Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam là một môn khoa học vừa mới ra đời,
đang đòi hỏi những sự tìm tòi và khám phá mới, những khái quát mới. Ở đây bước
đầu xin nêu lên một số nội dung cơ bản để các nhà nghiên cứu tham chiếu, định
hướng và xây dựng lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam có hệ thống lý luận với
tính cách là một khoa học.
1. Những nội dung cơ bản thể hiện lập trường duy vật và
duy tâm
Một trong những vấn đề quan trọng là trong lịch sử tư
tưởng triết học Việt Nam, có hay không có cuộc đấu tranh giữa triết học duy vật
và triết học duy tâm? Và nếu có, thì cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và
chủ nghĩa duy tâm trong lịch sử tư tưởng Việt Nam thời kỳ phong kiến có những
đặc điểm chung giống với lịch sử triết học phương Đông như ở Trung Quốc, Ấn Độ
cổ, trung đại hay mang tính đặc thù?
Về vấn đề nêu trên, ta có thể nói trong lịch sử tư tưởng
Việt Nam vẫn xảy ra cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật, duy tâm và ít nhiều
chịu ảnh hưởng bởi lịch sử triết học Tung Quốc, Ấn Độ cổ, trung đại; nhưng do
điều kiện lịch sử cụ thể Việt Nam nó thuộc một hình thái đặc biệt. Vì trong
cuộc đấu tranh đó không thành trận tuyến, không trải ra trên khắp mọi vấn đề
của triết học. Về cơ bản, chủ nghĩa duy tâm kết hợp với tôn giáo tạo thành thế
giới quan duy tâm, tôn giáo có tính bao trùm; còn chủ nghĩa duy vật và quan
điểm vô thần chỉ xuất hiện trên từng vấn đề, từng điểm cụ thể.
Cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy
tâm trong lịch sử tư tưởng Việt Nam không có sự cân sức. Bởi chủ nghĩa duy vật
và quan điểm vô thần chống lại chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo chỉ là yếu tố
chống chọi với hệ thống, kinh nghiệm khảo sát chống chọi với lý luận có bề thế
(của hệ tưởng tưởng thống trị, nhất là Nho giáo). Đó là sự mâu thuẫn trong bản
thân thế giới quan của một "trường phái", thậm chí trong mỗi nhà tư
tưởng. Chẳng hạn, một người nào đó được xem là duy vật là xét ở những nét cơ bản,
chứ đi vào cụ thể thì ở điểm này là duy vật, nhưng ở điểm khác lại là duy tâm,
ở điểm này thì chống lại hệ thống duy tâm, nhưng ở điểm khác thì lại chấp nhận
hệ thống đó... Điều đó, cũng có thể lý giải là do xã hội và trình độ khoa học
tự nhiên kém phát triển là nguyên nhân của tình trạng trên.
Thế giới quan duy vật hoặc duy tâm trong lịch sử tư tưởng
Việt Nam thể hiện trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tâm và vật, giữa linh hồn và
thể xác, giữa lý và khí... lập trường đó còn thể hiện trong việc giải thích
nguyên nhân và nguồn gốc tạo nên những sự kiện cơ bản của đất nước, xã hội và
con người, như an nguy của quốc gia dân
tộc, trị loạn của xã hội, hưng vong của các triều đại, vấn đề số mệnh và bản
tính con người, vấn đề đạo trời và đạo người.. Ta có thể tìm thấy các lập
trường đó ở trong các cuốn sách sử, các bài thơ "thuật hoài",
"ngôn chí", các cuốn sách diễn giải về tác phẩm kinh điển Nho, Phật,
Lão, các bài cáo, chế, chiếu, biểu trong lịch sử của các triều đại phong kiến
Việt Nam.
Có thế nói, chủ nghĩa duy tâm trong lịch sử tư tưởng Việt
Nam dù là khách quan hay chủ quan, đều mang nặng màu sắc tôn giáo. Nó có nguồn
gốc ở "Tam giáo" và tín ngưỡng dân gian cổ truyền. Chủ nghĩa duy tâm
đó là vũ khí lý luận của kẻ xâm lược bên ngoài, là công cụ của giai cấp thống trị
bên trong, đồng thời cũng ít, nhiều thể hiện niềm tin của quần chúng nhân dân
nghèo khổ và thất học.
Quan niệm "Thiên mệnh" (mệnh trời) là điều
thường được nhắc tới trong lịch sử. Những người duy tâm cho rằng, trời sinh ra
con người và vạn vật, mỗi người có một mệnh gọi là mệnh trời, con người phải sợ
và phải làm theo mệnh trời. Họ thường nhắc lại câu nói của Khổng Tử:
"Người quân tử có ba điều sợ: sợ mệnh trời, sợ đại nhân và sợ lời nói của
ông thánh (Luận Ngữ). Những kẻ thống trị phương Bắc thường vịn vào quan điểm
mệnh trời của nhà Nho để tiến hành xâm lược: "Nước nhỏ sợ mệnh trời thờ
nước lớn" (Mạnh Tử).
Đối với tầng lớp thống trị trong nước cũng thường nhân
danh mệnh trời để đàn áp, trừng phạt, dùng trời để biện hộ cho sự thống trị của
mình. Họ nêu lên cái gọi là "điểm trời" để làm một việc nào đó của
triều đình, nói ra cái gọi là "ứng thiên mệnh" để trị vì, và đặt niên
hiệu là "Thuận thiên" để chứng tỏ rằng mình nghe theo trời. Họ đặt
tên cho một trong những cung điện tôn kính nhất trong hoàng thành là điện
"Kính thiên" để tỏ lòng tôn kính trời, bày đặt ra một trong những
cuộc tế lễ quan trọng nhất trong năm là tế "Nam giao" để tỏ lòng
thành kính trời đất. Đâu đâu cũng thấy một tâm lý hướng về một ông trời có nhân
cách và một ý thức dựa vào trời để củng cố địa vị.
Khác với chủ nghĩa duy tâm coi số mệnh có tính chất khách
quan của nhà Nho, chủ nghĩa duy tâm chủ quan Phật giáo lại có quan niệm về
"nghiệp" và "kiếp". Những người theo đạo Phật cho rằng, số
mệnh con người không phải là do trời gây nên, mà là do mình làm ra, do
"nghiệp" và "kiếp" đã được bản thân tạo ra từ quá khứ. Họ
cho rằng, con người có hai phần: linh hồn (thức) và thể xác. Thể xác thì mất đi
nhưng linh hồn thì còn mãi, linh hồn sống qua các kiếp khác nhau trong thể xác
khác nhau, mỗi một kiếp là kết quả của kiếp trước và là nguyên nhân của kiếp
sau, cứ như thế tạo thành chuỗi nghiệp vô cùng tận cho mỗi con người. Nêu lên
quan điểm này cũng không phải ngoài mục đích an ủi con người, khuyên họ chịu
đựng, hoặc tu nhân tích đức để có hạnh phúc ở kiếp sau.
Một biểu hiện khác của chủ nghĩa duy tâm là quan điểm về
nguồn gốc trị loạn của xã hội. Những người duy tâm theo kiểu Tống Nho cho rằng,
tư tưởng con người có hai phần "thiên lý" (đạo đức phong kiến) và
"nhân dục" (nhu cầu của con người), nếu "thiên lý" thắng
thì xã hội trị, còn "nhân dục" thắng thì xã hội loạn; để xã hội trị
được thì phải "tiết dục", "quả dục" (hạn chế lòng mong
muốn), "tri túc" (biết đủ). Luận điểm này là một chủ trương chính
trị, không những là duy tâm, vì cho tư tưởng con người (đạo đức, tinh thần, ý
chí) là động lực quyết định sự phát triển của lịch sử mà còn là một chủ trương
có tính chất khổ hạnh và ngu dân, không thấy nhu cầu là động lực phát triển của
xã hội.
Như vậy, chủ nghĩa duy tâm tôn giáo dù thể hiện dưới các hình
thức khác nhau nhưng đều biện hộ cho sự thống trị, coi thường năng lực của con
người và chà đạp lên nguyện vọng của con người. Chúng không thể không gặp sự
chống đối của những người duy vật, những lực lượng tiến bộ xã hội. Những người
này tuy chưa bác bỏ được tận gốc chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo nhưng đã đối
địch được trên từng luận điểm của chúng.
Đối lập với quan điểm "mệnh trời" có tính chất
thần bí của chủ nghĩa duy tâm là một sự giải thích khác về trời và mệnh trời. Chẳng
hạn, có người cho trời như là một lực lượng tự nhiên ở bên ngoài con người; có
người cho trời chỉ là "chính lý", là lẽ phải, cho lẽ trời là lòng
dân, cho vận trời có lúc bĩ, lúc thái, cho mệnh trời không thường, lúc thế này
lúc thế khác... Có người phân lập trời với người, tách người ra khỏi trời và
biến người thành một lực lượng đối lập với trời. Ở đó, mức thấp nhất là cho con
người có thể xuất phát từ mình để mưu tính sự việc của mình nhưng chưa đảm bảo
được hoàn toàn kết quả công việc: "mưu sự tại nhân, thành sự tại
thiên". Và ở mức cao là cho con người có thể thắng được trời, sức con
người có thể làm thay đổi số mệnh của trời. "Xưa nay nhân định thắng thiên
cũng nhiều", (Truyện Kiều của Nguyễn Du). Tất cả những sự giải thích đó,
ít nhiều đều làm mất tính chất trang nghiêm về định mệnh của trời, ít nhiều đều
làm lu mờ vai trò của chủ nghĩa duy tâm tôn giáo.
Ở một phương diện khác, đối lại với quan điểm "mệnh
trời" còn có quan điểm về "thời", quan điểm cho "thời"
đối lập với "mệnh", chủ trương theo "thời" chứ không theo
"mệnh". Đặng Dung nói: "Thời đến thì người câu cá và anh hàng
thịt thành công dễ, còn vận qua thì anh hùng nuốt hận nhiều" (Thời lai đồ
điếu thành công dị, vận khứ anh hùng ẩm hận đa). Về vấn đề này, Nguyễn Trãi
cũng từng nói: "Điều đáng quý ở người quân tử là hiểu thời thông biến mà
thôi", ""Điều đáng quý ở người quân tử là biết thời không biến,
lượng sức xử mình". Ngô Thì Nhậm nói: "Gặp thời thế, thế thời phải
thế". Ở đây không còn bóng dáng của mệnh, không còn sự ám ảnh của ý chí
một ông trời có nhân cách.
Trong số những quan điểm chống đối mệnh trời của nhà Nho,
"báo ứng" của nhà Phật, "âm khí" của nhà Đạo, thì mạnh hơn
cả, bộc trực hơn cả là quan điểm của quần chúng nhân dân. Bằng sự quan sát hàng
ngày, bằng kinh nghiệm cuộc sống và quan điểm thực tế, quần chúng nhân dân đã
phản ứng lại các quan điểm duy tâm bằng kinh nghiệm của mình. Nếu chủ nghĩa duy
tâm cho người nào đó được làm vua là do mệnh thời thì quần chúng nhân dân nêu
nên luận điểm "được làm vua, thua làm giặc"; nếu chủ nghĩa duy tâm
cho con người ta có số truyền kiếp về giàu sang hoặc nghèo hèn là "con vua
thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa", thì quần chúng nhân dân
đáp lại: "Bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét
chùa"; nếu phật giáo nêu lên thuyết "quả báo", cho làm thiện thì
được phúc, làm ác thì phải hoạ, thì quần chúng nhân dân nêu lên "ăn trộm
ăn cướp thành Phật, thành tiên, đi chùa đi chiền bán thân bất toại"; nếu
Đạo giáo cho mồ mả, đất cát là nguồn gốc hoạ phúc ở dương gian, thì quần chúng
nhân dân nêu lên: "Hòn đất mà biết nói năng, thì thầy địa lý hàm răng
không còn". Họ không có lý luận, chỉ nêu lên sự thực, một sự thực mà trong
cuộc sống bất cứ ai cũng có lần bắt gặp, nhưng do quan điểm duy tâm chi phối mà
không dám thừa nhận. Vì thế, sự thực được nêu ra đó làm cảnh tỉnh những người
khác, có tính chiến đấu rõ rệt, ít ra cũng làm ngưòi ta phải ngẫm lại và hoài
nghi với các luận điểm của chủ nghĩa duy tâm tôn giáo.
Trong suốt ngàn năm của chế độ phong kiến Việt Nam, đất
nước không phát triển, khoa học tự nhiên không có điều kiện ra đời; vì thế; các
vấn đề đấu tranh trên với nội dung quen thuộc cứ lặp đi lặp lại. Chủ nghĩa duy
tâm ít đưa ra được những điều mới mẻ theo đà phát triển của lịch sử, chủ nghĩa
duy vật cũng không tiến triển được gì nhiều. Sự đấu tranh của chủ nghĩa duy vật
và chủ nghĩa duy tâm chưa đạt tới trình độ sâu sắc và toàn diện.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét