Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Qui luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập - qui luật cơ bản của phép biện chứng duy vật

Nội dung, ý nghĩa phương pháp luận qui luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập - qui luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Qui luật thống nhất và đấu tranh của những mặt đối lập nghiên cứu nguồn gốc, động lực cơ bản, phổ biến của mọi sự vận động và phát triển..

Qui luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập còn gọi là qui luật mâu thuẫn, đó là “hạt nhân của phép biện chứng”. V.I.Lênin viết: “Có thể định nghĩa văn tắt phép biện chứng là học thuyết về sự thống nhất của các mặt đối lập. Như thế là nắm được hạt nhân của phép biện chứng, nhưng có điều đòi hỏi phải có sự giải thích và một sự phát triển thêm”[1]
1. Mâu thuẫn và các tính chất chung của mâu thuẫn
 Đối lập với phép biện chứng, quan điểm siêu hình đều phủ nhận mâu thuẫn bên trong của các sự vật và hiện tượng, mà chỉ thừa nhận sự khác biệt, đối lập, giữa các sự vật, hiện tượng nhưng không phải là mâu thuẫn hoặc nếu có mâu thuẫn thì đó chỉ là những mâu thuẫn bên ngoài... Phép biện chứng duy vật khẳng định mâu thuẫn tồn tại trong tất cả các sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan.
- Mâu thuẫn dùng để chỉ mối liên hệ thống nhất, đấu tranh và chuyển hoá các mặt đối lập của mỗi sự vật, hiện tượng hoặc giữa các sự vật, hiện tượng.
Trong các sự vật, hiện tượng là một thể thống nhất của các mặt đối lập, những mặt đối lập này liên hệ tác động qua lại và ràng buộc lẫn tạo thành mâu thuẫn. Ví dụ: mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân và giai cấp địa chủ trong xã hội phong kiến; giữa tình cảm và lý trí trong hoạt động nhận thức; giữa lực hút và lực đẩy của nam châm... Sự khác nhau, đối lập và mâu thuẫn không phải là những khái niệm đồng nhất. Sự khác nhau có thể dẫn đến sự đối lập, nhưng không phải sự khác nhau nào cũng dẫn đến sự đối lập (ngày – đêm, trên – dưới, trong – ngoài v.v...).
Các sự vật, hiện tượng là những thể thống nhất có rất nhiều mặt đối lập, nên nó có nhiều loại mâu thuẫn, nhưng một mâu thuẫn được hình thành bởi hai mặt đối lập.Ví dụ: Mâu thuẫn giữa giai cấp giữa tư sản – công nhân; giữa đồng hóa - dị hóa; biến dị - di truyền…
- Các tính chất chung của mâu thuẫn. Mâu thuẫn có tính khách quan và tính phổ biến và tính đa dạng, phong phú.
Tính khách quan của mâu thuẫn khẳng định mọi sự vật, hiện tượng của thế giới đều bao hàm mâu thuẫn, độc lập và không phụ thuộc vào ý thức con người; con người chỉ có thể nhận thức và vận dụng các mâu thuẫn của sự vật, hiện tượng trong hoạt động thực tiễn xã hội.
Tính phổ biến của mâu thuẫn, một mặt, khẳng định mâu thuẫn không chỉ tồn tại trong các sự vật, hiện tượng của tự nhiên, xã hội và tư duy; mặt khác còn khẳng định quá trình giải quyết mâu thuẫn là nguồn gốc, động lực cơ bản, phổ biến của mọi vận động và phát triển của các sự vật, hiện tượng.
Tính đa dạng phong phú của mâu thuẫn được thể hiện trong các sự vật, hiện tượng đều gắn liền với những điều kiện khách quan nhất định. Căn cứ tính đa dạng phong phú của mâu thuẫn trong hiện thực, phép biện chứng duy vật nêu lên các loại mâu thuẫn như: mâu thuẫn bên trong - bên ngoài; mâu thuẫn cơ bản - không cơ bản; mâu thuẫn chủ yếu - mâu thuẫn thứ yếu, mâu thuẫn đối kháng – mâu thuẫn không đối kháng v. v...
2. Quá trình vận động của mâu thuẫn
Trong mâu thuẫn, các mặt đối lập vừa thống nhất với nhau và đấu tranh với nhau, đó cũng là quá trình vận động của mâu thuẫn trong các sự vật, hiện tượng của thế giới. Ví dụ: sự hình thành, vận động và phát triển của chủ nghĩa tư bản cũng là một quá trình tự thân của sự hình thành, vận động những mâu thuẫn xã hội vốn có của chủ nghĩa tư bản. Đó cũng là sự thống nhất, đấu tranh trong quá trình giải quyết những mâu thuẫn xã hội của chủ nghĩa tư bản dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Thống nhất các mặt đối lập hiểu theo nghĩa chung nhất đó là những mặt đối lập tạo thành những mâu thuẫn và đồng thời cũng tạo thành bản thân các sự vật và hiện tượng. Trong một mâu thuẫn, hai mặt đối lập liên hệ với nhau trong một thể thống nhất, - đó là thống nhất của những mặt đối lập. Đó cũng là sự ràng buộc và qui định lẫn nhau, mặt đối lập này lấy mặt đối lập kia làm điều kiện tồn tại cho mình hoặc không có mặt đối lập này thì không có mặt đối lập kia. Ví dụ: không có đồng hoá sẽ không có dị hoá hoặc ngược lại trong quá trình trao đổi chất giữa các thực thể sinh học đối với môi trường hoặc không có giảng dạy sẽ không học tập trong giáo dục…
Khái niệm về sự “thống nhất”sự “đồng nhất” của các mặt đối lập theo một nghĩa nào đó, đều là sự thừa nhận những khuynh hướng bài trừ, phủ định lẫn nhau trong tất cả các sự vật và hiện tượng. Tuy nhiên, khái niệm về sự đồng nhất còn bao hàm sự chuyển hoá các mặt đối lập. Điều đó, có nghĩa là không có sự đồng nhất thuần tuý trừu tượng hoặc mang tính tuyệt đối trong hiện thực khách quan.
Đấu tranh của các mặt đối lập là khuynh hướng phát triển đối lập nhau của các mặt đối lập dẫn đến sự bài trừ, phủ định và chuyển hóa giữa các mặt đối lập. Đấu tranh của các mặt đối lập còn là quá trình giải quyết những mâu thuẫn trong các sự vật và hiện tượng khách quan nói chung, nhưng không nên hiểu theo nghĩa đen của từ này như người ta thường hiểu chỉ là đấu tranh giai cấp, bạo lực...Ví dụ: Cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và công nhân trong chủ nghĩa tư bản. Cuộc “đấu tranh” giữa lực hút và lực đẩy, giữa đồng hóa và dị hóa, giữa biến dị và di truyền; giữa cái thiện và cái ác trong đạo đức của con người.
Mối quan hệ giữa thống nhất và đấu tranh của những mặt đối lập về thực chất là thể hiện sự thống nhất biện chứng của các mâu thuẫn của các sự vật và hiện tượng.
Thống nhất của các mặt đối lập mang tính tương đối, tạm thời. Vì nó luôn là cái cụ thể có tính chất lịch sử giống như sự “đứng im” tương đối của sự vật và hiện tượng. Trong thể thống nhất đó, luôn diễn ra quá trình đấu tranh của các mặt đối lập, chuyển hóa các mặt đối lập dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ: sự hình thành phát triển của chủ nghĩa tư bản là một chỉnh thể thống nhất các mặt đối lập và là một xã hội cụ thể. Nhưng trong quá trình phát sinh, tồn tại và phát triển của nó luôn diễn ra quá trình đấu tranh các mặt đối lập, chuyển hoá các mặt đối lập làm xuất hiện những điều kiện chín muồi của cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ dẫn đến việc xoá bỏ chủ nghĩa tư bản xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đấu tranh của các mặt đối lập mang tính tuyệt đối. Bởi vì, nó là nguồn gốc, động lực bên trong của sự phát triển. Đấu tranh của các mặt đối lập là một quá trình lâu dài phức tạp, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, với những giai đoạn khác nhau. Khi mâu thuẫn phát triển đến mức độ gay gắt, đến điều kiện chín muồi thì xảy ra sự chuyển hóa của các mặt đối lập và khi đó thì mâu thuẫn được giải quyết. Kết quả là thể thống nhất cũ, sự vật cũ mất đi, thể thống nhất mới, sự vật mới xuất hiện và bao hàm những mâu thuẫn mới.
Chuyển hóa các mặt đối lập được thể hiện trong quá trình giải quyết mâu thuẫn của sự vật cũ làm xuất hiện sự vật mới, trong đó các mặt đối lập trước đây đã không còn đồng nhất với chính nó mà đã có sự thay đổi hoặc bị xóa bỏ thông qua sự chuyển hóa của các mặt đối lập. Ví dụ: Sự chuyển hóa các mặt đối lập trong quá trình giải quyết mâu thuẫn giữa giai cấp địa chủ - nông dân trong chế độ phong kiến và giai cấp tư sản – công nhân trong chế độ tư bản chủ nghĩa, không có nghĩa là giai cấp địa chủ trở thành giai cấp nông dân và ngược lại hoặc giai cấp tư sản thành giai cấp công nhân và ngược lại; thực chất, trong sự chuyển hóa đó mỗi giai cấp có sự thay đổi và sự thay đổi đó dẫn đến giải quyết mâu thuẫn làm xuất hiện một xã hội mới cao hơn.
3. Phân loại mâu thuẫn
- Mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài.
- Mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản.
- Mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu.
- Mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng.
4. Ý nghĩa phương pháp luận
 Khi phân tích mâu thuẫn của sự vật và hiện tượng về nguyên tắc, phải thừa nhận tính khách quan, tính phổ biến và tính riêng biệt của mâu thuẫn. Đặc biệt, là tính riêng biệt của mâu thuẫn. Bởi vì, sự vật, hiện tượng khác nhau có mâu thuẫn khác nhau; trong một sự vật, hiện tượng có rất nhiều loại mâu thuẫn khác nhau; trong một mâu thuẫn là một quá trình mang tính giai đoạn, lịch sử cụ thể nên phải có phương pháp giải quyết phù hợp với từng loại mâu thuẫn.
Khái quát tính đa dạng phong phú của mâu thuẫn trong hiện thực, phép biện chứng duy vật nêu lên các loại mâu thuẫn bên trong, mâu thuẫn bên ngoài, mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản…cho nên, phải có các phương pháp giải quyết khác nhau phù hợp với từng loại mâu thuẫn. Trong đó, mâu thuẫn bên trong, mâu thuẫn cơ bản, mâu thuẫn chủ yếu là các loại mâu thuẫn quan trọng.
Phê phán những quan niệm duy tâm siêu hình về mâu thuẫn.

[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb, Tiến bộ, Mát xcơva, 1981, t,29,tr.240.

0 nhận xét :