Gần đây, trong một cuộc trà dư tửu hậu nhân Ngày Gia đình Việt Nam, một nữ phóng viên trẻ đã hỏi tôi một câu khiến tôi ngẫm ngợi rất nhiều. Theo bạn trẻ này, trong cuộc sống hiện tại, mối quan hệ vợ chồng nhiều khi bị đe dọa bởi "những phút xao lòng", tức những phút giây ngoài chồng ngoài vợ. Trong đó, sự xuất hiện của "người thứ ba" đôi khi là nguyên nhân dẫn tới những cuộc ly hôn. Và điều này, phải chăng đã ngày càng được phản ánh nhiều trong thơ? Là người cũng ít nhiều quan tâm tới đời sống thi ca nước nhà, tôi đã nghĩ nhiều về vấn đề này. Đúng là, đi kèm với những phức tạp nảy sinh từ cuộc sống thì sự trái khoáy trong quan hệ tình cảm, sự trục trặc dẫn tới sự đổ vỡ trong gia đình cũng đã được phản ảnh trong thơ. Nhưng theo những gì tôi đọc được thì cũng không nhiều lắm đâu, bởi không phải nhà thơ nào cũng có gan công khai "sự cố" này của đời mình. Nói mình yêu đơn phương, mình thất tình thì được, nhưng nói mình bỏ vợ, hoặc bị vợ bỏ thì còn… dè dặt lắm. Có người ngại không muốn nhắc, có người chán không muốn nhắc. Chưa kể cơn ghen - như ai đó nói - như con quỷ giết chết tình yêu, thì chính nó lắm khi cũng góp phần giết chết thơ ca. Bạn đọc từng nghe nói có những nhà thơ lập gia đình tới vài ba lần, song thử hỏi, các lý do dẫn tới sự chia tay của họ, có mấy ai biết ngọn nguồn từ đâu. Có phải mấy ai cũng đủ dũng cảm như Lưu Quang Vũ để viết tặng người vợ đầu là diễn viên Tố Uyên những câu thơ: "Hai ta không chung một ngả dường dài/ Không chung khổ đau không cùng nhịp thở/ Những gì em cần, anh chẳng có/ Em không màng những ngọn gió anh trao". Tuy nhiên, nói "dũng cảm" vậy nhưng qua mấy câu thơ trên, không phải tất cả nguyên nhân dẫn tới sự chia tay của vợ chồng Lưu Quang Vũ đã được tiết lộ hết. Nói chung, với nhiều nhà thơ, sự chia tay trong một cuộc hôn nhân, dù với lý do nào cũng không phải là một đề tài "nên thơ". Phải nói, gọi những phút giây ngoài vợ ngoài chồng là "những phút xao lòng" là một cách gọi thật tinh tế. Đây cũng là tên một bài thơ của nhà thơ Thuận Hữu, hiện anh là Tổng biên tập Báo Nhân dân. Trong bài thơ nói trên, Thuận Hữu đã giãi bày rất thật: "Có thể vợ mình ngày xưa cũng có một người yêu/ Người ấy gọi vợ mình là người yêu cũ/ Cũng như mình thôi, mình ngày xưa cũng thế/ Yêu một cô, giờ cô ấy đã lấy chồng/ Có thể vợ mình vì những phút mềm lòng/ Nên giấu kín những suy tư không kể về giấc mộng/ Người yêu cũ vợ mình có những điều mà chính mình không có được/ Cô ấy không nói ra vì sợ mình buồn/ Mình cũng có những phút giây cảm thấy xao lòng/ Khi gặp người yêu xưa, với những điều vợ mình không có được/ Nghĩ về cái đã qua nhiều khi nuối tiếc/ Mình cũng chẳng nói ra vì sợ vợ buồn". Cứ thế, hai người tế nhị kìm nén cảm xúc xưa cũ thỉnh thoảng lại khua dậy trong lòng. Nhưng vì là những người cả nghĩ, sau những lần tơ tưởng tình xưa nghĩa cũ ấy, cả hai đều có cảm giác ân hận với người chồng, người vợ hiện tại của mình, và vì thế mà họ âm thầm chăm chút cho nhau hơn trước. Có nghĩa là "những phút xao lòng" ấy, trong sự phân tích của nhà thơ, đã trở thành một thứ gia vị cần thiết cho cuộc sống gia đình. Tác giả đã đưa ra một đúc kết rất khéo ở cuối bài: "Mà có trách chi những phút xao lòng/ Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ/ Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ/ Đừng trách chi những phút xao lòng". Sở dĩ tôi nói là "khéo" bởi bàn về vấn đề này không dễ. Nó là hiện tượng xảy ra trong thực tế nhưng không phải ai cũng muốn thừa nhận. Theo tôi, cách đặt vấn đề của nhà thơ Thuận Hữu như trên là hợp tình hợp lý. Bài thơ vì thế có giá trị định hướng cao. Theo tôi, đề tài về "những phút xao lòng" là một đề tài "nhạy cảm". Và trong cách khai thác đề tài, nó thể hiện sự khác biệt tương đối rõ rệt giữa các nhà thơ nam và các nhà thơ nữ. Lý do chính xuất phát từ sự khác biệt về yếu tố tâm lý, thậm chí về những cái gần như là thuộc tính của hai giới. Theo phân tích của một số chuyên gia thì khi đàn bà yêu, họ có thể vứt bỏ mọi thứ, kể cả bỏ con bỏ cái để đi theo tiếng gọi của tình yêu, trong khi người đàn ông thì không được quyết liệt như thế. Nói như ngôn ngữ bây giờ là họ chỉ muốn "thêm" chứ không muốn "bớt". Các cụ ta có câu "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Đa số các cuộc hôn ly hôn là xuất phát từ nguyện vọng của người vợ. Họ là người chủ động trong việc này. Sở dĩ tôi phải nói hơi dài dòng vậy để lý giải sự khác biệt giữa thơ viết về đề tài nói trên của các nhà thơ nữ so với các nhà thơ nam. Về điểm này, các nhà thơ nữ hóa ra lại mạnh mẽ, sòng phẳng hơn các nhà thơ nam. Thử hỏi, trong các nhà thơ nam, đã có ai dám công khai chuyện mình yêu và cưới một người từng là chồng của bạn gái mình, mà lại công khai một cách mạnh mẽ như trường hợp của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến trong bài "Chồng chị chồng em": "Xưa là chị, nay là em/ Phải duyên chồng vợ nối thêm tơ hồng", rồi "Khi vui muốn có một người/ Khi buồn muốn cả đất trời hòa chung/ Đã từ hai mảnh tay không/ Kể chi mẹ ghẻ, con chung, chồng người"? Tất nhiên, trong việc nhìn nhận, lý giải vấn đề này, có thể ý kiến tôi đưa ra còn phiến diện, chủ quan và thực tâm là tôi cũng không muốn điều tôi nêu ra là đúng. Nhưng dù sao, đến thời điểm này, đó cũng là suy nghĩ thực của tôi. | |||
Nguyễn Trường Văn |
0 nhận xét :
Đăng nhận xét