Bóng chiều loang lổ nghiêng ngả trên vỉa hè. Mặt trời đang chìm dần sau rặng dừa nước thấp thoáng những nóc nhà cao tầng ven sông Sài gòn chợt phả lên màu vàng sậm tim tím. Dấu chấm lặng trong bóng chiều tà tựa như sự chờ đợi đầy khát vọng, nhưng cũng có vẻ thờ ơ tạo nên ảo ảnh hợp hôn giữa trời và nước nửa muốn giao thoa nửa thời lơ đãng. Đâu đó, trên dòng sông mấy con tàu vội vã. Không gian trong nhà như đọng lại. Mọi thứ đều câm lặng. Chỉ có mình gã, chai rượu và con chó đen như còn động đậy. Lúc như chồm lên, leng keng tiếng va chạm của ly tách và đâu đó là tiếng gừ gừ. Lại một hơi hút theo tiếng ót cạn hết ly đầy có ngọn. Vợ đi dạy, con gái đi học. Trống vắng. Buồn! Nhậu! Có rượu gã đúng là một thằng đàn ông thật sự. Mạnh mẽ, hết ngu ngơ và hết sợ. Quả thật, khi gã say rượu, vợ gã chỉ biết nhìn, lắc đầu và kệ xác gã. Chỉ có con chó đen hình như không biết sợ. Đôi lúc vô cớ, do tức vợ gã đuổi đánh, làm nó kêu ăng ẳng và chạy trối chết. Thường khi quá chén, gã thế nào cũng nôn thốc nôn tháo. Khi đó, chỉ có nó là bạn. Thậm chí, có đêm khi đã say mèm ngủ ở ngoài hiên, tỉnh dậy thấy con chó đen liếm mặt như an ủi, như chia sẻ là gã ôm nó vào lòng vuốt ve, bất giác khóc rống lên mấy tiếng. Sau đó cả hai đều rên ư ử rồi im lặng. Điện thoại reo. Lặng lẽ nhấc máy nghe, nhưng gã không nói gì. Chỉ thấy gã gằn giọng và bật lên tiếng rít hừ hừ thoát ra trong cổ họng! - Khốn nạn! Dạy dỗ gì mày, có mà theo trai. Gã chửi thầm. 2 Mười năm về trước gia đình gã cũng thật êm ấm và hạnh phúc. Vợ gã xinh người đẹp nết giỏi giang và hết lòng thương chồng, con. Mặc dù, cuộc sống lúc đó còn khó khăn chật vật. Rồi không biết ma qủi vẽ đường chỉ lối thế nào mà vợ gã như ăn phải bùa mê thuốc lú tự dưng ghiền danh vọng. Ghiền đến dại cả người. Cùng ra trường, nhưng vợ gã may mắn hơn xin được chân giảng viên ở một trường đại học. Sẵn có tư tưởng cầu tiến và ham danh vọng, vợ gã cũng biết phấn đấu để được theo học chương trình sau đại học. Kể từ đó, gã phải đứng ra cáng đáng mọi việc nhà để tạo điều kiện vợ học thêm cho bằng chị bằng em. Chỉ nghĩ đơn giản, khi đã có bằng cấp thì nói cười đi đứng cũng khác, nhưng có thêm tí quyền chức hẳn vợ gã sẽ lo cho cuộc sống của cha con gã tốt hơn. Cuộc sống tốt hơn đâu chưa thấy, chỉ thấy những sợi dây vô hình của danh lợi trong từng bước chân xiêu vẹo của vợ như cái thòng lọng giàng buộc mảnh đời tăm tối của gã. Quả thực biết bao thầy, cô nhìn vợ gã với ánh mắt nửa như ngưỡng mộ, nửa như ngờ vực. Song cũng có kẻ ganh tỵ đôi khi con mắt cũng phải tròn phải dẹt. Thế rồi, cũng kể từ đó gã cũng chợt nhận thấy cuộc sống, không khí sinh hoạt gia đình bị xáo trộn, tẻ nhạt, nặng nề và trống vắng hơn. Là giáo viên, vợ gã không chỉ đi dạy, còn phải đi học, đi thư viện, đi hội thảo, v.v… Công việc của vợ, gã không hiểu mấy, tuy cũng lơ mơ thấy sự thất thường về thời gian. Một điều dễ nhận thấy là vợ gã ngày càng trẻ ra, đua đòi hơn không chỉ về thời trang, mà cả trong lời ăn, tiếng nói đến dáng đi. Thậm chí thỉnh thoảng thị còn chêm vô những lời giáo huấn rỗng tuếch của không ít kẻ tự cho mình nhiều chữ khi cao hứng dạy con, bảo chồng. Là người ít ngao du đàn đúm, gã sống tự ty và kín đáo như kẻ sỹ ẩn dật quanh quẩn trong bốn bức tường. Bù lại gã biết chăm chỉ với công việc thường nhật và khá khéo tay. Những lúc rảnh rỗi gã chăm sóc vườn cây cảnh ngoài sân, tỉa tót những hình thù theo ý muốn. Trông gã lúc đó dáng tao nhã, thư thái, nhàn hạ và thật hạnh phúc. Ngày qua ngày. Vẫn những công việc nhàm chán ở cơ quan và ngổn ngang bề bộn với việc nhà. Gần xa. Đâu đó gã nghe loáng thoáng dư luận nói về vợ gã có cặp bồ với những người đồng nhiệm cùng trường. Tin. Gã không tin. Riêng có một điều gã cũng tự cảm nhận được là vợ gã lâu lâu mới cho gã đụng chạm xác thịt, nhưng không còn hương vị của tình ái vợ chồng như trước mà như là hai kẻ cô đơn bất chợt gặp nhau trong mê ngủ, chung giường nhưng dị mộng. Chẳng thế, sau mỗi lần ân ái vội vã, chóng vánh, nếu không tự rút nhanh về phòng mình thì thế nào vợ gã cũng rít lên một giọng điệu quen thuộc, mắt sắc lạnh: “Làm ơn cho tui ngủ”. Thú thật, nhìn gã lúc đó như một món đồ chơi hết đát hơn là một thằng người được gọi là chồng. Sức gã có thế, phải biết làm sao? Rồi một lần vô tình gã đọc được những dòng tin nhắn của một ai đó gởi vào điện thoại di động của vợ. Vô tình, vì gã không tò mò và cũng ít quan tâm. Chỉ có điều vợ gã đang ở ngoài sân, điện thoại để trong kệ bếp bất chợt tò te tí… Gã tính cầm đưa cho vợ, không ngờ là tin nhắn. Trong ái tình, tin nhắn như kẻ vô hình phiêu du không biên giới. Giống như trò chơi tinh nghịch thích trêu ghẹo, bỡn cợt với đời, nhưng đôi khi cũng tinh tế, cao siêu và thơ mộng. Nó thường là nụ hôn của hoa hồng có gai trong mắt thiếu nữ và cũng có thể là vần thơ có cánh của những thiên thần trong trò ảo thuật của đàn ông từng trải. Dẫu vậy, tin nhắn luôn ẩn giấu bao điều chân thật, đáng yêu, nhưng cũng không ít điều ngang trái éo le của tình đời. Gã chết lặng khi đọc những dòng chữ nhòe nhoẹt: “Be TS kia dang lam gi do, co nho anh khong?”, “Be TS oi, mimi!”… còn gì nữa, chưa đọc hết thì bất ngờ vợ gã từ ngoài sân lao vô cướp điện thoại và tru lên: - Làm gì thế? Có biết đọc trộm tin nhắn của người khác là ở tù không? Như sực tỉnh, gã quát có ý dọa: - Phải ly hôn! Không ngờ, thị bĩu môi thách thức: - Có giỏi thì viết đơn đi! Vẻ tự ty nhút nhát, hiền lành và tự chủ thường ngày của gã tự nhiên trốn mất, nhân cách tưởng như bản sắc độc đáo giữ vai trò chủ thể trong hoạt động của mỗi cá nhân ai dè cũng là thứ dễ hoán vị, biến cải mau lẹ, thất thường. Trong khoảnh khắc, gã lao tới giật chiếc điện thoại trong tay vợ ném vô tường. Chiếc điện thoại vỡ nát. Những mảnh vỡ rơi tứ tung như những mảnh tình nhầy nhụa đang rỉ máu. Ghen! Mắt gã vằn lên nhìn vợ. “Đểu cáng thật”. Gã chửi và thề không bao giờ rờ mó đến điện thoại của thị và cũng không bao giờ dùng điện thoại di động. Vợ gã há hốc mồm kinh ngạc. Tất cả đều câm lặng! Chỉ con chó đen lấm lét, dáo dác nhìn ra từ phía góc nhà. 3 Trời mưa lạnh. Khác với mọi ngày, vợ gã chiều nay ở trường về rất sớm và hình như đang bận tíu tít với chuyện nấu ăn gì đó có vẻ thịnh soạn lắm. Kệ thây! Không quan tâm. Vẫn cái quần xà lỏn màu cháo lòng, gã nằm trên chiếc đi văng ngoài hiên chúi mũi vào tranh thiếu nhi và hút thuốc vặt. Bỗng nhiên, vợ gã đến giọng nhỏ nhẹ khác thường: - Nhà sắp có khách. Anh thay đồ tiếp khách dùm em. - Khách khứa gì? Gã lầu bầu khó chịu. - Thầy, cô ở trường đến chơi. Vợ gã nói. Gã nghĩ, dù sao cũng là những người quen thân. Chẳng nhẽ? Rồi mọi người cũng kéo đến, lại có cả Hiệu trưởng. Thật lạ! Gã thầm nghĩ chắc có chuyện gì quan trọng. Quả thật, trong bữa ăn ngoài chuyện gã được mọi người khen có vợ đẹp, con khôn, nhà cao cửa rộng và thời gian còn lại họ toàn bàn về chuyện nhà trường. Thấy không tiện, gã lùa vội thức ăn vô miệng rồi cáo lỗi ra ngoài phòng khách. Không hiểu lắm, nhưng gã cũng loáng thoáng nhận thấy nội bộ nhà trường rối rắm, lộn xộn và bát nháo. Chỉ có điều, vợ gã có vẻ hí hửng ra mặt, khi hiệu trưởng nói về chuyện kiện toàn tổ chức nhân sự gì đó. Tiệc tan, mọi người lục đục ra về. Hiệu trưởng miệng cười tươi rói. Vung tay, với cử chỉ dứt khoát có ý như khẳng định, khi nói với gã: - Chuẩn bị ăn mừng nhé! Gã không hiểu, nhưng cũng lắp bắp cám ơn. Tối. Như thường nhật, gã còn luẩn quẩn bên mấy gốc cây ngoài sân để tưới cây, nhặt những bông sứ đỏ rụng vương vãi và quét dọn. Hôm nay, gã có vẻ mệt nên nằm uể oải trên đi văng, ngáp vặt. Trong chốc lát gã chìm vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ, gã mơ thấy cảnh vợ bị người ta lột truồng và tạt axít làm khuôn mặt bị biến dạng vì tội quyến rũ chồng người khác để mưu cầu danh lợi. Khuôn mặt biến dạng ấy, trông thật kinh dị. Vì hai con mắt màu đỏ trong hốc mắt sâu thâm đen, hàm răng lại trắng nhọn, lởm chởm như răng ma. Gã rùng mình và lạnh sống lưng, trán vã mồ hôi hột. Trong lơ mơ và sợ hãi, gã cảm nhận mơ hồ thấy như có bàn tay ai nắm tay mình. Gã bật dậy và la thất thanh: - Ma! Ma! - Ma nào, em đây. Gã trấn tĩnh. Thì ra là vợ gã. Gã thở hổn hển và chợt nghĩ tại sao thị? Như đọc được sự suy nghĩ của gã, thị đưa nhẹ bàn tay vuốt mớ tóc rối như tổ quạ của gã ra vẻ âu yếm: - Em đã chuẩn bị nước nóng, anh tắm, xong rồi qua phòng em nghe. Miệng nói, tay làm. Chưa kịp phản ứng gì về sự bất thường của vợ, thì thị đã dìu gã lên lầu. Nửa như muốn giằng khỏi tay thị, nửa như chờ đợi xem thị sẽ làm gì? Chỉ có điều gã cũng thấy thinh thích, vì chẳng mấy khi được thị quan tâm dễ thương đến như vậy. Đêm. Tiếng kêu rè rè của chiếc máy in làm gã tỉnh giấc. Thấy vợ vẫn còn ngồi trước bàn máy tính và đang sắp xếp lại những trang giấy mới in xong thành nhiều bản. Gã lấy chiếc khăn tắm choàng lên tấm thân còm cõi rồi nhẹ nhàng đến bên cạnh và hỏi: - Làm gì khuya vậy? - Em làm đơn. Vừa nói, thị vừa đưa xếp giấy vừa in cho gã. Một thoáng sững sờ, nhưng gã cũng cầm xếp giấy và đọc lướt qua. Trong đó có dòng tin nhắn cộc lốc: “Co nguoi noi em quan he với Q. Hay can than de tranh nhung dieu thi phi. Neu em ranh, chieu mai gap o caphe Chieu Hoang, anh noi ro hon”. Bức xúc và ngạc nhiên, gã nhíu mày đổi giọng, gằn hỏi: - Có mấy dòng tin nhắn không đâu mà em cũng làm đơn tố cáo và tại sao lại nhân danh anh? Thế em không nhớ, mấy tháng trước em đã từng làm đơn nặc danh, gởi đi khắp nơi tố cáo họ về đủ thứ chuyện, kể cả chuyện người ta ăn nhậu ở “Nhà hàng thịt chó, nói xấu nhà trường”, v.v… nhưng có giải quyết được việc gì đâu? - Sao ngốc thế? Đành rằng, mấy dòng tin nhắn đó họ có ý thiện chí. Nhưng đây nói thiệt: thiệt chí, thiệt tình, thiện tâm cũng không bằng thiệt thòi, thua kém… mình phải lợi dụng điểm yếu của họ để diệt họ. Có vậy, mới sớm được làm trưởng khoa, trưởng phòng không khéo một năm sau em lên hiệu phó đó. - Trưởng khoa, trưởng phòng, hiệu phó? Chẳng lẽ cái trường này toàn những người điên? Cứ cho như thế đi. Ừ, em thử nói xem tố cáo người ta vì lý do gì? - Thiếu gì lý do! Thị đanh đá và chẩu mỏ: - Tội vu khống em quan hệ bất chính, làm mất danh dự phẩm giá của em, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Vì tội rủ rê em ra quán cà phê, mà em là gái đã có chồng, hơn nữa em cũng là tiến sĩ. Như để khẳng định việc làm của mình là có lý vợ gã còn bật mí: - Hồi tối, mọi người đều khuyên em nên làm như thế. Đây là cơ hội trời cho, anh không đứng tên tố cáo, là có tội với vợ con để vợ con nghèo, thua thiệt. Em đề nghị anh làm cũng vì cái gia đình này, cũng vì cả đời phấn đấu của em nữa. Anh nghĩ làm trưởng khoa, trưởng phòng khó à? Cứ bổ nhiệm đi, có quyền là em làm được hết. Cần gì tín nhiệm, cần gì đức tài, thời buổi này có thân quen, có tiền, có tình là xong hết. Có người tài hèn đức mọn cũng làm được hiệu trưởng, hiệu phó chứ trưởng khoa, trưởng phòng là cái đinh gì. Chợt thấy mình lỡ mồm, lỡ miệng, thị lấy tay che miệng và đổi giọng ra điều trách cứ: - Xem lại mình đã làm được gì cho vợ con? Đất cát, nhà cửa, kiếm tiền cũng một tay tui. Thị khóc, tiếng khóc tức tưởi, não nề. Đòn đánh tâm lý này của vợ làm gã qụy hẳn vì tủi nhục… Chợt nhớ lại chuyện hồi tối, gã thấy hạnh phúc. Lâu lắm rồi, từ cái ngày hai vợ chồng cãi lộn, rồi những đêm mưa gió đi rình vợ ngoại tình, gã đổ bệnh phải vô viện cấp cứu. Từ đó đến giờ mấy khi được biết mùi ái ân. Thế mà! Gã chép miệng. Gã cầm tập đơn và ký. Gã ký thật nhanh cho xong chuyện. Đơn giản, vì gã nghĩ vợ gã thưa kiện cũng giải quyết được gì, nhưng qua đó có thể cuộc sống dạy thị biết thế nào là lễ độ. Chỉ chờ có thế, vợ gã ôm, hôn gió chùn chụt và dìu gã lên giường. Nằm bên vợ, không như hồi tối, gã xụi lơ. Song, gã vẫn cảm nhận được trên thân hình phốp pháp, trắng ngà của vợ thấp thoáng mờ ảo sự vằn vện những con chữ to nhỏ, nhưng đậm hương rừng hoang của đàn bà vùng sơn cước có sự hấp dẫn là lạ. Tuy đã ngoại tứ tuần, nhưng vợ gã vẫn đẹp. Nhất là đôi mắt sâu và ướt. Trong ánh mắt đó có phảng phất chút bóng tối nhỏ nhoi của thói gian manh, tráo trở và đa tình, nhưng vẫn đẹp, đẹp đến lẳng lơ. Thảo nào nhiều thằng mê và theo đuổi. Nghĩ đến điều đó gã thấy nghèn nghẹn trong cổ vì bị ám ảnh bởi giấc mơ ma quái khi tối. Thấy gã nằm im, vợ gã nói: - Mệt rồi, về phòng nghỉ đi, em còn phải làm việc tiếp. Thị còn thêm rằng, nếu những lá đơn này không có kết quả, thì thị sẽ tiếp tục làm đơn và xúi giục một vài người làm đơn chính danh tố cáo tiếp. Sau này thị làm thật. Một việc làm bị mọi người phỉ nhổ, hơn là đồng tình mà kết quả chỉ là con số không sình bụng. Gã nhìn vợ, thấy thị cười. Nụ cười nhạt, nhẽo nhoẹt có hương vị tanh tanh thấm đượm một chút tàn nhẫn, một chút man rợ kỳ quái trong cuộc thương lượng vô cảm nhìn từ ba phía: Vợ – chồng; ái tình – dục vọng và danh lợi. Nặng nề trong từng bước chân lết xuống tầng dưới, gã cảm thấy như mình đang buớc xuống tầng sâu của địa ngục tăm tối và tội lỗi. Khi xuống tầng trệt thấy con chó đen nguẩy đuôi mừng như đang chờ gã. Lại mày! Gã lẩm bẩm và chợt nhớ, hồi tối khi đang ái ân với vợ nghe tiếng cào ngoài cửa và tiếng rên ừ ừ đáng ghét của nó, gã đã cho nó một đá lăn cù chiêng xuống cầu thang. Vì, thường đêm nó luôn ở bên gã. Gã thấy thương con chó, cúi xuống vuốt ve nó rồi trở lại phòng khách. Chưng hửng. Mệt, đầu óc trống rỗng, nhưng gã không buồn ngủ. Gã hút thuốc, khói thuốc cuộn lên rồi lan toả như muốn chia sẻ những tâm tư, uẩn khúc và biết bao câu hỏi của cuộc đời mà gã đang tìm cách trả lời. Gã suy tư và và tự trách mình là không biết tại sao mình lại như thế? Tại sao vợ mình lại điên dại đến thế? 4 Hôm nay gã dậy muộn, vì tối qua gã xỉn. Bỗng có tiếng chuông điện thoại, gã không quan tâm. Gã nghĩ là vợ gã gọi, nhưng lần này tiếng chuông đổ dài hơn mọi lần. Gã lững thững bước tới nhấc ống nghe. Phía đầu dây bên kia giọng phụ nữ, gã không nói chỉ thấy dạ, dạ. Mắt gã bỗng đỏ ngầu, đôi mày nhíu lại và từ trong khoé mắt ngấn lệ trào ra tự bao giờ. Gã khóc. Gã chạy vội lên lầu vơ mấy cái quần áo nhét vội vô túi. Khoá cửa nhà, kêu xe ôm về bến xe Miền Tây. Gã về quê. Ơ quê lên. Thấy gã về, vợ gã hất hàm gặng hỏi: - Ông đi đâu về? Gã không trả lời, lầm lũi mở hộc tủ bếp lấy chai rượu đế còn phân nửa và bịch đậu phộng rang mang ra phòng khách. Gã uống liên tiếp mấy ly rồi đặt mạnh cái ly xuống bàn và quát : - Cô có biết tui đi đâu về không? - Ông đi đâu, làm gì, có nói với ai bao giờ làm sao tui biết? - Bà già đau nặng, tui về thăm… và tại sao…? Gã định nói tiếp, nhưng thấy nghèn nghèn nơi cổ họng một vị đắng chát. Chả là, khi về quê, chị ruột gã cho biết trước đó một ngày đã điện liên tiếp lên nhà nhưng không ai cầm máy, điện cho vợ gã cũng không nghe. Chị nói có thể vợ gã đang dạy dành phải nhắn tin cho vợ gã. Do vậy, khi nhận được cú điện thoại của chị, gã đã tức tốc về quê. - Tại sao cô không nghe điện thoại ở quê gọi lên và biết bà già tui đau nặng không báo cho tui biết? - Tui mắc dạy, công việc bù đầu, mà tui cũng không nhớ. Ông về là được rồi còn bắt bẻ gì tui? Nhiều chuyện! - Khốn nạn. Người dưng, nước lã cũng không đến nỗi. Đằng này, dù sao cũng là vợ chồng sống chung một nhà mà cô sống như… nữa là. – gã định nói “như một con điếm”. Song thấy con gái đã lớn đã chứng kiến cuộc tranh cãi và đang ôm mặt khóc nên gã đành nín lời. Gã tức, nhưng không nói gì thêm. Gã trở ra phố. 12 giờ đêm gã về nhà. Gã bấm chuông. Ngay lập tức con chó đen chạy ra mừng rỡ, chồm lên rên gừ gừ và luôn lấy chân cào cánh cổng. Hình như nó cảm thấy bất lực liền quay vô trong nhà sủa lên mấy tiếng. Nhưng tất cả đều im lặng. Gã nhìn lên phía cửa sổ phòng vợ vẫn thấy có ánh đèn, nhưng sau đó ít phút ánh đèn vụt tắt. Đâu đó, trên tầng cao chỉ có những ngọn gió nghêu ngao như vít mấy cành cây trông như lõa thể dưới bóng trăng suông như xoi mói vào khuôn cửa sổ để trêu ghẹo, rũ rê người đàn bà phóng đãng… Gã ngồi xuống luồn tay qua song cửa cổng, như một kẻ tử tù xổng chuồng vuốt nhè nhẹ lên đầu con chó đen rồi đứng lên. Bỗng con chó chồm lên sủa liên hồi và cào mạnh vô cánh cổng như muốn nói với gã “tôi muốn đi theo ông”. Cầm lòng không được. Gã chợt nhớ ở cuối bờ rào có một lỗ hổng nhỏ. Gã tới đó. Con chó cũng tới đó tìm cách chui ra. Nó mừng nhẩy bổ vào gã mừng mừng tủi tủi. Gã đi trước, con chó theo sau. Được một quãng, gã nhìn lại căn nhà mình giống như nấm mồ hoang lạnh. Gã đi băng qua khu đất trống để về ga Bình triệu.
4 nhận xét :
Thầy ơi! Có phải Thầy viết về một cô ở trong trường?
Câu chuyện thật hay, nhưng cũng thật bi ai của những kẻ ham danh - lợi tiêu biểu cho một mẫu người được gọi là cô - một người tri thức!
Em đã từng nghe về người ta nói về chuyện này ở trường, chắc tác giả viết lên cảm xúc của mình? Hình ảnh người thầy, cô trong truyện cần phải lên án. truyện thật lôi cuốn! Camen!
Đúng như Nhà Phật đã nói: "Kẻ thù lớn nhất trong cuộc đời của mỗi con người là chính mình"! Không biết cô giáo trong truyện là người có thực ở ngoài đời không? Dù sao cũng cám ơn tác giả về câu truyện này, để tôi có một cái nhìn đúng với sự ngang trái của tình người.
Đăng nhận xét