Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

Sự hình thành các loại hình nghệ thuật

1. Sự hình thành các loại hình nghệ thuật
Sự hình thành và phát triển của các loại hình nghệ thuật một mặt phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế – xã hội nhất định; mặt khác do chính yêu cầu và nhiệm vụ khách quan của sự phát triển nghệ thuật. Hơn nữa, do tính đặc thù của mỗi loại hình, loại thể của nghệ thuật là cái không thể thay thế bằng một loại hình, loại thể nghệ thuật khác. Chẳng hạn, sự hình thành, phát triển của sân khấu và loại thể của nó không thể thay thế đuợc bằng hội họa; văn chương không thể thay thế bằng âm nhạc, rồi chính âm nhạc cũng không thể chỉ dừng lại ở thanh nhạc mà còn có khí nhạc.
Ở một phương diện khác sự hình thành, phát triển các loại hình, loại thể của nghệ thuật còn do tính đa dạng, phong phú và năng động của các phương tiện vật chất – kỹ thuật đem lại khả năng tạo hình – biểu hiện ngày càng hiệu quả hơn để con người có thể khám phá, khai thác, khơi dậy tầng sâu ý thức – tâm hồn con người trong sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt ngày nay, khi nhu cầu thẩm mỹ của con người đòi hỏi ngày càng đa dạng và ngày càng cao hơn, trí tuệ hơn bởi sự phát triển của tri thức và vai trò của cách mạng khoa học công nghệ hiện đại.
Lịch sử phát triển của nghệ thuật cho đến nay, về cơ bản người ta qui ra có bảy loại hình: kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu, điện ảnh. Ngoài ra, còn có nghệ thuật trang trí, múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật công nghiệp, truyền hình nghệ thuật, xiếc. Mỗi loại hình lại có nhiều loại thể khác nhau. Chẳng hạn, loại hình văn học có tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, ký, thơ, kịch bản. Hoặc sân khấu có kịch nói, kịch hát, kịch rối, kịch truyền hình.
2. Phân nhóm các loại hình và loại thể của nghệ thuật
Dựa trên những đặc điểm phản ánh bằng ngôn ngữ nghệ thuật chung giống nhau và cũng căn cứ tính riêng biệt của các loại hình nghệ thuật trong hoạt động sáng tạo lẫn khả năng tác động của nó đến công chúng nghệ thuât, con người phân thành các nhóm nghệ thuật khác nhau.
Có nhiều cách để phân nhóm nghệ thuật. Song về cơ bản sự phân nhóm các loại hình nghệ thuật theo các tiêu chí như:
- Bản thể (onthologie) – không gian và thời gian;
- Ký hiệu (sémiologie) – miêu tả không miêu tả;
- Tính năng – một tính năng hai tính năng;
- Tổng hợp – độc lập / liên kết.
a. Nhóm loại hình không gian và thời gian
Phân định nhóm nghệ thuật không gian và thời gian theo tiêu chí bản thể (onthologie) là tĩnh – động bởi năng lực thẩm mỹ của con người về thị giác – thính giác.
- Nghệ thuật không gian: kiến trúc - trang trí, điêu khắc, hội họa – đồ họa, nhiếp ảnh nghệ thuật, mỹ thuật công nghiệp.
Đặc điểm chung của nghệ thuật không gian, - đó là nghệ thuật tĩnh hay nghệ thuật tạo hình, có sở trường diễn đạt sự vật một cách cụ thể – theo nghĩa nhìn thấy được trước mắt và đứng im. Khả năng này giúp cho con người tạo nên môi trường không gian đẹp quanh mình, giúp cho con người chiêm ngưỡng tác phẩm và hình tượng nghệ thuật trong sự tĩnh tại và mang lại cho con nguời một sự lắng đọng cảm xúc. Hơn thế nữa, hình tượng nghệ thuật được xây dựng theo ấn tượng thị giác, phù hợp vói sư hấp dẫn của cảm thụ thị giác. Tuy nhiên, do tính không gian tĩnh tại lại có những hạn chế nhất định về sự thể hiện tính phát triển, sự hoạt động. Chính vì vậy, các nghệ sỹ thường tìm mọi cách tạo nên ảo giác chuyển động (sở đoản) trong hình thái đứng yên của tác phẩm, của hình tượng được xây dựng tác phẩm. Chẳng hạn, hội họa là hình thức không gian mặt phẳng, nghệ sỹ phải tìm cách tạo ảo giác về chiều sâu, về không gian ba chiều, dựa vào thấu thị học và sắc độ.
- Nghệ thuật thời gian (âm nhạc – múa, văn chương).
Đặc điểm chung của nghệ thuật thời gian có sở trường là diễn đat sự biến đổi và phát triển, diễn đạt được tính quá trình của tâm trạng và hành động của nhân vật thông qua nghệ sỹ biểu hiện. Chính vì vậy, từ phương thức xây dựng hình tượng đến cấu trúc và tác phẩm, kể cả ngôn ngữ đặc trưng của nhóm nghệ thuật này theo nguyên tắc quy luật thời gian mang tính chất quá trình và tính phát triển. Nhưng cũng vì mang tính thời gian, sở trường lại đi liền với sở đoản bởi dường như thiếu đi đứng yên, tĩnh tại trong không gian, nên các nghệ sỹ khắc phục bằng cách tạo ảo giác về không gian, về sự tĩnh tại. Đó là lối xây dựng hình tượng kiểu nhắc lại (dạng điệp khúc), trùng lập theo hình xoáy ốc và dùng ngôn ngữ đa thanh.
b. Nhóm nghệ thuật tổng hợp và liên kết: sân khấu, điện ảnh, múa
Đặc điểm chung của nghệ thuật tổng hợp là vận dụng tất cả các phương thức và phương tiện thể hiện của nghệ thuật độc lập. Nó một cách khác đây là nhóm nghệ thuật liên kết nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau trong một loại hình nghệ thuật nhất định. Ví dụ: Sân khấu và điện ảnh là một loại hình nghệ thuật tổng hợp nhưng đều phải có cơ sở kịch bản văn học và kết hợp với âm nhạc, múa, hội họa, trang trí, kiến trúc…
c. Nhóm nghệ thuật đơn tính và lưỡng tính
Phân định nhóm nghệ thuật thuần nhất chỉ mang một tính năng – chức năng thẩm mỹ và nghệ thuật ứng dụng mang hai tính năng – chức năng ích dụng và tính năng thẩm mỹ, trong đó tính năng ích dụng là cơ bản, tính năng thẩm mỹ là thứ yếu.
- Nghệ thuật đơn tính (một tính năng):
1. Điêu khắc: điêu khắc tròn – đắp nổi, tượng nhỏ trang trí, tượng đài, tượng hoành tráng.
2. Hội họa – đồ họa: tranh trên giá, tranh hoành tráng, tranh chân dung, tranh phong cảnh, tranh “bố cục”, tranh tĩnh vật.
3. Văn chương: Tự sự (truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết); trữ tình (thơ trữ tình, tùy bút)
4. Âm nhạc: thanh nhạc (ca khúc, tổ khúc, opéra); khí nhạc (étude, sonata, conserto, symphonie).
5. Múa: múa biểu hiện, múa giao tế, kịch múa.
6. Sân khấu: kịch nói, kịch hát, kịch rối.
7. Điện ảnh: phim nghệ thuật trong điện ảnh và truyền hình (phim truyện, phim tài liệu, phim họa hình).
- Nghệ thuật lưỡng tính (hai tính năng):
1. Kiến trúc (kiến trúc dân dụng, kiến trúc công cộng, kiến trúc tôn giáo, công viên).
2. Mỹ thuật ứng dụng (thủ công, mỹ nghệ, mỹ thuật công nghiệp – đồ dùng – công cụ, trang trí, hoa văn).
3. Điêu khắc ứng dụng (tượng thờ, tượng giáo khoa, tượng đồ chơi).
4. Hội họa – đồ họa ứng dụng: tranh thờ, tranh thánh, tranh tuyên truyền – áp phích, tranh quảng cáo, đồ họa thương nghiệp, tiền, tem, minh họa quảng cáo…
5. Nhiếp ảnh nghệ thuật.
6. Văn chương ứng dụng: văn tuyên truyền – chính luận, thông tấn báo chí, văn chương minh họa (chính trị, đạo đức, khoa học, tôn giáo).
7. Múa ứng dụng: múa tôn giáo, múa thể thao (balé trên băng, thể dục nhịp điệu), múa kiếm, múa lân…
8. Âm nhạc ứng dụng: nhạc môi trường, nhạc tôn giáo, nhạc lễ binh, nhạc trị liệu.
9. Sân khấu ứng dụng: kịch tuyên truyền – minh họa, hoạt cảnh – diễu hành có hoá trang.
10. Điện ảnh ứng dụng (trong điện ảnh và truyền hình): phim thời sự, phim tài liệu (giáo khoa – khoa học).
11. Xiếc.
12. Thể thao nghệ thuật.

0 nhận xét :