Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Điều kiện kinh tế - xã hội và những tiền đề xuất hiện triết học Mác


            1. Điều kiện kinh tế - xã hội
Chủ nghĩa Mác ra đời vào những năm 40[1] của thế kỷ XIX ở Tây Âu. Đây cũng là thời kỳ chủ nghĩa tư bản đã bước sang giai đoạn phát triển mới nhờ tác động của cuộc cách mạng công nghiệp[2]. Nước Anh đã trở thành cường quốc tư bản chủ nghĩa lớn nhất với lực lượng công nghiệp hùng mạnh. Cuộc cách mạng công nghiệp ở Pháp đang được hoàn thành. Ở Đức và một số nước Tây Âu khác, cuộc cách mạng công nghiệp cũng làm cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển nhanh chóng trong lòng xã hội phong kiến. Nhờ vậy, tính hơn hẳn của chế độ tư bản chủ nghĩa so với chế độ phong kiến được thể hiện một cách rõ rệt. "Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại"[3] .
Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản làm cho những mâu thuẫn xã hội vốn có của nó bộc lộ ngày càng gay gắt. Nhiều cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới đã mang ý nghĩa là cuộc đấu tranh giai cấp chống lại giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản. Đó là các cuộc khởi nghĩa của thợ dệt ở Lyông (Pháp) năm 1831 và sau đó lại nổ ra năm 1834 đã "vạch ra một điều bí mật quan trọng, - như một tờ báo chính thức của chính phủ hồi đó đã viết - đó là cuộc đấu tranh bên trong, diễn ra trong xã hội, giữa giai cấp những người có của và giai cấp những kẻ không có gì hết...". Ở Anh có phong trào Hiến chương vào cuối những năm 30 là "phong trào cách mạng vô sản to lớn đầu tiên, thật sự có tính chất quần chúng và có hình thức chính trị"[4]. Nước Đức đương thời còn đang ở vào đêm trước của cuộc cách mạng tư sản, song phong trào vô sản cũng đã được phát triển: từ cuộc khởi nghĩa tự phát của thợ dệt Xilêdi năm 1844 đến sự xuất hiện "Đồng minh những người chính nghĩa"- một tổ chức vô sản cách mạng.
Cố nhiên, trong hoàn cảnh lịch sử đó, giai cấp tư sản không còn đóng vai trò là giai cấp cách mạng như nó đã thể hiện trong quá trình xóa bỏ phương thức sản xuất phong kiến xây dựng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa như ở thế kỷ XVII. Ở Anh và Pháp, giai cấp tư sản đang là giai cấp thống trị, lại phải chống trả trước cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản nên không còn là lực lượng cách mạng trong quá trình cải tạo dân chủ. Còn giai cấp tư sản Đức vốn đã lo ngại bạo lực cách mạng khi nhìn vào tấm gương cuộc Cách mạng tư sản Pháp 1789, nay lại thêm sợ hãi trước sự phát triển của phong trào công nhân Đức. Nó mơ tưởng biến đổi nền quân chủ phong kiến thành nền quân chủ tư sản một cách hoà bình. Vì vậy, giai cấp vô sản xuất hiện trên vũ đài lịch sử không chỉ là "kẻ phá hoại" chủ nghĩa tư bản mà còn là lực lượng tiên phong trong cuộc đấu tranh cho nền dân chủ. Nền dân chủ xã hội được mở ra bởi các cuộc cách mạng tư sản, nhưng quá trình cải tạo dân chủ trên các lĩnh vực đời sống của xã hội tư bản chủ nghĩa là từ nay lại được thực hiện với những động lực xã hội mới là giai cấp vô sản, tiểu tư sản thành thị và nông dân.
Thực tiễn xã hội, đặc biệt là thực tiễn cách mạng của giai cấp vô sản nảy sinh yêu cầu khách quan là phải được soi sáng bằng lý luận khoa học. Đó là vấn đề hệ tưởng và sự ra đời của các chính đảng cộng sản – người tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản thế giới chống lại chủ nghĩa tư bản. Chính vì vậy, sự ra đời của chủ nghĩa Mác là sự giải đáp về mặt lý luận những vấn đề thời đại đặt ra trên lập trường của giai cấp vô sản cách mạng.
2. Tiền đề lý luận
Sự ra đời của triết học Mác mang tính tất yếu khách quan của những điều kiện kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa giữa thế kỷ XIX; đồng thời là sự phát triển hợp quy luật của lịch sử tư tưởng nhân loại. "Lịch sử triết học và lịch sử khoa học xã hội chỉ ra một cách hoàn toàn rõ ràng rằng chủ nghĩa Mác không có gì là giống "chủ nghĩa tông phái", hiểu theo nghĩa là một học thuyết đóng kín và cứng nhắc nảy sinh ở ngoài con đường phát triển vĩ đại của văn minh thế giới". Học thuyết của Mác "ra đời là sự thừa kế thẳng và trực tiếp những học thuyết của các đại biểu xuất sắc nhất trong triết học, trong kinh tế chính trị học và trong chủ nghĩa xã hội"[5]. Triết học cố điển Đức, Kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp và Anh là những thành tựu tư tưởng mà nhân loại đã sáng tạo ra hồi đầu thế kỷ XIX đã trở thành nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa Mác nói chung, của triết học Mác nói riêng.
- Triết học cổ điển Đức, đặc biệt với hai nhà triết học tiêu biểu triết học Hêghen[6] và Phoiơbách[7] là nguồn gốc lý luận trực tiếp của triết học Mác.
C.Mác và Ph.Ăngghen đánh giá cao tư tưởng biện chứng của triết học Hêghen. C.Mác cho rằng, tính chất thần bí mà phép biện chứng đã mắc phải ở triết học Hêghen tuyệt nhiên không ngăn cản Hêghen trở thành người đầu tiên trình bày một cách bao quát và có ý thức hình thái vận động chung của phép biện chứng ấy. Ở Hêghen phép biện chứng bị lộn ngược đầu xuống đất; chỉ cần dựng nó lại sẽ phát hiện được cái hạt nhân hợp lý của nó ở đằng sau lớp vỏ thần bí. Trong khi phê phán chủ nghĩa duy tâm của Hêghen, C.Mác đã dựa vào truyền thống của chủ nghĩa duy vật của Phoiơbắc; đồng thời đã cải tạo chủ nghĩa duy vật cũ, khắc phục tính siêu hình và những hạn chế lịch sử của nó. Từ đó, C.Mác và Ph.Ăngghen xây dựng nên học thuyết triết học mới, trong đó chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng thống nhất với nhau một cách hữu cơ là chủ nghĩa duy vật biện chứng, một hình thức mới, một giai đoạn phát triển cao của chủ nghĩa duy vật triết học.
- Chủ nghĩa xã hội không tưởng
Chủ nghĩa xã hội không tưởng thế kỷ XVIII – XIX ở Pháp và Anh là các nhà xã hội chủ nghĩa: Xanhximông; Phuriê và Ôwen[8] đã là một trong những nguồn gốc lý luận của triết học Mác.
Khái niệm “chủ nghĩa xã hội không tưởng” được C.Mác và Ph.Ăgghen dùng để chỉ những tư tưởng về chủ nghĩa xã hội không có tính hiện thực và không trở thành hiện thực. Mặc dù, những tư tưởng đó đã phê phán quan hệ bóc lột, sự bất bình đẳng của xã hội tư bản; rằng phải xoá bỏ chủ nghĩa tư bản để xây dựng một xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Nhưng những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng không giải thích được bản chất của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và những điều kiện khách quan dẫn đến sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Họ cũng thấy được vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân thế giới đối quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, tư tưởng nhân đạo và giải phóng con người giải phóng xã hội của chủ nghĩa xã hội không tưởng của Pháp và Anh thế kỷ XVIII – XIX cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành thế giới quan duy vật và phương pháp luận khoa học của C.Mác và Ph.Ăngghen về lịch sử về giai cấp công nhân.
- Các học thuyết kinh tế chính trị của Anh
Các học thuyết kinh tế chính trị của Anh ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển quan niệm về chủ nghĩa duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác. Đó là lý luận về giá trị của kinh tế chính trị học được thể hiện trong quá trình xây dựng học thuyết giá trị lao động của A.Đ.Ximít[9], Đ.Ricácđô[10]. A.Đ.Ximít, Đ.Ricácđô đã đưa những kết luận quan trọng về giá trị, nguồn gốc của lợi nhuận, tính chất quan trọng hàng đầu của sản xuất vật chất, về qui luật khách quan của sản xuất hàng hóa.
Do những hạn chế về phương pháp, nên các nhà kinh tế chính trị cổ điển Anh chưa thấy được tính lịch sử của giá trị, mâu thuẫn của hàng hóa và sản xuất hàng hóa, tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa cũng như không phân biệt rõ sự khác nhau giữa sản xuất hàng hóa giản đơn và sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa.
 Kế thừa những tư tưởng khoa học trong lý luận giá trị lao động của các nhà kinh tế chính trị cổ điển Anh, C.Mác và Ph.Ăngghen xây dựng lý luận giá trị thặng dư. Lý luận về giá trị thặng dư được C.Mác và Ph.Ăngghen nghiên cứu và trình bày trong bộ “Tư bản”[11]. Bộ “Tư bản” của C.Mác bao gồm nhiều tư tưởng về kinh tế chính trị học, duy vật lịch sử và nhất là vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản thế giới.
3. Tiền đề khoa học tự nhiên
Từ những thập niên 30 – 40 thế kỷ XIX, sự phát triển của khoa học tự nhiên và các thành tựu của nó, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm siêu hình, duy tâm trong triết học; đồng thời nó tạo ra những tiền đề khách quan cho sự xuất hiện triết học Mác. Từ những thập niên 30 - 40 thế kỷ XIX, sự phát triển của khoa học tự nhiên và các thành tựu của nó, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm siêu hình, duy tâm trong triết học; đồng thời nó tạo ra những tiền đề khách quan cho sự xuất hiện triết học Mác.
Qui luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng[12], chứng minh rằng cơ học, nhiệt ánh sáng, điện, từ các dạng trong các hình thức vận động khác nhau của vật chất không tách rời nhau, có khả năng chuyển hóa cho nhau. Không có sự sinh ra và mất đi của năng lượng mà chỉ có sự chuyển hóa lẫn nhau từ dạng này sang dạng khác.
Sự phát triển của khoa học sinh học gắn liền với với sự xuất hiện học thuyết tế bào[13], đã chống lại những quan niệm duy tâm siêu hình về nguồn gốc, về mối quan hệ giữa hình thái thực vật - động vật. Nó xác định được mối liên hệ biện chứng về nguồn gốc lịch sử và các qui luật phát triển của sinh học. Sự xuất hiện học thuyết Đácuyn đã xác định sự tiến hóa[14] của sinh học. Thuyết tiến hóa của Đácuyn đã bác bỏ quan niệm duy tâm, siêu hình về sự bất biến trong sinh học, và ông cũng là người đầu tiên xác định tính biến dị, di truyền giữa các loài, v.v...
Như vậy, những thành tựu của khoa học tự nhiên giữa thế kỷ XIX đã nêu được mối liên hệ biện chứng, sự biến đổi chuyển hóa về mặt chất lượng trong các lĩnh vực khác nhau của giới tự nhiên. Khái quát những thành tựu của khoa học tự nhiên C.Mác – Ph.Ăngghen đã phát triển và cụ thể hóa những vấn đề triết học của chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Cùng với những nguồn gốc lý luận trên đây, những thành tựu của khoa học tự nhiên có vai trò quan trọng không thể thiếu được cho sự ra đời triết học Mác. Những phát minh lớn của khoa học tự nhiên làm bộc lộ rõ tính hạn chế, chật hẹp và bất lực của phương pháp tư duy siêu hình trong việc nhận thức thế giới; đồng thời cung cấp cơ sở tri thức khoa học để phát triển tư duy biện chứng, hình thành phép biện chứng duy vật.
Trong số những thành tựu khoa học tự nhiên thời đó, Ph.Ăngghen nêu bật ý nghĩa của ba phát minh lớn đối với sự hình thành triết học duy vật biện chứng; định luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng, thuyết tế bào và thuyết tiến hoá của Đácuyn. Với những phát minh lớn của khoa học tự nhiên đã làm cho "quan niệm mới về giới tự nhiên" đã được hoàn thành trên những nét cơ bản: tất cả cái gì cứng nhắc đều bị tan ra, tất cả cái gì cố định đều biến thành mây khói, và tất cả những gì đặc biệt mà người ta cho là tồn tại vĩnh cửu thì đã trở thành nhất thời; và người ta đã chứng minh rằng toàn bộ giới tự nhiên đều vận động theo một dòng và một tuần hoàn vĩnh cửu"[15]. Đến lượt mình, khoa học tự nhiên không thể tiếp tục phát triển nếu không "từ bỏ tư duy siêu hình mà quay trở lại với tư duy biện chứng, bằng cách này hay cách khác"[16]. Nhưng nếu như tư duy biện chứng ở triết học cổ đại chỉ mới là một trực kiến thiên tài "thì đối với chúng ta nó là kết quả của một công trình nghiên cứu khoa học chặt chẽ dựa trên kinh nghiệm và vì vậy nó thể hiện ra dưới một hình thức dứt khoát và rõ ràng hơn nhiều"[17].
Như vậy, triết học Mác cũng như toàn bộ chủ nghĩa Mác đã ra đời như một tất yếu lịch sử không những vì nó là sự phản ánh thực tiễn xã hội, nhất là thực tiễn cách mạng của giai cấp công nhân mà còn là sự phát triển hợp lôgíc lịch sử tư tưởng nhân loại.


[1] Đây cũng được coi là thời kỳ chuyển tiếp về mặt thế giới quan và hệ tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen từ thế giới quan duy tâm sang thế giới quan duy vật biện chứng, từ những nhà dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản.

[2] Cánh mạng công nghiệp xuất hiện những năm đầu của thế kỷ XVII ở Tây Âu.

[3] . C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.603.

[4] . V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ Mátxcơva, 1977, t.38, tr.365

[5] . V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ,  Mátxcơva, 1977, t.38, tr,49-50

[6] Goerge Wihelm Priedrich Hégel (1770 – 1831). Giáo sư triết học, nhà triết học duy tâm khách quan đại biểu vĩ đại nhất của triết học cổ điển Đức.

[7] Ludwig Feuerbach (1804 – 1872). Giáo sư triết học, nhà triết học duy vật đại biểu tiêu biểu của triết học cổ điển Đức.

[8] Saint Simon Claude Henride (1760 – 1835); Furier chales (1772 – 1837) và Owen Robert (1771 – 1838).

[9] Adam Smith (1723 – 1790). Giáo sư logíc, triết học đạo đức, nhà kinh tế học người Anh.

[10] David Ricardo (1772 – 1823). Nhà kinh tế học người Anh.

[11] Tác phẩm chủ yếu của C. Mác về kinh tế chính trị học, gồm 4 quyển, là sự nghiệp của cả cuộc đời C. Mác và một phần quan  trọng trong cuộc đời của Ph.Ăngghen. C. Mác bắt đều viết “Tư bản” vào những năm 1840 và tiếp tục thực hiện nó đến khi mất năm 1883.

[12] Mayer (1814- 1878) là bác sỹ y khoa, ông là người đầu tiên phát minh ra định luật bảo tồn và chuyển hóa năng lượng, để ghi nhớ công lao của ông đối với vật lý người ta đặt hệ thức Cp – Cv = R là “phương trình Mayer”. Định luật này khác với định luật bảo toàn chuyển hóa khối lượng của Mikhail Vasilyevich Lomonosov (1748) đặt ra định đề và đến năm 1769 được Antoine Lavoiser phát biểu định luật này.

[13] Do Slâyđen (Matthias Schleiden, 1804 – 1881) và Svan (Theodor Schwan, 1810 – 1882) phát minh.

[14] Học thuyết tiến hóa của Đác Uyn (Darwin Chales)

[15] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t.20, tr.471.

[16] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t.20, tr.490.


[17] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t.20, tr.471.

0 nhận xét :