Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Qui luật thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi chất - qui luật cơ bản của phép biện chứng duy vật

Nội dung, ý nghĩa phương pháp luận qui luật thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi chất - qui luật cơ bản của phép biện chứng duy vật

Qui luật những thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại nghiên cứu nghiên cứu phương thức (cách thức) chung, phổ biến của các quá trình vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy.

1. Khái niệm chất và lượng
Bất cứ sự vật, hiện tượng nào của thế giới cũng bao gồm sự thống nhất giữa chất và lượng.
Chất là tính qui định khách quan vốn có của sự vật, là sự thống nhất hữu cơ của các thuộc tính cấu thành nó, phân biệt nó với cái khác.
Mỗi sự vật, hiện tượng của thế giới đều là những chất cụ thể để khẳng định sự vật, hiện tượng đó là gì và phân biệt nó với sự vật, hiện tượng khác. Con người khác với động vật là do tính qui định về chất của con người và là khả năng chế tạo và sử dụng công cụ lao động và có ý thức.
Mỗi sự vật có rất nhiều thuộc tính, mỗi thuộc tính có thể là một chất. Do đó, mỗi sự vật có thể là một chất, có thể là nhiều chất tuỳ theo những mối liên hệ nhất định. Ví dụ: Con người là một thực thể tư nhiên có đặc tính xã hội là một để khẳng định con người là gì và phân biệt con người với các sự vật, hiện tượng khác trong tự nhiên. Nhưng theo một nghĩa khác, con người bao gồm hai thuộc tính chung nhất là thuộc tính sinh học và thuộc tính xã hội và tương ứng với hai thuộc tính đó cũng được coi là một chất cụ thể khác nhau của con người. Cho nên, phân biệt sự khác nhau giữa chất và thuộc tính cũng chỉ mang tính chất tương đối, tuỳ theo những mối liên hệ nhất định.
Chất có tính ổn định tương đối để khẳng định sự vật là gì và là tiêu chuẩn để phân biệt nó với sự vật khác.
Lượng cũng là tính qui định khách quan vốn có của sự vật biếu thị số lượng, qui mô, trình độ, nhịp điệu (tốc độ) của sự vận động và phát triển của sự vật cũng như của các thuộc tính của sự vật.
Mỗi sự vật, hiện tượng của thế giới đều là những chất cụ thể được thể hiện thông qua lượng. Do đó, lượng của sự vật là sự biểu hiện chất của sự vật dưới các hình thức khác nhau như số lượng, qui mô, trình độ, nhịp điệu (tốc độ) của sự vận động và phát triển của sự vật. Ví dụ, tính qui định về chất (bản chất) của con người là tổng hoà những mối quan hệ xã hội. Theo đó, lượng của (bản chất) con người là từng quan hệ xã hội cụ thể…
Như vậy, chất và lượng là phương diện (mặt) khác nhau của cùng một sự vật, hiện tượng hay một quá trình nhất định của thế giới. Chất và lượng mang tính khách quan, chất của sự vật thể hiện thông qua lượng, lượng biểu thị dưới các hình thức khác nhau của chất; nhưng phân biệt sự khác nhau giữa chất và lượng chỉ mang tính tương đối. Ví dụ: Cơ sở hạ tầng trong thời kỳ quá độ ở nước ta hiện nay là một chất, đó là cơ sở hạ tầng xã hội chủ nghĩa, nhưng nó thông qua lượng là bao gồm các thành phần kinh tế, tức là các kiểu tổ chức kinh tế, các kiểu quan hệ sản xuất với các hình thức sở hữu khác nhau, thậm chí đối lập nhau, cũng tồn tại trong một nền kinh tế quốc dân thống nhất. Đó là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Có nghĩa là nếu xem xét mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế, thì mỗi một thành phần kinh tế có thể được coi là một chất cụ thể nhất định…
2. Biện chứng giữa chất và lượng
Trong các sự vật, hiện tượng cũng là một thể thống nhất giữa chất và lượng ở giới hạn độ nhất định.
Độ là liên hệ qui định lẫn nhau giữa chất và lượng, nó là giới hạn mà trong đó sự vật vẫn là nó, nó chưa trở thành cái khác, nhưng đồng thời trong giới hạn độ hai mặt chất và lượng tác động qua lại lẫn nhau làm cho sự vật vận động và biến đổi. Ví dụ: sinh viên là những người đang học ở các trường cao đẳng và đại học, nhưng họ chưa tốt nghiệp; mặc dù trong quá trình học tập, họ có sự tích lũy tín chỉ các môn học dưới nhiều hình thức khác nhau. Đó là giới hạn độ thể hiện sự qui định giữa chất là lượng của quá trình đào tạo, mà họ vẫn là sinh viên, họ chưa phải là kỹ sư, cử nhân…
Sự vận động và biến đổi của sự vật bao giờ cũng bắt đầu từ quá trình thay đổi về lượng, nhưng sự thay đổi về chất chỉ xảy ra khi đã kết thúc một quá trình thay đổi về lượng, sự thay đổi đó đạt giới hạn của điểm nút.
Điểm nút là giới hạn mà ở đó sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, vượt qua giới hạn độ để dẫn đến bước nhảy (nhảy vọt về chất). Ví dụ: những sinh viên đã tích lũy đầy đủ các tín chỉ theo yêu cầu đào tạo, họ có thể bảo vệ luận văn, hoặc thi tốt nghiệp để trở thành kỹ sư, cử nhân… đó là giới hạn của điểm nút và khi họ bảo vệ thành công luận văn hoặc đạt kết quả thi tốt nghiệp trở thành kỹ sư, cử nhân… đó là bước nhảy về chất.
Bước nhảy (nhảy vọt về chất) kết thúc một giai đoạn biến đổi về lượng nhưng nó không chấm dứt sự vận động, nó chỉ chấm dứt một dạng tồn tại của vận động. Đó là quá trình sự vật cũ, chất cũ mất đi làm xuất hiện sự vật mới, chất mới. Xét về hình thức của bước nhảy diễn ra dưới hai hình thức: bước nhảy dần dần và bước nhảy đột biến.
Bước nhảy dần dần diễn ra trong một thời gian dài, sự tích lũy biến đổi về lượng dẫn đến sự chuyển hoá dần dần từ chất này sang chất khác; đó cũng là sự biến đổi bộ phận của sự vật để dẫn đến sự biến đổi toàn bộ toàn bộ sự vật làm sự vật cũ, chất cũ mất đi, xuất hiện sự vật mới, chất mới. Ví dụ: sự xuất hiện con người là một quá trình thông qua nhiều giai đoạn và nhiều hình thức khác nhau trong sự tiến hoá lâu dài của lịch sử tự nhiên.
Bước nhảy đột biến diễn ra trong một thời gian rất ngắn, sự tích lũy, biến đổi về lượng và đồng thời với nó là quá trình bước nhảy về chất toàn bộ của sự vật. Ví dụ như một vụ nổ nguyên tử hoặc là những tia lửa điện của hiện tượng sấm chớp trong tự nhiên…
Sự thay đổi lượng dẫn đến thay đổi chất bao gìơ cũng được xem xét bởi những điều kiện khách quan nhất định. Bởi vì, trong điều kiện khách quan này sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi vế chất, thì ngược lại trong điều kiện khách quan khác cũng vẫn sự biến đổi về lượng như vậy nhưng không có sự biến đổi về chất. Ví dụ: sự thành công hay thất bại của các doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam, một mặt phụ thuộc sự vận dụng các qui luật của kinh tế thị tường; nhưng mặt khác và chủ yếu là sự vận dụng các qui luật kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện lịch sử, cụ thể ở Việt Nam hiện nay.
Qui luật thay đổi lượng dẫn đến thay đổi chất không chỉ nói lên một chiều là sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất, mà còn có chiều ngược lại. Đó là quá trình hình thành sự vật mới, chất mới và chất mới qui định lượng mới của nó. Khi sự vật mới ra đời bao hàm chất mới, nó lại tạo ra một lượng mới phù hợp với nó và trong sự vật mới lại lặp lại quá trình thay đổi lượng dẫn đế thay đổi chất như là phương thức chung, phổ biến của mọi sự vận động và phát triển trong tự nhiên, xã hội và tư duy.
3. Ý nghĩa
Cần phân biệt sự khác nhau giữa tính qui định về chất và lượng. Tính qui định về chất mang tính khẳng định sự vật là gì và phân biệt sự khác nhau giữa các sự vật. Chất là cái tương đối ổn định, là cái quyết định đối với lượng và bản thân sự vật. Ngược lại, lượng không có ý nghĩa khẳng định sự vật là gì, không là tiêu chuẩn phân biệt sự khác nhau giữa các sự vật, là cái thường xuyên thay đổi và phụ thuộc vào chất…
Xem xét quá trình thay đổi về chất phải nghiên cứu quá trình tích lũy về lượng, biến đổi về lượng gắn liền với những điều kiện khách quan nhất định. Bởi vì, trong điều kiện khác quan này lượng thay đổi sẽ dẫn đến thay đổi chất, nhưng trong điều kiện khách quan khác vẫn sự thay đổi về lượng như vậy có thể không dẫn sự thay đổi về chất.
Phê phán những khuynh hướng tuyệt đối việc thay đổi chất mà không chú ý đến quá trình thay đổi lượng và ngược lại.

0 nhận xét :