Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Ký ức không mong manh

Nhà thơ Vũ Quần Phương.

Nhân đọc bài thơ "Bong bóng xà phòng" của nhà thơ Vũ Quần Phương.

Tuổi bé thơ thổi bong bóng xà phòng
Tôi mê ngắm những quả cầu óng ánh
lửng lơ gần bay lửng lơ xa
cứ vừa bay vừa thành kí ức
những quả cầu không còn nhưng niềm vui không mất
long lanh bay suốt một đời người

Vẫn lóng lánh trên trời
những vì sao năm tôi mười bảy tuổi
những chú nhỏ nhớ trời không chịu nổi
hồn vẫn bay theo bong bóng xà phòng
tôi muốn theo mà trĩu nặng trong lòng
thân cát bụi đã dính vào mặt đất

Cái bong bóng mỏng manh, quả người bền chắc thật
ta đứng lại trông vời, người lững thững rong chơi

Cách đây mấy chục năm, trong bài thơ "Chia sẻ", trước thân phận một người phụ nữ từng bị đọa đầy nhân phẩm, không kìm nổi xúc động Vũ Quần Phương đã tình nguyện:

Tôi xin làm tuổi nhỏ
Đưa em về thơ ngây

Lùi xa hơn nữa, trong bài thơ "Diều giấy", nhà thơ "thay lời" các em thiếu nhi:

Mai sau em lớn, diều về trời
Những miền xa thẳm chân không tới
Diều nhớ về đưa em tới nơi

Bài thơ "Bong bóng xà phòng" này, thực chất là một sự nối tiếp mạch suy tưởng trên.

Cũng như chiếc diều giấy- một thứ đồ chơi hướng tầm mắt con người về chốn xa xăm (mà xa xăm thì khó với lên vì lẽ ấy người ta gắn nó với biểu tượng của mơ ước), hình ảnh chiếc bong bóng xà phòng là hình ảnh thân gần với hết thảy mọi người qua những trò chơi thuở thiếu thời:

Tuổi bé thơ thổi bong bóng xà phòng
Tôi mê ngắm những quả cầu óng ánh

Với con mắt trẻ thơ, "Những quả cầu óng ánh" ấy thực sự mở ra cả một thế giới huyền ảo, kỳ thú. "Mắt trẻ con sáng lắm" - nữ thi sĩ Xuân Quỳnh từng đã có lần nhận xét thế. Nhưng rồi, ngày một ngày hai, cùng với thời gian:

Lửng lơ gần bay lửng lơ xa
Cứ vừa bay vừa thành ký ức

Những chiếc bong bóng mỏng manh lũ lượt kéo về trời, bỏ lại trong tiềm thức của con người:

những quả cầu không còn nhưng niềm vui không mất
long lanh bay suốt một đời người

"Về trời"- chúng hóa thân thành những vì sao đêm đêm lay gọi hồn người thức dậy với những ước vọng năm nào:

những chú nhỏ nhớ trời không chịu nổi
hồn vẫn bay theo bong bóng xà phòng

Phần mình, nhà thơ "muốn theo" mà cảm thấy trong lòng trĩu nặng! Nặng - ấy là một "trở ngại" không nhỏ... Hơn thế, đến một lúc nào đấy người ta ý thức được mình đang ở trong tình thế: "Thân cát bụi đã dính vào mặt đất". Ngẫm ra thì khi đã phải đối mặt với cuộc sống, tìm được cách vượt ra ngoài "quỹ đạo" của nó thật không phải dễ dàng và không phải ai cũng còn đủ ham muốn để thực hiện công đoạn này.

Bởi vậy, nhớ và hướng về cái bong bóng "mỏng manh" thời thơ ấu, tác giả chỉ còn biết trầm trồ (anh thấy mình đến thế là chịu rồi): "Quả người bền chắc thật/ Ta đứng lại trông vời, người lững thững rong chơi".

Như đoàn tàu hỏa tạm dừng ở một ga nào đó ít phút để "xả hơi", nhà thơ đứng lại trông vời theo bóng dáng của những ước vọng xa xôi, rồi thì, đâu lại vào đấy, đoàn tàu lại sùng sục lao trên lộ trình bất đắc dĩ của cuộc đời (thơ Trịnh Thanh Sơn: "Ôi khốn khổ cho cái đầu tàu hỏa/ Kéo quá nhiều nặng nhọc phía sau lưng"). Kể thế cũng là buồn, nhưng càng buồn biết bao, nguy hiểm biết bao nếu con người trong đời không có những lúc giật mình cảnh tỉnh, biết hướng về những ước vọng một thời mình hằng có...

Đọc bài thơ của Vũ Quần Phương, đôi khi tôi cứ muốn hình dung ra một bể cá cảnh. Nước trong veo và những câu thơ thì mềm mại như những sợi rong lua tua trong nước. Người ta thấy ở đó có những con cá cứ thoáng chốc lại nhao lên mặt nước... Nhưng rõ ràng, vượt ra khỏi môi trường ấy thì hẳn là chúng không thể thích nghi nổi. Đấy là mâu thuẫn giữa ước mơ và hiện thực. Bài thơ của Vũ Quần Phương đã thật bình tĩnh chỉ ra cho chúng ta nhận biết điều tưởng chừng nghịch lý ấy


Phạm Tuấn Đạt

0 nhận xét :