Tôi có nên nói chuyện này ra không?
Kính thưa các anh, các chị trong Ban Biên tập!
Gia đình tôi có một ẩn ức khá đau khổ. Tôi là người cuối cùng phải giữ bí mật này, nhưng tôi thấy quá nặng nề và mệt mỏi. Giữ một bí mật của người thân trong quá khứ, rồi hằng ngày, hằng giờ phải tụng kinh sám hối tạ tội vì lầm lỗi của gia đình mình, của những bậc tiền nhân trước điều đó với tôi thật là một việc vạn bất đắc dĩ mà tôi chỉ muốn tống khứ ra khỏi cuộc sống của tôi, gia đình tôi mà thôi.
Tôi có nên kể ra câu chuyện này không, là cả một vấn đề lớn, kéo dằng dặc trong chuỗi ngày giằng xé giữa nên và không nên. Không biết khi mình kể ra thì rồi hậu họa sẽ đi đến đâu. Nhưng nếu không kể ra, không chia sẻ với ai đó, không lẽ tôi phải mang bí mật này như một cái án chung thân cho suốt cuộc đời mình.
Không, tôi không đủ sức để làm điều đó. Không đủ sức. Tôi chỉ thương mẹ tôi, bà suốt một đời vất vả vì chồng, vì con, suốt một đời phải gánh thêm một nỗi đau của chồng mà may ra chỉ đến khi chết bà mới thoát món nợ trần ai này. Tôi không muốn mình rồi cũng giống như mẹ, ngậm đắng nuốt cay một đời.
Tôi muốn nói ra để được nhẹ lòng, vì tôi không có lỗi. Lỗi của ai người ấy chịu và cha tôi đã phải trả giá cho tội lỗi ấy suốt cả cuộc đời của ông rồi, quá dài và quá đủ cho sai lầm của ông ấy. Mẹ tôi và tôi không có lỗi gì nên không thể cứ chịu đựng bi kịch của một người thân đã quá cố.
Bởi thế mà tôi quyết định kể ra câu chuyện của gia đình mình với mong muốn quý báo cho tôi một lời khuyên tôi nên làm thế nào trước bí mật tội lỗi của gia đình mình. Bi kịch xảy ra khá lâu, phải dễ chừng 30 năm về trước. Ngày ấy bố tôi là bộ đội phục viên về quê. Cha tôi nguyên là lính đặc công ở chiến trường B, có thời gian chiến đấu trong chiến trường B tới 7 năm nên sau khi hoà bình lập lại, cha được chuyển tiếp vào quân đội.
Nhưng do hoàn cảnh gia đình neo đơn, cha là con một vì chú đã hy sinh trong thành cổ Quảng Trị nên ông nội dứt khoát gọi cha về quê chứ không cho đi tham gia tiếp ở trong quân ngũ nữa. Khi cha phục viên về quê thì tôi và thằng em kế mẹ đẻ trước khi cha nhập ngũ cũng đã lớn ở lứa tuổi thiếu niên, suốt ngày tập trận giả, đánh trận giả cùng bạn bè. Cha về, mẹ sinh thêm được 3 em nữa.
Cuộc sống ngày đó tuy nghèo khổ, đói ăn nhưng thật đầm ấm, hạnh phúc. Cha được cử làm Xã đội trưởng, kiêm thêm công tác bảo vệ an ninh trật tự của xã. Cuộc sống của một làng quê ven chiến tuyến Nam - Bắc sau khi hoà bình lập lại không mấy bình yên vì kẻ địch vẫn còn ngấp nghé rình mò để phá hoại. Người dân sau chiến tranh, vừa phải làm việc để hàn gắn những vết thương chiến tranh, xoá đói, giảm nghèo, vừa phải luôn luôn đề cao cảnh giác kẻ địch.
Suốt cả tuổi ấu thơ của tôi gắn bó với những buổi tối đi tuần tra của cha cùng với anh em dân quân xã, và gắn bó với chiếc loa phát thanh của xã, sáng nào, tối nào cũng phát sóng bài hát "Xa khơi", "Câu hò bên bến Hiền Lương". "Bài ca hy vọng" v.v và những bản tin nói về kẻ địch vẫn ngày đêm âm mưu phá hoại, bà con nhân dân hết sức cảnh giác, có thông tin gì nghi ngờ hay phát hiện ra ai là Việt gian, là tay sai cho địch, ngay lập tức phải báo cáo lên xã để tiến hành điều tra làm rõ.
Ngày ấy, mọi thông tin chính trị, văn hoá, kinh tế của đất nước được cập nhật qua chiếc loa phóng thanh của xã. Mỗi sáng người dân thức dậy đã có thói quen ngóng loa phát thanh. Ngày nào loa bị hỏng, hay vì trục trặc kỹ thuật mà chưa phát sóng được bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam và bản tin của xã là ngày đó cả xã buồn thiu, cuộc sống có phần tẻ nhạt trông thấy, như thiếu thốn một món ăn tinh thần quen thuộc và quan trọng đến nỗi không thể thay thế hay thiếu vắng được. Chiếc loa phóng thanh xã đã trở thành biểu tượng của đời sống văn hoá làng xã nơi quê tôi. Mọi trạng thái tình cảm vui buồn, hoan hỉ đều xuất phát một phần từ thông tin mà chiếc loa phóng thanh mang lại.
Tôi là con trai cả trong nhà, dịp nghỉ hè, tôi thường được cha cho đi theo mỗi tối tuần tra bảo vệ an ninh trật tự, hay tham gia cùng với cha đi đắp đập, đào mương, kè bờ trong các công trình thuỷ lợi của xã vào những dịp lao động công ích. Hầu như mọi hoạt động nghề nghiệp của một Xã đội trưởng cha đều cho con trai cả tham gia như muốn dạy dỗ tôi sau này lớn lên sẽ thành người có ích cho xã hội.
Cuộc sống của gia đình tôi thật đầm ấm và hạnh phúc nơi làng quê nghèo miền Trung, dưới sự bao bọc vững chãi đầy tự tin và cũng đầy ấm áp bao dung của một người đàn ông từng vào sinh ra tử như cha tôi. Cha tôi được bà con nhân dân tin tưởng, kính trọng. Nhất cử nhất động gì từ trong cuộc sống riêng tư của mỗi gia đình hay việc chung của xã, cha tôi đều được hỏi ý kiến. Những góp ý của cha tôi bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu để mọi người theo đó mà hành động, ứng xử cho phù hợp với bản thân.
Cuộc sống cứ thế bình thản trôi đi. Cho đến một đêm định mệnh. Đêm ấy, tốp dân quân đi tuần tra đã bắt được một tên Việt gian phản động khi đang loay hoay trèo lên cây đa cổ thụ ở đầu làng gỡ chiếc loa phóng thanh của phường cùng với việc hắn đã cắt dở được toàn bộ phần dây điện từ loa phóng thanh dẫn về trụ sở uỷ ban nhân dân xã đang quấn thành một vòng to sụ quàng quanh người.
Tốp dân quân xã đi tuần tra hôm ấy chỉ có 3 người, cha tôi là Xã đội trưởng. Khi giải tên trộm về nhà kho hợp tác xã để giam và hỏi cung thì hai đội viên đi cùng nhận ra kẻ cắp phản động này chính là thằng Hoánh, một trong những kẻ đào ngũ được bên Sở Chỉ huy Quân sự huyện gửi thông báo hẳn hoi về tận xã.
Thằng Hoánh đi bộ đội từ năm 1972, được 2 năm, Hoánh bỏ chạy khỏi quân ngũ và trong đêm hắn mò về trốn trong buồng vợ. Mẹ Hoánh thấy con trai trốn về thì ngay lập tức đi báo cáo với uỷ ban xã. Ngay sáng hôm sau, bên xã cử người đến động viên Hoánh trở lại quân ngũ. Hoánh ở nhà được 1 ngày, làng trên xóm dưới xôn xao chuyện Hoánh đào ngũ, chịu không được lời ong tiếng ve, Hoánh khoác ba lô trở lại chiến trường.
Nhưng sau khi đi, ủy ban xã nhận được giấy thông báo từ đơn vị của Hoánh chính thức thông báo Hoánh đã tự ý rời khỏi quân ngũ không có lý do. Hoà bình lập lại, vợ Hoánh và mẹ Hoánh cũng không thấy Hoánh trở về nhà. Hoánh đi biệt tích tới chừng ba năm nữa, mới đây hắn mới đột ngột trở về, tóc tai dài như dân thổ phỉ.
Trong xã, cha tôi đã năm lần bảy lượt mời Hoánh lên trụ sở uỷ ban làm việc để khai báo quá trình mất tích đi đâu làm gì của Hoánh nhưng Hoánh cứ lần lữa không chịu lên. Đùng một cái đêm nay, Hoánh trở thành thủ phạm trong một vụ trộm cắp động trời. Mà đây đơn thuần không phải là một vụ ăn cắp bình thường mà là một vụ phá hoại chủ nghĩa xã hội.
Chiếc loa phóng thanh của xã là biểu tượng của cuộc sống ấm no, hoà bình, là đời sống văn hoá dân trí của xã, ấy vậy mà Hoánh dám ăn trộm loa, cắt luôn cả cuộn dây điện dài cả nghìn mét. Hành động này là hành động phá hoại chủ nghĩa xã hội chứ còn gì nữa. Chắc chắn phải giải thằng phản động này lên huyện, lên tỉnh để điều tra cho ra nhẽ.
Đêm ấy, 3h sáng, cha tôi cùng hai bác đội viên giải Hoánh về nhà kho hợp tác xã. Trong lúc hai bác ấy về nhà kiếm ít rượu và khoai lang luộc mang ra để ăn cho ấm bụng, đồng thời mừng cả ba đêm nay đã lập được một công lớn là bắt được tên ăn cắp phản động thì một mình cha tôi ở lại nhà kho cùng tên Hoánh và làm công tác điều tra hỏi cung ban đầu.
Không biết có phải trời xui đất khiến, hay vì một lý do nào đó thì không biết, nhưng khi hai đội viên kia hí hửng mang rượu và cà muối mặn cùng rổ khoai lang lên thì thấy cha tôi ngồi gục mặt trong một góc bàn, còn dưới đất, Hoánh nằm sóng soài, mắt trợn ngược. Hoánh đã chết. Mọi người chưa hết bàng hoàng trước cảnh tượng quá bất ngờ này thì cha tôi đã chùng giọng xuống thú tội với hai đồng nghiệp.
"Tôi lỡ tay đánh chết thằng Hoánh rồi. Mẹ nó, tôi chỉ xô nó có một cái thôi mà thằng này như người giấy, nó ngã bổ chửng ra sàn nhà, mắt trợn ngược, người giật giật. Tôi tưởng hắn làm bộ, tôi ngồi yên đợi hắn ngồi dậy thì thấy nó ú ớ mấy tiếng rồi nằm lặng ngắt, tròng mắt thôi không đảo qua đảo lại nữa. Tôi giật mình cúi xuống xem hắn còn thở nữa không thì không thấy hắn thở nữa. Khốn nạn thật, đã kịp đánh đập gì đâu, mới xô một cái mà đã lăn quay ra chết".
Nói rồi cha tôi thở dài đánh sượt. Tất cả lặng ngắt hồi lâu, cha tôi lên tiếng: "Thôi các đồng chí đi báo Công an xã đi, tôi lỡ tay đánh chết người thì coi như tội của tôi. Việc ai làm người ấy chịu. Cái số tôi nó đen đủi, vào sinh ra tử không chết, cuối cùng lại chết bởi cái thằng Hoánh đào ngũ này. Thôi, hai đồng chí còng tay tôi lại đi rồi kêu người đến lập biên bản". Nói đến đấy rồi cha tôi khóc nức lên, hai vai rung bần bật.
Ngay trong đêm ấy, đến rạng sáng, đầy đủ Công an xã, và các ban bệ trong chính quyền xã có mặt lập biên bản và làm các thủ tục cần thiết. Hai đồng nghiệp của cha tôi đêm ấy đã dứt khoát không cho phép cha tôi thú nhận tội vô tình đánh chết người. Biên bản được lập ra, nguyên nhân gây chết người của thằng Hoánh là trong lúc ăn cắp loa phóng thanh đã bị điện giật chết.
Hai xã đội viên cùng trực với cha tôi bắt thằng Hoánh đêm ấy đã thuyết phục cha tôi rằng, đằng nào người chết thì cũng đã chết rồi, hơn nữa người chết lại là một tên trộm, một kẻ đào ngũ, không xứng đáng để cha tôi phải hy sinh cả cuộc đời của mình, tương lai tốt đẹp của mình vì một kẻ không xứng đáng. Với lại mọi việc xảy ra chẳng qua là không may mà thôi, chứ có phải cha tôi dùng nhục hình để đánh đập tra tấn Hoánh tới chết đâu.
Số của Hoánh chỉ đến vậy, chẵng qua cha tôi chỉ là một tác nhân tình cờ đẩy nhanh cái kết cục bi thảm của Hoánh. Nếu bây giờ cha tôi thú tội, Công an sẽ điều tra, việc để xảy ra chết người trong lúc thi hành nhiệm vụ dù là với nguyên nhân khách quan hay chủ quan đi chăng nữa, cha tôi cũng không thể thoát khỏi án tù, nhẹ thì dăm năm, nặng thì vài chục năm.
Nếu cha tôi mà đi tù thì quá khứ vinh quang của cha bị bôi bẩn, là nỗi nhục cho gia đình, vợ con, dòng họ, ông bà nội sẽ không sống nổi, vợ con không thể ngẩng mặt lên được nữa. Rồi mai này các con lớn lên, lý lịch sẽ bị bôi đen bởi quá khứ lỡ làng của cha. Cái chết của một tên đào ngũ, một kẻ cắp, kẻ phá hoại như Hoánh không đáng để cha tôi phải huỷ hoại cả cuộc đời lương thiện của mình.
Trong lúc hoảng loạn và hoang mang đến cực độ, cha tôi đã thuận theo tất cả những sự sắp đặt của 2 đồng nghiệp trong đêm hôm ấy
Sự kiện thằng Hoánh, một kẻ đào ngũ, ăn cắp, phá hoại xã hội chết vì tai nạn không đủ sốc để gây nên một biến cố nào trong đời sống tình cảm, tinh thần và cuộc sống thường ngày của những người dân trong xóm làng tôi. Những xáo động nhỏ, tan biến ngay, và mọi người trong ngôi làng bình dị và yên ả này lại trở về với trật tự vốn có, thuộc quen với việc đồng áng nhà cửa. Không mấy ai nhớ đến Hoánh. Người ta dần dần xoá tên con người Hoánh ra khỏi ký ức làng...
Cuộc sống của cha tôi vẫn vậy, nhưng công việc của ông kể từ sau sự kiện bắt được tên đào ngũ phản động ăn cắp có vẻ như ngày một hanh thông hơn. Mọi người có thể quên con người Hoánh, nhưng chiến công của cha tôi thì ai cũng nhớ. Cuộc đời trớ trêu là vậy.
Khi cha tôi muốn quên Hoánh đi một cách nhanh nhất, để chạy trốn những mặc cảm ẩn ức của mình thì mỗi lần ông xuất hiện ở đâu, người ta đều nhắc đến Hoánh như một chiến công vang dội của ông khi đã góp phần loại bỏ những con sâu độc trong cộng đồng làng. Thật là khó nghĩ, khó ở cho cha tôi, bởi chỉ có ông biết rõ nhất vì sao Hoánh chết. Rõ ràng, ông cảm thấy giày vò, ân hận, cha tôi và 2 người đồng nghiệp kia biết rõ, vì sao Hoánh chết, và trong cái chết của Hoánh rõ ràng có sơ suất của cha.
Nhưng có lẽ, cuộc đời vẫn luôn trêu ngươi như vậy. Cha tôi vẫn phải nhớ đến sai lầm của mình hằng ngày hằng giờ khi sau cái vụ bắt thằng Hoánh, kỳ đại hội tiếp tới, cha tôi được tín nhiệm dân bầu lên làm Bí thư Đảng ủy xã. Mặc dầu trong lòng, cha tôi chưa chắc đã phải là người ham hố gì chức vụ ở một địa phương nhỏ bé, khi mà mọi công việc chỉ là "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", thế nhưng số phận đã định đoạt vậy rồi.
Cha tôi lên chức Bí thư Đảng ủy xã được 5 năm, phát động bà con nhân dân trong xã đào kênh mương thuỷ lợi nội đồng, cải thiện việc sản xuất lúa nước, mùa màng thắng lợi, đưa lại cuộc sống ấm no cho dân. Cha tôi cũng là một trong những người đã góp phần khôi phục lại ngôi đình cổ ở làng đã bị bom Mỹ bắn phá.
Bằng lao động công ích, mỗi người dân trong làng người góp gạo, người góp gạch, người góp gỗ, người góp công để xây dựng lại đình làng to đẹp làm nơi sinh hoạt văn hoá của cả làng. Những công sức của cha tôi vì làng quê, bà con trong làng ai cũng biết ơn và kính trọng cha tôi. Có việc gì mọi người trong làng đều hỏi cha tôi và nhờ xin ý kiến.
Trong 5 năm làm Bí thư đảng ủy xã, nơi cha tôi hay đến nhất chính là nhà mẹ của thằng Hoánh đã chết năm xưa. Bà cụ mẹ thằng Hoánh chỉ có Hoánh là con trai độc nhất cùng với một cô con gái nữa. Chồng bà cụ mất sớm, một mình cụ ở vậy nuôi 2 con. Kể từ khi Hoánh chết, vợ Hoánh ôm con bỏ nhà ra đi biệt tăm, biệt tích, để lại bà cụ già sống trơ trọi một mình. Cô con gái lấy chồng xa, năm bữa, nửa tháng mới đáo qua nhà mẹ được một lát rồi lại chạy vội về nhà lo chồng con.
Cuộc sống của bà cụ mẹ Hoánh nhờ vào chính sách của xã và lòng hảo tâm của mọi người. Cha tôi là một trong những người hảo tâm đó, đã san sẻ bớt khẩu phần ăn của gia đình mang đến cho bà cụ. Cha tôi bỏ ra hàng giờ ngồi chuyện trò với cụ Hoánh. Những lần đến nhà cụ Hoánh, cha thường hay dắt tay tôi theo cùng. Mỗi lần gặp cha tôi, bà cụ lại khóc. Từ ngày mất con, mất cháu, cụ khóc nhiều quá, đôi mắt đã mù, nay càng nặng hơn.
Lần nào cha tôi đến, cụ Hoánh cũng lục dưới đáy rương những bức thư đã ố vàng đưa cho cha tôi và nhờ cha tôi đọc cho cụ nghe. Cụ bảo với cha tôi, thằng Hoánh đi bộ đội mãi mà không thấy về, nó chỉ gửi thư thôi, tôi không biết chữ, nhờ ông đọc hộ. Lần nào tôi cũng là người đọc những bức thư ố vàng nhoè nhoẹt chữ ấy cho cha tôi và bà Hoánh nghe.
Những bức thư làm cho cả cha tôi và bà Hoánh lặng người đi trong nỗi buồn. Tôi thường hay cùng cha đến nhà bà cụ Hoánh, đọc đi đọc lại mãi những bức thư ấy cho cụ Hoánh nghe, đến nỗi gần như nhập tâm trong người. Những bức thư mà chỉ đến lúc này, khi viết lại câu chuyện này, tôi mới hiểu hết tình đời trong đó.
Tôi nhớ có những đoạn Hoánh viết: "Mạ ơi, con đang hành quân ở trong rừng, nhớ mạ và nhớ vợ con lắm. Con trai của mạ sẽ cố gắng chiến đấu anh dũng để mạ thoả lòng mạ nhé...".
" Mạ ơi, mạ bảo vợ con viết thư cho con và báo tin cho con biết cô ấy đã có chửa chưa? Con nóng ruột lắm. Nhà mình, mạ chỉ có mình con là con trai duy nhất. Con đang ra trận, không biết khi nào về thăm mạ được. Nếu vợ con có thai, thì con mong vợ con đẻ con trai để mạ có cháu đích tôn. Có thằng cháu đích tôn ở bên cạnh mạ rồi, con mới an lòng...".
"Mạ ơi! mạ viết thư giục con về vì vợ con vẫn chưa có chửa. Chắc là không đúng ngày nên chưa đậu thai được, mạ đừng lo. Nhưng con không biết làm sao mà xin về được cả. Con đang hành quân ra trận. Biết mạ nóng ruột nhưng con chưa có cách gì, Con hứa mới mạ sẽ thu xếp để về nhà chỉ một đêm thôi cũng được. Con chỉ mong vợ con có thai thì con mới yên tâm ra trận được mạ nhé".
Có hai bức thư mục nát nhất, nhoè nhoẹt nhất mà tôi nhớ mãi. Chắc là vì người viết đã vừa viết vừa khóc, người nhận đã đọc đi đọc lại quá nhiều lần và cũng khóc rất nhiều nên bức thư mới nhàu nát đến vậy.
Đó là bức thư của vợ Hoánh viết cho Hoánh: "Anh Hoánh ơi! Em biết anh vì mẹ, vì em, vì con mà dẫn đến liên lụy. Em đã có thai cho anh một giọt máu, nhưng ở làng, mọi người đã đồn ầm lên là anh đào ngũ rồi. Em đoán sau lần anh bỏ về nhà để thăm mẹ và em, lên đơn vị anh đã bị kỷ luật phải không anh? Em đoán vì thương mẹ và em mà anh đã sa chân, lỡ bước. Nếu đơn vị kỷ luật thì anh cũng phải chấp nhận chứ đừng trốn tránh nữa anh nhé".
Chỉ có khoảng chục bức thư thôi, nhưng đọc những bức thư đó, cha tôi mới hiểu ngọn ngành việc Hoánh đào ngũ và vì sao Hoánh đi ăn trộm. Những bức thư nào cũng tình cảm nặng lòng cho thấy Hoánh rất yêu mẹ và vì mẹ, vì sợ mai này có thể hy sinh ở chiến trường mà Hoánh muốn để lại cho mẹ mình một giọt máu của mình để bà cụ đỡ tủi phận.
Chính vì mong muốn đó mà Hoánh đã phạm sai lầm, rồi kết cục là đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Trong những lần trốn về như vậy, Hoánh đã bị đơn vị kỷ luật. Chắc là không chịu nổi những ánh mắt kỳ thị của mọi người, hoặc giả bao nhiêu lý do nữa nên Hoánh đã rời khỏi quân ngũ sống cuộc đời chui lủi, trốn tránh, nhục nhã.
Nhưng có một lý do nữa để vì sao Hoánh trở thành người đi ăn trộm dây điện kể ra thật xót xa. Bà cụ mẹ của Hoánh từ ngày Hoánh bị chết, bà trở nên mất hẳn trí nhớ, lúc nào có ai đến nhà cũng than thở sao thằng Hoánh đi bộ đội lâu thế không về thăm mẹ.
Chỉ có em gái của Hoánh là biết rõ vì sao anh mình suy đồi đến mức đi ăn cắp. Số là lần ấy mẹ Hoánh ốm nặng, đầu đau quay cuồng, nôn thốc tháo và chỉ biết đập đầu xuống đất. Trong nhà vợ yếu, con thơ, nhà không còn gì ăn, nói gì đến tiền để đưa mẹ đi viện.
Đêm ấy, Hoánh đến nhà cô em gái và hỏi mượn tiền để đưa mẹ đi viện. Em gái Hoánh khóc, nói nhà chẳng còn gì. Hoánh trở về nhà và đêm hôm ấy, tai họa đã xảy ra trong khi Hoánh cắt trộm dây điện. Bà cụ mẹ Hoánh sau đận ấy, bệnh đục thuỷ tinh thể và thiên đầu thống không được cấp cứu kịp thời, bà đã bị mù.
Từ ngày cha tôi biết rõ thêm những uẩn khúc trong cuộc đời Hoánh và gia đình Hoánh, thậm chí những nguyên nhân dẫn đến Hoánh phạm tội đào ngũ và đi ăn cắp dây điện, cha tôi sọm xuống, già đi. Ông thôi không mấy khi đến nhà bà cụ mẹ Hoánh nữa, nhưng sai mẹ tôi, và các con thỉnh thoảng qua lại khi thì bê cho bà cụ bát canh riêu, khi thì tấm bánh.
Sau đó được một thời gian ngắn, ông xin nghỉ chức Bí thư Đảng ủy xã và trở về nhà sống ẩn mình trước sự tiếc nuối của mọi người. Từ đó, ông sống lặng lẽ hơn, buồn hơn. Thỉnh thoảng ngày giỗ của Hoánh, ông thường đến thắp hương và đứng rất lâu trước bàn thờ Hoánh.
Bà cụ mẹ Hoánh rồi cũng rời bỏ dương gian trong một nỗi khắc khoải thắc thỏm rằng con trai mình đi bộ đội lâu thế vẫn chưa về. Tất cả từ Hoánh, mẹ Hoánh đều đã xoá hình ảnh của mình trước thời gian, chỉ có cha tôi là ở lại với nỗi day dứt nặng trĩu mình cha tôi biết.
Cha tôi vẫn thường lén lút ra nghĩa địa làng, đến ngôi mộ của Hoánh và mẹ Hoánh để thắp hương và ngồi hàng giờ liền. Bà con chòm xóm không ai hiểu được nỗi buồn của cha, thấy cha làm vậy, càng xuýt xoa cha tôi nặng tình nặng nghĩa, sống đức độ với cả linh hồn một người không ra gì. Mọi người càng kính trọng cha bao nhiêu, cha càng đơn độc buồn phiền và day dứt bấy nhiêu.
Rồi cha tôi cũng bỏ dương gian mà đi. Trước khi mất, ông kêu mẹ tôi và tôi đến bên chỉ trăng trối duy nhất một câu rằng: "Tôi nợ bà cụ Hoánh một đứa con, nợ thằng Hoánh một mạng người. Tôi không trả được nữa bà ơi, bà dặn lại các con, còn sống ngày nào, còn phải hương khói cho gia đình họ đúng đạo nghĩa".
Mẹ tôi rồi cũng đến lúc gần đất xa trời. Mấy tháng nay, bà đau nằm một chỗ, không dậy được. Bà nói với tôi, tôi phải thay cha mẹ hương khói cho thằng Hoánh. Bà sợ rằng, nếu không làm việc tâm linh, con cháu của bà sau này liên lụy nghiệp chướng.
Chẳng lẽ tôi lại là người cuối cùng phải giữ bí mật này. Giữ một bí mật của người thân trong quá khứ, rồi hằng ngày hằng giờ phải tụng kinh sám hối tạ tội với lầm lỗi của gia đình mình, của những bậc tiền nhân trước điều đó với tôi thật là một việc vạn bất đắc dĩ mà tôi chỉ muốn tống khứ ra khỏi cuộc sống của tôi, gia đình tôi mà thôi.
Thật ra, lòng dạ tôi rối bời. Tôi không biết phải làm sao cả. Chẳng lẽ, quãng đời còn lại của tôi, tôi sẽ phải giữ bí mật của cha mẹ tôi và tiếp tục lặng lẽ làm cái việc tâm linh mà vạn bất đắc dĩ tôi buộc phải làm. Bởi mỗi lần ra mộ thắp hương cho Hoánh, tôi lại mệt mỏi, buồn bã. Lòng tôi nặng nề, ý nghĩ tôi u uẩn. Tôi cần phải được giải thoát khỏi quá khứ.
Tôi cần phải được sống, được suy nghĩ những điều minh bạch mà không vướng bận đến sai lầm của cha tôi? Liệu như thế có được không? Hay tôi lên gặp chính quyền và nói ra tất cả sự thật câu chuyện này, sau đó, tôi sống ngẩng cao đầu, thanh thản, vui vầy với gia đình, người thân mà không phải ngày đêm tạ lỗi với những người đã khuất nữa. Xin mọi người hãy giúp tôi một lời khuyên.
Kính thư:
Vũ Minh-Vĩnh Linh, Quảng Trị
LỜI BBT
Anh Vũ Minh kính mến!
Theo chúng tôi, cái gì xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi. Chuyện đã qua đi hàng chục năm giờ cũng chẳng còn ai nhớ đến nữa. Hoánh đã chết, mẹ Hoánh, người thân sâu nặng nhất cũng đã mất. Vợ Hoánh thì đã bỏ đi xa không còn trở về. Cha anh, người gián tiếp gây ra cái chết của Hoánh trong một phút sơ sểnh lỡ tay giờ cũng đã thành người thiên cổ.
Tất nhiên anh có đến một cơ quan công quyền nào đó để nói ra câu chuyện ấy, chắc gì ai đã tin anh vì mọi chuyện xảy ra đã quá lâu, không có đơn tố cáo, không ai điều tra, không còn nhân chứng, vật chứng nữa để phục dựng lại vụ án. Và chừng ấy thời gian đã qua cũng chẳng có cơ quan chức năng nào đi đào bới lại cái vụ việc quá thời hạn ấy.
Vậy anh nói ra câu chuyện trong quá khứ để làm gì, và giải quyết được gì nữa mà chỉ gây rắc rối thêm lên trong dư luận. Theo chúng tôi việc tâm linh anh có thể nên làm vì cha anh, hoặc anh có quyền không làm nữa vì anh không có lỗi. Lỗi ai làm, người đó chịu. Cha anh cũng đã trả giá cho nỗi đau này trong suốt quãng đời còn lại của mình.
Mẹ anh đã chịu lây cùng với cha anh nỗi day dứt lương tâm, vì thế anh có quyền dừng lại và chấm dứt tất cả. Nếu cần thiết để chấm dứt tất cả những giày vò này, anh chỉ nên làm một cái lễ cầu siêu cho linh hồn của Hoánh, mẹ Hoánh, cha anh, để họ được siêu thoát nơi thiên đường. Và bản thân anh, sau khi làm dứt điểm 1 lần việc này, cũng sẽ thấy tâm hồn thanh thản. Kính chúc anh và gia đình sức khoẻ và bình an.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét