V.I.Lênin (1870-1924) đã vận dụng sáng tạo học
thuyết Mác để giải quyết những vấn đề của cách mạng vô sản trong thời đại chủ
nghĩa đế quốc và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông đã có đóng góp to lớn
vào sự phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác nói riêng.
Trong những tác
phẩm ban đầu của mình, như “Những người
bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao?”
và “Nội dung kinh tế của chủ nghĩa dân tuý và sự phê phán trong cuốn sách của
ông Xtơruvê về nội dung đó”, V.I.Lênin đã vạch trần bản chất phản cách
mạng, giả danh "người bạn của dân" của bọn dân tuý ở Nga vào những
năm 90 thế kỷ XIX. Về triết học ông đã phê phán quan điểm duy tâm chủ quan lề
lịch sử của những nhà dân tuý. Trong cuộc đấu tranh đó, V.I.Lênin không những
đã bảo vệ chủ nghĩa Mác khỏi sự xuyên tạc của những người dân tuý mà còn phát
triển, làm phong phú thêm quan điểm duy vật lịch sử, nhất là lý luận về hình
thái kinh tế - xã hội của C.Mác.
Vào những năm
cuối của thế kỷ XIX bước sang thế kỷ XX trên thế giới, trong lĩnh vực khoa học
tự nhiện có những phát minh lớn "mang tính vạch thời đại", nhất là
phát hiện về điện tử và cấu tạo nguyên tử đã làm đảo lộn căn bản quan niệm về
thế giới của vật lý học cổ điển, dẫn tới "cuộc khủng hoảng vật lý".
Lợi dụng tình hình đó, chủ nghĩa duy tâm, trong đó có nhủ nghĩa Makhơ - một thứ
chủ nghĩa duy tâm chủ quan tấn công vào chủ nghĩa duy vật nói chung, chủ nghĩa
duy vật mácxít nói riêng.
Ở nước Nga, sau
thất bại của cuộc cách mạng 1905-1907, những người theo chủ nghĩa Makhơ cũng
tăng cường hoạt động lý luận, họ viện cớ "bảo vệ chủ nghĩa Mác",
nhưng thực chất là xuyên tạc triết học mácxít. Trong tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm
phê phán” xuất bản năm 1900, V.I.Lênin không chỉ phê phán quan điểm duy
tâm, siêu hình của những người theo chủ nghĩa Makhơ mà còn bổ sung, phát triển
chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử dựa trên sự phân tích, khái
quát những thành tựu khoa học mới nhất, trước hết là khoa học tự nhiên thời đó.
Với định nghĩa của V.I.Lênin về vật chất với tính cách là một phạm trù triết
học, nhiều vấn đề căn bản của nhận thức luận mácxít đã được làm sâu sắc thêm,
được nâng lên một trình độ mới. Phương pháp của V.I.Lênin trong việc phân tích "cuộc
khủng hoảng vật lý" có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển
của khoa học tự nhiên hồi đó và cho đến cả ngày nay.
Nghiên cứu những
vấn đề triết học, được V.I.Lênin tiến hành vào những năm chiến tranh thế giới
lần thứ nhất nhằm đáp ứng yêu cầu nhận thức giai đoạn độc quyền nhà nước của
chủ nghĩa tư bản và giải quyết những vấn đề cấp bách của thực tiễn cách mạng vô
sản. Trong tác phẩm “Bút ký triết học”
- gồm những ghi chép và nhận xét của V.I.Lênin khi đọc các tác phẩm của nhiều
nhà triết học, được thực hiện chủ yếu trong những năm 1914 đến năm 1915, cho
thấy ông đặc biệt quan tâm nghiên cứu về phép biện chứng, nhất là ở triết học
Hêghen. V.I.Lênin đã tiếp tục khai thác cái "hạt nhân hợp lý" của
triết học Hêghen để làm phong phú thêm phép biện chứng duy vật, đặc biệt là lý
luận về sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Tinh thấn sáng tạo của
tư duy biện chứng cũng đã giúp cho V.I.Lênin có những đóng góp quan trọng vào
kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác về triết học xã hội như vấn đề nhà nước,
cách mạng bạo lực, chuyên chính vô sản, lý luận về đảng kiểu mới...
Luận điểm của
V.I.Lênin về khả năng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội bắt đầu ở một số nước,
thậm chí ở một nước riêng lẻ, được rút ra từ sự phân tích quy luật phát triển
không đều của chủ nghĩa tư bản, đã có ảnh hưởng rất lớn với tiến trình cách
mạng ở nước Nga cũng như trên toàn thế giới. Trong khi lãnh đạo công cuộc xây
dựng những cơ sở ban đầu của chủ nghĩa xã hội, V.I.Lênin tiếp tục có những đóng
góp mới quan trọng vào việc phát triển triết học Mác. Đồng thời ông đã nêu lên
những mẫu mực về sự thống nhất giữa tính đảng với yêu cầu sáng tạo trong việc
vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác.
Để bảo vệ chủ
nghĩa Mác, V.I.Lênin không chỉ phê phán đối với mọi kẻ thù của chủ nghĩa Mác,
mà còn phê phán những người nhân danh lý luận của C.Mác trên lời nói nhưng thực
tế là chủ nghĩa xét lại, hoặc ít ra đã xa rời học thuyết của C.Mác. Đồng thời,
V.I.Lênin chú trọng tổng kết kinh nghiệm thực tiễn cách mạng và dựa vào những
thành quả mới nhất của khoa học để bổ sung, phát triển di sản lý luận mà C.Mác
và Ph.Ăngghen để lại.
Với tinh thấn
biện chứng duy vật, xem chân lý là cụ thể, có khi V.I.Lênin đã phải thay đổi
một cách căn bản đối với một quan niệm nào đó của mình về chủ nghĩa xã hội,
không chấp nhận mọi thứ biểu hiện của chủ nghĩa giáo điều. Chính vì thế mà một
giai đoạn mới trong sự phát triển của chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác
nói riêng đã gắn liền với tên tuổi của V.I.Lênin và được gọi là triết học Mác -
Lênin nói riêng, chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung.
Tóm lại, sự phát triển của V.I.Lênin đối với
triết học Mác trong điều kiện hoàn thành mới so với thời đại của C.Mác và Ph.
Ăngghen. Đó là thời đại của chủ nghĩa xã hội hiện thực, chủ nghĩa tư bản đã
phát triển ở giai đoạn cao là chủ nghĩa đế quốc, phong trào giải phóng dân tộc
gắn liền với xu hướng của chủ nghĩa xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của cách
mạng khoa học – kỹ thuật. Sự phát triển của V.I.Lênin đối với triết học Mác
được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của triết học Mác. Đó là các nguyên lý
của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Nhất là lý luận
về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét