Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Người xưa mặc gì ?

(Tn) Bức họa Trần Nhân Tông là chỉ dấu cho thấy từ thời Trần chúng ta đã có hội họa bác học. Nhiều hiện vật tại trưng bày Ngàn năm áo mũ có thể gợi ra những câu chuyện lý thú như thế. 
Những chiếc áo quý
Chiếc áo ngự hàn của chúa Trịnh là kỳ duyên với những ai có mặt ở khai mạc trưng bày Ngàn năm áo mũ tại Manzi, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội. Đây là trưng bày tư liệu liên quan đến tác phẩm Ngàn năm áo mũ của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức. Một số trong đó do nhà nghiên cứu Trịnh Bách mang tới. “Chiếc áo ngự hàn này do con cháu họ Trịnh lưu giữ như của báu từ rất lâu rồi. Hiện nó thuộc sở hữu một bảo tàng Mỹ”, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho biết.
 So sánh quần áo của Đàng Trong, Đàng Ngoài thời Lê - d
So sánh quần áo của Đàng Trong, Đàng Ngoài thời Lê - Ảnh: Ngọc Thắng
 

Chúng ta có thể thấy rõ Việt Nam từ thời Trần cũng đã có hội họa bác học. Những nét vẽ này chẳng hội họa bác học thì là gì

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức

Chính vì quý giá như vậy, nên chiếc áo đã gần 400 tuổi được đưa đến trưng bày theo thể thức “ông Bách đến, áo đến, ông Bách về, áo về”. “Chất liệu của áo có lẽ được đặt từ Trung Quốc. Theo mô thức áo của thời Minh và Thanh. Nó quý vì nó là đồ của chúa”, ông Đức nói.
Trưng bày không chỉ có một chiếc áo quý. Ông Trịnh Bách cũng đưa tới đây hai chiếc áo phục dựng thời Nguyễn. Những chiếc áo này đã được ông - một người có dòng dõi chúa Trịnh - nghiên cứu phục dựng trong nhiều năm, cậy nhờ nhiều tay thợ khéo. “Kỹ thuật làm giả, phục dựng quần áo vô cùng khó”, ông Đức nhận định.
Tiếp cận hội họa bác học
Ngay sát trưng bày áo quý là phiên bản bức họa vẽ vua Trần Nhân Tông - bức họa Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ trị giá 1,8 triệu USD. Cũng chính vì thế, trong suốt cả tuần qua, ông Đức liên tục nhận được điện thoại hỏi xem có phải đây là bức họa 1,8 triệu USD hay không. “Tôi trả lời họ mình làm gì mà giàu đến thế. Đây chỉ là một bản sao chất lượng tuyệt hảo. Nhưng giá trị lớn nhất lại nằm trong những nét vẽ cho thấy truyền thống, tác giả của nó là ai”, ông Đức nói.
 Tranh vẽ cho thấy tục cạo miếng vuông trên đỉnh đầu
Tranh vẽ cho thấy tục cạo miếng vuông trên đỉnh đầu
Trên bản in chất lượng cao, những nét bút nước cũng được tái hiện hoàn hảo. Khó có thể tưởng tượng được với bút lông, người ta có thể phẩy được những trời mây nét mảnh hơn tơ như vậy. Quan trọng hơn, những người cắt tóc ngắn trong hình vẽ cho thấy rõ đó là một bức vẽ thời nhà Trần. “Thời đó, phong tục cắt tóc của nước ta là vậy. Con voi trong tranh cũng rất hiền dịu. Con voi vẽ thế này rất đặc biệt vì Việt Nam là một trong ít nước thời đó ở Đông Nam Á có voi. Những tác phẩm hội họa nhiều nước không có voi đều vẽ voi kiểu tưởng tượng, trông như quái vật”, ông Đức cho biết. Sau này, voi mới từ Việt Nam và Thái Lan sang nhiều nước khác. Chẳng hạn, hai con voi đầu tiên vào Nhật Bản là nhập từ Việt Nam, qua thương cảng Hội An. Cũng chính những chi tiết đó, cộng thêm khảo cứu tư liệu Trung Hoa, theo ông Đức, bức vẽ này có thể do một người Việt vẽ. Điều này đã được in trong Ngàn năm áo mũ, giờ đã in tới lần thứ 3 và vẫn liên tục bán đều.
 Con voi trong tác phẩm Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ
Con voi trong tác phẩm Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ
Một bức vẽ người đàn ông xõa tóc, áo vạt chéo. Một bức vẽ người đàn ông áo năm thân quấn khăn. “Thời nhà Lê mọi người xõa tóc, mặc áo vạt chéo. Tới lúc cải cách, phải mặc theo Đàng Trong, búi tóc và áo năm thân. Các cụ khóc nói áo mũ ngàn năm thành ra cỏ rác. Họ cho rằng cải cách làm hết vẻ nhã nhặn của quần áo truyền thống”, Trần Quang Đức nói. Hai bức vẽ cho thấy một thay đổi quần áo từng có trong lịch sử.
Một bức họa khác vẽ một vị vua thời Nguyễn, kèm theo đó là dòng chữ: Vào ngày này ta lên ngôi, quần thần khen ta dung mạo đoan chính, nhã nhặn, xưa nay hiếm có. Trang phục của ông được vẽ rõ ràng đến từng chi tiết mặt trăng mặt trời (nhật nguyệt) hai vai, cũng với những hình rồng...
Cũng có cả bản in lại bức vẽ trong nhà thờ họ Phan Huy từng bị đốt. Giờ đây chỉ còn bản sao, song theo lời kể của dòng họ, bản gốc từng vô cùng bề thế, che kín cả một mảnh tường lớn. Tuy nhiên, theo thăng trầm của lịch sử, bản gốc đã bị đốt, không còn nữa.
“Chúng ta có thể thấy rõ Việt Nam từ thời Trần cũng đã có hội họa bác học. Những nét vẽ này chẳng hội họa bác học thì là gì”, ông Đức nói.
Trinh Nguyễn

0 nhận xét :