Nhân dịp 49 ngày nhà thơ Hoàng Cầm đi vào cõi vĩnh hằng, nhà thơ Đỗ Minh Tuấn có bài viết về vương quốc tình yêu của ông hoàng thơ tình. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc thay một nén hương tưởng nhớ nhà thơ.
Ngôi đền thơ thờ ba người tình ảo
Thơ Hoàng Cầm là một vương quốc tình yêu tôn giáo "bóng tô-tem dập dìu" quanh một thi nhân đang "tu hành trong ngôi chùa tình ái" nơi thờ ba người tình mộng ảo: người tình trong ký ức, người tình đã khuất nơi chín suối và người tình văn hoá trong huyền sử và bên toà sen. Ba người tình này đều nửa thực nửa hư và đều ẩn hiện trong khói hương tôn kính của kẻ dưới nhớ người trên, của kẻ sống thờ người chết, của người trần chiêm ngưỡng các tiên nữ, thanh linh.
Tình yêu của thi sĩ họ Hoàng trong "99 tình khúc" là tình yêu đặc biệt với những xúc cảm thẩm mỹ vừa trần thế vừa tôn giáo, vừa khao khát chiếm hữu và chiêm ngưỡng rụt rè, song tư thế cơ bản của thi nhân trong tình yêu là tư thế ngước nhìn lên. Những váy yếm xiêm y trong thơ ông là những vật thiêng luôn luôn được đặt lên cao lung linh như sao và phấp phới như cờ hội mà thi sĩ phải ngẩng lên mà chiêm ngưỡng như những vật thờ.
"Hội yếm bay" là bài thơ huyền sử kể chuyện một nàng tiên bị đày xuống trần gian vì vi phạm những cấm kỵ trên thiên đình. Chiếc yếm ở đây là chiếc yếm ảo, "chiếc yếm vua cha dặn" khi được thi sĩ nhân lên thành lá cờ phấp phới "bay cờ triệu yếm ríu ran ca" nó trở thành sự thăng hoa những khát vọng phồn thực của sức sống trần thế nơi tiên nữ bị lưu đầy và nhập cuộc. Một cảnh tượng huyền thoại hùng vĩ biểu dương quyền sống của người phụ nữ.
Còn bộ xiêm y trong bài Tương biệt hành xuất hiện trong cảnh huống nhà thơ tưởng tượng một tình yêu Liêu Trai chí dị, âu yếm một bóng ma, một người vợ đã chết. Cuộc chia tay đưa người vợ lên trời xanh vĩnh hằng diễn ra vừa trần thế vừa ma quái:
"Vỗ vai mây phát tờ đơn chữ thảo mưa xiên
Xin gió bốn phương phê chuẩn Đôi mình ôm nhau lần cuối Lệnh tám cõi tốc xiêm y chới với Sững mình em vùn vụt hút lên mây xanh" (tr.145).
Thật là một tình yêu có một không hai, bất chấp âm dương cách trở, một cách viết táo bạo, ấn tượng, giầu mỹ cảm phương Đông. "Váy Ngân hà loang mặt tiểu hùng tinh" là cái nhìn vũ trụ hoá siêu thoát khỏi cái váy "buông chùng cửa võng" của người chị trong đời thực.
Rõ ràng trong ba ví dụ trên đây những váy, yếm, xiêm, y đều hiện ra trong tư cách những biểu trưng văn hoá, những nhịp cầu nối liền cõi Đời và cõi Đạo. Những hình tướng thế tục của chúng đã được nhà thơ tín hiệu hoá, vũ trụ hoá, nghi lễ hoá thành cờ, hội, ngân, hà. Cái phấn khích thế tục của chúng chỉ còn lại trong động thái tốc, phấp phới và loang, nghĩa là những yếu tố nhục dục đã được trời đất hoá, thanh khiết hoá trong dạng thức những sinh lực vũ trụ. Ngay cả những hành vi vật thể ít tính nhục dục hơn như khăn, áo, ngực và ôm cũng được thanh cao hoá bởi nhà thơ đã đưa chúng vào trong không khí nghi lễ tôn giáo trong đó cái thiêng liêng luôn hiện diện giữ nhịp cho đời sống trần thế:
"Chuông chiều cởi áo
Chuông sớm đội khăn" (tr.177) "Ôm em đỉnh núi sao buông thấp Hai ngực hoà tan một tiếng chuông" (tr.182).
Trong vương quốc thơ tình của Hoàng Cầm không chỉ những vật thể của người tình được thanh cao hoá, tượng trưng hoá mà cả những âu yếm, ái ân cũng in đậm màu sắc những lễ nghi huyền thoại, những ký ức đơn đau trong phút giây tưởng niệm về những mảng tình đã tan, những người tình đã chết, những tiên nữ, Quan âm Bồ tát xa vời. Tất cả những hành vi tình yêu đều diễn ra trong một không gian tôn giáo đầy tính chất siêu hình, hư ảo, sắc sắc không không:
"Nắng em nắng đến siêu hình
Như môi như mắt như mình như không" (tr.48) "Em ngồi đâu chị đứng đâu Bỗng dưng hai đứa hai đầu hư không" (tr.26).
Đó cũng là một không gian huyền thoại:
"Một con bướm lửa đậu môi
Hai nhành hoa lửa chia đôi tay cầm Ba tầng mây lửa trầm ngâm Bốn con chim lửa đậu nhầm cỏ hoang Trời quê em vẫn thênh thang chiều mê bến lịm bàng hoàng chớp mây". (tr.45).
Đó cũng là không gian vô định, lãnh lẽo của địa ngục:
"Mênh mang là cái giá băng
Mình tôi níu mãi bóng hằng lửng lơ Bên kia tối mịt hố mờ Bên này loang loáng sáng bờ mê ly Em lại đi sao cớ đi Ngẩn ngơ vũ trụ còn gì trong tay" (tr.58).
Trong cái không gian "mênh mang", "tối mịt" vừa rực lửa như hoả ngục vừa lạnh giá như cõi âm, vừa có cái nắng quê rất thực lại có con bướm đậu trên môi rất ảo ấy, con người luôn bị đánh võng giữa tồn tại và hư vô, giữa thực tế và huyền thoại, giữa thiên đàng và địa ngục, giữa cái thế tục và cái thiêng liêng. Vì thế, thi nhân luôn luôn sống trong trạng thái "ngẩn ngơ", "bàng hoàng", "lửng lơ", "hãi hùng", "thẫn thờ", hoang mang và khao khát triền miên trong cuộc ú tim với những người tình ảo mà những khoảnh khắc ái ân thực chất cũng chỉ là sự níu kéo hốt hoảng bên ngưỡng cửa hư vô để vớt vát lại chút thịt da trần thế của người yêu đang ngày ngày tan rã trong lòng đất và trong tâm trí. Làm gì có dâm dãng và nhục dục đích thực trong cái không gian của Thần Khúc Liêu Trai bồng bềnh hư ảo và khắc nghiệt ấy, trong cuộc đuổi bắt những hình bóng mỏng manh ẩn hiện ở cái đầu hư vô mịt mờ tăm tối và rờn rợn ấy:
Chị đây có phải em chăng!
Em đâu có thật em rằng chị không! Xiết tay kết một vô cùng Lơi tay lại vẫn đôi dòng lửng lơ. (tr.27).
Từ tình yêu chị em đến ảo vọng lá Diêu bông
Trong vương quốc tình yêu tôn giáo của Hoàng Cầm, tình cảm chị em cũng được nhà thơ khai thác vì quan hệ này bao hàm được hai khía cạnh đặc trưng cho mỹ tục của vương quốc này là: cái rạo rực của giới tính và sự ngưỡng mộ thành kính của người trên.
Cái nhập nhằng bối rối đan xen đáng ngờ này luôn luôn được kích thích bởi cơ chế ú tim trốn tìm và đuổi bắt cuả tình yêu, nhưng mặt khác chưa bao giờ nó bị sa ngã trong nhục dục trần thế vô luân, bởi quan hệ chị em này luôn bị quản lúc bởi cơ chế gián cách hoá, thanh cao hoá, tôn giáo hoá, vĩnh cửu hoá, hư vô hoá của vương quốc lạ lùng kia.
Bài thơ Lá diêu bông là biểu hiện rõ nét nhất của cơ chế gián cách thanh cao hoá và tôn giáo hoá ấy.
Đúng là đứa em trai vị thành niên trong Lá diêu bông cũng như trong loạt thơ ở phần Chị và Em có một ham muốn làm chồng, nhưng đó không phải là ham muốn giả tạo và tục tĩu như có người nhận xét, mà trái lại đó là ham muốn trong sáng thơ ngây, nhuốm màu cổ tích trong một trò chơi. Cái trò chơi làm vợ làm chồng ở tuổi ấu thơ ai chẳng từng qua, nhưng khi sắm vai thành thực trong trò chơi đó những cô bé, cậu bé lên năm lên mười đâu có gì nhục dục, tối tăm?
Vả chăng cái khát vọng làm chồng của một cậu bé thiếu nhi chỉ có thể là khát vọng hấp thụ từ thần thoại và cổ tích. Trong truyện cổ tích luôn luôn diễn ra cái hành trình những chàng trai tuấn tú tài ba được lấy công chúa xinh đẹp trở thành phò mã sau những cuộc thi tài hay chiến công. Làm gì có quan hệ tình dục thuần tuý, yêu để mà yêu trong thần thoại và cổ tích ?
Vậy nên, cái khát vọng làm chồng nếu có nảy nở trong tâm trí đứa em trai bé bỏng thì đó cũng là cái khát vọng thiêng liêng trong tâm thức tổ tiên truyền lại nuôi mầm anh hùng và sáng tạo trong dáng dấp một ước mơ trần thế của bình dân. Đó cũng là sự hoá thân, hiện thân của khát vọng đổi đời thầm kín trong tâm thức những con người lao động lam lũ khổ nghèo bao năm bị áp bức và dày xéo.
Người chị hồn nhiên chấp nhận trò chơi vợ chồng và khát vọng ngây thơ của trẻ dại, nhưng chị không thể sa đà vào trò chơi nguy hiểm ấy vì luật pháp của vương quốc tình yêu tôn giáo luôn luôn chi phối chị. Chị phải chối từ những khát vọng của người em bằng một tình huống giả:
"Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông Từ nay ta lấy làm chồng" (tr.30). Tạo ra một sự kiện giả, để đẩy người em trai vào cuộc kiếm tìm vô vọng đó không phải là lừa dối, mà là sự từ chối khéo bằng lòng trắc ẩn, là lãng mạn hoá tình yêu. Đó cũng là cơ chế gián cách hoá, tôn giáo hoá, biến cái ham muốn tình dục thành sự tìm kiếm có tính chất tôn giáo - thực chất là ảo mộng hoá tình dục để tình dục giữa em và chị vĩnh viễn không bao giờ có thể xảy ra.
Rõ ràng, trong bài thơ Lá diêu bông Hoàng Cầm đã sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật để thanh cao hoá, tôn giáo hoá quan hệ chị em nhằm thể hiện một cách tế nhị những bối rối và giữ mình thầm kín của người phụ nữ trước sự hồn nhiên thơ ngây của đứa trẻ trai. Đó cũng là bằng chứng của sự nhất quán trong cảm xúc thẩm mỹ của nhà thơ.
Trong bài "Tắm đêm" Hoàng Cầm nhìn thân thể người phụ nữ bằng cái nhìn thương cảm, cảm nhận được cái "bủn rủn" của người con gái nông dân lao động khi nước lạnh xối vào những vết sẹo trên người dấu tích của chuỗi ngày gánh gạo và chở nứa vượt ghềnh:
"Tung toé gội đầu trăng nước giếng
Mát lùa kẽ tóc Còn bủn rủn sẹo ngang sẹo dọc Vắt áo nghe thầm tiếng vải kêu" (tr.15).
Tiếng vải kêu ở đây là tiếng kêu thương của số phận người con gái mà nhà thơ lắng nghe được trong đêm.
Một cái nhìn văn hoá không bao giờ chấp nhận dừng lại ở những hành vi hời hợt bề ngoài, mà phải vươn tới cảm thông với thân phận của con người đằng sau hành vi ấy. Các cụ ta xưa đã chẳng từng "thoát y" trong ca dao đó sao:
"Sáng trăng suông em tưởng tối trời
Em ngồi em ngỏ cái sự đời em ra Sự đời như cái lá đa Đen như mõm chó chém cha sự đời!"
Bản chất thẩm mỹ của câu ca dao sexy này là sự bi phẫn của người lao động trước sự đời éo le, đen tối và ngang trái thời phong kiến. Cách nói sex chỉ là thao tác tu từ học nhằm nhấn mạnh sự khinh miệt và giễu cợt trước xã hội mà thôi. Đó là một tiếng chửi đời nghệ thuật, mượn cái tục của sex để thanh cao hoá cái tục của lòng bi phẫn. Trong "99 tình khúc" Hoàng Cầm đã mượn những yếu tố thể chất có mầu sắc sex và ma quái để diễn tả tình yêu mãnh liệt và tình thương sâu sắc với người tình trong những cảnh huống khác nhau.
Đỗ Minh Tuấn (VietNamNet)
|
0 nhận xét :
Đăng nhận xét