Gần nửa thế kỷ trôi qua, khi đọc lại những đoạn thư đầy chất thi ca của người nhạc sĩ tài hoa, vẫn không thể ngừng suy ngẫm về lối văn hóa viết thật bình dị mà thấm thía một thời.
Đọc lại những trích đoạn trong bức thư tình của Trịnh Công Sơn, ta sẽ thấy phảng phất trong ngôn từ đó là những hình ảnh chứa chan cảm xúc, ẩn sâu trong từng câu là những giai điệu, có nốt trầm lắng, có nốt cao và có nốt thấp. Đọc chúng, ta cảm nhận được nhịp đập trái tim của một người đang yêu - thổn thức, xốn xang, suy tư mà cũng đầy phấn khích.Ngôn ngữ viết: nửa thế kỷ và những đổi thay
... "Hãy xem mọi lỗi lầm đều ở anh cả và sau quyết định này là một lối ngỏ thênh thang trên đó Ánh hãy đi vào những phiêu lưu mới đừng ăn năn, đừng băn khoăn gì cả. Tất cả đã rõ như một khoảng trắng. Cũng đành vậy thôi.
Anh đã nhìn thấy tình yêu ở một độ cao nhất của thủy triều. Quyết định như không thuộc về anh...
Anh đã bất lực không cứu vãn gì được cho tình yêu của mình. Thêm một lần đánh mất thất lạc những vàng son.
Đã viết quá dài ngoài ý muốn nhưng nói một lần mà cho tất cả về sau..."
... "Anh nghĩ đến chúng mình, nghĩ đến tình yêu bình thản như hai thân cây, đứng kề nhau một ngày không gió. Tình yêu không thể là vẻ trầm tĩnh đó được. Không thể là dòng sông già nua chưa có lần làm quen với bão sóng.
Phải thổi thêm sinh khí vào cho tình yêu. Phải cho hai thân cây lao xao trong một ngày bão động- như bể ồ ạt sóng lẫn vào nhau.
Yêu nhau là hòa lẫn vào nhau..."
Đây là hai trích đoạn trong khoảng 300 bức thư tình cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn gửi tặng tình yêu của mình- bà Dao Ánh. Tôi tin chắc đây không phải hai trích đoạn hay nhất. Nhưng chỉ vậy thôi mà gần nửa thế kỷ trôi qua, con người hiện đại của tôi hôm nay, khi đọc lại những đoản văn đầy chất thi ca của người nhạc sĩ tài hoa này, không thể ngừng suy nghĩ về một lối văn hóa viết thật bình dị mà đậm đà và thấm thía một thời.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn |
Tiếng Việt ngày nay không còn những sắc thái biểu cảm (thần thái) như thứ tiếng Việt của nửa thế kỷ trước. Tiếng Việt bị pha tạp với tiếng Anh là một thực tế phổ biến hiện hữu trong văn chương và báo chí ngày nay.
Còn thứ tiếng Việt mất dạng thì len lỏi sống trong ngôn ngữ chat trên Yahoo, ngôn ngữ của "status" (trạng thái) và "comment" (bình luận) trên các mạng xã hội và dai dẳng hơn nữa là thứ tiếng Việt mang tên "di động". Những chữ "i" hay "y", "c" hay "k" được đổi chỗ tùy tiện miễn sao người viết cảm thấy vừa mắt và cảm thấy "thích", còn chữ "gi" nghiễm nhiên được rút gọn lại thành "j" để tiết kiệm ký tự trong tin nhắn... Rồi còn rất nhiều các dạng biến thể khác mà đến trời, đất cũng không biết, chỉ người trong cuộc mới hiểu!
Hình dáng tiếng Việt đang có những thay đổi thật bất ngờ! Nhưng nhiều người lại không thấy cái bất ngờ đó có gì khó chịu. Bởi đối với họ, viết chỉ là một phương tiện giao tiếp, nên việc hiểu được đối phương viết gì và đối phương hiểu mình viết gì là "ok". Đối với họ, ngôn ngữ viết gắn liền với thông tin và chỉ thông tin.
Một kho tàng bị lãng phí
Nhưng theo tôi, cần nhìn ngôn ngữ viết ở một góc độ văn hóa nghệ thuật, ở góc độ của tâm hồn con người. Văn chương thể hiện rõ nhất tâm hồn con người. Dân gian xưa có câu "văn mình, vợ người" cũng phần nào ám chỉ đặc tính trên. Thông thường con người có tính yêu bản thân nên việc họ yêu văn của họ cũng là yêu chính bản thân họ.
Ngôn ngữ viết khắc họa suy nghĩ, lột tả tính cách con người. Với một số người, đó là cánh cửa dẫn dắt mọi người đến với con người thật của họ; với 1 số khác, đó lại là cửa thoát hiểm - viết đơn giản là để giải thoát mình, giải thoát cái phần ẩn giấu, chất chứa trong mình...
Mặt khác, ngôn ngữ viết gắn liền với văn hóa, văn hóa thể hiện trong ngôn ngữ viết và ngược lại, ngôn ngữ viết thể hiện một nền văn hóa. Nếu bạn học tiếng nước ngoài, các thầy cô sẽ muốn bạn viết theo văn phong nước đó, vì bạn viết khác thì người bản địa đọc sẽ không hiểu.
Để viết với văn phong đó, bạn phải suy nghĩ theo cách của họ, bạn phải hiểu nền văn hóa của họ. Lâu dần thành quen, bạn lại trở nên giống với họ. Nói như vậy thì ngôn ngữ viết hẳn sẽ còn rất nhiều bất ngờ khác nữa mà hiện tại ta khó có thể hình dung hết, vì đơn giản ngôn ngữ đi cùng với thời đại. Như giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, người người học tiếng Tây, nhà nhà chuộng đồ ngoại.
Đây là một xu thế tất yếu của một quốc gia đang phát triển trong quá trình hội nhập vào nền văn minh toàn cầu. Những cái gì người ta cho là từ trời Tây hay những cái gì na ná giống Tây thì đều tốt, đều hiện đại và đều đáng để học.
Tâm lý sính ngoại hình thành và ảnh hưởng ngay đến văn hóa viết của người Việt, nhất là những người Việt trẻ. Cách diễn đạt câu cú, cách dùng từ hay tựu chung lại là cách hành văn của giới trẻ ngày nay đều lấp ló hình ảnh của những "ông Tây bà đầm". Câu cú thường nhanh gọn, dễ "tiêu hóa", ít hình tượng, đơn giản - chẳng khác gì đồ ăn fastfood ngày càng du nhập mạnh vào Việt Nam. Không giống hoàn toàn với fastfood bên Tây mà là một kiểu fastfood dành cho người Việt - cũng giống như văn Việt bây giờ - Tây hóa vừa phải để phù hợp với "dạ dày" của ta!
Không phải tôi đang phê phán, phàn nàn hay chê bai gì cách viết này. Tôi chỉ thấy cách viết này làm giảm mất cái sắc, cái hương đằm thắm của tiếng Việt - đọc mà không thấy sâu, đọc lâu mà không thấy ngấm.
Cách viết này cũng không tận dụng được sức mạnh của ngôn từ. Tiếng Việt vốn nhiều mỹ từ và từ vựng cũng rất phong phú, rất mang tính đặc tả. Ngữ pháp câu từ trong tiếng Việt vốn mang tính chất mở để người viết có thể thỏa sức sáng tạo. Vì thế, nếu chỉ dùng những từ tiếng Việt đơn giản, những câu thông thường thì chúng ta đã bỏ phí cả một kho tàng những giá trị đẹp của tiếng Việt!
Chỉ một đoạn ngắn ngủi cũng giãi bày được cả tấm chân tình - sức mạnh ngôn từ là ở đó, vẻ đẹp ngôn từ là ở đó. Từng câu văn khiến ta liên tưởng đến những giai điệu của thi ca, rất đậm chất thơ, chất nhạc và mang tải cái hồn của đất Việt.
Đọc văn Việt xưa, theo tôi, là cách rất hay để tìm lại những giá trị xưa. Hiện nay, chúng ta ra sức bảo tồn di sản, kỷ vật, trùng tu lại những di tích hay khai phá thêm những dấu tích xưa. Mục đích cuối cùng cũng là làm sống dậy giá trị xưa trong cuộc sống ngày nay. Nhưng có lẽ chúng ta lại quên mất rằng việc gìn giữ và phát huy các tác phẩm văn học lại chính là một cách thiết thực, lâu dài và có tác dụng bền vững đến thế hệ trẻ ngày nay.
Việc giáo dục giới trẻ tình yêu văn học Việt chính là một cách nhẹ nhàng mà thấm thía để hướng họ hiểu và yêu một Việt Nam xưa. Để họ thêm trân trọng các giá trị cũ, để phát huy những giá trị Việt trong con người mình và quan trọng hơn cả là để "hòa nhập chứ không hòa tan" trong thời đại toàn cầu hóa này.
Nhưng liệu việc đó có quá khó, khi mà thị trường ngày nay ngập tràn những tác phẩm văn học dịch từ tiếng nước ngoài? Khi chúng ta thừa những tác phẩm mang ngôn ngữ pha tạp, thậm chí xô bồ, nhưng lại thiếu những tác phẩm thật sự chất lượng và mang bản sắc Việt?
Câu hỏi này đang còn bỏ ngỏ cho các tác giả, nhà xuất bản, các soạn giả, các nhà giáo... - những người đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng gu thẩm mỹ, cách cảm thụ văn học của giới trẻ.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét