1. Có một câu hỏi trở đi trở lại trong tôi suốt 10 năm nay - tính từ buổi đầu tiên lạc vào thế giới thơ Xuân Diệu: Đó là ở lứa tuổi 20 - cái tuổi con người ta trong trắng nhất và tin vào tình yêu nhất, điều gì đã xui khiến chàng viết nên một tuyên ngôn tình yêu nhỏ máu: Yêu là chết ở trong lòng một ít Một người trai trẻ mới vào đời thường chỉ sống trong trạng thái "yêu là chết" khi rơi vào một trong ba yếu tố sau đây: Đầu tiên là xấu trai, tiếp nữa là kém tài, và cuối cùng là khô khan, không có khả năng rung động. Hãy thử soi xét từng yếu tố một để xem chàng Xuân Diệu ở lứa tuổi 20 rơi vào trường hợp nào trong đó. Xấu trai chăng? Câu hỏi này có thể nhanh chóng được giải đáp qua những dòng văn của Thế Lữ trong bài tựa tập Thơ Thơ - tập thơ đầu tay của Xuân Diệu: "Nhà thi sĩ ấy là một chàng trai trẻ hiền hậu và say mê, tóc như mây vương trên đài trán ngây thơ, mắt như bao lưu luyến mọi người, và miệng cười mở rộng như một tấm lòng sẵn sàng ân ái". Một chàng trai như vậy dĩ nhiên, không thể xấu trai được rồi. Nếu cần phải lấy thêm một bằng chứng nữa thì có thể mượn chính một câu thơ tự họa của Xuân Diệu: "Tóc anh buồn dợn sóng biển Qui Nhơn" - mái tóc mà theo lời kể của cố giáo sư Đặng Thai Mai thì đã có rất nhiều những cô gái Hà Nội rắc những bông hoa tình yêu lên đó. Vậy thì không những không xấu trai, chàng Xuân Diệu ở tuổi 20 chắc chắn là đã ngạo nghễ đi qua cánh cửa nhan sắc trong sự ghen tị của không ít những người đồng trang lứa với mình. Vậy thì Xuân Diệu kém tài chăng? Hay vì khô khan, không có khả năng rung động? Lạy Chúa tôi, sẽ thật ngớ ngẩn nếu đặt ra những câu hỏi này với một người như Xuân Diệu. Bởi đơn giản là nếu thiếu đi những yếu tố căn bản đó, chàng đã không thể bước lên ngai vàng của thơ tình hiện đại Việt Nam. Không xấu trai, cũng không kém tài, càng không khô khan - vậy thì vì sao ở tuổi 20 đầy hoa mộng, Xuân Diệu lại xác định rất rõ rằng "Yêu là chết…"? Sự khó hiểu lại càng tăng cao nếu biết rằng tình yêu chính là một cứu cánh quan trọng đối với cả một thế hệ Thơ Mới bất mãn với cuộc đời. Câu trả lời chỉ có thể là: Xuân Diệu biết rằng mình chỉ có thể yêu một thứ tình yêu xa lạ với thứ tình yêu thông thường trong xã hội. Thứ tình yêu rất khó được đáp trả, và cũng rất khó được người đời chia sẻ, cảm thông: Tình yêu đồng giới? Thế nên cũng chính trong bài thơ Yêu, nơi khởi phát của cái tuyên ngôn "yêu là chết", Xuân Diệu còn viết thêm hai câu thơ khác mang nặng âm hưởng của sự bế tắc, lạc loài: Họ lạc lối u sầu mù mịt 2. Tình yêu đồng giới về cơ bản mang lại cho người ta những rung động hệt như tình yêu dị giới. Nhưng lại có một sự khác biệt quan trọng: Nếu sự khởi phát của tình yêu dị giới luôn mang đến niềm tin về sự chung thủy thì sự khởi phát của tình yêu đồng giới lại mang đến một cảm giác mong manh, dễ đổ vỡ. Có những cơ sở xã hội chứng minh cho nhận định này: Tình yêu dị giới được sự thừa nhận của số đông và sản phẩm của nó - những đứa con chính là chất keo hứa hẹn cho một mái ấm, một sự chung thủy kéo dài. Ngược lại, tình yêu đồng giới, nhất là tình yêu đồng giới trong xã hội Việt Nam thời Xuân Diệu sống luôn phải diễn ra trong sự lén lút, giấu giếm. Đặc biệt, tình yêu đồng giới không có bất cứ chất keo nào ngoại trừ nhan sắc và cảm xúc (những thứ dễ đến và cũng dễ tan) để hứa hẹn về một sự lâu dài, vĩnh cửu. Thế nên tình yêu đồng giới luôn làm người ta - nhất là những người nhạy cảm sống trong cảm giác mong manh. Có lẽ cũng chính từ đặc điểm này mà trong bài Giục giã - một trong những bài thơ được cho là hay nhất trong tập Gửi hương cho gió, Xuân Diệu viết: Vừa xịch gối chăn mộng vàng tan biến Không chỉ ở thời của Thơ thơ và Gửi hương cho gió - ngay cả ở những thời kỳ sau của cuộc đời mình, Xuân Diệu cũng viết rất nhiều những câu thơ tình mang cảm thức mong manh như thế. Sự mong manh mà khi lý giải về nó các nhà phê bình xưa nay cho rằng Xuân Diệu là người quá nhạy cảm với thời gian, và luôn sợ hãi với từng sự chảy trôi dù là nhỏ nhoi nhất của thời gian. Cách giải thích này tưởng là logic nhưng kỳ thực lại chứa đựng một mâu thuẫn lớn. Bởi vì càng nhạy cảm với thời gian, và càng sợ mỗi bước đi của thời gian, lẽ thường con người ta càng phải nương tựa vào tình yêu. Bởi chỉ có tình yêu với sự thăng hoa kỳ diệu mới cho người ta cảm giác về sự đứng im, sự ngưng tụ của thời gian. (Thế nên mới có một câu hát đại ý rằng: Khi người ta yêu nhau thời gian bỗng như ngưng tụ). Đằng này Xuân Diệu lại vội vàng, lo sợ từng nhịp đập của tình yêu - nghĩa là vội vàng, lo sợ với chính cái "cứu cánh" duy nhất trong nỗi ám ảnh thời gian của mình. Điều này chỉ có thể được lý giải một cách trọn vẹn khi đặt nó - những xúc cảm mong manh ấy, những nỗi sợ hãi tế vi ấy vào vườn tược của một thứ tình yêu đồng giới. Tình yêu đồng giới mang bản chất mong manh - vậy phải làm như thế nào con người ta mới có thể đạt được hạnh phúc? Câu trả lời chỉ có thể là hãy cố gắng tận hưởng từng khoảnh khắc hạnh phúc mà mình có. Hãy hết mình với nó, nồng say với nó, thậm chí là ngấu nghiến với nó cả trên phương diện thể xác lẫn tâm hồn. Có lẽ cũng chính vì thế mà trong thế giới thơ tình Xuân Diệu, người ta có thể bắt gặp vô số những câu thơ mang khát vọng ngấu nghiến: - Trời ơi, anh muốn uống hồn em! Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài - Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm - Đã hôn rồi hôn lại Có một thực tế là khi người ta càng ý thức rằng mình phải chế ngự lại một tình yêu mang bản chất mong manh bằng cách phải vồ vập, ngấu nghiến với từng khoảnh khắc của hạnh phúc thì người ta lại càng nhận ra sự đáng sợ của cái bản chất mong manh ấy. Thế nên xét cho cùng, sự ngấu nghiến tưởng là một liều thuốc bổ giải được "căn bệnh mong manh", từ đó giúp cho "bệnh nhân" có thể hạnh phúc (dù chỉ là hạnh phúc trong khoảnh khắc) kỳ thực lại chính là một liều thuốc độc khiến bệnh nhân ngày một trầm kha, đau khổ hơn. 3. Trong thế giới của tình yêu đồng giới, khi một đối tượng gặp một đối tượng giống mình và có thể chia sẻ với mình thì lập tức trong bản thân đối tượng nảy sinh một phức hợp tâm lý: một mặt hạnh phúc với tình yêu mình có được, một mặt lo sợ cho sự tan vỡ của thứ tình yêu mong manh ấy - điều mà chúng ta vừa phân tích. Nhưng cũng có khi một đối tượng đồng giới lại yêu một người không phải là đồng giới. Khi ấy, tất yếu đối tượng đồng giới sẽ rơi vào trạng thái không được thỏa mãn, trạng thái cách biệt, trạng thái đau khổ. Trạng thái này đã được Xuân Diệu mô tả trong những câu thơ điển hình: Em là em anh vẫn cứ là anh Lần đầu tiên chạm mặt những câu thơ này, một loạt câu hỏi vang lên trong trí óc tôi: Hai thế giới nào mà bí mật với nhau đến thế? Hai thế giới nào mà xa cách đến nỗi thi sĩ phải mượn tới hình ảnh Vạn Lý Trường Thành mà ví von? Đấy là thế giới của một người đàn ông với một người phụ nữ chăng? Thật ra ngay cả khi một người đàn ông sau rất nhiều cố gắng vẫn không yêu nổi một người phụ nữ thì bản chất hiếu thắng ở đàn ông vẫn khiến người ấy tin một niềm tin (dù nhỏ bé) rằng sẽ có ngày mình chiếm đoạt được người phụ nữ. Người đàn ông chỉ thật sự hết sạch niềm tin khi anh ta hoặc là quá yếu đuối, hoặc là không có trong tay bất cứ một phẩm chất nào có thể làm phụ nữ rung động trái tim. Nhưng cả hai trạng thái này chắc chắn đều không thể tồn tại ở một nguồn sống say đắm, dạt dào như Xuân Diệu. Thế thì chắc chắn là "hai thế giới" xa cách ở đây không thể là thế giới của đàn ông với thế giới của phụ nữ, mà phải là thế giới của một người đồng tính với thế giới của một người dị tính. Biết rõ hai thế giới ấy giống như hai đường thẳng song song bất tận - nơi mà mình đứng ở một đường thẳng, còn người mình yêu lại đứng ở đường thẳng song song còn lại, nhưng những xúc cảm và những đam mê vẫn không thể dập tắt ngọn lửa tình ngùn ngụt của thi nhân. Đấy là một mâu thuẫn không bao giờ giải quyết được. Và đấy cũng là mâu thuẫn khiến cho cái tôi trữ tình trong thơ Xuân Diệu nhiều thời điểm mang trong nó một mặc cảm tội lỗi - điều tưởng như không thể có trong gia tài cảm xúc của một "Ông Hoàng thi ca": Anh biết mình không xứng là biển xanh Nếu như hai câu thơ đầy mặc cảm cá nhân này mở đầu bài thơ Biển - bài thơ tình hay nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam hiện đại thì ở phần cuối bài thơ ấy lại xuất hiện hai câu thơ mặc cảm khác: Anh không xứng là biển xanh Ở hai câu thơ mặc cảm đầu tiên, có thể nhận thấy rất rõ một lưỡng thể tâm lý của cái tôi trữ tình: Biết là mình "không xứng" nhưng vẫn cầu xin đối tượng cho mình sự thỏa mãn (mong em là bờ cát). Song đến hai câu thơ mặc cảm sau đó thì đối tượng đã chìm khuất - không còn được nhắc đến nữa. Ở đó, cái tôi trữ tình một mặt vẫn mặc cảm về mình, một mặt lại hy vọng mình có thể thay đổi bản thân (xin làm bể biếc). Từ chỗ giữ nguyên mình rồi cầu xin đối tượng cho mình sự thỏa mãn đến chỗ khát khao thay đổi mình để có thể thỏa mãn đối tượng thực chất là một vòng tròn bi kịch. Bởi cả hai khả năng đó đều không thể diễn ra, và vì thế, mặc dù bài thơ kết lại bằng những câu thơ đầy hy vọng "Như hôn mãi ngàn năm không thỏa/ Bởi yêu bờ lắm lắm em ơi" thì người đọc vẫn nghe thấy phía sau từng con chữ một sự u uất, một nỗi sầu tình không giấu đi đâu được. Thật ra trong âm hưởng chung của sự u uất, sầu tình ấy, cũng có những khoảnh khắc thi sĩ tưởng như đạt được sự thỏa mãn, ấy là khi chàng thốt lên: Em bằng lòng cho anh được phép yêu Tuy nhiên, hãy nhìn rõ một sự thật phía sau hai chữ "cho phép" rất đỗi lạnh lùng kia. Một tình yêu đích thực làm gì có chuyện ai cho phép ai. Khi người ta yêu và được yêu, người ta thường sống trong ý thức dâng hiến vô điều kiện, chứ không thể sống trong ý thức về việc được ban ơn như vậy cả. Thế mà ông Hoàng thơ tình Việt Nam lại sống trong cảm giác ban ơn như thế, và lại buộc phải sử dụng hai chữ "cho phép" trong mối quan hệ gọi là "yêu đương" như thế. Ở đây, có thể mặc cảm cá nhân trong một mối quan hệ tình cảm biết chắc là không thành, không tới đã khiến chủ thể trữ tình đặt bản thân ở tư thế "chiếu dưới". Mà cũng có thể, bằng sự thông minh của trí tuệ cộng với sự nhạy cảm của tâm hồn, thi sĩ nhận ra rằng người ta nào có yêu mình. Người ta chỉ thương mình - cả thương mến lẫn thương hại nữa. Chính vì một trong hai lý do như vậy nên ngay cả khi đang "sung sướng", ngay cả khi tưởng như được giải phóng một nhu cầu yêu thương thì ở câu thơ thứ hai, Xuân Diệu chỉ dùng hình ảnh "tình vụn", mà cũng chỉ là một "chút tình vụn", thay vì một mảng tình, một khối tình, một biển tình như tâm lý yêu đương thông thường phải có. Vậy thì xét cho cùng, cái thoáng "sung sướng" kia tưởng là cứu cánh, thực chất lại giống như mũi giáo, xoáy sâu vào trái tim thi sĩ một vết thương lòng; giống như luồng gió độc, cuốn trôi thi sĩ vào địa ngục tăm tối của một thứ tình yêu đồng giới đơn phương | |||
Trịnh Phan Pha |
0 nhận xét :
Đăng nhận xét