Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Nguyên lý về sự phát triển của phép biện chứng duy vật

Nội dung ý nghĩa phương pháp luận nguyên lý về sự phát triển của phép biện chứng duy vật
a. Nội dung nguyên lý về sự phát triển

- Đối lập với quan điểm biện chứng, quan điểm siêu hình phủ nhận sự phát triển. Bởi vì, họ tuyệt đối hóa sự ổn định tương đối của sự vật và hiện tượng, chứ không thấy được vận động, sự thay đổi chuyển hóa cũng như sự phát triển của sự vật và hiện tượng. Nếu có thừa nhận sự phát triển thì theo họ chẳng qua chỉ là sự tăng lên hoặc giảm đi đơn thuần về mặt số lượng, chứ không phải về mặt chất lượng hoặc không có sự ra đời của cái mới cao và hoàn thiện hơn cái cũ. Ngược lại, phép biện chứng duy vật cho rằng Phát triển là quá trình vận động từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp từ cái chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn và phát triển là khuynh hướng chung trong sự vận động của các sự vật và hiện tượng..
 - Cần phân biệt giữa khái niệm vận động và khái niệm phát triển. Khái niệm vận động hiểu theo nghĩa chung nhất là sự biến đổi nói chung và là phương thức tồn tại của vật chất. Điều đó, có nghĩa là có những hình thức vận động bao hàm sự phát triển và có hữnng hình thức vận động không bao hàm sự phát triển. Ngược lại, khái niệm phát triển thì không khái quát mọi sự vận động nói chung, nó chỉ khái quát những vận động đi lên, sự xuất hiện cái mới theo một chiều hướng chung là từ đơn giản đến phức tạp, từ cái chưa hoàn thiện đến hoàn thiện so với cái cũ hoặc quá trình trước đó.
Như vậy, sự phát triển bao hàm sự vận động, sự xuất hiện cái mới theo chiều hướng đi lên. Nhưng không phải bất kỳ sự vận động nào cũng bao hàm sự phát triển. Không nên hiểu phát triển không phải bao giờ cũng diễn ra một cách đơn giản, thẳng tắp; mà là con đường quanh co, phức tạp.  Xét từng trường hợp cá biệt thì có những vận động đi lên tuần tự và đồng thời có những vận động đi xuống, hoặc thụt lùi.  Nhưng về quá trình và trong phạm vi rộng lớn thì vận động đi lên là khuynh hướng tất yếu. Chính vì vậy, phát triển là khuynh hướng chung trong sự vận động của các sự vật và hiện tượng.
- Tính chất của sự phát triển: tính khách quan, tính phổ biến và tính đa dạng phong phú.
 Tính khách quan của sự phát triển của các sự vật, hiện tượng trong thế giới, dù thể hiện dưới hình thức nào cũng cũng là quá trình giải quyết mâu thuẫn vốn có của các sự vật, hiện tượng độc lập và không phụ thuộc vào ý thức con người; con người chỉ có thể nhận thức và vận dụng khuynh hướng chung của sự phát triển trên cơ sở phân tích, giải quyết các mâu thuẫn của sự vật, hiện tượng trong hoạt động thực tiễn xã hội.
Tính phổ biến của sự phát triển là không có sự vật, hiện tượng nào của thế giới là không vận động mà phát triển là khuynh hướng chung trong sự vận động của các sự vật, hiện tượng. Vì vậy, phát triển là một quá trình vận động đi lên diễn ra trong tự nhiên, xã hội và tư duy của con người. Trong đó, sự xuất hiện con người cũng chỉ là một quá trình lịch sử tự nhiên.
Tính đa dạng phong phú của sự phát triển được thể hiện trong các sự vật, hiện tượng đều gắn liền với những điều kiện khách quan nhất định. Căn cứ tính đa dạng phong phú của sự phát triển có thể phân chia sự phát triển như một quá trình xuất hiện cái mới có tính giai đoạn, tính lịch sử cụ thể của nó. Sự xuất hiện cái mới luôn gắn liền với những điều kiện khách quan nhất định. Trong đó, cái mới phù hợp với qui luật vận động phát triển của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy là tiêu chuẩn của sự phát triển. Bởi, có những cái mới là cái khác với cái cũ hoặc quá trình trước đó, nhưng không là tiêu chuẩn của sự phát triển vì nó không phù hợp với qui luật vận động của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy.
b. Ý nghĩa phương pháp luận
Nghiên cứu nguyên lý về sự phát triển, giúp cho chúng ta nhận thức được rằng, muốn nắm được bản chất của sự vật, hiện tượng, nắm được khuynh hướng vận động tất yếu của chúng, phải có quan điểm phát triển và quan điểm lịch sử cụ thể.
- Nguyên tắc (Quan điểm) phát triển với yêu cầu khi phân tích một sự vật, hiện tượng phải đặt nó trong sự vận động để phát hiện được xu hướng biến đổi, chuyển hóa của chúng. Điều đó, có nghĩa là khi nghiên cứu sự tồn tại, vận động của sự vật, hiện tượng phải thấy được phát triển là khuynh hướng chung trong sự vận động của sự vật, hiện tượng; đồng thời cũng phải nhận thức đúng tính khách quan, phổ biến, tính đa dạng phong phú của sự phát triển vận dụng trong hoạt động thực tiễn xã hội.
Quan điểm phát triển còn đòi hỏi chúng ta phải có quan điểm đúng về cái mới, cái mới là tiêu chuẩn của sự phát triển. Sự xuất hiện cái mới là một quá trình, nhưng là cái tất yếu thay thế cái cũ, nhưng sự kế thừa những mặt tích cực của cái cũ là điều kiện tiền đề cho sự phát triển của cái mới.
- Nguyên tắc (Quan điểm) lịch sử cụ thể đòi hỏi khi nghiên cứu sự vật phải thấy sự tồn tại vận động và phát triển của bản thân các sự vật và hiện tượng là một quá trình có tính giai đoạn, tính lịch sử cụ thể. Khi phân tích quá trình vận động của các sự vật, hiện tượng phải xem xét nó trong mối quan hệ cụ thể, với những điều kiện lịch sử cụ thể của các mối quan hệ đó.
- Phê phán quan điểm siêu hình phủ nhận sự phát triển. Bởi vì, họ tuyệt đối hóa sự ổn định tương đối của sự vật và hiện tượng, chứ không thấy được vận động, sự thay đổi chuyển hóa cũng như sự phát triển của sự vật và hiện tượng. Nếu có thừa nhận sự phát triển thì theo họ chẳng qua chỉ là sự tăng lên hoặc giảm đi đơn thuần về mặt số lượng, chứ không phải về mặt chất lượng hoặc không có sự ra đời của cái mới là cái cao hơn và hoàn thiện hơn cái cũ.

0 nhận xét :