Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Hoàng Cầm đời người, đời thơ

Nhà thơ Vi Thùy Linh trong đêm thơ tưởng nhớ tác giả Lá diêu bông đã viết: "Không ai biết Hoàng Cầm đã yêu bao nhiêu, có bao nhiêu cuộc tình. Ông đã đi mải miết trên con đường tình, qua mùa mùa ái ân và không ngừng khắc khoải. Cả hụt hẫng, khổ đau, yếu đuối cũng không gục ngã".

Mối tình si của cậu bé 12 tuổi

Nói về đời thơ Hoàng Cầm không thể không nhắc đến những mối tình lạ lùng nhất trong thơ ông. Theo lời ông Bùi Hoàng Anh, con trai của Hoàng Cầm, những năm cuối đời, tuy không còn sức khỏe, nhưng ông vẫn rất hóm hỉnh và hài hước khi được hỏi về cái thuở ban đầu lưu luyến, lúc mới bước chân vào văn chương, trường tình, trường đời.

Mối tình năm lên tuổi 12 là một câu chuyện tình đơn phương của ông với một cô gái hơn nhà thơ rất nhiều tuổi. Ngày đó, Hoàng Cầm mê "chị" như điếu đổ, suốt ngày lũn cũn theo bước chân của cô gái Kinh Bắc xinh đẹp ấy. Có lẽ, đó là mối tình đầu đời của Hoàng Cầm, là giấc mơ ngọt ngào nhưng cũng là vị thuốc khác trong đời để khi ông choàng tỉnh giấc, ông cũng ngạc nhiên với chính dư âm của nó là những vần thơ kì lạ.

Cuốn sách tập hợp hồi kí Hoàng Cầm vẫn để lại những dòng tâm tư trĩu nặng về mối tình câm này. Ông viết: "Chị ấy tên là Vinh. Bố mất sớm, nhà rất nghèo. Chị ở cùng mẹ và một đứa em lên năm tuổi. Họ cất một gian nhà ở phố để bán hàng kiếm ăn. Suốt từ năm 8 đến 12, 13 tuổi, lúc nào đi theo chị được là tôi đi ngay, không rời nửa bước. Cũng nhờ đi theo chị, tôi mới có những kỉ niệm để sau này trở thành Lá diêu bông. Trong một buổi tối thanh niên, trai gái ở làng tụ họp nhau để hát đối, chị vịn lấy vai tôi mà hát. Rồi chị bảo bọn trẻ chúng tôi: "Đứa nào tìm được lá diêu bông, ta sẽ gọi là chồng". Nghe thấy thế, mặt tôi đỏ lên. Rồi một hôm nắng vàng giời lạnh, buổi chiều tha thẩn ra sân, tôi thấy chị đi ra phía cánh đồng liền cũng đi theo. Giữa đồng, chị một mình mê mải vạch từng cái lá, cành cây như đang tìm một cái gì đó. Tôi liền hỏi: "Chị Vinh ơi, chị tìm cái gì đấy?". Chị nhìn tôi đáp lời: "Ờ, chị đi tìm cái lá... (chị nói tên một cái lá gì như là lá thuốc)".

Hai mươi lăm năm sau, năm 1954, sau khi trở về Hà Nội mấy năm, một đêm, trong chính căn nhà 43 Lý Quốc Sư, tôi trằn trọc không sao ngủ được. Độ 2, 3h sáng, giữa tĩnh lặng như thế, chợt tôi nghe cất lên một giọng đọc rất thong thả, rõ ràng: "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng... ". Bài thơ Lá diêu bông đã ra đời như thế. Có lẽ, nó đã ăn sâu vào trong mình rồi bật ra thành thơ, khiến những lúc say sưa viết lại kỷ niệm đó, tôi cứ tưởng có ai đó đang đọc cho mình chép".

Cùng với "Lá diêu bông", "Cây tam cúc", "Quả vườn ổi"..., tập thơ "Về Kinh Bắc" được viết trong những năm 1959-1960, khi nhà thơ ngồi ở nhà lặng lẽ với những ưu tư về cuộc sống, không giao du với ai đã trở thành tác phẩm xương sống trong đời thơ Hoàng Cầm.

Và những người đàn bà đẹp...

Với thời gian, những bóng hồng trong mộng sẽ chỉ còn lại mãi mãi trong những vần thơ của Hoàng Cầm. Còn ở ngoài cuộc đời, mỗi người lại có một thân phận khác nhau. Nói về chị Vinh - mối tình đầu đẹp nhất của cậu bé 12 tuổi, nhà thơ từng chỉ thốt lên một câu thật ngắn ngủi, buồn thương: "hồng nhan bạc mệnh". Một người "chị" khác với mối tình Cây Tam Cúc, nghe đâu hiện đang ở Thủ Đức, nhưng bà không dám nhận mình là người đã từng "gọi đôi cây trầu cay má đỏ, kết xe hồng đưa Chị đến quê em" (thơ Hoàng Cầm).

Đời ông có bút danh là Hoàng Cầm thì gần như cũng gắn liền với chữ "Hoàng". Người vợ đầu là Hoàng Thị Hoàn, do cha mẹ ông cưới cho, mất lúc ông đi kháng chiến. Bà đã sinh hai đứa con cho thi sĩ. Con trai đầu là nhà báo Hoàng Kỳ, thứ nữ là nghệ sĩ kịch Hoàng Yến tài sắc vẹn toàn nhưng bạc mệnh đã sớm qua đời.

Người vợ thứ hai của nhà thơ, bà Tuyết Khanh, vào vai Kiều Loan (vở kịch nổi tiếng của Hoàng Cầm), đã hạ sinh cho ông một nàng tố nữ đặt tên nhân vật vở kịch để kỷ niệm, cũng là mối tình lớn mà những thi sĩ cùng thời thường hay trầm trồ, bàn tán. Nhất là khi thuở trẻ, bà còn là mối tình si của nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Chính điều này đã tạo nên câu chuyện tình tay ba nổi tiếng có một không hai trong lịch sử kịch thơ Việt Nam thuở ấy.

Mối lương duyên giữa Tuyết Khanh và Hoàng Cầm tuy đẹp nhưng cũng để lại nhiều vết thương đau lòng. Sinh hạ được Kiều Loan, bà Tuyết Khanh phải bế con về Hải Phòng để nuôi dưỡng và chờ ngày thắng lợi đón chồng trở về. Nhưng sức chịu đựng của người đàn bà cũng chỉ có giới hạn. Sau mấy năm, trước một cảnh ngộ éo le, bà đã đành "đi bước nữa", rồi cùng con riêng và chồng vào Nam năm 1954.

Ở lại chiến khu đến năm 1950, Hoàng Cầm đã gặp một thiếu nữ tài sắc tên là Minh Xuân. Khi ấy Minh Xuân đang ở trong một hoàn cảnh trớ trêu, bà bị ép phải lấy một cán bộ chỉ huy mà không hề có tình yêu. Cảm thương cảnh tình đó, Hoàng Cầm đã đem lòng yêu Minh Xuân và cũng được giai nhân đáp lại một cách nồng nàn. Song chiến dịch biên giới đã khiến họ mất liên lạc với nhau. Mãi sau khi Hoàng Cầm gặp lại một người bạn chung của hai người thì mới được nghe câu chuyện tang thương về giai nhân bạc mệnh này. Nàng đã trẫm mình xuống dòng suối sâu vì nỗi cô đơn, trống vắng sau sự xa cách với nhà thơ và bị ép duyên đến nghiệt ngã.

Người vợ thứ ba, người sau cùng đã sống với nhà thơ cũng là người sống với ông lâu nhất là bà Lê Hoàng Yến. Nhưng bà cũng đã mất từ trước ông rất lâu, để ông ở lại với những năm tháng bĩ cực. Hoàng Cầm đã viết những câu thơ tê tái sau cái chết đột ngột của bà: "Em xa anh và rất gần nước mắt".

Ngôi nhà ở 43 Lý Quốc Sư là nhà bà Hoàng Yến. Người đàn ông phong tình, đa đoan là Hoàng Cầm chỉ sống một mình 25 năm đằng đẵng. Trong ba người vợ của Hoàng Cầm thì bà Lê Hoàng Yến là người cùng chồng chịu đựng bao thăng trầm suốt ba mươi năm có lẻ (từ năm 1955 đến khi bà mất, năm 1985). Bà cũng là người dinh dưỡng cho nguồn thơ Hoàng Cầm, trong đó có Về Kinh Bắc bất hủ.

Ngoài những bóng hồng có tên cụ thể, Hoàng Cầm còn có những mối tình chóng vánh, không tên nhưng cũng không kém phần lãng mạn, mãnh liệt. Câu chuyện tình của ông trong quá trình theo học ở Hà Nội (mặc dù đã có vợ con) với một cô gái nhảy có tên Phương Tuyết từng làm xôn xao dư luận lúc bấy giờ. Nghe nói nàng đã từng nuôi dưỡng chàng đèn sách suốt nửa năm ròng. Mặc dù chóng vánh nhưng cô gái cũng đã kịp trở thành một nàng thơ nồng nàn, tha thiết trong tâm hồn ông.

Nhà thơ Vi Thùy Linh trong đêm thơ tưởng nhớ tác giả Lá diêu bông đã viết: "Không ai biết Hoàng Cầm đã yêu bao nhiêu, có bao nhiêu cuộc tình. Ông đã đi mải miết trên con đường tình, qua mùa mùa ái ân và không ngừng khắc khoải. Cả hụt hẫng, khổ đau, yếu đuối cũng không gục ngã".

Số phận của vở kịch thơ “Kiều Loan”

Hoàng Cầm viết vở kịch thơ Kiều Loan năm 1942, năm ấy ông mới 20 tuổi. Ấy vậy mà phải 65 năm sau, tuyệt tác đó mới được công diễn. Tác phẩm kể về câu chuyện của một chinh phụ dưới chế độ cũ, có lòng yêu chung thủy, sâu sắc nhưng cuối cùng lại đau đớn vì sự thay đổi nghiệt ngã của chính người chồng.

Ngoài số phận long đong, nghiệt ngã của tác phẩm, ít ai biết đến câu chuyện bi thảm về nguyên bản nàng Kiều Loan thật ở ngoài cuộc đời. Nàng là hoa khôi xứ Bắc Giang, 18 tuổi đã từng làm tan nát trái tim bao anh học trò làm thơ như Hoàng Cầm, nhưng thật bi thảm vì bị giết chết vào một buổi tối mùa hè năm 1940.

Năm đó, quân Nhật đổ bộ vào Việt Nam, Bắc Giang thành trại lính, hàng chục sĩ quan xứ Phù Tang vì mê cô hoa khôi đã sinh ghen ghét, thù hận nhau. Viên chỉ huy thấy không thể để mất danh dự của quân đội Thiên Hoàng nên chỉ có cách tốt nhất là trừ tận gốc nguyên nhân. Kiều Loan bị bắt uống thuốc ngủ khi đang ốm. Cái chết của cô gái khiến Hoàng Cầm đau đớn đến sững sờ. Mười ngày sau ông bắt tay viết tác phẩm này. Năm 1942, công sứ Bắc Ninh không cho diễn. Về Hà Nội cũng bị trả lại bản thảo và rơi vào sự im lặng. Cho đến tháng 11/1946, vào một buổi sáng sớm, Kiều Loan được công diễn một buổi duy nhất. Sau lần đó, vì nhiều lý do, vở kịch lại rơi vào sự im lặng và im lặng thật lâu. Vì sau đó, bà Tuyết Khanh vì chiến tranh gian khổ mà không thể chờ đợi người chồng, đành bỏ đi biệt xứ, cách xa đến nửa vòng trái đất. Hoàng Cầm mải mê theo kháng chiến, qua "Bên bia sông Đuống" mà đánh mất cả người vợ xinh đẹp, cô con gái bé nhỏ.

Cả vở kịch đã viết bằng máu và nước mắt cũng phải chìm đắm trong sự câm lặng cho đến 59 năm sau lần công chiếu đầu tiên.Và phải đến năm 2005, kịch thơ Kiều Loan mới lại được công chiếu. Vở kịch đã thực sự làm xúc động sâu sắc những ai có mặt trong buổi biểu diễn hôm đó. Không ít khán giả đã trầm trồ nuối tiếc cho một tuyệt tác đã bị lãng quên và phủ bụi quá lâu. Sau đêm diễn, Hoàng Cầm đã khóc. Ông nói trong nước mắt: "Vậy mà tôi cứ tưởng số phận của Kiều Loan chỉ có được một đêm duy nhất ngày ấy"

  • Đào Bích

0 nhận xét :