Với làng thơ Việt Nam, đến nay, thi nhân Đoàn Văn Cừ vẫn là một trường hợp tương đối... bí ẩn. Không như nhiều nhà thơ khác, mặc dù nổi tiếng ngay từ khi cho in những bài thơ đầu tiên, song suốt cuộc đời mình, Đoàn Văn Cừ luôn có khuynh hướng sống... ẩn dật. Sống thọ (tới 92 tuổi) nhưng viết ít, hầu như những bài đặc sắc nhất của Đoàn Văn Cừ đều gói gọn ở giai đoạn trước Cách mạng, và chủ yếu tập trung vào đề tài xuân, tết. Có lẽ bởi thế mà thơ Đoàn Văn Cừ thường được nhắc tới, được phẩm bình nhiều vào mỗi độ tết đến, xuân về. Và, như một nghịch lý, trong khi tác phẩm của ông không ngừng được "tái xuất giang hồ" trên mặt báo thì nhiều "thông số" về cuộc đời ông dường như vẫn ít người tỏ tường... Cả ba lần in đều phải bỏ trống tiểu sử tác giả Trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân, nếu như Chế Lan Viên từng tỏ ra "ngúng nguẩy" đến độ các nhà biên soạn phải ghi chú dưới phần bài viết về ông là "Chế Lan Viên không ưng cho chúng tôi đề tên thật và in ảnh của người" thì Đoàn Văn Cừ - ở một thái cực khác, cũng là một trường hợp… lạ. Lạ đến độ Hoài Thanh - Hoài Chân phải chua thêm bên dưới bài viết về Đoàn Văn Cừ một câu: "Cho đến hôm nay, viết mấy lời giới thiệu thơ Đoàn Văn Cừ, tôi vẫn chưa biết gì thêm về con người ấy". Cuốn "Thi nhân Việt Nam" được xuất bản lần đầu năm 1942, tại Huế. Cho đến lần in thứ hai, các nhà làm sách vẫn phải chú thích: "Khi quyển sách này đưa in chúng tôi vẫn chưa biết gì thêm về ông Đoàn Văn Cừ tuy đã hỏi rất nhiều người. Vậy xin mạn phép trích mấy bài thơ. Ông ở đâu, làm ơn cho chúng tôi biết". Và đến lần in thứ ba thì "Vẫn chưa biết ông Đoàn Văn Cừ ở đâu". Mấy bài thơ mà Hoài Thanh - Hoài Chân nhắc tới trên được các ông lấy ra từ báo Ngày nay, một tờ báo có uy tín thời ấy của nhóm Tự lực văn đoàn. Cũng trên tờ báo này, ngay từ năm 1939, vào đúng dịp xuân Kỷ Mão (cách đây tròn 6 giáp), Đoàn Văn Cừ đã được in bài thơ "Chợ Tết" với những dòng nhận xét xác đáng: "Trong những lời đẹp một cách giản đơn và ý nhị, phiên chợ tết ở nhà quê hiện ra cùng với những hình ảnh ngộ nghĩnh, những dáng điệu kỳ thú dưới ngòi bút linh hoạt của ông Đoàn Văn Cừ". Những ai đã đọc "Thi nhân Việt Nam" đều có thể thấy, Hoài Thanh - Hoài Chân là những người rất khe khắt. Nhà thơ Trần Huyền Trân nổi danh là vậy, song khi vào sách cũng chỉ được trích câu lẻ chứ không được chọn in một bài trọn vẹn nào. Thậm chí, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, mặc dù đang ồn ào với những cách tân thơ lại chỉ được điểm tên chứ không được… trích thơ. Nói vậy để thấy, việc Hoài Thanh - Hoài Chân đưa tới 4 bài thơ của Đoàn Văn Cừ vào tập sách (ngang với Tế Hanh, Anh Thơ, nhiều hơn Bàng Bá Lân…) đã thể hiện sự đánh giá cao của các ông đối với tài thơ của Đoàn Văn Cừ. Không những vậy, theo nhận xét của họ thì "Đoàn Văn Cừ trước sau đăng báo chỉ có sáu, bảy bài thơ. Bài nào cũng hay". Điều ngạc nhiên là mặc dù được trân trọng, thể hiện sự đồng cảm, tri âm đến vậy, song phải tới gần ba chục năm sau, Đoàn Văn Cừ và Hoài Thanh mới liên lạc được với nhau. Đó là vào dịp đầu xuân 1967, Hoài Thanh bất ngờ nhận được thư của Đoàn Văn Cừ, bên trong là hai dòng thơ: "Lời thơ tuy chẳng còn xinh/ Trăm năm giấy nát nhưng tình còn vương". Hai câu thơ gửi gắm nhiều ý tứ, kể cả ôn lại cái ơn quá khứ lẫn sự "nhắc nhẹ" chuyện hiện tại. Mấy ngày sau, Đoàn Văn Cừ bất ngờ nhận được hồi âm của Hoài Thanh. Cũng vẫn bằng thơ: "Trăm năm vì nỗi hẹn hò/ Cây đa, bến nước con đò vẫn đưa". Mượn câu ca dao xưa nhưng chữa đi vài chữ, nhà phê bình muốn gửi tới người bạn thơ thông điệp về tình cảm trước sau như nhất của mình. Không viết riêng cho một phiên chợ nào Từ lâu, đọc bài thơ "Chợ Tết" của Đoàn Văn Cừ, trong đó có những hình ảnh rất sinh động, kiểu như: "Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ tết/ Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/ Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ/ Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ/ Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu/ Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau/ Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa/ Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa/ Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh", hoặc "Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ/ Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau", nhiều bạn trẻ, nhất là các bạn ở nông thôn rất muốn tìm hiểu xem tác giả đã "chưng cất" hiện thực ấy từ một cái chợ cụ thể nào. Từng có lần, lão thi sĩ đã trả lời một nhà báo là ông lấy chợ Yên (một cái chợ được họp trên nền đất cát rộng gần với làng ông - làng Đô Quan, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) làm "nguyên mẫu" cho bài thơ "Chợ Tết". Song tôi tin câu ông trả lời nhà văn, nhà báo Y Ban là thỏa đáng hơn. Khi nhà văn Y Ban hỏi có phải ông đã lấy hình ảnh phiên chợ tết quê mình để viết bài thơ "Chợ Tết" không, Đoàn Văn Cừ trả lời: "Phải vậy cũng không phải vậy. Từ năm tám tuổi tôi đã thích theo mẹ đi chợ. Có những chợ ở cạnh sông, lại có những chợ ở bên núi. Chợ ở giữa trời đất. Những cái chợ đấy có cả ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Việt Trì… chứ đâu chỉ có ở quê mình". Cũng theo nhà thơ Đoàn Văn Cừ cho biết thì trước đây, cũng đã có một đoàn ở bên làng Lao sang gặp ông và bày tỏ nguyện vọng muốn được khắc đá bài thơ vì cho rằng, bài thơ trên là nói về phiên chợ của… làng họ. Luôn coi mình là "cư sĩ" Sách báo khi nói về Đoàn Văn Cừ, thường hay nhắc tới lối sống ẩn dật của ông. Thật ra, nếu nghiên cứu kỹ tiểu sử của ông, ta sẽ thấy Đoàn Văn Cừ không hẳn lúc nào cũng muốn ẩn mình như vậy. Ông từng tham gia hoạt động xã hội. Năm 1946, ông tham gia HĐND tỉnh Nam Định. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia công tác địch vận ở Liên khu III. Từ năm 1959, ông làm biên tập ở NXB Phổ thông (tiền thân của NXB Văn hóa hiện nay). Năm 1971, ông là Ủy viên BCH Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh. Năm 1974, tham gia công tác tại Mặt trận Tổ quốc huyện Nam Ninh… Đoàn Văn Cừ chỉ chịu sống "ẩn dật" tại quê kể từ khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, dù ông tham gia công tác đoàn thể gì đi chăng nữa thì với bạn đọc, ông luôn là nhân vật của "thời xa vắng", nghĩa là văn giới rất ít có thông tin về ông. Điều này là do tính cách của Đoàn Văn Cừ. Với ông, quan trọng nhất là có tác phẩm. Còn tác phẩm in ra rồi, việc ai đó muốn tìm hiểu tác giả ra sao là việc của… thiên hạ, không còn nằm trong sự quan tâm của ông. Việc ông không liên hệ với các tác giả "Thi nhân Việt Nam" để bổ sung tư liệu, thông tin về mình hẳn cũng xuất phát từ quan niệm sống đó. Nhân đây cũng cần kể thêm một chi tiết mà cách đây ít năm, tôi từng đọc được trên báo: Mặc dù trên nhiều tài liệu có ghi năm 1944, Đoàn Văn Cừ cho xuất bản tập "Thôn ca" I, song cho đến khi mất, ông chỉ "nghe nói" chứ chưa bao giờ nhìn thấy tập thơ này, và có ý mong anh em văn nghệ nếu ai có điều kiện thì tìm hiểu giúp xem "có đúng" tập thơ đã được in ra năm 1944 không? Một tác giả mà "lơ đãng" với quyền lợi của mình đến vậy, âu cũng là chuyện… hiếm. Thật đúng như nhiều nhà phê bình nhận định, Đoàn Văn Cừ là một thi sĩ đích thực, luôn chọn cho mình một lối sống bình lặng, tránh xa mọi sự ồn ào, bon chen. Hẳn là vì thế mà trong thư từ gửi bạn bè, ông thường chua thêm trước tên mình mấy chữ "cư sĩ", "kẻ sĩ chân đất", "kẻ sĩ Nam Hà"? Được biết, trong gia đình nhà thơ Đoàn Văn Cừ, không chỉ cá nhân ông được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mà họa sĩ Đoàn Văn Nguyên - con trai ông cũng đã được nhận giải thưởng danh giá này (về lĩnh vực hội họa). "Ẩn dật" mà như vậy, hỏi ở Việt Nam có được mấy người? | ||||||
Lê Thanh Phước - VNCA Xuân 2011 |
0 nhận xét :
Đăng nhận xét