Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

"Đây thôn Vĩ Dạ" - một cách tiếp cận

             (Bài sửa và đăng lại) Hàn Mạc Tử sinh 22 tháng 09 năm 1912 nhằm ngày 12 tháng 08 năm Nhâm Tý. Tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ở làng Lệ Mỹ, huyện Đồng Lộc, tỉnh Đồng Hới, nay là tỉnh Quảng Bình. Theo cách nói ngày xưa, Ông là một trong những tên tuổi nổi bật của phong trào “thơ mới”. Còn bây giờ, phải nói chính xác hơn, ông là tác giả của những bài thơ văn xuôi nổi tiếng.
Thơ Hàn Mạc Tử đã từng gây nên sự kinh ngạc và những ý kiến khác nhau trong bình giả, thưởng thức của mọi tầng lớp xã hội đương thời và cho đến tận ngày nay. Chả thế, trong giới văn nghệ sỹ còn mãi tranh luận rằng: “Đâu là hồn thơ của Hàn Mạc Tử”? Chỉ biết rằng, ông là một tài năng lớn, độc đáo với một phong cách rất riêng, nếu không nói là chỉ có một. Đó là dòng thơ mãnh liệt, - mãnh liệt đến lạ thường. Sức sống mãnh liệt ấy ẩn chứa những nét chấm phá kỳ dị của chữ ‘Tình”. Chữ tình trong hoang sơ, cần phải kiếm tìm và chinh phục để sáng tạo. Chữ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi, nhưng không thô tục, cái tục trong sự ẩn dụ của sự trào dâng, khao khát để được hiến dâng, để được thăng hoa.
Trong lịch sử thi ca Việt Nam, thi sỹ họ Hàn, - chàng thi sỹ độc đáo, có một vị trí đặc biệt. Cái độc đáo và đặc biệt ấy là dòng thơ “Điên” của ông. Lâu nay, ít người để ý xem Hàn Mạc Tử sinh vào mùa nào trong năm. Mặc dù, họ đều biết ngày, tháng, năm sinh của ông. Ông sinh giữa mùa trăng, mùa trăng trung thu. Phải chăng, từ trong sâu thẳm của cái cõi hư vô, huyền ảo ấy đã cho ra đời những bài thơ tình hay nhất về trăng trong làng văn Việt Nam của Hàn Mạc Tử?
Thơ Hàn Mạc Tử là thơ của tận cùng niềm tin và siêu thực. Niềm tin trong khao khát được sống, được yêu trong đợi chờ. Thật trớ trêu thay, sự đợi chờ nơi ông là sự khắc khoải hình như vô vọng bởi bệnh phong hành hạ đến tàn nhẫn. Song, chính bệnh phong là giây oan của số phận, - số phận của sự dồn nén để tuôn trào thơ trong cõi phiêu du, ở bến cô liêu của chữ “Tình”. Trên bến cô liêu của dòng sông Ngân, - nơi con thuyền là mảnh trăng, nhưng “đi trong thuyền, chúng tôi có cái cảm tưởng lý thú là đương chở một thuyền hào quang, một thuyền châu ngọc, vì luôn có những vì tinh tú hình như rơi rụng xuống thuyền… Trên kia, phải rồi, trên kia, in hình có một vì tiên nữ đang kêu thuyền để quá giang…” (Chơi giữa mùa trăng).
Cái siêu thực trong thơ của Hàn Mạc Tử, không phải là đối lập với hiện thực, từ bỏ hiện thực mà hình như chấp nhận cái hiện thực nghiệt ngã của cuộc đời. Cuộc đời, mà trong đó trí tưởng tượng phóng túng của nhà thơ có khả năng vượt lên trên số phận để gành lại cái tình yêu bất chợt đến, rồi đi. Đi trong hư ảo của cái mênh mang của ánh trăng… và đâu đó, như lắng đọng một nỗi đau đến khôn cùng…
“Đây thôn Vỹ Dạ”. Một trong những bài thơ nổi tiếng của Hàn Mạc Tử gởi cho Hoàng Cúc. Đối với nhà thơ, mối tình ấy là mối tình đơn phương nhưng là mối tình đẹp. Đẹp đến nao lòng. Bởi nó ẩn chứa tận cùng của niềm tin và siêu thực.
Hoàng Cúc là hình ảnh ẩn dụ của sự liên tưởng của nàng thơ trong tâm hồn Hàn Mạc Tử hay là người liên quan trực tiếp đến bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ”? Nàng tên thật là Hoàng Thị Kim Cúc, sinh ngày 05.12.1913 (kém Hàn Mạc Tử một tuổi). Cũng như Hàn Mạc Tử, nàng theo gia đình vào Qui Nhơn sinh sống vì cha nàng là công chức, làm việc tại Qui Nhơn. Năm 1933, Tử làm việc tại sở Đạc điền Qui Nhơn và quen Hoàng Tùng Ngâm em họ của Hoàng Cúc. Hoàng Cúc cũng là người thích viết báo chí, làm thơ lấy bút danh Hoàng Hoa nữ sĩ nên cũng quen biết Hàn Mạc Tử. Phải chăng cái nghiệp văn chương ấy đã cho hai người gặp nhau? Chỉ biết rằng chàng thi sỹ đa tình Hàn Mạc Tử, sau đó đem lòng “si mê” Hoàng Cúc. Sự si mê ấy, không biết là duyên văn chương hay kỳ ngộ mà Hàn Mạc Tử đã làm một số bài thơ tặng nàng. Bài “Hồn Cúc”:
Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn cúc ở trong sương
Hay qua bài: “Em lấy chồng”:
Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Một số bài đã đến tay Hoàng Cúc qua Hoàng Tùng Ngâm. Chẳng biết Hoàng Cúc có tỏ tường tình cảm của chàng không?
Năm 1936, Hoàng Cúc theo gia đình về Huế sinh sống. Và cũng trong năm đó, sau khi phát hành tập thơ “Gái quê”, từ sài Gòn Hàn Mạc Tử ra Huế gặp và tặng các anh, em trai của cô bạn gái Hoàng Cúc. Với Hoàng Cúc thì nhà thơ không dám đưa tặng. Phải chăng, ông ngại hay chưa dám thổ lộ cái tình cảm riêng tư của mình? Chỉ biết rằng, trước khi trở lại Qui Nhơn, Hàn Mạc Tử có đến nhà cô ở thôn Vĩ Dạ, cũng “không dám” gặp Hoàng Cúc, - đến để ngắm nhìn, để suy tư hay để tìm nguồn cảm xúc để sang tác bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”?
Khoảng hè năm 1938, Hoàng Tùng Ngâm từ Qui Nhơn viết thư báo cho Hoàng Cúc biết Hàn Mạc Tử mắc bệnh nan y và khuyên cô viết thư thăm Tử, để an ủi, động viên. Nhưng Hoàng Cúc không viết thư mà chỉ gửi một tấm ảnh nhỏ. Trong tấm ảnh ấy có mây nước, có chiếc đò ngang với cô lái đò, mấy khóm tre và có cả ánh trăng vàng hay ánh mặt trời chiếu lênh đênh trên dòng nước. Sau tấm ảnh, Hoàng Cúc viết đôi dòng hỏi thăm sức khỏe Hàn Mạc Tử, không ký tên và nhờ Hoàng Tùng Ngâm trao cho Hàn Mạc Tử.
Không lâu sau đó, Hoàng Cúc nhận được bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” và có kèm theo mấy dòng chữ của Hàn Mạc Tử: “Túc hạ có nhận được bức ảnh bến Vỹ Dạ lúc hừng đông hay một đêm trăng? Và mấy hàng của Túc hạ gửi thăm, muôn vàn cảm tạ. Túc hạ còn nhớ đến người năm xưa, thế là phúc hậu lắm rồi. Mong ơn trên độ xuống cho Túc hạ thật đầy và mong một mùa xuân nào ấy sẽ đến thăm Túc hạ cho phỉ dạ. Thăm Túc hạ bình an, vui vẻ - Hàn Mạc Tử”. Có chữ ký dưới bài thơ.
Đây thôn Vỹ Dạ, một bài thơ tình còn nhiều ẩn số. Trong bức ảnh Hoàng Cúc tặng Hàn Mạc Tử không có bóng hàng cau, chỉ có mấy khóm tre trên bến Vĩ Dạ. Về địa danh, ai mà chẳng biết Thôn Vỹ Dạ, nằm bên kia đập đá, cư dân ở đây phần lớn khi đó thuộc tầng lớp thượng lưu giàu có. Kế thôn Vỹ Dạ là thôn Nam Phổ, một thôn bình dân, sống bằng nghề trồng cau. Vì vậy, mà từ xa xưa đã có câu ví như: “Mua vôi chợ Quán chợ Cầu. Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh”. Hơn nữa, các cô gái Nam Phổ còn nổi tiếng là gái trèo cau giỏi. Vì thế cũng có câu “Con gái Nam Phổ ở lỗ trèo cau”. Các cô gái thôn Vỹ Dạ rất sợ người ta nhầm lẫn xếp vào diện câu ví đó. Không biết điều đó có đúng không? Nhưng trên thực tế ở thôn Vỹ Dạ cây cau không phải là biểu tượng về nghề nghiệp và đặc điểm riêng của thôn này. Vậy mà Hàn Mạc Tử lại mở đầu bài thơ: “Sao anh không về chơi thôn Vỹ/ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”? Theo chúng tôi, ở một phương diện nào đó, Hàn Mạc Tử cũng tự mình cảm nhận được khoảng cách mơ hồ, vô hình về nguồn gốc xuất thân của mình và Hoàng Cúc. Có lẽ, trong sâu thẳm của hồn mình, chàng muốn nàng bớt đi một chút – một chút thôi cái tính đỏng đảnh, kiêu sa, đài các vốn có của các cô gái thượng lưu để có thể có thêm nét bình dị, chân chất hồn nhiên của con gái bình dân, - là hình ảnh theo chàng sẽ đẹp hơn, quyến rũ và gần gũi hơn, để chàng bớt cô liêu, chờ đợi trong tuyệt vọng. Rồi từ chiêm nghiệm, sự mơ hồ ấy vẫn cứ hiện hữu một sự thật về nàng, về những gì mà ở trong đó, - cái lãng mạn, sự mộng tưởng xa xăm chỉ có thể ở thiếu nữ đài các có tâm hồn nghệ sỹ: “Gió theo lối gió, mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu, hoa bắp bay/ Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay”.  
Câu cuối của bài thơ còn có nhiều lý giải khác nhau: “Mơ khách đường xa, khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra/ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà”. Theo ý kiến của một số người, hình ảnh “áo em trắng quá nhìn không ra” là do Hoàng Cúc mặc chiếc áo dài màu trắng mà tấm ảnh đã cũ, nên Hàn Mạc Tử không thấy rõ. Còn theo Nguyễn Bá Tín “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”, có thể Hàn Mạc Tử ám chỉ đời sống khói nhang cõi thiền của Hoàng Cúc. Theo chúng tôi, điều đó không hẳn như vậy. Mặc dù, bức ảnh nhỏ mà Hoàng Cúc gửi tặng Hàn Mạc Tử là một trong những nguồn cảm xúc để chàng viết bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ”, nhưng không phải là tất cả. Thử hỏi, trong tấm ảnh có mấy khóm tre, sao chàng lại tả hàng cau? Nhưng cũng có lý, nếu chúng ta liên tưởng đến “lá trúc”, mà không phải là lá cau, lá tre mà Hàn Mạc tử dùng trong bài thơ. Có thể hiểu đó là sự liên tưởng về mùa đông, về cõi thiền? Hơn nữa, chưa có ai nói một cách chính xác rằng Hoàng Cúc trở thành cư sĩ ăn chay trước hay sau khi bài thơ ra đời? Rồi năm bài thơ ra đời cũng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Vì vậy, chính cái khoảng cách mơ hồ và vô tình kia không chỉ cho Hàn Mạc Tử nhận thấy mà còn là câu hỏi chàng ngầm hỏi về nàng. Và câu hỏi ấy Hoàng Cúc đã một lần bày tỏ, khi bà gửi thư cho Quách Tấn (Quách Tấn là là bạn thân thiết của Hàn Mạc Tử), để “nói lại cho rõ” khi đọc hồi ký của ông về “Đôi nét về Hàn Mạc Tử” đề ngày 15.03.1971. Hoàng Cúc đã phản bác chi tiết trong hồi ký mà Quách Tấn nói rằng sở dĩ hai người không thành duyên nợ là do thân sinh của bà chê Hàn Mạc Tử không xứng đáng và cuối cùng bà khẳng định: “Hồi ấy tuy Tử ở gần nhà tôi, song Tử và tôi cách xa nhau như hai ngọn núi. Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng! Tuy thế Tử cũng đã tìm cách để gặp, nhưng vẫn chưa toại nguyện”.
Về chuyện này, theo chúng tôi chi tiết nhỏ trong hồi ký viết về mối tình giữa Tử và Hoàng Cúc là có cơ sở và chúng ta cũng không trách cứ sự phản bác của Hoàng Cúc, vì đó cũng lẽ thường tình. Sự thật là Hàn Mạc Tử có nhờ nhà thầu khoán Bùi Xuân Lang ở Qui Nhơn đến dạm hỏi, Bùi Xuân Lang vừa quen với Tử và vừa quen biết với thân sinh của Hoàng Cúc. Nhưng kết quả thì không ai rõ.
Hoàng Cúc ngày ấy là một thiếu nữ trẻ trung, kiêu sa, kín đáo ít nhiều có có tâm hồn văn chương và lãng mạn thì việc làm quen, đáp lại những tình cảm như Hàn Mạc Tử cũng là chuyện tự nhiên… Chỉ có điều, mối tình ấy như lảng bảng trong “sương khói” của hồn thơ thi sĩ – của nàng thơ nguyên mẫu vẫn luôn sáng lung linh và huyền ảo của ánh trăng, thuyền trăng trên dòng sông trăng – Đây thôn Vĩ Dạ - cái rất riêng, ẩn giấu những bí mật của chàng và nàng.
Thời gian trôi đi, cô Hoàng Cúc ngày xưa, - người ẩn giấu tâm hồn mình trong cảm xúc trào dâng của Hàn Mạc Tử, ngày nào là một cô giáo dạy trường Đồng Khánh, sau đó trở thành cư sĩ ăn chay trường…cho đến khi qua đời 1989. Hẳn bà cũng đã cảm nhận được sự trọn vẹn tình yêu của Hàn Mạc Tử dành cho Hoàng Kim Cúc? Hơn nữa, một phần thưởng dành cho bà là bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” đã được Bộ GD & ĐT chính thức đưa vào giáo trình thơ văn 1930 – 1945.

Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che nghiêng mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp bay
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.

0 nhận xét :