Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

10 trẻ hoang dã lạ lùng trong xã hội hiện đại

Trong các tài liệu thế giới có ghi lại hàng trăm đứa trẻ hoang dã, được chó sói, khỉ, gấu… nuôi nấng, dựa trên những tin đồn. Dưới đây là 10 trường hợp đáng tin cậy hơn cả.

1. Shamdeo

Vào tháng 5 năm 1972, người ta tìm thấy một cậu bé chừng 4 tuổi trong khu rừng Musafirkhana, cách Sultanpur 20 dặm. Cậu bé đang chơi đùa với một bầy sói con. Da đen, móng tay dài uốn cong lại, tóc rối bù và bàn tay đầy chai, bò bằng khuỷu tay và đầu gối. Cậu có nhiều nét tương tự như Amala và Kamala, răng nhọn hoắt còn dính máu tươi, thành thạo việc săn gà rừng, thích bóng tối và kết bạn với cả chó sói lẫn chó rừng. Người ta đặt tên cho cậu là Shamdeo và mang về làng Narayanpur. Dù đã không ăn thịt sống nữa, nhưng cậu chưa bao giờ nói được một tiếng nào, chỉ học được ở mức tối thiểu cách ra dấu để diễn tả một điều đơn giản nào đó. Năm 1978, cậu được đưa về Nhà tế bần do Mẹ Theresa lập ra. Cậu chết vào tháng hai năm 1985.

2. Cô gái hoang dã ở Champagne

Rất có thể cô bé hoang dã xứ Champagne đã học nói được vài từ trước khi bị rơi vào tay bầy thú, vì cô là trường hợp rất hiếm hoi nói được cả một câu mạch lạc. Thực đơn của cô gồm chim chóc, cá, ếch nhái, lá cây, rễ cây. Đưa cô một con thỏ, lập tức, cô biết cách dùng móng tay nhọn và cứng của mình lột da nó và chén ngon lành.

“Các ngón tay của cô, đặc biệt là ngón cái, to lạ lùng”, theo nhân chứng cùng thời, là nhà khoa học nổi tiếng Charles Marie de la Condamine. Bà kể, cô bé lấy ngón cái đào rễ cây và truyền từ cây này sang cây khác nhẹ nhàng như một con khỉ. Cô chạy rất nhanh và nhìn tinh vô cùng. Khi Hoàng hậu Ba Lan, mẹ của Hoàng hậu Pháp đến thăm con ở Champagne năm 1737, bà mang cô đi săn. Cô đã chạy thoăn thoắt và tay không bắt được thỏ.

3. John Ssebunya

Một hôm vào năm 1991, một người dân trong làng tại Uganda, bà Milly Sebba vào rừng kiếm củi và thấy một cậu bé giữa bầy khỉ. Bà lao đến, đuổi theo, bắt được cậu từ trên cành cây và mang về làng. Đầu gối của cậu trơn nhẵn vì di chuyển bằng cách bò. Móng tay dài và cuộn vòng tròn. Người ta nhận ra cậu, vốn là con ông John Sesebunya, không hiểu vì lý do gì mà năm 1988 đã giết vợ, vứt con vào rừng và bỏ trốn khi cậu đã lên 2, bắt đầu có trí nhớ và đã tập nói đôi chút.

Trở về với họ hàng, cậu học nói lại và kể lại, trong rừng, bọn khỉ đã mang cậu về nuôi, cho cậu ăn rễ cây, hạt dẻ, khoai lang và sắn mà ban đêm, chúng lẻn về làng ăn cắp được. Bọn khỉ con chơi đùa với cậu suốt 2 tuần liền, dạy cậu leo trèo và tìm thức ăn. Hiện cậu đã 23 tuổi, được một gia đình người Anh nuôi và tuy sống rất khép kín, luôn sợ sệt nhưng cũng hòa nhập được với gia đình bố mẹ nuôi.

4. Cậu bé linh dương Syria

Jean-Claude Auger, một nhà nhân chủng học xứ Basque, một mình đi du lịch qua sa mạc Sahara thuộc Tây Ban Nha (Rio de Oro) năm 1960. Ông gặp một vài người du mục Nemandi, kể với ông về một cậu bé hoang dã. Hôm sau, ông đi theo hướng họ chỉ. Ông trông thấy một đứa trẻ trần truồng “phóng như bay giữa bầy linh dương”.

Cậu bé cũng chạy trên bốn chân, nhưng đôi lúc cũng đứng thẳng trên chân sau, khiến Auger có cảm giác rằng cậu bị lạc hoặc bỏ rơi mới chỉ 7, 8 tháng. Giống như những con linh dương khác, câu biết co các cơ, da đầu, mũi, hoặc vểnh tai lên nghe ngóng những tiếng động lạ. Cậu lấy răng ngoặm từng búi cỏ lên ăn, phập phồng lỗ mũi giống những con linh dương đánh hơi. Ngoài việc ăn cỏ, cậu còn ăn những con kỳ giông sa mạc và sâu bọ.

Năm 1966, người ta đã chăng lưới từ máy bay trực thăng để bắt cậu mà không được. Cậu bé linh dương chưa bao giờ bị cách ly khỏi những bè bạn trong bầy.

5. Oxana Malaya

Oxana Malaya (sinh tháng 11/1983) được tìm thấy như một đứa trẻ hoang dã năm 1991 khi đã lên 8 tại Ukraina và đa số thời gian cô sống chung với chó. Cô có nhiều thói quen của chó và rất vất vả trong việc học nói. Bố mẹ cô nghiện rượu nặng, say sưa suốt ngày, sống trong một khu phố nghèo khổ, có rất nhiều chó hoang lang thang ngoài đường. Không nuôi nổi con gái, bố me cô để mặc cho cô tự sống và cô tìm đến ở trong một cũi chó bẩn thỉu. Lũ chó nuôi cô và cô học những hành vi, cách sống của chúng. Cô bò bốn chân, sủa, gào rú và chui lủi dưới cống rãnh giống hệt một con chó hoang. Đánh hơi và nhăn mũi hít cẩn thận một một thứ gì đó trước khi ăn. Cuộc sống hoang dã giúp cô có mũi và tai cực thính, mắt tinh và lẩn trốn rất nhanh.

6. Prava, cậu bé người chim

Trường hợp mới đây nhất của “hội chứng Mowgli” là cậu bé người chim, tên là Vanya Yudin, bảy tuổi được các nhân viên y tế Nga cứu sống sau khi phát hiện ra cậu ở một căn hộ rất đông những người bạn lông vũ cùng với mẹ bị mắc bệnh tâm thần, sau khi bố mẹ bà ta đột ngột chết và người chồng bỏ đi.

Đó là một căn hộ nhỏ um tùm, hoang vắng, xa dân cư nên chưa bao giờ có người mò đến. Trong vườn đầy những chiếc lồng và hàng trăm con chim. Trong một cuộc phỏng vấn người đã giải cứu cậu, cô nhân viên xã hội hoc Galina Volskaya cho biết, bà mẹ cậu đối xử với cậu như đối với một con thú, tuy không làm hại cậu gì nhưng nhốt cậu ngoài vườn từ khi cậu chưa biết đi và chẳng bao giờ nói với cậu một lời. Chỉ có chim chóc là “giao lưu” với cậu.

“Cậu ấy chỉ biết kêu chiêm chiếp và không hiểu người khác nói gì, chỉ vẫy hai cánh tay như chim vỗ cánh”, cô Galina nói.

7. Cậu bé báo

Toàn quyền Stuart Baker thông báo trên Tạp chí Journal of the Bombay Natural History Society (tháng bảy 1920) một trường hợp người hoang dã – cậu bé báo. Năm 1912, một con báo cái tại North Cachar Hills gần Assam đã bắt một đứa trẻ trong vùng nhưng không ăn thịt mà nuôi trong hang của nó.

Ba năm sau, người ta gặp lại nó “chạy trên bốn chân, nhanh như một người trưởng thành, lẩn trốn trong các bụi rậm và vượt qua các vật cản, thông minh và nhanh nhẹn hơn bất cứ người nào. Đầu gối nó là một miếng chai to và cứng. Các ngón chân nó thẳng đứng với mặt đất. Những ngón tay, ngón chân cũng được phủ một lớp da cứng như sừng.

Lần đầu tiên bị bắt, nó cắn và chống cự mãnh liệt. Người nào bị nó vồ được thì thật bất hạnh, nó dùng miệng rứt ra từng miếng thịt và ăn cực nhanh”.

8. Kamala và Amala

Trẻ em người sói nổi tiếng nhất là hai chị em gái bị dân làng bắt về dưới sự chỉ huy của ông đồn trưởng ngưới Anh là Jal Singh vào tháng mười năm 1920 tại một khu rừng chỉ có chó sói sinh sống gần Godamuri, phía bắc Calcutta. Chó sói mẹ bị bắn chết. Hai cô bé hoang dã được đặt tên là Kamala chừng 8 tuổi và Amala, chừng lên hai.

Theo ông Singh, hàm của hai cô gái đều biến dạng, mồm và răng vêu ra, mắt sáng lấp lánh trong bóng tối, có ánh xanh của mèo và chó. Ngay năm sau Amala bị chết, còn Kamala sống đến năm 1929. Lúc đó, nghĩa là sau 9 năm trời sống với người và được dạy dỗ, cô mới thôi bắt quạ để ăn, biết cách đứng thẳng trên hai chân và phát âm được 50 từ.

9. Cô gái gấu

Năm 1937 George Maranz kể lại cuộc viếng thăm một nhà thương điên Thổ Nhĩ Kỳ ở Bursa. Tại đây ông đã gặp một cô gái từng sống với gấu trong nhiều năm. Những người thợ săn vùng rừng núi gần Adana đã bắn trúng môt con gấu cái, và sau đó, khi trời tối mịt, họ trở về làng thì bị một “thần rừng” nhỏ bé tấn công một cách hung tợn. Cuối cùng họ bắt được một cô bé, mà các động tác, tiếng kêu thì hoàn toàn là gấu. Cô ta không chịu ăn tất cả các món ăn đã nấu chín, nằm ngủ trên một tấm vải ở góc tối nhất trong phòng. Người làng nhận ra 14 năm về trước, khi lên hai, cô bị mất tích. Thì ra cô bị gấu bắt mang về nuôi.

10. Peter hoang dại

Đứa trẻ hoang dã thực sự nổi tiếng nhất là “Peter hoang dại”, một cậu bé trần truồng, da nâu, tóc đen, bị bắt gần Helpensen ở Hanover năm 1724, khi đã 12 tuổi. Cậu leo trèo và tung mình từ cây này sang cây khác chẳng khác gì một con vượn thực sự, chỉ có điều hiểu rất chậm và không biết nói. Cậu từ chối bánh mì, thích bóc lớp vỏ của những cành cây xanh và hút nhựa cây, nhưng đôi khi cũng ăn quả và rau.

Nười ta đã đưa cậu đến trình diện tại triều đình vua Georg tại Hanover và mang sang Anh làm đối tượng nghiên cứu. Peter sống tới năm 68 tuổi, nhưng chẳng nói được tiếng nào trừ hai từ Peter và King Georg, dù hai giác quan nghe và ngửi của Peter rất tinh tường.

0 nhận xét :