Qui luật
phủ định của phủ định nghiên cứu về khuynh hướng cơ bản, phổ biến của các
quá trình vận động và phát triển.
1. Phủ định
biện chứng
a. Phủ định
là gì?
Phủ định
hiểu theo nghĩa chung nhất là
sự thay thế, chuyển hóa giữa các sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan
nói chung. Sự phủ định ở trong hiện thực khách quan thể hiện dưới nhiều hình thức
khác nhau, nhưng phép biện chứng duy vật không có ý nói đến bất kỳ sự phủ định
nào, mà chỉ chỉ nói đến sự phủ định làm tiền đề tạo điều kiện cho sự phát
triển, cho sự xuất hiện cái mới, cái cao hơn và hoàn thiện hơn cái cũ hoặc quá
trình trước đó.
Trong sự
thay thế, chuyển hoá giữa các sự vật, hiện tượng có sự phủ định không làm tiền đề, tạo điều kiện cho sự phát triển như nghiền
nát một hạt thóc, xéo chết một con sâu, hoặc tác hại của thiên nhiên đối với
con nguời và sinh vật nói chung. Đó là sự phủ
định thông thường (do sự tác động bên ngoài hoặc do ngẫu nhiên) không do nguyên nhân bên trong các sự vật, hiện
tượng và nó không bao hàm yếu tố kế thừa để khẳng định khuynh hướng tất yếu của
sự phát triển.
b. Phủ định
biện chứng
Phủ định
biện chứng là sự
phủ định tự thân. Đó là sự phủ định do việc giải quyết những mâu thuẫn bên
trong các sự vật và hiện tượng làm xuất hiện cái mới. Ví dụ: Sự thay đổi, chuyển
hóa giữa các hình thức phản ánh của vật chất theo một quá trình từ thấp đến
cao, từ đơn giản đến phức tạp như: từ phản ánh vô cơ - hữu cơ - từ phản ánh tâm
lý ở động vật đến sự xuất hiện ý thức con người.
Phủ định
biện chứng có hai đặc điểm:
Tính
khách quan. Sự xuất hiện cái mới trong phủ định biện chứng đều là kết quả của
quá trình giải quyết những mâu thuẫn bên trong các sự vật và hiện tượng theo những
qui luật khách quan vốn có của nó, độc lập với ý thức. Ví dụ: Sự xuất hiện các
học thuyết khoa học ngày càng phát triển cao hơn, đều là kết quả của quá trình
phủ định trong sự hoàn thiện khả năng nhận thức của con người về hiện thực
khách quan.
Tính kế
thừa. Sự xuất hiện cái mới trong phủ định biện chứng không phải là sự phủ định
sạch trơn, đoạn tuyệt với cái cũ, mà là cái mới xuất hiện trên cơ sở cái cũ,
bao hàm tính kế thừa với cái cũ. Yếu tố kế thừa của cái mới đối với cái
cũ, không phải là sự kế thừa tất cả nguyên vẹn, mà chỉ kế thừa những mặt tích cực
nhất của cái cũ và nó cũng đã thay đổi cho phù hợp với cái mới, tạo điều kiện
cho sự tồn tại và phát triển của cái mới. Bởi vì, xét về thực chất phát triển
là sự biến đổi mà giai đoạn sau còn bảo tồn tất cả những gì tích cực đã được tạo
ra ở giai đoạn trước.
Đối lập
với phép biện chứng những người theo quan điểm siêu hình coi phủ định chỉ
là sự thay đổi đơn giản, hoặc phủ định hoàn toàn loại bỏ cái cũ, không có tác dụng
gì trong quá trình hình thành cái mới (phủ định sạch trơn). Điều đó, dẫn đến
tính chất máy móc, đơn giản, phiến diện khi phân tích bản chất về sự phủ định.
2. Bản
chất phủ định của phủ định
Trong sự vận động và phát triển mang tính chất
vô tận của thế giới, đều thông qua phủ định biện chứng, cái mới phủ định cái cũ
và cái mới này lại bị cái mới sau phủ định, tạo nên những chu kỳ vận động nhất
định ở trong hiện thực khách quan. Có thể nói, chu kỳ vận động của các sự vật,
hiện tượng trong hiện thực khách quan, kể cả ý thức của con người đều thông qua
các hình thức vận động cơ bản của vật chất. Chính vì vậy, có những chu kỳ cơ học,
hoá học, vật lý, sinh học, xã hội…dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trong
các sự vật, hiện tượng luôn bao gồm hai mặt, mặt khẳng định và mặt phủ định.
Hai mặt này vừa thể hiện khẳng định sự tồn tại, nhưng đồng thời lại bao hàm khả
năng sự biến đổi và chuyển hóa. Từ khẳng định đến phủ định và phủ định cái phủ
định, đó là quá trình xuất hiện cái mới dường như quay lại cái cũ nhưng trên cơ
sở cao hơn. Thực chất của quá trình này là phủ định cái phủ định có tính chu kỳ
nằm trong quá trình sự vận động và phát triển của các sự vật và hiện tượng.
Trong một
chu kỳ vận đông của các sự vật, hiện tượng, phủ định của phủ định là sự phủ định lần thứ nhất tạo ra mặt đối lập
của cái ban đầu (trong một chu kỳ), sự phủ định lần thứ hai (hoặc nhiều hơn) lại
tái hiện lại những đặc điểm cơ bản của cái ban đầu nhưng cao và hoàn thiện hơn
cái ban đầu. Đó là quá trình phủ định của phủ định, cái mới xuất hiện với tính
cách là tổng hợp tất cả các yếu tố tích cực đã được phát triển từ trước thông
qua những chu kỳ vận động nhất định của hiện thực khách quan nói chung.
Ví dụ:
gieo trồng một hạt thóc (lúa) sự phủ định lần thứ nhất tạo thành cây lúa, phủ định
lần thứ hai là sự xuất hiện những hạt lúa mới; những hạt lúa mới là kết quả của
chu kỳ sinh học, nếu nó kế thừa những mặt tích cực đã được phát triển từ trước
của hạt lúa cũ thì nó có khả năng thích ứng với môi trường đã biến đổi và cho
năng suất cao hơn…
Nghiên cứu
chu kỳ vận động và phát triển của xã hội, thì chúng ta cũng bắt đầu từ xã hội nguyên
thủy. Đó là xã hội đầu tiên, tự thân nó bao gồm những đặc điểm cơ bản như: sở hữu
công cộng về tư liệu sản xuất, là xã hội không có giai cấp, nhà nước… xã hội
nguyên thủy bị phủ định bởi xã hội chiếm hữu nô lệ. Đây là sự phủ định lần thứ
nhất tạo ra những mặt đối lập so với xã hội nguyên thủy. Đó là sự xuất hiện sở
hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, sự xuất hiện giai cấp và nước… xã hội phong kiến
phủ định xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội tư bản phủ định xã hội phong kiến… chủ
nghĩa cộng sản phủ định xã hội tư bản với khả năng tái hiện lại những đặc điểm
cơ bản của xã hội nguyên thủy. Đó là sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, xóa
bỏ giai cấp và nhà nước…nhưng những đặc điểm chung đó không đồng nhất với xã hội
nguyên thủy, mà nó cao và hoàn thiện hơn xã hội nguyên thủy.
Sự phát
triển của sự vật, thông qua nhiều lần phủ định biện chứng, tạo thành khuynh hướng
phát triển tất yếu của sự vật và hiện tượng từ thấp đến cao một cách vô tận
theo đuờng xoáy ốc.
Đường
xoáy ốc được thể
hiện tính chất biện chứng của sự phát triển như: Tính kế thừa, tính lặp lại,
tính phát triển, mỗi vòng xoáy ốc thể hiện tính vô tận của sự phát triển
từ thấp đến cao.
3. Ý
nghĩa
Khi phân
tích nội dung qui luật phủ định của phủ định trước hết phải phân biệt sự khác
nhau giữa phủ định biện chứng và phủ định thông thường. Phải có quan điểm đúng
về cái mới, cái mới với tính cách là tiêu chuẩn của sự phát triển.
Ví dụ:
Cái mới của việc xây dựng kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở nước
ta là quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát
triển xã hội hoá giáo dục, y tế và văn hoá, nhưng không phải tất cả yếu tố của
cái mới trong quá trình trên đều là tiêu chuẩn của sự phát triển, mà chỉ có yếu
tố của cái mới phù hợp với qui luật của nền kinh tế thị trường theo định hướng
xã hội chủ nghĩa mới là tiêu chuẩn của sự phát triển.
Quá
trình phát triển là sự thống nhất giữa cái mới và cái cũ, sự chuyển hóa giữa
cái mới và cái cũ. Cho nên, cần phân biệt giữa cái gọi là “mới” nhưng thực chất
là sự biến dạng của cái cũ.
Phê phán
quan điểm siêu hình về sự phủ định.
1 nhận xét :
Em thích và tâm đắt nhất là phần này trong triết học. em cảm ơn thầy đã post bài ạ
Đăng nhận xét