Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

Chỉ vì chưa...nổi tiếng


Khoảng cuối năm 1979, trong một chuyến đi công tác cùng nhạc sĩ Thế Dương, tôi ngẫu hứng viết được một bài thơ lấy tiêu đề "Hoa san hô". Tôi gửi bài thơ đến tòa soạn báo Hải quân. Gửi hú họa vậy chứ không nghĩ sẽ được đăng...

Thi ca không phải là sở trường của tôi. Không ngờ ít ngày sau, nhạc sĩ Thế Dương cầm một tờ báo Hải quân ấn vào tay tôi, nói: "Hoa san hô" đăng rồi. Khao đi. Còn tớ thì chúc mừng cậu bằng cách sẽ phổ nhạc bài thơ này, đồng ý không?". Hồi ấy tôi mới 26 tuổi, đang chập chững những bước chân đầu tiên đến với văn học, được một nhạc sĩ có tiếng tăm của Quân chủng như Thế Dương đặt vấn đề phổ nhạc thơ mình là một diễm phúc quá sức tưởng tượng, còn lăn tăn gì nữa mà không gật.

Thế Dương trải tờ báo có in bài thơ của tôi xuống bàn, chân dậm dậm lấy nhịp, miệng xướng âm, tay ghi ghi chép chép nhoay nhoáy các ký hiệu trên khuông nhạc. Ông phổ nhạc bài thơ "Hoa san hô" ngay tại căn phòng tôi đang ở. Chỗ nào thấy có vẻ còn "ngang ngang" chưa hợp với lời thơ, tôi còn tham gia với ông chỉnh chang lại. Cuối buổi, ca khúc đã xong phần cơ bản. Những ngày sau, ông tiếp tục nhuận sắc thêm.

Vào đúng dịp kỷ niệm lần thứ 16 ngày Hải quân nhân dân đánh thắng trận đầu (5/8/1964 - 5/8/1980), tạp chí Văn nghệ Quân đội in bản nhạc phổ thơ này. Bên Đài Tiếng nói Việt Nam thì "Hoa san hô" cũng được dàn dựng cho hai ca sĩ Tiến Thành và Tuyết Thanh song ca.

Năm 1982, tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa được Quân chủng cho lên Hà Nội ôn thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du. Học hết năm thứ nhất, nhà trường gửi Trần Đăng Khoa sang Liên Xô học Trường Viết văn Gorky. Năm 1986, tôi tốt nghiệp, trở về Quân chủng Hải quân. Lúc này những người bạn viết cũ ở đây đã mỗi người một nơi. Trần Đăng Khoa vẫn học bên Liên Xô. Đình Kính đang chờ nghỉ chế độ. Lê Thế Hiếu đã mất. Họa sĩ Bằng Lâm thì chuyển lên Hà Nội... Tôi đang trong tâm trạng trống vắng thì ông đại tá chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân chủng, cấp trên trực tiếp của tôi, gọi tôi lên gặp. Ông vốn xuất thân là một nhạc công violin Đoàn Văn công Tổng cục chính trị, hiểu giới nghệ sĩ. Ông quý mến chúng tôi và quản lý chúng tôi rất thoáng. Ông bảo, trong lúc tôi chờ nhận nhiệm vụ mới, ông cho tôi đi theo Đoàn Nghệ thuật của Quân chủng, vừa để xả hơi sau những năm đi học xa, vừa cho quen việc, lấy lại cảm hứng về biển, đảo và những người lính Hải quân mà viết. Thế là hôm sau, tôi leo lên ôtô cùng Đoàn Nghệ thuật rong ruổi về phía vùng biển đông bắc.

Nơi đầu tiên chúng tôi dừng lại biểu diễn là một quân cảng của Lữ đoàn tàu chiến đấu. Quân cảng này ngự trong một eo biển nước sâu gần thị xã Hòn Gai, tức thành phố Hạ Long bây giờ. Sân khấu dựng ngay sát mép cảng để những thủy thủ trực chiến dưới tàu cũng có thể ngồi trên boong xem được. Giống như chương trình biểu diễn của nhiều đoàn văn công quân đội khi ấy, đoàn chúng tôi cũng biểu diễn những bài hát, những bài thơ, vở kịch về quân chủng, quân đội, về quê hương đất nước. Khi biết trong chương trình có bài "Hoa san hô", tôi cứ phấp phỏng hồi hộp mong chờ. Nhưng khi đến phần trình diễn ca khúc ấy thì cô dẫn chương trình lại giới thiệu: "Sau đây là bài hát "Hoa san hô", nhạc Thế Dương, phổ thơ Trần Đăng Khoa".

Dù có hơi chạnh lòng, nhưng tôi cho rằng, có thể cô dẫn chương trình vì bối rối chuyện gì đó nên giới thiệu nhầm tên tôi thành Trần Đăng Khoa. Tôi im lặng chờ xem buổi biểu diễn tối mai cô có nhầm như thế nữa không. Sự thể vẫn y như đêm trước. Tôi đứng dậy đi đến bên anh TL, một thiếu tá có thâm niên phụ trách đoàn, nói: "Lời bài hát "Hoa san hô" là của Nam chứ sao lại giới thiệu là của Khoa, hả anh?". TL xua xua tay: "Cậu cứ bình tĩnh, để tôi giải thích sau".

Đêm ấy khi mọi người đã ngủ say trong những gian lán tường ghép phên nứa mái lợp tranh lúp xúp trên một sườn đồi thoai thoải ven biển, anh TL mới giải thích cho tôi cái lý do hoán vị tên người viết lời bài hát "Hoa san hô". Thì ra cách đó mấy hôm, Đoàn Nghệ thuật Hải quân ra một hòn đảo nhỏ biểu diễn. Tàu vừa cập bờ đá, những người lính canh giữ đảo đã ùa ra: "Nhà thơ Trần Đăng Khoa có ra không?", "Đâu, Trần Đăng Khoa đâu?"...

Hồi ấy, biết Khoa đã trở thành đồng đội, từng ra các đảo thâm nhập thực tế làm thơ, nên anh em cho rằng hẳn Trần Đăng Khoa cũng sẽ theo tàu ra với đảo của họ chuyến này. Họ nôn nóng muốn gặp anh, xem con người anh mặt ngang mũi dọc ra sao mà thơ phú ngộ nghĩnh tài tình đến thế. Sau những tiếng hỏi nhao nhao mà không thấy có Trần Đăng Khoa, họ túm lấy áo đoàn trưởng TL giật giật, trách móc, kiểu như "bắt vạ". TL đành phải nói với họ: "Hiện nay nhà thơ Trần Đăng Khoa đã sang nước ngoài học, người bằng xương bằng thịt không ra đây thì thơ văn của anh ấy ra đây với anh em là cũng được chứ?". Nghe TL nói thế, những người lính đảo mới nguôi ngoai... Còn TL, sau khi hứa với anh em xong thì lại thấy lo, bởi trong chương trình biểu diễn đợt này không có tiết mục nào của Trần Đăng Khoa, mặc dù thời điểm đó Khoa đang rất nổi tiếng với chùm thơ viết về biển đảo được giải thưởng báo Văn nghệ: "Chút thơ tình của người lính biển", "Lính đảo hát tình ca trên đảo", "Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn". Trong ba bài đó thì "Chút thơ tình của người lính biển" cũng đã được một nhạc sĩ nổi tiếng ở Hà Nội phổ nhạc, nhưng Đoàn Nghệ thuật Hải quân chưa kịp có nhạc bướm trong tay để dàn dựng.

TL suy tính: Hay là cho một diễn viên tập ngâm gấp một bài thơ của Trần Đăng Khoa để biểu diễn tối nay, đáp ứng mong mỏi của anh em lính đảo? Xem nào. Bài "Chút thơ tình của người lính biển" sao cứ lặp đi lặp lại cái câu "Biển một bên và em một bên" như thế? Lính biển đảo thì làm gì có em ún kè kè bên cạnh? Lãng mạn quá thể, "sáng tác" ra như thế là không ổn rồi! Bài "Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn" thì lại có những câu: "Úp miệng vào tay, chúng tôi sẽ cùng gào/ Như ếch nhái uôm uôm khắp đảo", tả người lính cách mạng như ếch nhái thì không thể chấp nhận được! Coi bài "Lính đảo hát tình ca trên đảo" xem nào: "Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc/ Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu/ Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc/ Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau"... càng không ổn! Thôi thì đã trót hứa với anh em rằng hôm nay có tác phẩm của Trần Đăng Khoa thì ta đành phải hoán đổi, mượn lời bài hát "Hoa san hô" của Lê Hoài Nam thành của Trần Đăng Khoa vậy. Nam và Khoa chơi thân với nhau lắm, dễ thông cảm thôi. Vả chăng, người lính với hoa san hô là hình tượng đẹp! TL bảo cô dẫn chương trình đưa tờ in danh sách những tiết mục để ông chữa tên Lê Hoài Nam thành Trần Đăng Khoa. Thế là tối hôm đó, cặp song ca trình diễn "Hoa san hô" được anh em lính đảo hoan nghênh nhiệt liệt. Từ hôm ấy đến nay, anh TL bận quá, chưa kịp chỉnh sửa, trả lại đúng tên người viết lời bài hát ấy...

Anh TL xin lỗi tôi, rồi bảo: "Cậu thông cảm. Chỉ vì anh em lính đảo họ quá mê Trần Đăng Khoa... Với lại, dù sao Khoa nó cũng nổi tiếng hơn cậu".

Sau này, khi Trần Đăng Khoa về nước, nhiều lần chúng tôi gặp nhau, nhưng tôi cũng không nói cho anh biết việc đó, vì cho rằng nó là chuyện nhỏ, vui vui của đời lính. Còn hôm nay tôi viết báo kể chuyện này chẳng qua cũng chỉ là muốn nhắc lại một thời chúng tôi sống có quá nhiều điều để vui, để buồn, để yêu và để nhớ.

Lê Hoài Nam, Hà Nội, tháng 8/2010


0 nhận xét :