Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Qui luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất

Nội dung, ý nghĩa phương pháp luận và thực tiễn qui luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất(Biện chứng giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất)

1. Khái niệm lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất
Lực lượng sản xuất là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong sản xuất vật chất, phản ánh trình độ của các quá trình sản xuất vật chất khác nhau trong xã hội. Theo nghĩa chung nhất, lực lượng sản xuất là mặt tự nhiên của phương thức sản xuất hoặc là sức sản xuất vật chất của xã hội. Lực lượng sản xuất mang tính khách quan độc lập với ý thức của con người.
Lực lượng sản xuất bao gồm hai yếu tố: con người và tư liệu sản xuất. Tư liệu sản xuất: gồm tư liệu lao động và đối tượng lao động. Tư liệu lao động bao gồm có công cụ lao động và phương tiện lao động. Tư liệu lao động là những vật thể hay phức hợp vật thể mà con người sử dụng tác động vào đối tượng lao động.
Trong lực lượng sản xuất, con người giữ vai trò quyết định. Bởi vì, hoạt động của con người sẽ trực tiếp dẫn đến sự biến đổi của đối tượng lao động theo những mục đích của mình. Đồng thời để có thể biến đổi đối tượng lao động, thì con người còn sáng tạo ra những công cụ lao động, phương tiện lao động và còn là chủ thể của sản xuất vật chất. Ngược lại, công cụ lao động là yếu tố động và cách mạng nhất của lực lượng sản xuất. Vì trong quá trình sản xuất vật chất, điều quan trọng không phải con người sản xuất được những gì, mà trái lại con người đã dùng cái gì để tạo ra của cải vật chất ấy.
Quan hệ sản xuất là mối quan hệ giữa con người và con người trong sản xuất vật chất. Theo nghĩa chung nhất, quan hệ sản xuất là mặt xã hội của phương thức sản xuất. Quan hệ sản xuất phản ánh bản chất kinh tế - xã hội của một xã hội nhất định. Quan hệ sản xuất mang tính khách quan độc lập với ý thức của con người.
Kết cấu của quan hệ sản xuất bao gồm ba mặt quan hệ cơ bản: quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất; quan hệ trao đổi hoạt động, địa vị và tổ chức quản lý sản xuất; quan hệ hưởng thụ và phân phối sản phẩm lao động. Trong ba mặt quan hệ của quan hệ sản xuất đều có sự tác động qua lại lẫn nhau; nhưng quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất là quan hệ giữ vai trò quyết định trong quan hệ sản xuất.
 2. Biện chứng giữa lực lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất
Qui luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, khẳng định vai trò quyết định của lực lượng sản xuất đối với quan hệ sản xuất và đồng thời cũng chỉ ra sự tác động trở lại của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất.
a. Vai trò quyết định của lực lượng sản xuất đối với quan hệ sản xuất
Đặc điểm chung nhất của sản xuất vật chất xã hội, là nó luôn trong quá trình vận động và phát triển; trong quá trình vận động và phát triển đó bao gìờ cũng bắt đầu từ sự thay đổi của phương thức sản xuất. Trước hết, là sự thay đổi của lực lượng sản xuất tất yếu dẫn đến sự thay đổi quan hệ sản xuất và các quan hệ xã hội khác.
Trong một phương thức sản xuất nhất định thì lực lượng sản xuất là nội dung, còn quan hệ sản xuất là hình thức của một phương thức sản xuất. Theo nguyên tắc, nội dung quyết định hình thức; nội dung thay đổi trước, hình thức thay đổi sau và phụ thuộc vào nội dung. Chính vì vậy, quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.
Tính chất của lực lượng sản xuất là tính chất lao động xã hội, đó là tính chất cá thể hay xã hội hoá của lao động thông qua phân công lao động xã hội; còn trình độ của lực lượng sản xuất là trình độ lao động, trình độ phân công lao động và năng suất lao động xã hội…
Trong một phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất phát triển đến một giới hạn nhất định sẽ mâu thuẫn với quan hệ sản xuất, đòi hỏi xóa bỏ quan hệ sản xuất (không còn phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, trở thành kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất mới) xây dựng một kiểu quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Sự xuất hiện kim loại trong giai đoạn cuối cùng của xã hội nguyên thủy là sự phát triển của lực lượng sản xuất mới, mâu thuẫn với quan hệ sản xuất nguyên thủy, đòi hỏi xoá bỏ quan hệ sản xuất nguyên thủy, xây dựng một quan hệ sản xuất mới phù hợp với nó…
 Quá trình giải quyết mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất biểu hiện về mặt xã hội nó phản ánh mâu thuẫn cơ bản của một xã hội nhất định và ở trong xã hội có giai cấp đối kháng bao giờ cũng thông qua các cuộc cách mạng xã hội. Ví dụ: cách mạng tư sản giải quyết mâu thuẫn cơ bản của xã hội phong kiến, cách mạng xã hội chủ nghĩa giải quyết mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản.
b. Sự tác động trở lại của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất
 Sự tác động của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất theo hai khuynh hướng chung, đó là có thể thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất và cũng có thể kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Khi quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất nó có ý nghĩa thúc đẩy, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Ví dụ: sự hình thành quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ở thế kỷ XVII đã phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất trên cơ sở sản xuất công nghiệp, đã thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất mới tạo ra năng xuất lao động xã hội cao hơn. Vì thế, mà C.Mác đã từng nhận xét rằng, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đến giữa thế kỷ XIX đã tạo ra của lực lượng vật chất nhiều hơn toàn bộ lịch sử trước đó cộng lại.
Hiện nay, trong điều kiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nên việc duy trì và phát triển hình thức sở hũu tư nhân về tư liệu sản xuất là một yêu cầu khách quan mang tính qui luật. Bởi vì, trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, thì sở hũu tư nhân như một bộ phận tự nhiên của quá trình kinh tế nhiều thành phần cũng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao đời sống của nhân dân. Hơn nữa, duy trì và phát triển kinh tế tư nhân, thì đồng thời với nó là thu hút nguồn lực về vốn, về lao động, về quá trình chuyển giao công nghệ mới. Đó cũng là quá trình thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất mới trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội hiện nay ở Việt Nam.
Ngược lại, quan hệ sản xuất lỗi thời không phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất thì nó kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Ví dụ: quan hệ sản xuất phong kiến ở thế kỷ XVII đã tỏ ra lỗi thời, lạc hậu không phù hợp với tính chất, trình độ của lực lượng sản xuất mới trên cơ sở công nghiệp, nên nó kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất mới.
Nước ta, trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, trong những thập niên 80 của thế kỷ XX, với tư tưởng nóng vội, chủ quan duy ý chí, chúng ta đã xóa bỏ tất cả các quan hệ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, mà chỉ phát triển sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất. Hơn nữa, việc duy trì sở hữu công công về tư liệu sản xuất quá lâu không phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế thế giới. Đó cũng là thời kỳ dẫn đến khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Điều đó, cũng chứng tỏ rằng sự chậm trễ trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế có kế hoạch sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trước năm 1986, đã tác động ngược lại sự phát triển của lực lượng sản xuất mới trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời kỳ đó.
3. Ý nghĩa
 Qui luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là một qui luật chung nhất của sự phát triển xã hội. Vai trò của qui luật này đã khẳng định tính tất yếu khách quan của sự phát triển xã hội loài người từ phương thức sản xuất xã hội Nguyên thủy, Chiếm hữu nô lệ, Phong kiến, Tư bản chủ nghĩa và phương thức Cộng sản chủ nghĩa tương lai.
 Qui luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất là qui luật về sự vận động và phát triển của xã hội từ thấp đến cao. Nhưng trong những điều kiện khách quan cụ thể một nước hoặc nhiều nước có thể bỏ quan một hay hai phương thức sản xuất để tiến lên một phương thức sản xuất cao hơn.
 Nước ta, lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa bỏ qua phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với ý nghĩa bỏ qua chế độ chính trị của chủ nghĩa tư bản, nhưng vẫn kế thừa, phát triển những thành tựu kinh tế - xã hội của chủ nghĩa tư bản phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở Việt Nam.
Đảng và nhà nước chủ trương một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần với cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự quản lý của nhà nước; để phát huy mọi tiềm năng các thành phần kinh tế, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất để xây dựng cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trong đó, kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nền kinh tế ở nước ta hiện nay.

0 nhận xét :