Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Ông Sơn Nam đời mới

Mình quen thằng Tín (Nguyễn Trọng Tín) từ năm 1985 tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ ba, đâu như vào tháng 12 thì phải. Mấy ngày  hội nghị đông đúc toàn người lạ chẳng biết ai với ai, may Hội nhà văn cho đi thăm Thủy điện Sông Đà tình cờ nó ngồi cùng ghế với mình, nghỉ lại khách sạn Hòa Bình cũng tình cờ mình được phân cùng phòng với nó, thế là quen nhau.

Đám viết văn trẻ thường vẫn hay gồng lên để chứng tỏ, đi đâu gặp ai cũng muốn người ta biết mình là ai. Mình cũng vậy, hồi đó nghe ai nhắc tên Nguyễn Quang Lập thấy tai nong nóng liền, nếu họ nhắc đến vài cái truyện của mình là sướng râm ran cả ngày. Thằng Tín khác, trong khi anh em hỏi nhau tên này tên kia, đọc cho nhau bài này bài kia thì nó cứ lẳng lặng vào vào ra chẳng nói gì. Ai biết nó thì biết, chả biết thì thôi chứ nó không quan tâm. Đôi mắt nó buồn buồn, ai không quen cứ tưởng nó đang có chuyện không vui. Chắc vì thế nên ít người hỏi han nó.

Nó cũng chẳng quan tâm việc cho bạn văn  biết mình đã đọc cái gì của họ. Để lấy lòng nhà văn nhanh nhất là tỏ cho họ biết mình đã đọc của họ những gì, ai cũng thế chẳng riêng gì nhà văn trẻ. Thằng Tín ít khi nói cho người lạ biết mình đã đọc gì của họ, cả những nhà văn nó cực kì hâm mộ. Thân rồi cũng thế, nó chẳng đem văn của người ta ra để lấy lòng.

 Chơi với  văn Sơn Nam bền bỉ mấy chục năm nó không nói cho ông biết nó đọc gì của ông. Đến khi Sơn Nam sắp về trời nó mới liệt kê 14 cuốn sách của ông, kể cả cuốn Chuyện xưa tình cũ in năm 1958, năm nó mới hai tuổi, khiến Sơn Nam quá ngạc nhiên. Chưa hết, nó còn tính cho ông những gì ông chưa in thành sách, cả thảy hơn mười nghìn trang. Nghe thế  Sơn Nam rưng rưng nước mắt, nói tao chết cũng vui rồi, ít nhất có một người nhớ tao, đó là mày.

Sau này  ở cùng phòng với Nguyễn Trọng Tín gần hai tháng tại trại viết Suối Hoa mình mới biết thẳng này thiên kinh vạn quyển. Văn học miền Nam nó nằm lòng không nói làm gì, mới giải phóng hơn chục năm, mới dăm ba lần ra Bắc nó nắm văn học miền Bắc còn hơn cả những người sống trong lòng miền Bắc như mình. Mình cũng siêng đọc, thế mà có hơn một nửa sách văn học miền Bắc mà nó đọc mình chẳng hề biết nó méo hay tròn, nghe cứ lạ hoắc cả tên sách lẫn tên tác giả.  Nhờ có nó mình mới đọc được  cuốn Trai làng Quyền, mới biết té ra người viết về nông thôn hay nhất miền Bắc sau 1954 là Nguyễn Địch Dũng chứ không là ai khác.

Ngày ở Thủy điện Sông Đà mình ngủ cùng phòng nhậu cùng mâm chuyện trò vui vẻ lắm nhưng chẳng đứa nào đả động đến văn chương của nhau. Mình chưa hề đọc nó một cái gì, thậm chí chẳng biết nó làm thơ hay viết văn, không dám nói thật sợ nó phật lòng. Mình cũng đinh ninh nó chẳng biết mình làm thơ hay viết văn, mấy ông viết văn tỉnh lẻ đa số được mời đi dự trại này trại nọ, hội này hội nọ vì chính sách ưu tiên chiếu cố chứ tài cán làm sao so được mấy ông tỉnh chẵn. Không biết nhau cũng phải thôi.

Chẳng ngờ một lần đang nhậu thằng Tín bỗng vui vẻ kể, nói ông nội tôi cũng ở cùng huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình với ông đấy, hình như ở xã Cảnh Dương. Ổng đi thuyền vô huyện  Mỏ Cày tỉnh  Bến Tre  sinh cơ lập nghiệp ở đó. Mình hơi ngạc nhiên, nói sao ông biết tôi ở huyện Quảng Trạch? Nó khịt khịt mũi, nói tôi đọc Tạp chí Sông Hương đều đều, cái gì về ông tôi không biết. Tập truyện ngắn Một giờ trước lúc rạng sáng của ông, ở Cà Mau tôi còn đọc trước cả mấy ông Sài Gòn. Nghe nó nói thế mình vừa cảm động vừa ngượng, càng không dám hỏi nó làm thơ hay viết văn.

Tối hôm đó anh Hữu Thỉnh tổ chức uống rượu cần đọc thơ vòng, ai cũng phải đọc thơ, đến lượt không được đùn đẩy. Mình nhớ có em Hồng Vân  hay Thu Vân gì đấy rất xinh đẹp. Em có bộ giò cực ngon, vừa đọc thơ vừa nhún nhẩy, rất đã. Thằng Tín ngồi xó ró một góc tuyệt không nói câu nào, đôi mắt buồn buồn của nó chỉ nhìn bình rượu cần, chẳng nhìn ai. Chừng như muốn chuồn khỏi cuộc rượu để khỏi phải đọc thơ. Nó chực đứng lên, anh Hữu Thỉnh ấn cổ nó ngồi xuống, nói ngồi yên đấy, sắp đến lượt rồi còn chạy đi đâu. Nó bẽn lẽn cười cười không nói gì.

  Đến lượt, nó cầm cần rượu tu một hơi, ngước lên đưa đôi mắt buồn buồn nhìn mọi người, lại tu thêm hơi nữa. Bây giờ nó mới thong thả đọc bài Mười sáu cuộc chiến tranh.  Nó đọc xong mọi người lặng đi hồi lâu rồi đột khởi vỗ tay. Bài thơ thật hay. Thơ hay là thơ nghe hoài không chán. Sau này mỗi lần gặp nhau mình đều yêu cầu nó đọc lại bài đó, có đến vài chục lần như thế, lần nào đến cái kết mình cũng rưng rưng

…và thật tình cờ cho tôi nhận ra
xóm tôi vẻn vẹn hai mươi sáu ngôi nhà
có mười sáu người đàn bà
sau chiến tranh chồng không về nữa

có mười sáu ngọn gió giọt mưa
đêm đêm đi gõ cửa
trong đó có nhà má tôi
có mười sáu cuộc chiến tranh trong xóm còn âm ỉ
dù đã mười năm giặc giã qua rồi.

Dần dà mới biết chẳng những thơ nó hay, văn nó cũng hay không kém. Hai tập bút kí về đất rừng Cà Mau nó viết từ những năm tám mươi đến giờ đọc vẫn sướng. Đặc biệt mảng tản văn vài trăm cái về nhhững nét đặc sắc văn hóa miền Tây và văn hóa Việt thì nói thật trừ Sơn Nam không ai bì được. Những tản văn nho nhỏ như Đi ăn bún bo choc,  Lá dong xanh Sài Gòn, Chợ cua đồng, Duyên nợ mùa nước nổi, Bún ốc ngày xưa … và một loạt các phóng sự văn hóa vùng miền như Đường lên xứ Mường ai đã đọc thật khó quên. Mình vẫn nói vui với bạn văn, nói  thằng Tín là ông Sơn Nam đời mới. Anh Sơn Nam nghe chúng nó nói lại thì cười, nói Sơn Nam chỉ văn hóa Nam Bộ thôi, thằng Tín có cả văn hóa Việt. Tức Sơn Nam là một bộ phận của thằng Tín. Nói xong ông ngửa cổ cười lớn, như phát hiện điều gì to lớn lắm.

Không biết Nguyễn Tuân theo cái chủ nghĩa xê dịch  ông đã đi nhưng đâu, thằng Tín chẳng theo chủ nghĩa gì sất những nó đã đi khắp nước. Nó đã đến tận nơi 88 cái chợ đặc sắc của Việt Nam và 96 làng nghề nổi tiếng của cả nước. Thỉnh thoảng mình gọi điện cho nó, nói mày đang ở đâu. Khi nó bảo đang ở Cao Bằng, khi nó bảo đang ở Rạch Giá,  rồi Quảng Ninh, Thanh Hóa, Phan Thiết, An Giang, Cà Mau, Móng Cái…thấy nó đi mà hoa cả mắt. Lắm khi kẹt việc không thấy nó đâu mình gắt ầm lên, nói ông đi éo gì mà đi lắm thế. Nó nhăn răng cười, nói ông ở nhà làm éo gì.

Thằng Tín thuộc típ ham chơi, bây giờ vẫn ham chơi. Nó có thể chơi một mạch vài tháng liền rồi ngồi đóng cửa viết cả tháng không tiếp ai. Nó viết cũng như chơi, cuốn Bè trầm hai trăm trang nó viết hơn một tháng là xong. Không phải viết ngày ba buổi như mình, nó chạy lòng vòng suốt ngày, nhậu từ trưa cho tới tối, ngủ một đến ba giờ sáng vùng dậy cày cho đến tám giờ sáng. Nó viết rất nhanh, hình như trong khi đang nhậu nó đã sắp xếp chữ nghĩa đâu vào đấy cả rồi, đến giờ viết là xổ hết cả ra. Bên phải gói thuốc lá, bên trái cuốn Từ điển chính tả, nó chỉ mất thời gian hút thuốc lá và tra từ điển chính tả. Hi hi thứ lỗi chính tả vùng miền làm nó nhiều khi phát điên. Một lần ở trại viết Suối Hoa, 4 giờ sáng mình đang ngủ, nó tới bóp mạnh chim mình phát, nó đây là con gì. Mình cáu vì bị đánh thức, nói bộ ông không biết con gì sao. Nó gãi đầu bứt tai, nói nhưng vần ặt hay vần ặc, tôi tra từ điển không có, mấy từ tục nó bỏ hết… đù má! Hi hi khổ thân  ông nhà văn miền tây Nam Bộ.

Dân miền Tây đã không nhậu thì thôi hễ nhậu là tới bến. Đi miền Tây sợ nhất là gặp mấy ông sâu nhậu, đã ngồi vào chiếu rượu thì không chết cũng bị thương, họ nhậu từ đầu hôm đến rạng sáng là chuyện thường. Thời trẻ thằng Tín cũng là sâu nhậu miền Tây. Mỗi lần ra Hà Nội nó gọi điện cho mình, nói Tín đây là mình biết phải trắng đêm với nó rồi. Đầu cuộc nhậu nó chẳng nói năng gì, ai nói gì cũng khịt khịt mũi  gật gật đầu. Giữa cuộc rượu bắt đầu ngấm là nó nói, những gì giấu diếm khi tỉnh bây giờ xổ ra cả. Những chuyên đề văn hóa nó nung nấu bây lâu nhờ rượu mà lộ thiên. Đúng là ông Sơn Nam con, cái gì cũng biết, đã biết thì biết rất kĩ, nghe nó nói thật sướng, có khi đọc cả chục cuốn sách nhặt nhạnh được cũng bằng nửa giờ nghe nó nói.

  Đến khi say nhừ , nói ngọng mồm rồi nó lặp đi lặp lại một điều, chỉ  một điều ấy thôi nói mãi cho đến khi lăn ra ngủ như chết. Một đêm Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh và mình nhậu với nó đến nửa đêm mới kéo nhau phòng anh Đỉnh ở Văn nghệ  quân đội nhậu tiếp cho đến ba giờ sáng. Nó đã say nhừ, nói đã ngọng mồm, mắt lờ đờ, cầm chén rượu nâng lên rồi đặt xuống chứ không uống, nói tui nói thiệt, truyện ngắn nước ni thứ nhất là Nam Cao, thứ nhì là Nguyễn Quang Lập. Biết nó yêu mình thì nói vậy thôi nhưng nghe cũng sướng, hi hi. Nhưng rồi nó cứ lặp đi lặp lại mỗi câu đó, nghe lâu oải cả người…. Bảo Ninh đã ngủ như chết, anh Đỉnh buồn ngủ rũ ra, chỉ mong nó rời mâm để dọn dẹp còn đi ngủ mà nó vẫn cầm chén rượu lừ đừ nhìn mọi người, nói tui nói thiệt… Anh Đỉnh nói rồi, tụi tao nhất trí rồi, thứ  nhất Nam Cao thứ nhì Nguyễn Quang Lập, mày ngủ đi cho tao nhờ. Nó vẫn lừ đừ nhìn anh Đỉnh, nói tui nói thiệt thứ nhất Nam Cao… Mình ngủ được một giấc, bừng dậy vẫn thấy nó cầm chén rượu lừ đừ nhìn mình, nói tui nói thiệt… Hi hi kinh.

Sáng mai thức dậy thằng Tín đã biến đâu mất tăm, hỏi ra mới biết nó đã lên máy bay vô Nam rồi. Tính nó vậy, đang nhậu bống biến mất chẳng chào hỏi ai, đang chơi bỗng lặn mất tiêu, không cho ai đưa tiễn. Có lẽ dân rong chơi chuyên nghiệp không chịu ràng buộc món văn hóa chào hỏi, tiễn đưa. Dân rong chơi chuyên nghiệp không thích ngồi ngâm  dấm quá vãng, cái họ quan tâm là hôm nay và ngày mai chứ không phải ngày hôm qua. Thằng Tín chẳng muốn ai nhắc đến những gì nó đã viết, ai nhắc thì ngứa ngáy khó chịu như là đang nghe người ta nhắc đến một sai lầm của nó vậy.

Một lần mình bảo nó, nói thằng Tiến ( Phạm Ngọc Tiến) nhắn mấy lần rồi, ông tập hợp Bè trầm với mấy cuốn văn xuôi của ông để nó cho tái bản. Nó đầu lắc tay xua, nói ôi thôi thôi, các ông quên nó đi giùm tôi, tui nói thiệt đó. Rồi nó rủ rỉ với mình, nói văn chương giao cho các ông lo, tôi coi như hết nhiệm vụ. Tôi bỏ viết văn lâu rồi, bây giờ chỉ xài món văn hóa Việt thôi. Từ đây cho đến khi về trời tôi cần phải đi nốt mấy nơi chưa tới được, rồi viết về văn hóa rong chơi, chỉ văn hóa rong chơi thôi,  không văn chương mẹ gì hết.

Mình nói ông già rồi chơi vừa phải thôi, cái bệnh hen phế quản nó kị chơi lắm đó. Ông Sơn Nam về già có chơi bời gì đâu. Nó khẽ lắc đầu thở hắt, nói tôi khác,  không rong chơi chắc tôi chết sớm quá. Có rong chơi tôi mới sống được lâu, tui nói thiệt đo…  Nó ngước lên nhìn mình, đôi mắt buồn tươi sáng một niềm vui.
  • Nguyễn Quang Lập

0 nhận xét :