Có một thời, đi đâu người ta cũng nghe âm vang những ca khúc "Huyền thoại hồ núi Cốc", "Hồ trên núi", "Về quê", "Chảy đi sông ơi", "Trên đỉnh phù vân"... Cha đẻ của những ca khúc này, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã trở thành một trong những nhạc sĩ của những ca khúc mang âm hưởng đồng quê Bắc Bộ. Hơn 10 năm qua, ông tạm ngừng công việc sáng tác để chuyển qua một trách nhiệm mới, là giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Tuy không có nhiều thời gian để sáng tác những ca khúc mới, nhưng với nhạc sĩ Phó Đức Phương, âm nhạc luôn là chốn nương náu và thứ mang lại cho ông những cảm xúc tươi mới... Nhạc sĩ Phó Đức Phương quê ở Hưng Yên, là cháu của nhà cách mạng Phó Đức Chính. Thuở bé, ông mê văn học, hội họa nhưng tốt nghiệp cấp 3, ông lại thi đỗ vào khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Gia đình ông yên tâm vì tương lai của cậu con trai, hy vọng Phó Đức Phương rồi sẽ trở thành một giáo viên, một nghề lương thiện và sang trọng thời bấy giờ. Nhưng rồi, niềm đam mê âm nhạc đã đẩy anh chàng sinh viên Phó Đức Phương tới một quyết định bất ngờ và táo bạo: Năm 1965, lúc gần tốt nghiệp đại học, Phó Đức Phương xin thôi học với lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn và trở thành nông trường viên chăn lợn thuộc Nông trường Cửu Long (Hòa Bình). Đến giữa năm 1966 thì ông trở về Hà Nội và thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội (tức Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện nay). Ca khúc "Những cô gái quan họ" đã ra đời trong thời kỳ ông chờ đợi bước vào những giờ học đầu tiên khi nhạc viện sơ tán lên Hà Bắc. Cũng chính bài hát đầu tay nổi danh ấy đã như một tấm vé hạng sang giúp ông sớm trở thành một nhạc sĩ của những tình khúc dân ca của đồng bằng Bắc Bộ. Bây giờ, nhìn lại chặng đường đầu tiên ấy, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, bất kỳ một sự khởi đầu mới nào cũng có lý do, có khi giải thích được, có khi không, nhưng, lý do cơ bản thuộc về sự dẫn dắt của số mệnh. Chính số mệnh đã dẫn ông đi một con đường quanh co nhưng khá bằng phẳng đó. Ông cảm ơn vô cùng những tháng ngày dấn thân vào lao động trực tiếp nơi Nông trường Cửu Long. Cuộc sống gian khổ nhưng ấm áp tình quê kiểng sau này đã là cảm hứng chủ đạo cho nhiều sáng tác của ông. Có người cho rằng, sáng tác theo đơn đặt hàng là kiểu làm không… nghệ sĩ, vì sẽ có nhiều mối ràng buộc, từ chủ đề, ca từ, thậm chí là… tài chính. Nhạc sĩ Phó Đức Phương nghĩ khác, ông thích viết theo đơn đặt hàng vì ông cho rằng, đó là cách làm của những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Ông thường dành thời gian hoạch định và nghĩ ngợi chủ đề của tác phẩm một thời gian đủ lâu để… ngấm. Khi ngồi vào bàn viết, có nghĩa là ông đã chuẩn bị kĩ càng những kiến thức xung quanh ca khúc ấy. Với những điều kiện như vậy, tác phẩm khi tách ra khỏi bối cảnh chung, sẽ đứng vững với tư cách là một tác phẩm độc lập, thậm chí, có khi bộ phim vì bối cảnh lịch sử, đã "lưu kho" thì tác phẩm âm nhạc vẫn ở lại và tồn tại với chính sự vững vàng của nó. Quan niệm của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã được chứng minh trong nhiều tác phẩm của ông. Những ca khúc đi vào đời sống âm nhạc đương đại Việt Nam của Phó Đức Phương đều được viết theo đơn đặt hàng: Ca khúc "Hồ trên núi" viết cho phim "Sông nước quê hương" của cố đạo diễn Khánh Dư, "Trên đỉnh phù vân" được viết cho phim "Yêu trên đỉnh phù vân" do NSND Nguyễn Khắc Phục dựng cho Đoàn kịch Hải Phòng; "Chảy đi sông ơi" được viết cho vở kịch "Thuyền lá" của NSND Trọng Khôi; "Không thể và có thể" được viết cho vở kịch "Không thể và có thể" của NSND Tất Đạt; "Về quê" được viết cho một hội diễn dân ca của tỉnh Bắc Ninh … Dù là các ca khúc được đặt hàng, song, với nhạc sĩ Phó Đức Phương, những kỷ niệm buồn vui với âm nhạc lại có được nhờ những cái đơn đặt hàng ấy. Ông kể lại: "Bộ phim "Yêu trên đỉnh Phù Vân" có tính thiền, bảng lảng sương khói, bồng lai tiên cảnh và âm nhạc, đương nhiên cũng phải khắc họa được những nét chủ đạo ấy. Khi bắt tay vào viết, tôi hoàn toàn không có ý niệm gì về thơ thiền. Tức là tôi rất bí ngôn từ. Tôi bèn gọi điện thoại cho vài ông bạn nhà thơ là Vũ Quần Phương, Trần Ninh Hồ… hỏi xin thơ thiền nhưng không ai có. Lần cả tháng chẳng tìm ra đầu mối nào, tôi bèn cầu viện đến tác giả kịch bản Nguyễn Khắc Phục xem anh có ý tưởng gì không. Lúc đó anh đang nằm viện Việt - Đức vì bị mổ ruột thừa nên cũng chẳng nghĩ ra gì, anh cho tôi mượn cuốn sách "Văn minh chiêm mộng Trung Hoa" dày tới 700 trang. Tôi về đóng cửa đọc trong một tuần và tìm được một chương khoảng 80 trang về thơ văn mộng mị, liêu trai… Tôi đọc để ngấm, đến ngày thứ 3 thì nốt nhạc đầu tiên đã ra đời trong sự mộng mị của chính mình: "Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử/ Vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự/ Thổn thức nỗi lòng ai kẻ tình si/ Nước mắt tràn mi tìm người trong mộng…". Cho tới ba ngày sau khi viết xong bài hát đó, tôi vẫn như trong cảm giác của người bị nhập đồng và như đi là là cách mặt đất 30 cm". Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định rằng, "Về quê" là một trong những ca khúc ông tâm đắc nhất. Ông kể rằng, bài hát dù đã được viết cũng bằng một cái đơn đặt hàng trong cuộc Hội diễn sân khấu về dân ca quan họ Bắc Ninh nhằm phát triển dân ca mới, nhưng ông không ngờ, nó đã vượt xa mong đợi. Bản thân ông, khi hát lại ca khúc này, đến đoạn: "Kìa dáng ai như, dáng chị, dáng mẹ tôi" cũng đã không kìm được nước mắt. Có người bạn họa sĩ nổi tiếng, một lần được nghe Phó Đức Phương vừa đánh đàn vừa hát cho nghe, đã khóc hu hu như một đứa trẻ. Sau những thành công trong sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Phó Đức Phương dừng lại để làm một nhiệm vụ mới: Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Khi ông ý thức được quyền lợi cho các nhạc sĩ là quá ít ỏi, cũng là thời điểm mà Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) bắt đầu có ý tưởng mạnh mẽ về quyền tác giả. Nhiều cuộc hội thảo về bảo vệ quyền tác giả có đại diện các tổ chức nước ngoài tham dự trao đổi. Mỗi lần có giấy mời, nhạc sĩ Phó Đức Phương lại được cơ quan phân công đi. Tham dự bốn buổi hội thảo quốc tế, ông đã ngộ ra rằng bảo vệ quyền tác giả còn"nóng bỏng" hơn làm sáng tác. Vì thế, ông đã chuyển hướng đi của cuộc đời mình sang một ngả rẽ gian truân hơn. Nỗi cực nhọc đầu tiên là thường xuyên phải đối mặt với việc giải thích, yêu cầu các tổ chức, cá nhân trong xã hội nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng các tác phẩm âm nhạc ở lĩnh vực kinh doanh của họ. Ở nhiều quốc gia phát triển thì phải trả và trả bao nhiêu đã được luật pháp ràng buộc chặt chẽ trong một thiết chế xã hội văn minh, còn ở Việt Nam, trong nhiều trường hợp ông phải xót xa vì mức giá người sử dụng chấp nhận còn quá thấp, nhưng phải tự động viên mình vì đây đang là những bước đi đầu. Khi yêu cầu người ta phải trả tiền, các nhạc sĩ vui một chút vì quyền lợi được đảm bảo, song những người buộc phải rút tiền ra để trả, đương nhiên họ không vui. Kể về câu chuyện đi thu tiền bản quyền, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: "Vì là đại diện cho quyền lợi của nhạc sĩ, chúng tôi phải đi khắp nơi trên toàn quốc để giải thích và yêu cầu trả tiền sử dụng âm nhạc ở tất cả các loại hình kinh doanh khác nhau. Trong một số loại hình kinh doanh ở những địa bàn đặc biệt, chúng tôi đã từng phải kiên nhẫn chấp nhận những mức giá "rẻ như bèo". Chẳng hạn, ở mức thứ 3, tức là các xã, huyện vùng sâu vùng xa, của thành phố loại 3, mức giá của một phòng karaoke trả cho các tác phẩm âm nhạc một năm là 700.000 đồng, có nghĩa là bình quân mỗi ngày, phòng karaoke đó chỉ phải trả 1.900 đồng cho tất cả các tác phẩm âm nhạc có trong danh mục của các đĩa karaoke mà nhà hàng này sử dụng. Giả sử có 900 bài hát thì mỗi bài hát sẽ nhận được 2 đồng một ngày, vậy là còn rẻ hơn bèo. Đấy là chưa kể, bản thân uy tín, tên tuổi của tôi cũng giảm đi một phần đáng kể trong con mắt các "fan" hâm mộ, vì dưới mỗi công văn gửi đi đều có chữ ký "Nhạc sĩ Phó Đức Phương". Những điều hy sinh dù là nhỏ ấy, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã âm thầm gánh chịu. Chia sẻ cùng ông là một đội ngũ các nhân viên trẻ làm việc chăm chỉ ở văn phòng, nơi khu nhà tấp nập người, xe vào ra lẫn trong bụi khói ở phố Linh Lang. Đến nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã bảo vệ bản quyền cho gần 2000 tác giả âm nhạc, ký hợp đồng hợp tác với 39 tổ chức quản lý tập thể trên thế giới, có hoạt động tại 133 quốc gia và dự kiến mức thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc Việt Nam năm 2011 sẽ lên tới 42 tỷ đồng. Kết thúc buổi trò chuyện, tôi hỏi nhạc sĩ Phó Đức Phương rằng, bao giờ thì ông sẽ trở lại cùng khán giả với các ca khúc mới? Ông đi lại ngăn kéo bàn làm việc lấy ra tặng tôi hai đĩa nhạc có mấy bài hát mới thu âm. Ông bảo, dù ở tuổi nào thì trong trái tim đa tình của ông vẫn luôn có chỗ cho cho âm nhạc. Và chắc chắn, khi kết thúc nhiệm vụ ở Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam, ông cũng sẽ có điều bất ngờ dành cho khán giả. Bất ngờ thế nào thì ông không tiết lộ cụ thể | |||
Thiên Kim |
0 nhận xét :
Đăng nhận xét