Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Tìm về tuổi thơ trên toa tàu ký ức

Nếu leo lên cây, chọn ở chạc ba nào đó rồi vừa đung đưa chân, vừa đọc, bạn sẽ rơi vào tình trạng như tên cuốn sách: "Ngồi khóc trên cây"! Và nếu có đứa bạn ngồi dưới, tự nhiên xoa đầu thấy ướt trên tóc, biết đâu sẽ ngước lên mà kêu lớn: "Về thôi mày, trời sắp mưa rồi đó!" như cái kết của truyện. Nước mắt nhòe đi, thế giới tuổi thơ rưng rưng như một bầu trời trong trẻo sau cơn mưa rào ngày hạ. Gần lục tuần rồi, Nguyễn Nhật Ánh vẫn mải miết dệt thế giới ấy qua từng trang sách...

1.Chẳng bao giờ Nguyễn Nhật Ánh thất hẹn với độc giả nhỏ tuổi dù bệnh tật hành hạ. Đi khám, bác sĩ bảo ông phải kiêng khem đủ thứ rồi tập tành thể dục. Bạn bè chiều chiều í ới kêu nhậu đành chịu. Buổi tối chỉ thấy ông nhấm nháp ít lạc rang hay một thức ăn nhẹ nào đó, rồi thôi. Thế nhưng, dạo gần đây, khi tác phẩm gần xong, ông vẫn hay bị ốm vặt. Có lần nằm ở nhà cả tuần liền, không nhấc mình đi đâu được. Vậy mà ông vẫn gắng gượng viết, sợ bạn đọc nhỏ tuổi chờ hoài mòn mỏi. Đến dự buổi ra mắt "Ngồi khóc trên cây" ngày 25/6, nhìn bộ dạng tươi tỉnh và cách bông đùa hóm hỉnh của ông, tôi ngạc nhiên vô cùng. Ra mắt sách buổi sáng, tối ông đã nằm bẹp ở nhà vì trúng gió. Thế mà sáng 27, theo lịch, vẫn lọ mọ đến Nhà sách Nguyễn Huệ, quận 1 ký sách cho độc giả. Mướt mồ hôi đến gần 12h trưa chưa nghỉ.
Nhớ lần tôi hẹn ông. Chiều hôm ấy mưa tầm tã, Sài Gòn bỗng chốc như lũ về. Tôi ái ngại gọi điện hoãn cuộc hẹn thì ông bảo sắp tới nơi rồi. Trời ơi, đến sớm trước 30 phút! Trời vẫn trút nước. Thấy ông đến khi đầu tóc, bộ quần áo đóng thùng chỉnh tề mắc mưa nhưng đôi giày vẫn khô ráo, tôi trố mắt ngạc nhiên. Thì ra ông cởi tất, cởi giày để khỏi bị ướt. Chứ để lạnh bàn chân, dễ cảm. Vậy mà sau cuộc hẹn đó, ông lên cơn sốt li bì mấy ngày liền. Tự dưng, tôi thấy mình tội lỗi ngập đầu. Cười hi hi trong điện thoại, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trấn an: "Cứ hễ mắc mưa là chú bị cảm à. Cái tạng nó vậy. Đừng lo!". Nguyễn Nhật Ánh là thế, không bao giờ muốn người khác chờ đợi hay sốt ruột vì mình.
"Ngồi khóc trên cây" chưa xuất bản đã phải chuẩn bị tái bản thêm 5.000 cuốn vì số lượng đặt hàng tăng vọt trên các trang bán sách trực tuyến, nhanh chóng đứng vào top sách bán chạy nhất. Thương hiệu nhà văn best-seller của Nguyễn Nhật Ánh đến nay vẫn khó có ai soán ngôi. Hạnh phúc thay cho Nguyễn Nhật Ánh và cũng áp lực thay cho Nguyễn Nhật Ánh. Thế nên, ông không bao giờ làm người khác thất vọng trong lối sống cũng như trên từng trang văn mà độc giả nhí chờ đợi.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (giữa) giao lưu với bạn đọc trong buổi ra mắt sách "Ngồi khóc trên cây" (Tp HCM, 25/6/2013).
"Ngồi khóc trên cây" kể về mối tình đầu đời cảm động, đẹp đến nao lòng của cô bé Rùa và chàng sinh viên từ thành phố về thăm quê. Cô bé Rùa sống ở làng Đo Đo, một ngôi làng yên bình bên con sông Kiếp Bạc. Cô bé trong sáng, hồn hậu có cuộc sống cô độc này luôn có những con vật dễ thương là sóc, nhím, khỉ, chú nai con… làm bạn. Phía sau cuộc sống của cô là câu chuyện kỳ bí về cha cô, về những người thợ săn, về những con thú hoang trong khu rừng ở làng Đo Đo. Truyện làm người đọc không cầm được nước mắt bởi những chi tiết cảm động. Để khi nước mắt khô đi, trong veo những cảm xúc yêu thương: yêu người, yêu làng quê, yêu thiên nhiên động vật…
Dạo mới hoàn thành một nửa cuốn truyện, nghe Nguyễn Nhật Ánh bảo rằng nhất quyết sẽ có con ngỗng trong truyện. Nhớ hồi nhỏ mỗi lần về quê (mà đến tận bây giờ cũng thế), gặp con ngỗng là tóc gáy Nguyễn Nhật Ánh lại dựng đứng lên. Ấn tượng bởi lần nó rượt ông chạy trối chết rồi tặng nguyên một cú mổ (một là vào đùi, hai là vào mông) như kềm sắt kẹp thịt. Đau điếng, cậu bé vừa điên tiết, vừa ngồi khóc tu tu. Mỗi lần gặp tôi, ông lại nhắc đến chuyện đó khiến tôi tưởng ông lấy làm cớ để trêu cái tên của tôi. Ấy vậy mà có con ngỗng thật, con Cổ Dài. Và câu chuyện bị ngỗng rượt được Nguyễn Nhật Ánh đưa vào tác phẩm khiến ai đọc cũng phải phì cười.
Làng Đo Đo trong tâm tưởng Nguyễn Nhật Ánh luôn mãi là hoài niệm đẹp để ông thổn thức khi nhớ về. Trong hoài niệm ấy, luôn có dáng dấp tuổi thơ ông - một tuổi thơ êm đềm ngập nắng. Đây có lẽ là cuốn sách mà các trò chơi tuổi nhỏ được đưa vào nhiều nhất. Đó là trò giấy kiếng mà đưa giấy kiếng màu xanh lên mắt sẽ thấy trời màu xanh, con mèo màu xanh, cây me trước ngõ màu xanh; thay bằng giấy kiếng vàng sẽ thấy trời màu vàng, con mèo màu vàng, cây me trước ngõ màu vàng. Đó là trò lấy giấy đè lên đồng tiền xu, dùng bút chì tô lên mặt giấy để hình trên đồng tiền in lên đó. Đó là con thuyền giấy thả trên lạch nước sau cơn mưa, là ống đu đủ thổi bong bóng xà phòng. Đó là trò tắm mưa, là chong chóng giấy, là cào cào lá dừa, là đổi nắp keng lấy dây thun, mua kẹo… Những trò chơi mà khi Nguyễn Nhật Ánh khơi lại, mới giật mình thảng thốt nhận ra một thời ai cũng từng chơi, nhưng đã để phủ vùi trong góc tủ ký ức. Đó là trò chơi mà thuở nhỏ Nguyễn Nhật Ánh cũng từng cùng đám bạn mải mê đến nỗi mẹ đánh tét mông. Trò chuyện với Nguyễn Nhật Ánh, lúc nào tôi cũng thấy ở ông là tâm hồn và hình hài của một cậu bé. Ai tin ông đã lục tuần, sao vẫn yêu đời phơi phới và dí dỏm như chú nhóc thế kia?
Truyện Nguyễn Nhật Ánh, đa phần nhân vật chính luôn xưng ngôi thứ nhất - tôi. Nguyễn Nhật Ánh bảo rằng khi đặt chữ "tôi" vào ngòi bút của mình, ông đang hóa thân vào nhân vật để kể câu chuyện của mình. Câu chuyện đó là lời tự sự, để đau, để khóc, để hạnh phúc với những gì gặp phải trong câu chuyện mà chính ông vạch ra. "Ngồi khóc trên cây" đặc tả cảm xúc rất nhiều, ít đối thoại. Và khi hóa thân vào "tôi", đó là cách hay nhất để ông mua vé cho chính mình tìm về tuổi thơ trên toa tàu ký ức.
2. Nhiều người thắc mắc bạo lực học đường đang diễn ra từng ngày từng giờ, bọn trẻ hiện nay nghiện game, xài iPhone, iPad..., vậy tại sao nhà văn lại không phản ánh hiện thực ấy mà chỉ mê mải về tuổi thơ ở miền nông thôn đầy hồn nhiên trong trẻo hay tuổi thơ của một thế hệ đã xa? Có khi nào lạc thời không? Nguyễn Nhật Ánh viết về tuổi thơ ở làng quê vì ông tự nhận mình là một cậu học trò nhà quê, sống giữa thành phố vẫn mơ về bụi chuối sau nhà, hàng giậu thưa trước ngõ. Đó trước hết là hoài niệm của chính ông. Còn ông không thể viết về bạo lực bởi ông… yếu bóng vía. "Phát hiện" này có từ lần ông dại dột nghe lời rủ rê của cậu em họ xem một bộ phim kinh dị được quảng cáo là "hay hết sẩy". "Coi cảnh trả thù đẫm máu, chém giết không ghê tay, tôi sợ hết hồn. Tối về chỉ toàn mơ thấy ác mộng, như mình bị bóng đè, la hét om sòm khiến cả nhà không ai ngủ được. Từ đó tôi không dám xem phim kinh dị hay bạo lực nữa. Đây không phải là chuyện tốt xấu mà chỉ là cái tạng tôi không thích hợp". Nguyễn Nhật Ánh ví văn chương như một khu vườn, mỗi người mỗi việc, và ông là người thích trồng hoa hồng. Mô tả bạo lực khác gì ông đang làm điều ác mà Nguyễn Nhật Ánh rất hiền lành. Hiền lành từ dáng vẻ đến tâm hồn.
Nhớ, có lần nhà thơ Lê Minh Quốc ví Nguyễn Nhật Ánh như chàng Hoàng tử bé trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupery. Bởi dường như Nguyễn Nhật Ánh không bao giờ "lớn" và luôn là người bạn mang thế giới vô cùng trong trẻo, hồn nhiên đến với tuổi thơ, dẫn người lớn tìm về sân ga tuổi nhỏ trong hỗn độn bể đời. Nguyễn Nhật Ánh rất hiểu tâm lý của trẻ em trong hiện thực bây giờ. Ông rất tân tiến đấy chứ. Khi nhiều nhà văn thế hệ trước vẫn nhất mực viết tay hay tập muốn toát mồ hôi để làm quen với cái máy vi tính thì Nguyễn Nhật Ánh làm quen rất nhanh. Những sản phẩm công nghệ khác với ông chỉ là chuyện vặt. Ông tâm sự: "Năm 2007, khi báo Thanh Niên đặt tôi viết tiếp bộ Kính Vạn Hoa, tôi đã cho các nhân vật của mình lớn thành những học sinh cấp 3 trong 9 tập cuối. Để phù hợp thời cuộc, tôi cho các em đeo headphone nghe nhạc, chơi game, dùng máy vi tính... rất sát với đời sống học trò thời @. Tôi rất ngạc nhiên khi nhiều thư hồi âm của thiếu nhi gửi về trách tôi tại sao lại để Quý "ròm", Tiểu Long, nhỏ Hạnh "hiện đại" như vậy. Các em vẫn muốn một thế giới tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên, nguyên sơ vốn có. Và tôi nhận ra rằng, chính những điều đó giúp các em tránh đi những thứ xấu xa, biết yêu thương nhau, hướng đến những điều tốt đẹp".
Đọc những dòng tâm sự của các em thiếu nhi lẫn người lớn trong cuộc thi viết "Nguyễn Nhật Ánh và tôi" do NXB Trẻ tổ chức, mới thấy "chú Ánh" ảnh hưởng thế nào đến thế giới học trò. Cuộc thi bắt đầu từ 7/6/2013 và kết thúc vào ngày 11/11/2013, đến nay đã nhận được hơn 100 bài viết. Là người chấm sơ khảo, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thực sự bất ngờ khi một cô bé tiểu học bảo rằng mình sẽ dành dụm truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thật nhiều cho đứa con sau này. Một cô gái sắp sửa sinh em bé, mê đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh đến nỗi quyết định đặt tên con mình là Tí "sún" (một nhân vật trong "Cho tôi một vé đi tuổi thơ"). Và để kết bài viết này, xin mượn lời cô bé Nguyễn Minh Ngọc, Hà Nội, trong cuộc thi: "Tôi không thể tưởng tượng được, nếu không còn điều kì diệu đến từ thế giới chú Ánh và những tác phẩm của chú, ai sẽ viết, sẽ vun cho tâm hồn những đứa trẻ lớn lên, ai sẽ dẫn những người lớn sạn chai về lại cái góc ấu thơ rưng rưng ấy? Tôi chỉ ước sao có được cái hạnh phúc mong ngóng, mong ngóng mãi điều kì diệu ấy mà thôi…"

  Mai Quỳnh Nga

0 nhận xét :