Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Những cách phê bình độc đáo





Các nhà văn, nhà thơ vốn được xem là những người giàu chữ nghĩa. Chính bởi thế mà trong một số trường hợp, để tỏ thái độ bất ưng của mình với một tác phẩm nào đó, họ không "ngang bằng sổ thẳng" mà tìm ra những cách nói khá độc đáo, khiến người đối thoại không khỏi... bất ngờ. Một số mẩu chuyện sau đây là những ví dụ...
Các nhà văn, nhà thơ vốn được xem là những người giàu chữ nghĩa. Chính bởi thế mà trong một số trường hợp, để tỏ thái độ bất ưng của mình với một tác phẩm nào đó, họ không "ngang bằng sổ thẳng" mà tìm ra những cách nói khá độc đáo, khiến người đối thoại không khỏi... bất ngờ. Một số mẩu chuyện sau đây là những ví dụ...

Nói gần nói xa chẳng qua... nói thật
Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên không thuộc trong số những người đánh giá cao bài thơ "Ngói mới", dù rằng có thời kỳ nó được đưa vào giảng dạy trong nhà trường và được xem như một bước tiến của thơ Xuân Diệu sau Cách mạng. Theo ghi chép của nhà phê bình văn học Hà Minh Đức thì trong một cuộc trao đổi về thơ, Chế Lan Viên có nêu nhận xét: "Bài thơ Ngói mới có ý hay, nhưng nếu cứ thế thì thêm hàng trăm câu cũng không khác".
Còn theo cuốn "Chuyện vui các nhà văn Việt Nam hiện đại" (NXB Thanh niên, 1990) của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi thì một lần, sau khi Chế Lan Viên đi công tác khu 4 về, Xuân Diệu hỏi người dân ở đó họ thích thơ ai nhất. Chế Lan Viên bình thản đáp: "Tôi có hỏi nhiều người thuộc nhiều tầng lớp. Ai người ta cũng bảo họ thích nhất thơ Bút Tre".
Xuân Diệu nghe vậy giãy nảy: "Trời ơi, thích nhất thơ Bút Tre! Cái thứ thơ "Mời bạn về thăm núi Con Voi/ Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi/ Voi cũng như người voi sản xuất/ Đầu thì nương sắn, đít nương khoai" ấy ư? Thị hiếu văn chương hỏng hết rồi". Tới đó, Xuân Diệu hỏi dồn, rằng sao Chế Lan Viên không hỏi trong thơ Bút Tre, người dân thích bài nào nhất.
Đến đây, Chế Lan Viên mới hóm hỉnh "thả" một câu: "Họ bảo họ thích nhất bài... Ngói mới". Thì ra, Chế Lan Viên muốn mượn câu chuyện hài hước ấy để... chê khéo bài thơ "Ngói mới" của Xuân Diệu. Xuân Diệu, mặc dù biết mình bị "bẫy" song chắc cũng chỉ... cười xòa.
Từ khen xuống chê cách nhau có... một chữ
Tác giả "Tây tiến" - nhà thơ Quang Dũng - thời kỳ làm biên tập viên Nhà xuất bản Văn học đã có cách từ chối bản thảo của một tác giả khá bất ngờ và độc đáo: Trước đó, ông cất lời... khen, nhưng là khen những thứ râu ria không liên quan đến chất lượng nghệ thuật.
Ông nói với tác giả: "Tôi đã đọc rất kỹ bản thảo của anh. Bản thảo có nhiều ưu điểm. Chữ đẹp, viết cẩn thận, sạch sẽ. Nói chung, các truyện anh viết đều... (nói đến đây, ông dừng lại rót nước mời khách. Trong khi vị khách ngỡ Quang Dũng khen mình viết... đều tay thì nhà thơ nói tiếp) không dùng được". Có thể nói, chỉ trong một câu nhận xét, tác giả "Tây tiến" đã khiến ông tác giả kia như đang từ trên trời rơi tõm xuống mặt đất vậy.
Chưa đủ để khen
Sinh thời, nhà phê bình văn học Hoài Thanh nổi tiếng là tao nhã, tế nhị trong việc phê thơ. Ông thường lựa lời để người bị chê ít cảm thấy thương tổn. Ấy là việc viết ra giấy trắng mực đen. Còn trong giao tiếp đời thường, khi cần ông cũng thể hiện rõ sự nghiêm khắc của mình.
Chuyện kể rằng, hồi ông còn làm Viện phó Viện Văn học, nhân đọc bản báo cáo tình hình văn học trong năm của một cán bộ trong Viện (người này có học vị Phó tiến sĩ), Hoài Thanh đã nhận xét: "Bài viết của anh có nhiều điểm đúng và nhiều điểm mới. Nhưng... những điểm đúng thì người ta đã nói, còn những điểm mới thì lại... sai".
Quả là một cách phê bình mang nét dí dỏm rất Hoài Thanh.
Chê để khen và khen để... chê?
Nhiều người đã biết, Nguyễn Tuân là nhà văn rất khó tính trong thẩm định văn chương. Để có được một lời khen của ông quả thật không hề dễ dàng. Ngay với nhà văn Tô Hoài, người có vị thế văn học và từng nhiều năm tháng quen thân nhau, song phải mãi sau này, nhân đọc một truyện ngắn mới của Tô Hoài trên Báo Sài Gòn giải phóng, ông mới viết thư cho tác giả, thể hiện sự ưng ý, tâm đắc của mình.
Trong hồi ký "Cát bụi chân ai", Tô Hoài có trích in một đoạn thư của Nguyễn Tuân gửi cho ông: "Tô Hoài. Mình thường ít khen ông - về cả con người, cả nhà văn. Nhưng đọc Sài Gòn giải phóng, 13 tháng giêng 1985, mình thấy có một cái gì mơi mới ở ông. Nhưng phải khen cái truyện ngắn khá dài, khá sâu rộng này. Người thật việc thật trong chuyện này có thật không, hoặc có thì tới mức nào, đối với tôi không quan trọng. Cái quan trọng là nó như thật".
Có người đọc trích đoạn thư này, xem như Nguyễn Tuân "chê để khen", để nhấn mạnh cái cảm xúc khi ông đọc được một truyện mà ông tâm đắc. Song cũng có người lại cho rằng, đó đồng thời là một cách khen để... chê của ông, bởi vốn dĩ, như Tô Hoài nhận xét, giữa Nguyễn Tuân và ông có "nhiều cái không bằng lòng", kể cả trong tính cách và trong thẩm mỹ văn chương.
Không chê kém mà chê... hỗn
Trong những cây đại thụ của làng thơ Việt Nam, Xuân Diệu vẫn được xem là một trong những người cẩn trọng (thậm chí còn rất khe khắt) trong việc khen - chê. Nếu như Chế Lan Viên còn chịu khó biểu dương phong trào thì hầu như Xuân Diệu chỉ đi vào nghiên cứu tìm hiểu tác giả, mà chủ yếu là những tác giả cổ điển.
Đối với anh em trẻ, cũng có khi ông viết nhận xét về họ qua các cuộc thi thơ, nhưng chủ yếu là nhìn từ góc độ những chỗ chưa đạt để nhắc nhở anh em nghiêm túc hơn khi vào nghề viết. Phải nói, những lời phê bình của ông rất có ý nghĩa vì đa phần đều xác đáng.
Trong cuộc thi thơ 1972- 1973, báo Văn Nghệ in bài "Bà" của một cây bút trẻ. Xuân Diệu nhận định: "Tác giả bài Bà vì quá vô ý mà phạm phải nhiều lần vô lễ (ở trong thơ) đối với bà".
Khi cây bút trẻ nọ viết:
Đất màu nâu, da bà cũng màu nâu
Xuân Diệu phê: "Bà nội, bà ngoại đâu có phải một chiếc ấm đất mà nói cộc lốc như vậy. Anh lại càng vô lễ khi nói với bà rằng: mặt của bà nếp nhăn nhiều như mặt lúa khô queo".
Đến câu:
Giờ cây lúa đổi mùa thay hạt
Bà ơi, bà có trẻ thêm
Xuân Diệu bực bõ nhận xét: "Nếu cháu có hiếu thì cháu cứ khẳng định: cây lúa đổi mùa thay hạt, bà của cháu như cũng trẻ thêm ra. Chứ theo tôi nghĩ, hỏi như tác giả hỏi, là xấc láo với bà".
Câu "Ủ cho cháu là rừng cây đằm thắm/ Phải tay bà quàng đến sau lưng", Xuân Diệu than thở: "Chao ôi, tại người viết quá ư vô ý tứ chứ không phải tại tôi muốn sinh chuyện. Đáng lẽ có thể nói "ấm áp như tấm lòng của bà vẫn theo cháu mà ấp ủ", chứ cháu trai đã 19, 20 tuổi, có thể nói "bà mừng rỡ quá ôm chầm lấy cháu", chứ sao lại viết tỉ mỉ "Bà quàng cánh tay qua sau lưng".
Mới thấy, ở đây, Xuân Diệu không cần nói nhiều về nghệ thuật dựng tứ hay dùng từ, ông chỉ nói về cách xử sự đời thường, chỉ cần vậy thôi mà bài thơ bị ông phê đã hoàn toàn... đo ván.
Hơn cả phê bình
Năm ấy, tập thơ "36 bài tình" của hai tác giả nọ ra đời. Nhiều anh em làng văn tỏ ra rất khó chịu, cho rằng đây là một cuốn sách lập dị, tắc tị, mà sự chồng chất các câu chữ vô nghĩa lý của nó là một sự xúc phạm với thi ca. Nhiều bài phê bình đã được các báo in ra.
Và vấn đề lại tiếp tục được nêu lên tại cuộc họp bàn về thơ ở 19 Hàng Buồm- trụ sở Hội Văn nghệ Hà Nội. Tôi còn nhớ hôm ấy có nhà phê bình đã đọc cả bài viết rất cặn kẽ của mình để chỉ trích tập thơ ấy. Đến gần cuối buổi, nhà thơ Trần Ninh Hồ bỗng đứng dậy phát biểu. Câu nói của anh làm tất cả mọi người đều ngạc nhiên:
- Vừa rồi, tôi nghe đâu công nhân nhiều nhà máy in đang đòi sang làm việc ở cơ sở in tập thơ kia.
Mọi người ngơ ngác chưa hiểu ra sao, thì Trần Ninh Hồ giải thích:
- Là vì họ bảo họ rất thích được in những tập như thế này. Họ có thể xếp chữ nhầm lẫn lung tung, chữ nọ ghép với chữ kia chẳng ra nghĩa gì, mà cũng không sao cả. Vì bản thân chữ nghĩa của tác giả cũng vốn đã như vậy...
Mọi người cười ồ, thầm khen sự thông minh của nhà thơ.
Chê thơ bằng cách chơi chữ qua... tên sách
Trong các nhà thơ đương đại, Trần Đăng Khoa là người có biệt tài trong việc thể hiện sự khen - chê của mình qua một cách nói hết sức độc đáo. Anh từng nhận xét về cái ưu và cái nhược của một tác giả lớp trước: "Khi cần ngắm ông ở thể loại này, lại thấy ông lấp lánh sáng ở thể loại khác. Cũng vì thế, có nhà phê bình chẳng biết xếp ông vào đâu".
Với nhà thơ Trúc Thông, tác giả hai tập thơ "Chầm chậm tới mình" và "Maratông" (trong đó có bài thơ lục bát "Bờ sông vẫn gió" được nhiều bạn đọc yêu thích), Trần Đăng Khoa đã có cách chơi chữ rất dí dỏm, thông minh, qua đó phần nào thể hiện được sự "đong đếm" của anh: "Sau Chầm chậm tới mình, Trúc Thông bắt đầu chạy Maratông.
Có lẽ do mặc cảm, lại lo ngại đường xa, nên anh chạy quá nhanh. Nhanh đến mức tất cả thành lòa nhòa. Anh chẳng còn nhìn thấy ai, và cũng chẳng để ai nhìn rõ anh. Có điều, cái đích mà anh cần tới lại nằm xa dần ở phía... sau lưng: Bờ sông vẫn gió" (theo "Chân dung và đối thoại" - NXB Thanh niên, 1999). Những cách phê bình như thế không chỉ hấp dẫn độc giả mà còn gửi gắm được quan điểm của tác giả, và điều quan trọng là chính cách nói vui vui ấy khiến người bị phê cũng dễ... tiếp nhận hơn
Tường Du

0 nhận xét :