĩ này đã được Hồ Chí Minh phản ánh trong “Yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919. “Bản yêu sách” có đề cập đến nội dung mang tính thiết chế Nhà nước kiểu mới. Tinh thần chung của “Yêu sách” là đòi quyền tự do dân chủ cho người Việt Nam.

Hồ Chí Minh viết: “Nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”[1]. Điều đó có ý nghĩa khẳng định địa vị của nhân dân và thể hiện nó trong thực tiễn là hòn đá thử vàng về một nền dân chủ, một thiết chế dân chủ đích thực hay giả dối. Và cũng theo nghĩa đó, Hồ Chí Minh coi địa vị làm chủ được quyết định bởi mọi quyền hành và lực lượng là của dân, mọi công việc là do dân. Chính vì vậy, mọi thành quả của nền dân chủ với địa vị cao nhất là nhân dân thì mọi lợi ích là của dân. Đó là cơ sở căn bản nhất, là xuất phát điểm để Hồ Chí Minh đưa quan điểm về dân chủ vào thực tiễn cuộc sống để khẳng định quyền lực Nhà nước của ta là thuộc về nhân dân.

Ngay từ năm 1941, khi xây dựng Chương trình của Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh đã thiết kế chế độ dân chủ cộng hịa cho nước ta sau khi cách mạng thành công. Có thể nói, đây là một chương trình cách mạng nhằm thực hiện những mục tiêu dân chủ đã thức tỉnh vai trị làm chủ đất nước của mỗi người dân, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Có thể thấy, chương trình hành động của Người định hình rất cụ thể, chi tiết, đó là kết quả của một tư duy đã nung nấu chín muồi và là hệ quả của cả một quá trình khảo sát, kiểm nghiệm, lựa chọn xác định mô hình. Hơn nữa, mọi chủ trương mà Người đưa ra nhằm xúc tiến xây dựng cơ cấu bộ máy cho chính quyền nhân dân ngay trong thời kỳ đầu của chính quyền nhân dân rất đúng lúc, kịp thời. Đó là tổ chức Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội dân chủ đầu tiên của nước nhà hoặc thiết định cơ cấu xây dựng Hiến pháp – đạo luật cơ bản đầu tiên.

Ngay từ những ngày đầu tiên của chính quyền nhân dân, với hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, phức tạp trên tất cả các mặt từ cứu đói, xoá nạn mù chữ đến đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên định chỉ đạo để một Quốc hội lập hiến thật sự dân chủ và một Hiến pháp cũng thật sự dân chủ, tiến bộ đã được ra đời. Bản Hiến pháp được thông qua với sự nhất trí cao mà nội dung tiên tiến của thời đại chứng tỏ ý chí, quyết tâm, bản lĩnh, dù trong hoàn cảnh nào nhân dân Việt Nam cũng vẫn đủ để làm chủ vận mệnh cuả mình.

Cùng với bầu Quốc hội, thông qua Hiến pháp và với hàng loạt sắc lệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký và ban hành làm cơ sở cho việc thiết lập bộ máy Nhà nước ở tất cả các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, v.v… Lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, chính quyền Nhà nước đã được trao vào tay cho “dân chúng số nhiều” như ước nguyện và cũng là bài học lịch sử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra từ các cuộc cách mạng đi trước, để tránh cho nhân dân… “khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”[2].

Vị thế chính trị - quyền là chủ và làm chủ của nhân dân được khẳng định qua Tuyên ngôn lập nước do Hồ Chí Minh soạn thảo, trong đó các giá trị về dân chủ gắn liền với độc lập, tự do của Tổ quốc gắn liền với bình đẳng và công bằng xã hội… Những nội dung thể hiện các giá trị về dân chủ của Tuyên ngôn độc lập lại được khẳng định bằng một bản Hiến pháp thấm đậm tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh và cũng chính Người lại sáng lập nhà nước dân chủ ở nước ta.

Hiến pháp năm 1946 đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc thực hiện quyền lực của nhân dân trong điều kiện lịch sử hết sức khó khăn lúc đó. Và cũng vì vậy, trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định ngay “Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”[3]. Trên cơ sở đó, Quốc hội Việt Nam có nhiệm vụ phải xây dựng Hiến pháp nước nhà trên ba nguyên tắc. Trong các nguyên tắc, lại được nhấn mạnh như khẳng định thêm một lần nữa: “Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên con đường vinh quang, hạnh phúc, cùng với trào lưu tiến bộ của thế giới vả ý nguyện hòa bình của nhân loại”[4].

Ba nguyên tắc đó là:

- Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.

- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.

- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của dân[5].

Những nguyên tắc trong xây dựng Hiến pháp được tuân thủ và khẳng định ở Chương I – Chính thể, trong Điều 1 của Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới do Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo:

Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa.

Cũng ngay ở Chương I, Điều 1 của Hiến pháp năm 1946, đã khẳng định một cách rõ ràng quyền lực của nhân dân:

“Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo[Cần chỉ ra rằng vấn đề khẳng định quyền lực của nhân dân được thể hiện trong các Hiến pháp ở nước ta có những khác biệt thứ tự như sau:

- Hiến pháp năm 1946 được ghi ở Điều 1: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt, nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

- Hiến pháp năm 1959 được ghi ở Điều 4: “Tất cả quyền lực của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”.

- Hiến pháp năm 1980 ghi ở Điều 6: “ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.

Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan khác của nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”.

- Hiến pháp năm 1992 ghi ở Điều 2: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp tri thức”].

Chương II của Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định những Nghĩa vụ và quyền lợi của công dân. Ngoài sự bình đẳng về nghĩa vụ trong việc bảo vệ Tổ quốc, Hiến pháp nêu rõ: “Tất cả mọi công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa (Điều 6) đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình (Điều 7) và Hiến pháp cũng đảm bảo các quyền tự do: ngôn luận, xuất bản, tổ chức và hội họp, tín ngưỡng, cư trí đi lại trong nước, ra nước ngoài, bí mật thư tín…[6]

Vấn đề là chủ, làm chủ của nhân dân, của các giai tầng còn được xác định cụ thể và rõ ràng trong các Hiến pháp (1946 v 1959) bằng cách khẳng định về Quyền và Nghĩa vụ của công dân (Chương II). Hiến pháp 1946 tuyên bố bảo đảm: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam (Điều 12); Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay (Điều 13); giúp đỡ những công dân già cả hoặc tàn tật, trẻ con…[7]

Điều đặc biệt trong Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta là ở chỗ, trong đó xác định rằng nền dân chủ của nước Việt Nam mới bảo vệ cho “những người ngoại quốc đấu tranh cho dân chủ và tự do mà phải trốn tránh được trú ngụ trên đất Việt Nam” (Điều 16). Tinh thần đó được ghi nhận vào Hiến pháp chỉ ra nền dân chủ mới của nước ta không chỉ thực hiện và bảo vệ quyền dân chủ ở Việt Nam mà còn có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ cho những người nước ngoài phấn đấu cho lý tưởng dân chủ[8].

Hiến pháp năm 1946 tuyên bố: “Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” (Điều 22), “giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc” (Điều 23) và Ban Thường vụ Nghị viện có quyền “kiểm soát và phê bình Chính phủ” (Điều 36 điểm c)[9]. Đây là một quan niệm hoàn toàn mới của Hồ Chí Minh khi coi cơ quan đại diện dân cử là một cơ quan hành động chứ không chỉ là cơ quan chỉ chuyên thảo luận như các nước dân chủ phương Tây. Việc ghi rõ trong Hiến pháp về “Nghị viện nhân dân (Quốc hội) có quyền cao nhất nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” (Điều 22) chứ không phải là cơ quan được giao tất cả quyền lực của nhân dân thể hiện rõ rệt vai trị chủ thể của nhân dân đối với chế độ[10].

Hiến pháp năm 1946 cũng quy định những quyền cụ thể cho Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Trung ương và chính quyền cấp tỉnh. Toàn bộ quyền lực ở và chỉ ở nhân dân mà thôi. Điều đó thể hiện rõ khi quan niệm dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh “tất cả quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, “địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ”.

Hiến pháp năm 1959, Hồ Chí Minh lại một lần nữa khẳng định quan điểm quyền lực thuộc về nhân dân một cách cụ thể hơn. Đó là các chế định bảo đảm thực hiện quyền lực của nhân dân trong thực tiễn và cơ chế thực hiện quyền lực của nhân dân trong thực tiễn. Nhất là ở các điều khoản về quyền lực của nhân dân (Điều 4); vấn đề đại biểu của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Điều 5). Đặc biệt ở Điều 6 của Hiến pháp 1959 ghi rõ:

“Tất cả các cơ quan Nhà nước là phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân.

Tất cả các nhân viên nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”[11].

Như vậy, Hồ Chí Minh không những đã chỉ ra địa vị của nhân dân nói chung trong Hiến pháp mà còn xác định một cách rất cụ thể quyền dân chủ của từng giai tầng trong xã hội phù hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể. Chẳng hạn, đối với công nhân, Người khẳng định “Công nhân có quyền thực sự trong xí nghiệp” và “Từ làm chủ về tư liệu sản xuất, họ phải được làm chủ trong việc quản lý kinh tế, làm chủ trong việc phân phối sản phẩm lao động”[12]. Đối với lực lượng đông đảo nhất trong xã hội là nông dân, Hồ Chí Minh đã nêu lên một luận điểm rất quan trọng: “Bao giờ ở nông thôn nông dân thật sự nắm chính quyền, nông dân phải được giải phóng thì mới có dân chủ thật sự”[13]. Người đánh giá rất cao vai trị của tầng lớp trí thức trong tiến trình dân chủ hóa ở nước ta và cho rằng “lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội”[14]… Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới vấn đề giải phóng phụ nữ, khẳng định vị trí bình đẳng của phụ nữ trong việc tham gia vào các công việc xã hội và đề cao vai trị chủ nhân của đất nước của thanh thiếu niên, v.v…

Hồ Chí Minh chỉ ra nước ta là một quốc gia đa dân tộc, quyền làm chủ của nhân dân phải thuộc về tất cả đồng bào các dân tộc ít người và cho rằng, phải “làm cho các dân tộc anh em dần dần tự quản lý, lấy mọi công việc của mình, để mau chóng phát triển kinh tế và văn hóa của mình, để thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt”[15].

Khẳng định quyền làm chủ của nhân dân thông qua Hiến pháp thể hiện quan điểm lý luận, lý tưởng chính trị, chuẩn mực chính trị pháp quyền của hệ thống chính trị ở nước ta. Những quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng một Hiến pháp dân chủ, trong đó xác định ra quyền làm chủ của nhân dân với những cơ chế để thực hiện quyền lực đó của nhân dân trong thực tiễn là những quan điểm căn bản cho xây dựng mặt vật chất của hệ thống chính trị dân chủ ở nước ta, thể hiện trước hết qua việc xây dựng Nhà nước.



1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.6, tr.515.

2. Hồ Chí Minh, Sđd, t.2, tr.270.

3. Hiến phap Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003, tr.7.

4. Đây là Lời nói đầu của Hiến pháp dân chủ đầu tiên của ta - Hiến pháp năm 1946 và cũng là Hiến pháp duy nhất trong 4 hiến pháp của nước ta có Lời nói đầu chỉ ra nguyên tắc xây dựng Hiến pháp.

5. Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003, tr.7.

6. Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003, tr.10.

7. Hiến pháp Việt Nam, Sđd tr.11.

8. Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp duy nhất trong 4 Hiến pháp của nước ta ghi điều khoản này.

9. Hiến pháp Việt Nam, Sđd tr.14.

10. Trong Hiến pháp 1959 có sửa đổi điều này: Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. (Điều 43)

11. Hiến php Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003, tr.29. Hiến pháp năm 1959 là Hiến pháp đầu tiên của nước ta xác định cụ thể mối quan hệ giữa Nhà nước, nhân viên Nhà nước với nhân dân. Trong Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992, vấn đề này đều được ghi ở Điều 8. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của điều khoản này mà các Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp 1992 đ kế thừa, sửa đổi, bổ sung. Đến năm 2001, điều khoản này cũng được sửa đổi, bổ sung – Xem Hiến php Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003, tr.179.

12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.12, tr.568.

13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd tr.25.

14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.6, tr.203.

15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.7, tr.543.



0 nhận xét :