1. Những vấn đề chung
Phật giáo là một trường phái triết học không chính thống
(tà giáo) ở Ấn Độ cổ đại. Thuật ngữ Buddha (Phật) còn có nghĩa "giác
ngộ". Phật giáo xuất hiện vào thế kỷ VI trước công nguyên. Người sáng lập
ra Phật giáo là Siddahatha (Pháp danh: Thích ca mâu ni – Tất Đạt Na – Phật tổ Như Lai). Ông là thái tử
của Vua Tịnh Phạn (vương quốc nhỏ, nay thuộc Nêpan) dưới chân núi Hymalaya,
sinh khoảng năm 563 trước công nguyên. Chế độ đẳng cấp khắc nghiệt, đời sống khổ
cực của những người nô lệ đương thời và sự bất lực của con người trước những
khó khăn của cuộc đời và của xã hội đã khiến Siddhartha sớm có ý định từ bỏ
cuộc sống đế vương để đi tìm đạo lý cứu người, cứu đời. Năm 29 tuổi ông rời bỏ
hoàng cung, đi tìm đạo cứu thế. Trải qua nhiều lần tu tập, đến 35 tuổi Ngài
giác ngộ được con đường giải thoát trong lúc ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề. Từ
đó Ngài đi nhiều nơi truyền bá (thuyết pháp) đạo của mình. Tôn giáo mới đó gắn
liền với tên tuổi của Ngài đã hình thành và phát triển rộng khắp Ấn Độ đương
thời. Người đời gọi là đạo Phật (Giác ngộ), nhưng điều đặc biệt là Siddahatha
không viết lại tư tưởng (học thuyết) của mình. Ông thọ 80 tuổi.
Sau khi Siddahatha mất (nhập diệt), các học trò của ông
đã phát triển tư tưởng của ông thành hệ thống tôn giáo - triết học lớn ở Ấn Độ
có ảnh hưởng rộng rãi, sâu sắc trong đời sống tinh thần và tâm linh của nhân
loại.
Kinh điển Phật giáo hiện nay rất đồ sộ, gồm ba bộ phận
gọi là Tripitaka (Tam Tạng) :
- Tạng kinh
(Sùtra) – Tạng kinh, được coi là sự ghi lại lời của Buddha thuyết pháp;
- Tạng luật
(Vinaya) tức là những điều mà giáo đoàn Phật giáo phải tuân theo;
- Tạng luận (Sàstra), tức về sự luận giải các vấn đề Phật
giáo của các học giả, cao tăng về sau.
Sau khi Phật nhiệp diệt, Phật giáo được truyền bá rộng
rãi các nước xung quanh Ấn Độ. Một hệ thống đi về phương Nam (Nam Tông – Tiểu
thừa)[1].
Đó là Tông phái phát triển ở miền Nam Ấn Độ và truyền sang các nước như
Sơrilanca, Myama (Miến Điện), Thái Lan, Lào và Căm Phu Chia; một hệ thống về
phương Bắc (Bắc Tông – Đại thừa). Đó là phát triển ở miền bắc Ấn Độ và truyền
qua Tây Tạng, Trung Quốc, Triền Tiên, Nhật Bản. Kinh điển Tiểu thừa viết bằng
tiếng bali[2]
(ngôn ngữ bình dân và đại chúng, thiếu văn phạm…). Kinh điển Đại thừa viết bằng
chữ Sanscrit (ngôn ngữ có căn bản văn phạm, có giá trị về văn học, nghệ thuật
được các học giả, tri thức ưa dùng). Thật ra, lúc Phật thuyết pháp, Phật chỉ
nói chứ không viết ra học thuyết của mình. Sau khi Phật nhập diệt thì đã có ba
lần kiết tập của các Tỳ khưu (môn đệ) hợp tụng, biên soạn các bộ kinh điển
trên.
2. Những tư tưởng cơ bản của phật giáo
2.1. Tư tưởng bản
thể luận
Phật giáo cho rằng các sự vật và hiện tượng, cũng như con
người là không có thực, là ảo giả do vô minh đem lại. Thế giới (nhất là thế
giới hữu sinh - con người) được cấu tạo do sự tổng hợp của các yếu tố vật chất
(sắc) và tinh thần (danh). Danh và sắc được chia làm 5 yếu tố (gọi là ngũ uẩn)[3]
Danh và sắc chỉ tụ hội với nhau trong một thời gian ngắn
rồi lại chuyển sang trạng thái khác, cho nên không có cái tôi (vô ngã). Bản
chất tồn tại của thế giới là một dòng biến chuyển liên tục (vô thường), không
thể tìm ra nguyên nhân đầu tiên, cho nên không thể có cái vĩnh hằng và không có
ai tạo ra thế giới.
Thế giới (sự vật và hiện tượng) luôn biến đổi theo chu
trình: Sinh - Trụ - Di - Diệt hoặc: Thành - Trụ - Hoại - Không theo luật nhân
quả. Khái niệm Duyên của Phật giáo được coi vừa là kết quả (quá trình cũ) và là
nguyên nhân (quá trình mới).
2.2. Tư tưởng nhân sinh quan
a. Khổ đế: Phật giáo cho
rằng cuộc đời là bể khổ, bao gồm 8 thứ khổ, gọi là "Bát khổ":
- Sinh[4]:
Sinh ra kiếp con người, tự thân sẽ có tất cả nỗi khổ chung của con người ;
- Lão: Tuổi già, sự bất cập trong cuộc đời của mỗi con
người;
- Bệnh: Bệnh về thể xác và nhất là bệnh về tư tưởng;
- Tử: Chết, nhưng chết không phải là hết;
- Thụ biệt ly: yêu thương nhau phải xa nhau;
- Oán tăng hội: Oán ghét nhau phải hội tụ với nhau;
- Sở cầu bất đắc: Muốn mà không được;
- Thủ ngũ uẩn: Sự cảm thụ và hội tụ của ngũ uẩn;
b. Nhân đế
Nhân đế còn gọi là tập đế, vì cho rằng mọi cái khổ đều có
nguyên nhân. Đó là 12 nhân duyên, còn gọi là "Thập nhị nhân duyên":
- Vô minh là không sáng suốt,
không nhận thức được thế giới, sự vật và hiện tượng đều là ảo giả mà cứ cho đó
là thực. Thế giới (sự vật, hiện tượng) đều do các Duyên hòa hợp với nhau tạo
nên.
- Duyên hành là hoạt
động của ý thức, sự giao động của tâm, của khuynh hướng, và đã có mầm mống
(manh nha) của nghiệp.
- Duyên thức là tâm thức từ chỗ trong sáng cân bằng trở nên ô nhiễm, mất cân bằng. Cái tâm
thức đó tùy theo nghiệp lực mà tìm đến các nhân duyên khác để hiện hình, thành
ra một đời khác.
- Duyên danh - sắc là sự hội tụ của các yếu tố vật chất và tinh thần.
- Duyên lục nhập là quá trình tiếp xúc của thế giới xung quanh với lục trần.
- Duyên xúc là sự tiếp
xúc giữa lục căn, lục trần hay là giữa các giác quan với thế giới bên ngoài
(lục căn: cơ quan cảm giác; lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
- Duyên thụ là cảm giác
do tiếp xúc mà nảy sinh ra yêu ghét buồn vui.
- Duyên ái là yêu
thích, ở đây chỉ sự nảy sinh dục vọng.
- Duyên thủ muốn giữ
lấy, chiếm lấy.
- Duyên hữu là xác định
chủ thể chiếm hữu (cái ta) thì phải tồn tại (hữu) tức là đã có hành động tạo
nghiệp.
- Duyên sinh: đã có tạo
nghiệp tức là có nghiệp nhân ắt có nghiệp quả, tức là phải sinh ra ta.
- Duyên lão - tử: có sinh tất có già và chết đi. Sinh- lão – tử là kết quả cuối cùng của một
quá trình, nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân của một kiếp trong vòng luân hồi
mới.
c. Diệt đế là khẳng
định cái khổ có thể tiêu diệt được, có thể chấm dứt được luân hồi.
d. Đạo đế (Bát chính đạo):
- Chính kiến: Hiểu biết đúng đắn nhất là Tứ
diệu đế.
- Chính tư duy: Suy nghĩ đúng đắn.
- Chính ngữ: Giữ lời nói chân chính.
- Chính nghiệp: nghiệp có tà nghiệp và chính
nghiệp. Tà nghiệp: phải giữ giới. Chính
nghiệp: Thân nghiệp - Khẩu nghiệp - Ý nghiệp.
- Chính mệnh: Phải tiết chế dục vọng và giữ
giới (giữ các điều răn)[5].
- Chính tinh tiến: Phải hăng hái,
tích cực trong mọi việc trên cơ sở sự hướng thiện, làm việc thiện và nhất là
việc tìm kiếm và truyền bá tư tưởng của Phật giáo cho mọi người.
- Chính niệm: Phải luôn tâm niệm tin tưởng
vào sự siêu thoát, phải thường xuyên nhớ phật, niệm phật.
- Chính định: Phải tĩnh lặng, tập trung tư
tưởng mà suy nghĩ về tứ diệu đế, về vô ngã, vô thường, khổ.
Với "Bát chính đạo" con người có thể diệt trừ được vô minh, giải
thoát và nhập vào Niết bàn là trạng thái hoàn toàn yên tĩnh, sáng suốt, chấm
dứt sinh tử luân hồi.
3. Phật giáo Việt Nam
Phật giáo truyền vào Việt Nam từ những
thế kỷ đầu công nguyên và là cả một quá trình lâu dài về mặt lịch sử, nhưng lúc
đầu trực tiếp từ Ấn Độ sang từ hướng Tây nam sau đó thay thế từ hướng Bắc
xuống. Do đó, các Tông phái Thiền tông ở Trung Quốc lần lượt được đưa vào Việt
Nam. Việc du nhập diễn ra với nhiều hướng khác nhau, nhiều thời điểm khác nhau,
nhiều tông phái khác nhau, tình hình đó đã để lại dấu ấn trong các giai đoạn
phát triển của phật giáo Việt Nam. Rõ ràng đó là một trong những cơ sở tạo nên
nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam.
Vị trí của phật giáo trong văn hoá tinh thần truyền thống Việt Nam. Văn hoá tinh thần truyền thống bao gồm: Chủ nghĩa yêu
nước và ý chí bất khuất đấu tranh để dựng ngước và giữ nước, Tinh thần nhân
nghĩa, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái – Tính lạc quan yêu đời -
Tính cần cù dũng cảm…
Phật giáo đã để cho dân tộc ta nhiều dấu ấn, có thể thấy từ tín ngưỡng,
phong tục tập quán, từ thế giới quan cho đến nhân sinh quan, từ tư tưởng cho
đến tình cảm. Phật giáo: Tư tưởng vị tha (tự tha), từ bi bác ái, cứu khổ cứu
nạn, tương thân, tương ái. Nếp sống trong sạch, giản dị chăm lo làm điều thiện,
v.v…Về tinh thần nhân đạo trong mọi quan hệ người với người đấm nét nhất là sắc
thái tình nghĩa. Tình, ở đây là tình thương, lòng yêu thương nhau trong khổ đau,
hoạn nạn theo triết lý nhân sinh phật giáo. Những mặt tích cực cũng đã để lại
những dấu ấn rất sâu sắc trong tư duy, hành động, cách ứng xử của con người
Việt Nam:
- Tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, cứu khổ cứu nạn,
thương người như thể thương thân, một tình yêu bao la đến cả chim muông, cây
cỏ.
- Nếp sống có đạo đức, trong
sạch, giản dị, chăm lo làm điều thiện.
- Tinh thần bình đẳng, tinh
thân dân chủ chất phác chống lại mọi phân biệt đẳng cấp. Đức Phật nói: “Ta là
Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”
- Phật giáo Thiền tông đề ra
luật”chấp tác”: “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”, đề cao lao động, chống
lười biếng.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam
kết hợp với chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm
của dân tộc ta, đã hình thành Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, chủ trương không xa
đời mà sống gắn bó với nhân dân, với đất nước, tham gia vào cộng đồng, vào cuộc
đấu tranh của nhân dân, chống kẻ thù dân tộc.
Nhân bản luận phật giáo có một
vị trí đặc biệt trong văn hoá tinh thần truyền thống Việt Nam với các giá trị
tư tưởng tôn giáo – triết học – đạo đức dân tộc. Các giá trị tư tưởng này đươc
thể hiện rất đa dạng thành các giá trị văn học, nghệ thuật, quan niệm sống, lối
sống, đạo lý làm phong phú thêm văn hoá truyền thống của người Việt. Đó là các
giá trị đề cao tính nội tâm, hướng nội của con người… chẳng hạn, lối sống nội
tâm như tư tưởng tự tha (chấp ngã – vô ngã) đến vị tha bởi sự hướng thiện qua
dưỡng sinh, thơ thiền, tranh thiền, thư pháp, trà đạo, hoa đạo, võ đạo… được
đánh giá như những đóng góp độc đáo của phật giáo vào văn hoá tinh thần tuyền
thống Việt nam.
[1] Danh từ Nam tông và Bắc Tông là
danh từ dùng chỉ địa lý. Danh từ Tiểu
thừa và Đại thừa là danh từ để
chỉ phần tư tưởng và giáo lý dị biệt giữa các môn phái của Phật giáo.
[2] Ấn Độ cổ có hai ngôn ngữ: Pali và Sanscrit.
[3] (1) Sắc (vật
chất). (2) Thụ (cảm giác); (3) Tưởng (Ấn tượng); (4) Hành (tư duy nói chung);
(5) Thức (ý thức). Cũng có thuyết cho con người là do lục đại (sáu yếu tố) tạo
nên: (1) Địa (Đất, các chất khoáng); (2) Thủy (nước, các chất lỏng); (3) Hỏa
(lửa, nhiệt); (4) Phong (gió, không khí, thở); (5) Không (khoảng trống); (6)
Thức (ý thức, tư duy).
[4] Khổ vì luật sinh – tử của kiếp
người
[5] Cấm sát sinh, cấm đạo tặc, cấm
vọng ngữ, cấm tà dâm và cấm tửu.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét